LỄ KÍNH THÁNH TÊRÊXA HÀI ĐỒNG GIÊSU
Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu sinh ngày 02 tháng 01 năm 1873 tại Alençon, nước Pháp. Cha Ngài là ông Louis Martin và mẹ Ngài là bà Maria Gúerin. Năm 15 tuổi, Ngài gia nhập dòng kín Carmel ở Lisieux theo phép chuẩn của Đức Giáo Hoàng. Ngài qua đời ngày 30 tháng 9 năm 1897, sau 9 năm tu luyện trong dòng. Ngày 17 tháng 05 năm 1925, Đức Giáo Hoàng Pio XI tôn phong Ngài lên bậc hiển thánh và đặt làm quan thầy các xứ truyền giáo. Ngày 19 tháng 10 năm 1997, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong Ngài lên bậc tiến sĩ Hội Thánh. Ngài đã để lại cho Giáo hội một kho tàng thiêng liêng vô cùng quý giá, đó là “con đường thơ ấu thiêng liêng” qua cuốn nhật ký Một Tâm Hồn.
Tại sao một vị thánh chỉ sống trong bốn bức tường kín, cuộc đời chỉ vỏn vẹn có 24 năm mà Giáo Hội lại đặt làm quan thầy các xứ truyền giáo ngang hàng với Thánh Phanxicô Xavviê? Thiết nghĩ vì Ngài có một Tinh Thần Truyền Giáo thể hiện qua một tâm hồn luôn luôn khát khao phần rỗi linh hồn người ta.
Thật vậy, lòng khát khao truyền giáo đã nung nấu thánh nhân ngay từ khi còn ở trong gia đình và đặc biệt là trong 9 năm tu ở Dòng Kín Carmel. Ngài kể trong cuốn nhật ký Một Tâm Hồn rằng: “Con cảm thấy lòng con khao khát phần rỗi linh hồn người ta lắm; con muốn dùng hết tài, xuất hết lực, hy sinh mọi lẽ để cứu kẻ tội lỗi cho khỏi lửa hoả ngục”. Trong lá thư gửi cho 2 cha truyền giáo Ngài đã bộc lộ được tâm hồn khao khát truyền giáo của Ngài. Ngài viết : “…Cái điều mà con đêm mong ngày đợi là chinh phục nhân loại cho tình ái Chúa, con thú thật rằng : nếu ở trên thiên đàng con không thể tiếp tục mạnh mẽ việc đó, con thích ở lại nơi lưu đày này hơn là về chốn vui vẻ đời sau”.
Có lần Ngài tự vấn rằng: “Tại sao có biết bao người như những người mọi rợ đáng thương chẳng hạn, chết mà không hề nghe đến Tên Chúa …”.
Cho dù ở trong bốn bức tường kín, nhưng vì lòng khát khao phần rỗi linh hồn người ta nên Ngài đã nghĩ ra cách thế để cứu giúp họ. Hai cách đặc biệt Ngài dùng, đó là cầu nguyện và hy sinh.
Về việc cầu nguyện: Khi còn ở gia đình, mỗi lần rảnh rỗi, Ngài tìm tới ở một góc nhà hay ở một nơi nào đó vắng vẻ để cầu nguyện. Ngài biến tất cả mọi biến cố, mọi cuộc gặp gỡ hằng ngày thành lời cầu nguyện. Ngài thích bố thí cho người nghèo không chỉ bằng của cải mà còn bằng lời cầu nguyện: Một hôm đi dạo với Ba, gặp một người tàn tật, chống nạng. Têrêxa chạy theo bố thí cho ông ta. Mặc dầu bị từ chối vì sự hiểu nhầm nào đó, nhưng Têrêxa vẫn hứa cầu nguyện cho ông. Và chính ngày rước lễ lần đầu, Têrêxa đã giữ lời hứa ấy.
Đọc báo biết tin một tử tội tên là Pranzini không chịu sám hối trước khi lãnh án tử hình. Ngài đã cầu nguyện, xin lễ. Cuối cùng, Chúa đã nhận lời. Tử tội Pranzini đã tỏ dấu ăn năn trước khi lên đoạn đầu đài. Đó là đứa con tinh thần đầu tiên của Ngài.
