Têrêsa Calcutta, vị Thánh của người nghèo
Thế giới nhắc đến 5 người Mẹ nổi tiếng trong lịch sử: Đức Mẹ Maria, được gọi là Mẹ Thiên Chúa; bà Cornelia Scipionis, mệnh danh là người Mẹ đức hạnh La Mã; bà Mary Harris Jones, người đấu tranh bảo vệ quyền lợi người lao động được gọi là Mẹ Jones; bà Chương Thị, mẹ của Mạnh Tử; và người thứ năm là nữ tu Agnes Gonxha Bojaxhiu, được cả thế giới xưng danh Mẹ Têrêsa Calcutta, sẽ được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tôn phong lên bậc Hiển Thánh vào ngày 4.9.2016.
Ngày lễ phong thánh Mẹ Têrêsa Calcutta được coi như một biến cố lớn trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, bởi cả cuộc đời của Mẹ đã diễn tả, thực hiện Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nơi tha nhân, đặc biệt nơi những người nghèo khổ.
Agnes Gonxha Bojaxhiu, sau này là Mẹ Têrêxa, sinh ngày 26.8.1910 ở Skopje, Macedonie, người Albani, là con út trong gia đình có 3 người con. Ông Nikola, người cha là một thương gia được trọng vọng ở địa phương, qua đời khi Agnes Gonxha Bojaxhiu mới được 8 tuổi. Người mẹ, bà Drana, một phụ nữ đạo hạnh, làm nghề thêu thùa như kế sinh nhai cho gia đình sau khi người chồng qua đời.
Khi lên 12 tuổi, lần đầu tiên Agnes mong muốn dâng đời mình để làm việc Chúa, hiến trọn đời mình cho Chúa để Người quyết định. Nhưng Agnes phải làm sao để biết chắc chắn là Chúa có gọi cô hay không? Agnes cầu nguyện nhiều rồi tâm sự với hai chị Aga, Lazar và mẹ mình. Cô cũng trình bày với vị linh mục giải tội, và đã được hướng dẫn là căn cứ trên niềm vui: “Nếu con cảm thấy thực sự hớn hở vui mừng với ý tưởng rằng Chúa có thể gọi con phục vụ Người và tha nhân, thì đấy là bằng chứng cho thấy rằng con có ơn gọi”.
Sau thời gian niên thiếu, Agnes Gonxha Bojaxhiu đã rời gia đình vào tháng 9.1928 để nhập Tu viện Loreto ở Rathfarnam (Dublin), Ái Nhĩ Lan, và trở thành thử sinh vào ngày 12.10.1928.
Agnes đã được nhà dòng Loreto sai đến Ấn Độ, tới Calcutta ngày 6.1.1929. Tại Ấn Độ, Agnes Gonxha Bojaxhiu nhập tập viện ở Darjeeling, khấn trọn đời vào ngày 14.5.1937, mang tên Têrêsa, tên của vị Thánh quan thầy là Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu.
Trong thời gian sống ở Calcutta vào thập niên 1930 và 1940, Têrêsa đã dạy ở trường trung học đệ nhất cấp dành cho nữ sinh ở Bengali. Mặc dù bận rộn với nhiệm vụ giảng dạy tại trường, Têrêsa vẫn quan tâm đến cuộc sống nghèo khổ của bao người tại Calcutta. Cạnh trường là một trong những khu ổ chuột lớn nhất Calcutta. Mẹ Têrêsa không thể nhắm mắt làm ngơ được: Ai chăm sóc cho những người nghèo sống lang thang trên đường phố đây? Tinh thần bác ái toát ra từ những bức thư của người mẹ nhắc lại tiếng gọi căn bản: hãy chăm sóc người nghèo. Nạn đói năm 1943 mang nhiều điều bất hạnh và chết chóc đến thành phố càng thúc đẩy Mẹ Têrêsa hơn.
