Trong đầu của Đức Phanxicô: Các suy nghĩ của Vatican

Được bầu chọn ngày 13 tháng 3 – 2013 trong cương vị đứng đầu Giáo hội công giáo sau khi Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm. Ngài chọn tên Phanxicô, Franciscus trong tiếng la-tinh, để nhớ đến Thánh Phanxicô Assisi, nhà sáng lập Dòng Anh em Tiểu đệ lấy cầu nguyện, khó nghèo, rao giảng Tin Mừng và yêu Tạo vật làm kim chỉ nam. Thánh Phanxicô được Đức Giáo hoàng Gregory IX phong thánh năm 1228, đó là cả một biểu tượng! Đức Jose Mario Bergoglio, sinh ngày 13 tháng 12 năm 1936 ở Argentina, Hồng y giáo phận Buenos Aires và là tu sĩ Dòng Tên.

Từ khi ở ngôi Thánh Phêrô, ngài là giáo hoàng thứ 266, Đức Phanxicô tạo một phong cách quản trị mới, thích ứng với các thách thức của thế kỷ 21. Ngài nhận ra mình có ơn gọi năm ngài 17 tuổi, chịu chức linh mục năm 1969, khi còn nhỏ, có khi ngài đã phải nếm các khó khăn của thế giới vật chất. Buộc phải làm các nghề lặt vặt không phải lúc nào cũng dễ như dọn dẹp, canh gác trong một hộp đêm tồi ở Cordoba, ngài nhanh chóng ý thức sự khốn khổ của con người trong mọi mức độ của nó.

Điều này thúc đẩy ngài dấn thân trên con đường đức tin với một sức mạnh thiêng liêng rất mãnh liệt, và vì thế đã cho phép ngài bước lên các bậc thang trong thứ trật Giáo hội để làm chứng cho một tình yêu đích thực và một lòng trung tín không rạn nứt.

Phải thừa nhận trong khi thực thi chức vụ linh mục của mình, ngài đã bị chỉ trích một cách không đúng vì đã thân với chế độ độc tài quân phiệt ở Argentina từ năm 1976 đến 1983, đây là chủ đề của nhiều cuộc tranh cãi. Nhưng trên thực tế, các sự kiện này chưa bao giờ được chứng minh đầy đủ, nhanh chóng bị Tòa Thánh bác bỏ và qua nhiều lời chứng thời đó mang lại một phiên bản hoàn toàn khác với sự việc. Về phần mình, với xác tín sâu xa, ngài không để mất thì giờ trong việc tổ chức sứ mệnh phổ quát của mình.

Đức tin không nghịch với lý trí!

Như Thông điệp Ánh sáng Đức tin được công bố ngày 5 tháng 7 năm 2013, chỉ 5 tháng sau khi được bầu chọn, Đức Phanxicô đã đưa ra một cái nhìn mới về việc tuân thủ đức tin trên thế giới. “Đức tin cuối cùng lại bị đồng hóa với bóng tối. Chúng ta nghĩ có thể giữ được đức tin, tìm cho đức tin một khoảng không gian để đức tin có thể cùng ở chung với ánh sáng của lý trí.

Khoảng không gian để đức tin được mở ra nơi lý trí không thể làm sáng tỏ, nơi con người không còn có xác quyết nữa. Vì thế đức tin được hiểu như một bước nhảy vào khoảng trống mà chúng ta nhảy vào vì thiếu ánh sáng, vì bị thúc đẩy bởi một cảm nhận mù quáng hoặc như ánh sáng chủ quan có thể sưởi ấm quả tim, mang lại niềm an ủi riêng tư, nhưng không thể tự hiến cho người khác như ánh sáng chung và khách quan để soi sáng tiến về con đường”.

Những lời nói đặc biệt rõ ràng và mang tính độc đáo, cân nhắc việc mất đi các chuẩn mực đạo đức của nhân loại, nhưng còn hơn nữa là ý chí muốn thoát khỏi ánh sáng thiêng liêng, ánh sáng dẫn con người đến một số phận hạnh phúc và công bằng hơn. Cái nhìn về đức tin như thế này là thành trì chống lại sự bất hợp lý làm mất đi tính cách thiêng liêng của con người mà thế giới hiện tại chứng kiến một sự giả hình không thể tưởng tượng và bẩn thỉu.

Về điểm này, ngài vô cùng nhân từ và viện đến các tác phẩm thiêng liêng, nhưng Đức Phanxicô còn là người thấm nhuần văn chương tinh tế, độc giả sáng suốt của triết gia

Nietzsche, của các văn hào Dostoïevki, Jorge Luis Borgès trong số các văn hào khác – ngài cố gắng cảnh báo, với lòng trắc ẩn cho nguy cơ cận kề khi con người vượt qua một số giới hạn nhất định của sự tồn tại.

Trật tự thế giới đang bị đe dọa! Con người đã đuổi Chúa!