Rồi Ngài cầu nguyện cho các vị thừa sai, cho các linh mục, cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng…Ngài nói: “Con không thể quên cầu nguyện cho tất cả các vị thừa sai, không trừ một ai dù là Linh Mục không ra ngoại quốc truyền giáo, nhưng sứ vụ của các Linh Mục đôi khi cũng khó khăn không kém gì sứ vụ các tông đồ dân ngoại. Sau hết, con muốn làm con cái Giáo Hội như Mẹ Thánh Têrêsa và muốn cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha, vì ý của Người bao trùm tất cả thế giới. Đó là mục đích của đời con, nhưng không phải vì thế mà con không có thể cầu nguyện và kết hiệp đặc biệt với công việc của các thiên thần nhỏ yêu quý của con, nếu các anh làm Linh mục. Bởi vậy con đã kết hiệp cách thiêng liêng với các vị tông đồ mà Chúa Giêsu đã ban làm anh con, mọi công nghiệp của con là của các anh, con thấy rằng Chúa nhân lành luôn luôn chia sẻ hạnh phúc của Ngài cho thụ tạo. Ngài giàu có vô cùng, nên con xin gì Ngài cũng cho dư dật…”
Về việc hy sinh: Từ nhỏ, Têrêxa đã thích làm phúc cho kẻ khó, tập hãm mình, hy sinh. Đặc biệt, khi sống chung với chị em trong dòng, Ngài tập nín nhịn, tình nguyện giúp chị Pierre khó tính. Ngài sánh khổ đời này và sướng đời sau. Ngài biến cái dở thành cái hay, thắng mình khi khó chịu. Ngài biến đau khổ thành phương tiện yêu mến Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Ngài nói: “Nhặt một cái kim ở dưới đất lên vì lòng mến cũng có thể hoán cải một linh hồn.”
Ngài cho biết: “Trong việc kiểm điểm trước khi khấn dòng, con đã tuyên bố dưới chân Tế Vật Giêsu những gì con muốn gia nhập Dòng Carmêlô, đó là con gia nhập dòng này là để cứu các linh hồn, nhất là để nguyện cầu cho các linh mục. Khi người ta muốn đạt đến mục đích, họ cần phải sử dụng phương tiện; Chúa Giêsu đã làm cho con hiểu rằng chính nhờ khổ đau mà Người muốn ban cho con các linh hồn, và nỗi thu hút được chịu khổ đã gia tăng cân xứng với tình trạng gia tăng khổ đau” .
Tinh thần truyền giáo của chúng ta hôm nay?
Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi mình: Tinh thần truyền giáo của tôi lâu nay như thế nào? Phải làm gì để truyền giáo hôm nay? Phải thú nhận rằng, đa số người giáo dân Việt Nam chúng ta đang thụ động trong việc truyền giáo: giữ đạo, chứ chưa sống đạo, ý thức truyền đạo lại càng rất xa vời. Hằng năm, theo thống kế của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thì số người gia nhập đạo rất ít. Có chăng cũng chỉ là những người đạo vợ đạo chồng. Nguyên nhân chính có lẽ vì chúng ta không có Tinh Thần Truyền Giáo như thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu.
Trong lá thư mục vụ năm thánh Truyền giáo 2003, Hội Đồng Giám Mục mời gọi: “Hãy lên đường với nhiệt tình tông đồ…đó chính là tinh thần của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đi “Loan báo Tin Mừng cho người nghèo…”. Đó là tinh thần của các tông đồ sau ngày lễ ngũ tuần, mở tung cửa ra đi đến với mọi người, tới một chân trời để làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh. Đó là tinh thần của các cộng đoàn tín hữu tiên khởi, sống hoà thuận thương yêu nhau, và rao truyền đức tin trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Đó là tinh thần của các vị thừa sai ra đi, đến với mọi đất nước, dù khác biệt về ngôn ngữ, chủng tộc, văn hoá, tôn giáo…”.
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng đưa ra một số việc làm cụ thể như sau: Đến với những môi trường đang cần ánh sáng Tin mừng. Bằng những phương tiện phù hợp với con người hôm nay. Bằng những việc làm cụ thể: cầu nguyện, nêu gương sống lương tâm công giáo, thăm viếng thân hữu các thành viên tôn giáo bạn. Trao đổi với người ngoài công giáo với một đề tài chung. Thiết lập ban truyền giáo tại các giáo xứ, kết nghĩa, làm việc bác ái.
“Anh em hãy đi khắp thế gian, loan báo tin mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”(Mt 9,37-38). Ước gì lệnh truyền và lời mời gọi này của Chúa Giêsu chất vấn cuộc sống đạo của chúng ta, thôi thúc tâm hồn tông đồ và hướng dẫn mọi hoạt động và kinh nguyện của chúng ta. Để qua ta, mọi người được nhận biết Chúa, được lãnh nhận ơn cứu độ. Amen
Lm. Anthony Trung Thành