|
Đọc cuộc đời của tổ phụ Abraham chúng ta thấy Thiên Chúa đã kêu gọi ông bỏ quê cha đất tổ, gia đình tại thành Ur bên Iraq ngày nay, bỏ cuộc sống thành thị định cư để lên đường sống cuộc đời du mục và đến một vùng đất Thiên Chúa sẽ chỉ cho ông. Abraham tín thác nơi Chúa và lên đường ra đi, mặc dù ông không có bất cứ dấu chỉ và bảo đảm cụ thể nào. Trình thuật kinh thánh chỉ cho biết Thiên Chúa phán với ông và truyền cho ông làm điều này điều nọ. Và đây là một trong những nét đẹp nhất: Thiên Chúa liên lỉ nói chuyện với tổ phụ một cách rất thân tình, và hướng dẫn ông như một người bạn. Chương 15 sách Sáng Thế nói Thiên Chúa phán với ông trong một thị kiến, hứa sẽ cho dòng dõi ông đông như sao trên trời cát dưới biển. Nhưng trong chương 17 soạn giả viết: “Khi ông Apram được 99 tuổi, Chúa hiện ra và phán với ông. Ngài lập giao ước với ông và lập lại lời hứa cho ông dòng dõi đông đúc. Ông sẽ là cha của vô số các dân tộc. Và việc cắt bì nam giới là dấu chỉ của giao ước ghi trên da thịt nam giới thuộc dân Chúa chọn. Thiên Chúa đổi tên ông thành Abraham và Sarai vợ ông thành Sara. Chương 18 sách Sáng Thế kể lại biến cố Thiên Chúa hiện ra với ông Abraham tại cây sồi Mamrê, trong hình dạng ba khách bộ hành, và hứa sang năm cũng vào quãng này ông sẽ có con trai. Ba người khách lạ đó là hình ảnh của Thiên Chúa. Sau này các nghệ sĩ vẽ icone, tức ảnh trên gỗ, coi đó là hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Cuộc đối thoại và mặc cả giữa tổ phụ Abraham với Thiên Chúa liên quan tới việc đánh phạt hai thành Sodoma và Gomora lại là một nét đẹp khác trong cuộc đời tổ phụ. Abraham bầu cử cho người ngay lành thánh thiện và xin Thiên Chúa đừng đánh phạt họ với người tội lỗi. Tuy ông hạ số người ngay lành thánh thiện xuống 10 người, nhưng đã không tìm được. Thiên Chúa đã chỉ cứu gia đình ông Lốt là cháu của tổ phụ.
** Nhân vật thứ hai trong Thánh Kinh được Thiên Chúa hiện ra và nói chuyện thân tình là ông Môshê. Ông Môshê là con của một người thuộc dòng họ Levi. Hồi đó Pharaô Ai Cập ra lệnh giết hết các con trai của người Do thái, và chỉ để cho con gái sống sót. Bà mẹ ông Môshê vì thương con nên giấu con trai. Đến lúc không giấu được nữa bà bỏ con vào cái thúng và thả ngoài sông Nil, rồi cho con chị đi theo xa xa để xem chuyện gì sẽ xảy ra cho em nó. Công chúa Ai Cập xuống sông tắm trông thấy cái thúng mới sai các nàng hầu vớt vào, mở ra thì thấy một bé trai đang khóc. Công chúa biết là con của người do thái. Nàng đặt tên cho nó là Môshê, nghĩa là “được cứu khỏi nước”. Chị nó mới thưa với công chúa là nếu muốn nó sẽ gọi người nuôi đứa trẻ cho. Công chúa đồng ý, thế là nó đi gọi mẹ nó. Công chúa giao đứa bé cho bà nuôi, rồi đem vào cung cho bà. Môshê trở thành hoàng tử con nuôi của công chúa. Khi đã lớn một hôm Môshê đi thăm công việc của người Do thái hồi đó đang phải chế gạch vất vả. Ông thấy một người Ai Cập đang đánh một người đồng bào của mình, nên giết hắn rồi vùi xuống cát. Hôm sau ông lại ra coi người Do thái làm việc, gặp hai người Do thái xô xát nhau, ông nói với nguời có lỗi: “Tại sao anh lại đánh người đồng chủng?” Người đó trả lời: “Ai đặt ông lên làm người lãnh đạo và xét xử chúng tôi. Hay là ông tính giết tôi như đã giết tên Ai Cập?”. Khi nghe biết chuyện, Pharaô tìm cách giết ông Môshê. Ông Môshê bỏ trốn và ở lại trong miền Madian, rồi lấy con gái của thầy tư tế Madian.
Chính khi chăn chiên cho bố vợ là Gítrô, ông Môshê được Thiên Chúa kêu gọi giải phóng dân Do thái khỏi kiếp sống nô lệ bên Ai Cập. Chương 3 sách Xuất Hành kể lại cuộc hiện ra của Thiên Chúa và biến cố Ngài tỏ lộ cho ông biết tên của Ngài như sau: “ Bấy giờ ông Mô-sê đang chăn chiên cho bố vợ là Gít-rô, tư tế Ma-đi-an. Ông dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi của Thiên Chúa, là núi Khô-rếp. Thiên sứ của Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Mô-sê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi. Ông tự bảo: “Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi? “ Chúa thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông: “Mô-sê! Mô-sê! ” Ông thưa: “Dạ, tôi đây! ” Người phán: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh.” Người lại phán: “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp.” Ông Mô-sê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa.
