Tại sao chúng ta làm dấu thánh giá?

Một câu hỏi mà người Công Giáo nên biết câu trả lời.


Kết quả hình ảnh cho anointing of the sick pope“Chính Thánh giá làm cho Giáo hội được phong phú, sáng tỏa các dân tộc, gìn giữ sa mạc và mở cửa thiên đàng.” (Thánh Giám mục Proclus, Constantinople.)

Điều đầu tiên cha mẹ công giáo dạy cho chúng ta là làm dấu thánh giá. Một trong những dấu chỉ đẹp nhất của tôn giáo chúng ta; cử chỉ bắt đầu và kết thúc lời cầu nguyện trong nơi riêng tư cũng như ngoài quần chúng. Một dấu chỉ bên ngoài làm cho “chúng ta hướng về Chúa.”

Tham khảo Kinh Thánh

Tài liệu chứng minh nằm trong Kinh Thánh. Sách tiên gia Ê-dê-kien (9: 3-4) đã nêu ra: “Hãy rao khắp thành, khắp Giêrusalem, khắc dấu chữ thập trên trán những người đang rên siết khóc than về mọi điều ghê tởm đang xảy ra trong khắp thành.”

Chữ thập này là chữ Tav (Tav trong tiếng Hy Lạp, T của chữ latinh), chữ cuối cùng của mẫu tự hêbrơ có hình chữ thập. Những người được đánh dấu thuộc về Chúa, thuộc về thánh thiêng và bất khả xâm phạm. Trong sách Khải Huyền (7: 3), chúng ta cũng tìm thấy: “Xin đừng phá hại đất liền, biển cả và cây cối trước khi chúng tôi đóng ấn trên trán các tôi tớ của Thiên Chúa chúng ta.” Trong cả hai văn bản, đánh dấu trên trán có nghĩa là Cứu Độ mà không có sự cứu độ này, con người không được cứu.

Vào năm 211, Tertullian († 220) đã viết: “Dù chúng ta có lên đường, có thay đổi địa điểm, để về hay để đi, để ăn mặc, để mang giày, để xuống tắm, để vào bàn, để có ánh sáng, để ngồi xuống hoặc để đi ngủ, một cái gì đó chúng ta làm, thì chúng ta cũng làm dấu thánh giá trên trán”(de corona militis 3). Khi Tertullian viết đoạn văn này thì chứng tỏ làm dấu thánh giá đã là một phong tục lâu đời.

Nhiều văn bản Kinh Thánh ca tụng và suy tôn Thánh giá của Chúa Kitô:

Mt 10, 38: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy.”(xem Mc 8: 34; Lc 9, 23, 14, 27).

Mt 16, 24: “Rồi Đức Giêsu nói với các môn đệ: Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.”

Gl 2, 19: “Quả thế, tại vì Lề Luật mà tôi đã chết đối với Lề Luật, để sống cho Thiên Chúa. Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá.”

Gl 6, 14: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Chúa Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian.”

Dấu thánh giá là sức mạnh của Thiên Chúa

Thánh Hippolytus của thành Roma († 235) cũng cho biết trong đoạn ngài mô tả việc giữ đạo của các Kitô hữu trong thế kỷ thứ hai: “Trong mọi lúc, cố gắng làm dấu thánh giá một cách xứng đáng trên trán, bởi vì đó là dấu hiệu được biết đến và đã được chứng minh cho lòng mến để chống lại ma quỷ, nếu bạn làm điều đó với đức tin và không làm để cho người khác thấy mình, và đó là lá chắn để chống với khoa học. Khi lấy tay làm dấu trên trán và trên mắt, là chúng ta đẩy đi kẻ muốn tiêu diệt chúng ta. “(Truyền thống tông đồ 42).

Thánh Phaolô tôn vinh Thánh Giá: “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa.” (1 Cor 1: 18).

Chúng ta có thể và phải luôn luôn làm dấu thánh giá khi chúng ta cầu nguyện, nói chuyện với Thiên Chúa, xin Ngài gìn giữ mùnh. Đi vào nhà thờ hoặc một nơi thiêng liêng, chúng ta có thể làm dấu thánh giá để xin Chúa che chở. Điều quan trọng là ý chỉ cầu nguyện, là “hướng về Chúa”. Dấu thánh giá tự chính nó đã là lời cầu nguyện. Điều quan trọng là sốt sắng làm, không làm một cách mê tín.

Đứng trước Thánh Thể, chúng ta làm dấu Thánh Giá, nhưng đây không phải là chuyện bắt buộc; tuy nhiên buộc phải quỳ gối. Cũng không cần phải làm dấu thánh giá trước khi rước Mình Thánh Chúa vì chúng ta đã làm dấu thánh giá khi bắt đầu thánh lễ.

“… Từ ngày đó đến nay, Thánh giá được tôn vinh; đúng vậy, bây giờ Thánh giá vẫn còn dùng trong các dịp lên ngôi vua, phong linh mục, gìn giữ các cô trinh nữ, củng cố các tu sĩ khổ hạnh, thắt chặt quan hệ vợ chồng, tăng sức cho các góa phụ. Chính Thánh giá làm cho Giáo hội được phong phú, sáng tỏa các dân tộc, gìn giữ sa mạc và mở cửa thiên đàng. (Thánh Giám mục Proclus, Constantinople.) – Bài giảng cho ngày Chúa nhật Lễ Lá.

Ngày 14 tháng 9 hàng năm là ngày Giáo Hội kính Thánh Giá.

(Nguyễn Tùng Lâm dịch, phanxico.vn 12.12.2016/
fr.aleteia.org, Giáo sư Felipe Aquino, 2016-11-30)