 Tuy vẫn trích dẫn dồi dào các vị tiền nhiệm của mình, nhưng hai năm sau, năm 2015 Đức Phanxicô bước qua một mốc mới khi ngài công bố Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato si về việc bảo vệ ngôi nhà chung. Ngài mong mang đến một thông điệp khai sáng và có phần đổi mới mang tính chất phổ quát, một lần nữa ngài trích dẫn Thánh Phanxicô như một gương mẫu trong lãnh vực này: “Sự vĩ đại và vẻ đẹp của các tạo vật làm cho chúng ta phải liên tưởng suy ngẫm đến Tác giả của chúng” (SGD, 13, 5). “Đoạn 13 – Thách thức cấp bách để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta bao gồm mối quan tâm kết hợp toàn gia đình nhân loại trong việc tìm cách phát triển bền vững và toàn diện, vì chúng ta biết mọi thứ có thể thay đổi”.

Một đoạn xa hơn, “đoạn 27 – Chúng ta nhận thức rõ về việc không thể duy trì mức tiêu thụ hiện tại ở các nước phát triển nhất và các khu vực giàu nhất của xã hội, nơi thói quen tiêu thụ và vứt bỏ đã đạt đến mức chưa từng thấy. Đã vượt quá giới hạn khai thác của hành tinh và chúng ta không giải quyết được vấn đề nghèo đói.”

Điều mà Đức Phanxicô kêu gọi dưới ánh sáng của một đức tin nóng bỏng, nơi thực sự có lo lắng, nhưng chắc chắn không có sự buông bỏ. Ngài tuyên bố những gì mình phải tuyên bố, nhân danh Giáo hội mà không quan tâm đến những người khoác lác nói về sự suy tàn hoàn vũ của con người. Đúng là có 10% dân số thế giới sống dưới mức nghèo khổ và sự bất bình đẳng không ngừng gia tăng kể cả trong các quốc gia phát triển nhất (nước Pháp có đến 9 triệu người nghèo, đủ để cười hay khóc!), chúng ta thực sự có thể đặt câu hỏi về sự phân phối và nơi nào là nơi đến của các nguồn của cải trên các châu lục, dù phương Tây dường như được bảo vệ tốt. Điều đó không có nghĩa là chúng ta được cứu.

Trong ánh sáng của hy vọng và của suy nghĩ!

Ký giả Caroline Pigozzi, chuyên gia về Vatican của báo Paris Match, tác giả nhiều sách trong ngành, bà theo dõi rất sát Đức Giáo hoàng phi thường này, bà vừa xuất bản quyển Phanxicô, sách bỏ túi, các suy nghĩ của Đức Phanxicô (François en poche, les pensées du Pape François) dưới hình thức cẩm nang rất dễ đọc, dành cho “tất cả những người thiếu điểm chuẩn và cần sự soi sáng của một Giáo hoàng mà tính trung thực và liêm chính trí tuệ là điều không khoan nhượng”.

Trong một phỏng vấn với bà Claire Guigou, tác giả tuyên bố: “Tôi nghĩ sau thời gian cách ly, các lời của giáo hoàng có thể là điểm chuẩn. Qua lời của ngài, ngài truyền đạt một tinh thần lạc quan và hy vọng, và đó là điều tôi mong muốn đưa ra. Tôi muốn đưa ra các câu có thể giúp những người đang buồn bã ra khỏi đau khổ của họ. Quyển sách này không nhằm hoán cải nhưng đúng hơn là đưa ra cho bất cứ ai để họ cảm nghiệm lời của giáo hoàng mà không cần phải đi lễ mỗi ngày.”

Trong lời nói đầu tác phẩm của mình, bà cho biết bà rất ấn tượng với Đức Phanxicô, người bà đã tháp tùng trong 28 chuyến tông du trên các nước, bà cũng được ngài tiếp kiến nhiều lần, bà cho biết: “Chính xác, làm việc có phương pháp, thực dụng, ngài dựa vào trực giác của mình. Sự phân định, linh đạo rất xây dựng của Dòng Tên mang đến cho ngài sự tự do thực sự, để ngài tố cáo một số lỗi lầm và tội lỗi của thế giới hiện tại, bao gồm tham nhũng, thờ tiền bạc, khinh miệt người bản địa, số phận đau đớn của người di cư, người vô gia cư.”

pape-frncois-pensees.jpg
Phanxicô, sách bỏ túi, các suy nghĩ của Đức Phanxicô
(François en poche – Les pensées du Pape, Caroline
Pigozzi, nxb. Cherche Miễn dịch)

Ngài đã viết: “Vai trò của tâm hồn là nâng đỡ thể xác, là ký ức lịch sử và lương tâm của nó”, nhưng ngài vẫn không nhân nhượng với các vấn đề liên hệ đến thế giới đương đại như hôn nhân các linh mục, phong chức cho phụ nữ, phá thai, hôn nhân đồng tính, nhưng ngài không lên án thái quá một số thực hành nào đó. Trong trường hợp của ngài, chính trí thông minh và lòng khiêm nhường đã làm nổi bật triều giáo hoàng đáng kinh ngạc của ngài, để ngài tiếp tục bảo vệ nhân loại, ngay cả khi nó bị đe dọa bởi các cơn chấn động cánh chung.

 

 

Marta An Nguyễn dịch

(phanxico.vn 03.07.2020tualitte.com, Jean-Luc Favre, 29.06.2020)