Ngày 10.9.1946, trên chuyến xe lửa từ Calcutta đến Darjeeling, Mẹ đã nhận được điều Mẹ gọi là “ơn gọi trong ơn gọi”, đó là “làm giảm cơn khát vô cùng của Chúa Giêsu trên thập giá”, bằng “việc tận lực hoạt động cho phần rỗi và sự thánh hóa của thành phần nghèo nhất trong các người nghèo”. Người ta có thể thấy rõ hơn, sự lựa chọn này của Mẹ Têrêsa Calcutta khi chia sẻ cảm nghiệm về những người nghèo: “Vào một buổi tối kia, chúng tôi ra đường và thấy được bốn người. Một người trong họ hết sức thê thảm. Tôi nói với các chị em rằng: “Các con hãy chăm sóc 3 người kia; còn mẹ lo cho người tệ nhất ấy”. Thế là tôi đã làm tất cả những gì tình yêu của tôi có thể làm cho người phụ nữ này. Tôi đặt người phụ nữ ấy lên giường và chị đã nở ra một nụ cười tuyệt vời. Chị đã nắm lấy tay tôi nói lời duy nhất “cám ơn Mẹ”, rồi chị qua đời. Tôi không thể nào không xét mình trước chị phụ nữ ấy. Tôi ngẫm nghĩ: “Tôi sẽ nói gì nếu ở vào trường hợp của chị?”. Câu trả lời của tôi rất dễ thôi. Tôi sẽ nói rằng: “Tôi đói khát, tôi chết mất, tôi lạnh lẽo, tôi đau đớn” hay một câu nào đó. Thế nhưng, chị đã cho tôi còn hơn thế nữa. Chị đã cho tôi tấm lòng ưu ái tri ân của chị. Và chị đã chết với một nụ cười trên khuôn mặt”.
“…Tôi chỉ là cây bút chì của Chúa, để Ngài gởi bức thư tình yêu của Ngài cho thế giới…”
Sau trải nghiệm “ơn gọi trong ơn gọi”, Mẹ Têrêsa cầu nguyện, tham khảo ý kiến mẹ bề trên, và Đức cha Perrier – Tổng Giám mục Calcutta, về việc Mẹ muốn sống cùng với người nghèo. Tháng 8 năm 1948, Mẹ được phép rời cộng đoàn Loreto với điều kiện là tiếp tục tuân giữ các lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Mẹ Têrêsa khởi đầu sống giữa người nghèo, đã thay bộ áo truyền thống của dòng Loreto bằng trang phục sari giản dị với vải cotton viền xanh. Mẹ nhập tịch Ấn, và đi vào các khu nhà ổ chuột. Trước tiên, Mẹ Têrêsa mở một trường học ở Motjhil, rồi bắt đầu chăm sóc những người bần cùng đói khát.
Mẹ Têrêsa viết trong nhật ký rằng năm đầu tiên gặp vô số khó khăn. Vì không có nguồn cung ứng tài chính, Mẹ phải quyên góp thực phẩm. Trong những tháng đầu, Mẹ phải đấu tranh với sự hoài nghi, đơn độc và sự cám dỗ quay trở lại cuộc sống trong tu viện. Mẹ ghi : “Chúa muốn tôi phải là một nữ tu tự do ẩn mình dưới sự nghèo khó của thập tự giá. Hôm nay tôi học được một bài học hay. Sự nghèo khổ của người nghèo thật là nghiệt ngã. Trong khi tìm kiếm một ngôi nhà, tay chân tôi đau nhức vì đi bộ. Tôi suy nghĩ, người nghèo còn chịu đựng sự nhức nhối bội phần hơn trong thể xác và linh hồn khi tìm kiếm một chỗ trú thân, thức ăn và sức khỏe. Khi ấy, cuộc sống tiện nghi tại Loreto xuất hiện đầy quyến rũ. “Chỉ cần nói một lời, tất cả sẽ trở lại với cô”, Kẻ cám dỗ cứ tiếp tục nói… Chúa ôi, đây là sự tự nguyện, vì con yêu Chúa, con muốn ở lại và làm bất cứ điều gì theo Thánh Ý. Con không khóc đâu, dù chỉ một giọt lệ”.