Chúa phán: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng.Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật, xứ sở của người Ca-na-an, Khết, E-mô-ri, Pơ-rít-di, Khi-vi và Giơ-vút. Giờ đây, tiếng rên siết của con cái Ít-ra-en đã thấu tới Ta; Ta cũng đã thấy cảnh áp bức chúng phải chịu vì người Ai-cập. Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập.”
** Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa: “Con là ai mà dám đến với Pha-ra-ô và đưa con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập? ” Người phán: “Ta sẽ ở với ngươi. Và đây là dấu cho ngươi biết là Ta đã sai ngươi: khi ngươi đưa dân ra khỏi Ai-cập, các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa trên núi này.”
Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa: “Bây giờ, con đến gặp con cái Ít-ra-en và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao? ” Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: “Ta là Đấng Hiện Hữu.” Người phán: “Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này: “Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em.”Thiên Chúa lại phán với ông Mô-sê: “Ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en thế này: Giavê, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia.” (Xh 3, 1-15).
Thiên Chúa hướng dẫn ông Môshê từng bước một. Sau khi đưa dân Do thái ra khỏi Ai Cập và vào sa mạc Sinai. Tại đây Thiên Chúa hiện ra với toàn thể dân Israel như kể trong chương 19 sách Xuất Hành: “Đến ngày thứ ba, ngay từ sáng, có sấm chớp, mây mù dày đặc trên núi, và có tiếng tù và thổi rất mạnh. Toàn dân trong trại đều run sợ. Ông Mô-sê đưa dân ra khỏi trại để nghênh đón Thiên Chúa; họ đứng dưới chân núi. Cả núi Xi-nai nghi ngút khói, vì Giavê ngự trong đám lửa mà xuống; khói bốc lên như khói lò lửa và cả núi rung chuyển mạnh. Tiếng tù và mỗi lúc một tăng lên rất mạnh. Ông Mô-sê nói, và Thiên Chúa trả lời trong tiếng sấm. Giavê ngự xuống trên núi Xi-nai, trên đỉnh núi. Người gọi ông Mô-sê lên đỉnh núi, và ông đi lên”.
** Sau khi dân Do thái đúc và tôn thờ con bò vàng, ông Môshê đã khẩn nài Thiên Chúa tha tội cho họ. Thiên Chúa sai ông đẽo hai bia đá mới và lên núi gặp Ngài để Ngài ban cho ông Lề Luật mới, vì ông đã nổi giận ném bể hai bia đá khi thấy dân thờ lậy con bò vàng. Chương 34 sách Xuất Hành kể lại biến cố Giavê hiện ra như sau: “Giavê ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông. Người xưng danh Người là Giavê. Giavê đi qua trước mặt ông và xướng: “Giavê! Giavê! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông.” Ông Mô-sê vội vàng phục xuống đất thờ lạy và thưa: “Lạy Chúa, nếu quả thật con được nghĩa với Chúa, thì xin Chúa cùng đi với chúng con. Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi của chúng con, và nhận chúng con làm cơ nghiệp của Ngài.”
Ông Môshê là người duy nhất đã được thưa chuyện mặt giáp mặt với Thiên Chúa trong 40 đêm ngày, nên khi ông xuống núi mặt ông sáng chói, khiến mọi người sợ hãi không dám lại gần ông, và ông phải che mặt đi, như viết trong chương 34 sách Xuất Hành: “ Ông Mô-sê từ trên núi Xi-nai xuống, tay cầm hai tấm bia Chứng Ước, khi xuống núi, ông Mô-sê không biết rằng da mặt ông sáng chói bởi đã đàm đạo với Thiên Chúa. Khi ông A-ha-ron và toàn thể con cái con Ít-ra-en thấy ông Mô-sê, thì này đây da mặt ông sáng chói, nên họ sợ không dám lại gần ông. Ông Mô-sê gọi họ: ông A-ha-ron và các đầu mục của cộng đồng trở lại với ông, và ông nói chuyện với họ. Sau đó, toàn thể con cái Ít-ra-en lại gần ông, và ông truyền cho họ tất cả những điều Giavê đã phán với ông trên núi Xi-nai. Nói với họ xong, ông lấy khăn che mặt đi. Khi vào trước nhan Giavê để đàm đạo với Người, thì ông bỏ khăn cho đến lúc trở ra; ông trở ra và nói lại với con cái Ít-ra-en những mệnh lệnh ông đã nhận được. Con cái Ít-ra-en nhìn mặt ông Mô-sê thấy da mặt ông sáng chói; ông Mô-sê lại lấy khăn che mặt, cho đến khi vào đàm đạo với Thiên Chúa. (Xh 34, 29-35).
TMH 496
Linh Tiến Khải
(RadioVaticana 30.12.2016)