Suy nghĩ về Tông huấn Amoris Laetitia

 Các mục tử phải là những người hết lòng tìm kiếm chân lý, giáo lý chính thống về tín lý và luân lý của Hội Thánh, để từ đó hướng dẫn và dạy dỗ Dân Chúa. Nắm vững đạo lý chính thống là điều đáng khen ngợi, nhưng các ngài còn phải lo bảo ban những khuyên bảo mục vụ quan trọng cấp thiết. Không thể đến ban lời chân lý cho dân chúng rồi bỏ đi và lấy thế làm đủ, đúng hơn, các ngài phải đồng hành với những người các ngài đã hướng dẫn, dạy dỗ, bằng cách dấn thân giúp đỡ đưa các chân lý ấy hoà vào cuộc sống của họ.

Đức giáo hoàng Phanxicô muốn các chân lý về hôn nhân, tính dục, và gia đình được công bố cách rõ ràng, nhưng ngài cũng muốn các thừa tác viên của Hội Thánh với lòng từ bi và hay thương xót vươn tay ra cứu giúp những người đang chiến đấu để đưa những chân lý ấy vào cuộc sống họ.

Về tính khách quan luân lý của hôn nhân, Đức giáo hoàng nói rõ ràng chắc chắn. Ngài quả quyết trình bày sự hiểu biết của Hội Thánh về hôn nhân đích thật là giữa một người nam và một người nữ, cả hai cùng cam kết dấn thân cho nhau trong sự trung thành mãi mãi, diễn tả tình yêu của họ và sự sẵn sàng đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban, và sự kết hợp ấy như là một bí tích của tình yêu của Đức Kitô đối với Hội Thánh (52, 71). Ngài cũng tỏ bày nỗi xót xa trước những đe dọa lý tưởng này của thời đại hôm nay, trong đó bao gồm: não trạng duy tương đối về luân lý (moral relativism), nền văn hoá phổ biến quy ngã thích tự yêu mình (cultural narcissism), ý thức hệ tự sáng tạo chính mình (self-invention), văn hoá khiêu dâm, văn hoá xã hội “đào thải” (throwaway society), v.v… Ngài rõ ràng kêu gọi người ta quan tâm đến giáo huấn của đức chân phước Giáo hoàng Phaolô VI trong thông điệp Humanae Vitae về sự liên kết thiết yếu giữa hai chiều kích kết hợp và sinh sản của tình yêu hôn phối (80). Hơn nữa, Đức giáo hoàng còn trích dẫn ý kiến đồng thuận của Thượng Hội đồng các Giám mục về Gia đình vừa qua, cho rằng quan hệ giữa những người đồng giới không thể được coi dù như là gần tương đương với quan hệ mà Hội Thánh gọi là hôn nhân (251). Đặc biệt, ngài cũng mạnh mẽ lên án các ý thức hệ muốn áp đặt ý kiến cho rằng phái tính (hay giới) chỉ là một khái niệm xã hội có thể thay đổi và vận dụng tự do theo chọn lựa của người ta (56). Ngài lập luận những động thái như thế là quên đi mối quan hệ đúng đắn của thụ tạo với Tạo Hoá của mình. Cuối cùng, mọi ngờ vực nào đó về thái độ của Đức giáo hoàng về sự bất khả phân ly của hôn nhân đều rõ ràng và trực tiếp bị đánh tan. Ngài nói: “Tính bất khả phân ly của hôn nhân – “Điều Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly” (Mt 19,6) – không nên hiểu như một ‘cái ách’ áp đặt lên con người, nhưng như một ‘quà tặng’ được ban cho những ai kết hợp với nhau trong hôn nhân (62).

Trong một phần đặc biệt đánh động của Tông huấn, Đức giáo hoàng Phanxicô giải thích bài ca đức ái nổi tiếng trong Thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô (90-119). Theo thánh Tông đồ Phaolô, nhà truyền giáo vĩ đại, tình yêu trước hết không phải là một cảm xúc (94) nhưng là một ý chí dấn thân muốn thể hiện một số điều có tính dứt khoát và thách thức: nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, không vênh vang tự đắc, loại bỏ ghen tị, đua tranh, luôn tin tưởng, hy vọng, tha thứ. Với cung giọng của một mục tử hiền phụ, Đức Thánh Cha Phanxicô dạy các cặp hãy bước vào đời sống hôn nhân bằng một tình yêu, theo nghĩa đậm sâu và đòi hỏi nhất, phải ở trung tâm của mối quan hệ vợ chồng và gia đình. Đây là phần quan trọng cần phải học trong các chương trình chuẩn bị hôn nhân của Hội Thánh. Đức Phanxicô nói nhiều về vẻ đẹp và sự toàn diện của hôn nhân. Nhưng nên lưu ý đừng giảm thiểu, pha loãng đi hoặc thỏa hiệp với lý tưởng nói đến trong bản văn này.