Ngày 7.10.1950, hội dòng Thừa sai Bác ái được chính thức thành lập như là một tổ chức tu trì đối với Tổng Giáo phận Calcutta. Bấy giờ hội dòng mới có 12 người.
Suốt thập niên 1950 và 1960, Mẹ Têrêsa đã phát triển hội dòng Thừa sai Bác ái ở khắp nước Ấn. Ngày 1.2.1965, Đức Phaolô VI đã ban sắc lệnh khen tặng cho hội dòng bằng việc nâng lên cấp trực thuộc Tòa Thánh. Cơ sở đầu tiên của dòng được thành lập ngoài Ấn Độ là ở Cocorote, Venezuela vào năm 1965. Hội dòng này lan tới Âu châu (ở Tor Fiscale ngoại ô Rôma) và Phi châu (Tabora, Tanzania) năm 1968.
Từ hậu bán thập niên 1960 cho đến năm 1980, hội dòng Thừa sai Bác ái phát triển tại nhiều nơi khác trên thế giới như ở Úc,Trung Đông và Bắc Mỹ Châu, cũng như mở nhà tập đầu tiên ở Luân Đôn. Từ cuối thập niên 1980 đến hết cuối thập niên 1990, những cộng đồng mới được thành lập ở New York, Albania, Cuba và Iraq.
Trong những năm lớn mạnh đó, thế giới bắt đầu chú ý đến Mẹ và các công trình mà Mẹ khởi xướng. Mẹ nhận được nhiều giải thưởng như Giải Padmashri của Ấn Độ, năm 1962; Giải Hòa Bình của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, năm 1971; Giải Nêru vì có công thăng tiến nền hòa bình và sự thông cảm trên thế giới, năm 1972; Giải Nobel Hòa Bình, năm 1979.
Sau những chuyến đi cuối cùng đến Rôma, New York, Washington, vì tình trạng sức khỏe suy yếu, Mẹ Têrêsa trở lại Calcutta vào tháng 7.1997. Vào lúc 9 giờ 30 tối ngày 5.9.1997, Mẹ qua đời ở Nhà Mẹ của hội dòng. Thi hài của Mẹ được chuyển đến nhà thờ Thánh Tôma, gần nữ tu viện Loreto, nơi đầu tiên Mẹ đã đến Ấn Độ gần 69 năm trước. Hằng trăm ngàn người thuộc tất cả mọi tầng lớp và mọi tôn giáo trên thế giới đã tỏ lòng ngưỡng mộ Mẹ. Mẹ đã được quốc táng vào ngày thứ Bảy 13.9.1997, linh cữu được rước qua các đường phố Calcutta. Các vị tổng thống, thủ tướng, nữ hoàng và đặc sứ thay mặt quốc gia trên khắp thế giới đã hiện diện trong cuộc lễ an táng Mẹ.
Ngày 19.10.2003, nhân dịp phong Chân phước Mẹ Têrêsa Calcutta, dòng Thừa sai Bác ái đã mời 3.000 người vô gia cư dùng bữa cơm trưa tại Thính đường Phaolô VI, sau nghi lễ phong chân phước vào sáng Chúa nhật 19.10.2003. Ba ngàn vị khách được mời là những người thường ngày sống dưới sự che chở của nhà dòng. Trong lễ phong chân phước, Ban tổ chức cũng để dành mấy trăm ghế ngồi ở hàng ghế đầu dành cho người vô gia cư, vì chính Mẹ Têrêsa Calcutta ước mong phục vụ “những người nghèo túng nhất trong số người nghèo”.
QUỐC TRUNG