Trẻ quê và những tấm lòng

Những đứa trẻ ở quê tôi không được may mắn như bao trẻ khác. Có đứa như cả thời tuổi thơ của chúng chẳng biết sài thành phố thị ở nơi đâu. Giản đơn vì cha mẹ chúng cả ngày lam lũ, bán lưng cho trời, bán mặt cho đất để tìm kế sinh nhai.

Mỗi năm, có 1 ngày gọi là cái ngày “Tết Trung Thu” là ngày đặc biệt dành cho trẻ bé. Và rồi, lũ trẻ trong xóm quanh nhà tôi hay vùng lân cận được hưởng nhờ ngày Tết của chúng nhờ những tấm lòng.

Trước Tết Trung Thu cũng lâu lâu. Vì thương lũ trẻ, một nhóm rất chân tình đã tìm đến để “mục thị sở tại” để nhìn thấy các em cũng như những nhu cầu thực tế.

Còn cả tuần lễ nữa mới đến Trung Thu, nhưng vì tình thương quá lớn của nhóm bạn thuộc đủ các nhóm cũng đã tìm về vùng mảnh đất nhà quê này để làm cho các em được một bữa “thỏa mãn sự sung sướng”. Dù đường cũng dài và nhất là ngõ vào lại quá hẹp nên để đến nơi vui chơi với các em thì các anh chị cũng phải trải qua những nỗi nhọc nhằn khuyến mãi sau đoạn đường từ phố thị xuống đây.

Buổi tối hôm ấy, ông Trời không ưu đãi cho lắm bằng một trận mưa kéo dài từ chiều đến chập tối và đến cả giờ khại mạc đêm hội trăng rằm. Không đầu hàng với cảnh ngộ, mỗi người một tay và một việc được giao trước, các anh chị đã nhanh chóng chuyển “phương án tác chiến”. Và, chỉ cần một loáng là các gian hàng được bày biện và mọi sự cứ tiếp tục như không có chuyện gì xảy ra.

Dù trời mưa gió nhưng các anh chị thiện nguyện cũng như các em có một buổi tối gọi là Trung Thu thật mỹ mãn.

Cầm trên tay những món quà được gói ghém bằng những tấm lòng thơm thảo thật là vui. Đêm hôm ấy, các bé trở về nhà mình chắc có lẽ ôm theo trong giấc ngủ niềm vui của tuổi thơ.

Và rồi, ngày chính của Tết, một nhóm nữa cũng từ Sài Thành về miền quê này để cùng chung chia niềm vui với các em.

Nhóm đã tận tình đi “tiền trạm” để tìm hiểu vùng đất cũng như những sinh hoạt của trẻ bé ở đây. Anh trưởng đoàn còn nhiệt tình hứa sẽ góp 500 quyển tập ngoài 500 phần quà cho các em trong dịp Trung Thu.

Không chỉ một người, vài người nhưng vẫn còn đó có nhiều tấm lòng dù ở xa nhưng vẫn hướng về với những trẻ nghèo vùng quê. Họ rất mộc mạc, họ rất giản đơn để hỏi : “ở dưới đó các em cần gì ? ở dưới đó các em thích gì ?”.

Tôi cũng giản đơn để nói với họ : “Chuyện cần là quyển tập, cây viết và dụng cụ để đến trường cũng như một số em không có khả năng đóng học phí”.

Có người quen dự định gửi vài hộp bánh trung thu về quê nhà cho những kẻ ở nhà quê. Tôi bộc trực nói thẳng : “Tôi không dám ăn bánh Trung Thu vì quanh tôi vẫn còn đó những trẻ nghèo”. Tôi đùa vui là : “Cho tôi bánh Trung Thu kiểu đó ăn sao đặng ! Ăn vào nghẹn chết !

Sau lời đó, người thân thương đã gửi về cho trẻ nhỏ ít thùng rau câu cũng như quà cho chúng.

Trên chuyến xe gần đây về Sài Gòn có việc, lại có duyên gặp chàng trai còn khá trẻ.

Trong câu chuyện qua lại, chàng trai không ngần ngại cho biết rằng chàng là người đạo Công Giáo, thuộc giáo xứ Cầu Kho giáo phận Sài Gòn.

Biết tôi ở nhà quê vì nhìn tôi có vẻ cục mịch quê mùa, chàng trai mới dạm ý rằng nếu được thì dịp nào đó chàng trai cùng nhóm bạn thiện nguyện sẽ xuống chia sẻ với trẻ nghèo. Chàng trai cho biết rằng ngày 1 và 15 mỗi tháng, chàng cùng các bạn đã chung nhau lại để nấu những nồi cơm, nồi cháo hay nồi soup cho những bệnh nhân nghèo đâu đó giữa chốn thị thành.

Xuống xe, tạm biệt chia tay chàng trai trẻ, hình bóng của chàng trai khuất giữa dòng người đông đúc nhưng hình ảnh cũng như tấm lòng của chàng trai vẫn còn đâu đó.

Giữa cuộc sống bộn bề của nhiều nỗi lo toan cộng thêm với nhiều người tranh lắm kẻ giành thì vẫn còn đó, vẫn có đó những tấm lòng quan tâm, chăm sóc, sẻ chia với những trẻ em nghèo ở vùng quê cũng như người nghèo thành thị.

Trân trọng lắm những tấm lòng đó bởi lẽ họ xuất phát từ cái tâm thiện và đi đến với những người nghèo cũng với cái tâm thương. Đẹp và đẹp lắm những tâm hồn biết cho đi và quảng đại với người khác. Họ là những ánh sao lấp lánh giữa bầu trời đen tối của hơn thua giành giật. Ước gì có nhiều và nhiều tấm lòng như thế để sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh quanh ta.

Huệ Minh