Tuy nhiên, Đức giáo hoàng cũng thành thật nhìn nhận rằng thực tế rất nhiều người sống thiếu lý tưởng, không hoàn toàn hội nhập tất cả các chiều kích của hôn nhân theo nghĩa của Hội Thánh. Ngài không theo đường lối chỉ biết lên án, nhưng xem Hội Thánh như một bệnh viện dã chiến hiện diện chính là để cứu chữa và chăm sóc người bị thương tích (292).

Theo hướng đó, ngài đề xuất hai hướng chăm sóc mục vụ cơ bản. Thứ nhất, chúng ta có thể nhận thấy, cả trong trường hợp của những mối kết hợp về khách quan là trái quy tắc hoặc bất toàn, một số yếu tố tích cực tham dự trong tình yêu hôn nhân đầy đủ. Bởi thế, một cặp chẳng hạn sống với nhau không hôn phối mà lại biểu lộ sự chung thủy, một tình yêu sâu sắc, và có con cái, v.v… Hội Thánh, chú ý đến những dấu hiệu tích cực này, có thể theo “luật tiệm tiến” dần hướng dẫn những cặp này tiến đến một quan hệ hôn nhân đích thực và trọn vẹn (295). Điều đó không có nghĩa là ta nói: sống chung là được phép và hợp với ý Chúa; nhưng là nói: có lẽ Hội Thánh có thể tìm thấy được một phương cách hấp dẫn hơn để hướng người ta trong hoàn cảnh đó đến sự hoán cải.

Thứ hai (ở đây chúng ta sẽ đề cập đến phần chắc chắn gây bàn cãi nhất) là hướng sử dụng sự phân biệt cổ điển của Giáo hội giữa phẩm chất khách quan của một hành vi luân lý và trách nhiệm chủ quan của chủ thể luân lý phạm hành vi ấy (302). Đức giáo hoàng nhận xét rằng nhiều người trong các hôn nhân dân sự sau một lần ly dị thấy mình ở trong một tình cảnh ràng buộc hầu như không thể gỡ. Nếu cuộc hôn nhân thứ hai của họ chứng tỏ có sự trung tín, giàu sức sống và sinh hoa kết trái, làm sao họ có thể rời bỏ nó mà thực sự không tạo thêm lỗi tội và gây thêm sầu buồn? Dĩ nhiên điều này không có ý nói cuộc hôn nhân thứ hai của họ về khách quan là chính đáng, nhưng muốn nói rằng họ có thể được giảm khinh trong quy tội vì lý do những áp lực, khó khăn, hoàn cảnh lưỡng nan của họ. Đức giáo hoàng áp dụng ở đây sự phân biệt đã nói: “Bởi thế người ta không thể nói rằng tất cả những người đang ở trong một hoàn cảnh gọi là ‘trái quy tắc’ là đang sống trong tình trạng tội trọng, mất ơn thánh hoá” (301). Như thế, thừa tác viên của Giáo hội không thể giúp những người ấy, trong nhà xứ mình hay trong toà giải tội, biết phân định mức độ trách nhiệm luân lý của họ được hay sao? Một lần nữa, chúng ta khẳng định không chạy theo não trạng “ba phải” dĩ hoà vi quý, mà cũng không chối bỏ một hôn nhân dân sự sau khi ly dị là trái quy tắc khách quan.

Niềm Vui của Tình Yêu (Amoris Laetitia) liệu sẽ giải quyết các vấn đề này cách yên ắng hay không? Nhưng Tông huấn này là một lý giải cân bằng khéo léo và gây ấn tượng giữa nhiều ý kiến tham luận thường cũng trái ngược nhau. Với đường lối như thế đó, Tông huấn sẽ phục vụ rất tốt giúp cứu vãn nhiều linh hồn đau khổ đến với “bệnh viện dã chiến”.

(Theo Giám mục Robert Barron, WORD on FIRE)

Luy Nguyễn Anh Tuấn