Lạy Cha, xin tha cho họ,
vì chúng không biết việc họ đang làm
(Lc 23,34).
Lm. Nguyễn Ngọc Thế SJ.
Lời đầu tiên trên Thánh Giá Chúa Giê-su nói, nằm trong bài thương khó của Phúc Âm thánh Lu-ca (Lc 22,1 – 23,56). Trong Phụng Vụ, bài thương khó này được đọc vào Chúa Nhật lễ Lá – năm C. Lời đầu tiên này ở trong bối cảnh quân lính dẫn Chúa Giê-su tới Đồi Sọ, và chúng đóng đinh Ngài vào thập giá. Với Ngài cũng có hai tên gian phi cùng bị đóng đinh, một tên bên trái và một tên bên phải (Lc 23, 33-34). Sự kiện này được cả bốn Tin Mừng thuật lại. Tuy nhiên, chỉ có Lu-ca nhắc đến câu nói của Chúa Giê-su Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ đang làm.
Đồi Sọ gợi lên một đồi trọc, không cây cối. Nơi hành hình được định vị ngoài thành thánh. Vùng đất thánh được bao bọc chung quanh, là một khu vực thánh không được xác nạn nhân làm ô uế. Nhưng nơi hành hình này gần cửa thành Giê-ru-sa-lem, vì chính quyền muốn những khách bộ hành trông thấy những nạn nhân hấp hối để răn đe.
Như thế, chúng ta có trước mắt một khung cảnh là Đồi Sọ, tại đó Chúa Giê-su chẳng có tội tình gì, lại bị đóng đinh giữa hai tên gian phi, hai tội nhân bị kết án tử. Điều này diễn tả về sự nhục nhã hết sức mà Chúa Giê-su phải chịu, nhưng đó là số phận của người tôi trung“đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân” (Is 53,12). Nếu chúng ta lắng nghe cả bài thương khó của Lu-ca, sẽ thấy Chúa đã nhắc lại sấm ngôn này cho các môn đệ, khi ở trên đường từ Bữa Tiệc Ly đến vườn Ô-liu: “Vì Thầy bảo cho anh em hay: cần phải ứng nghiệm nơi bản thân Thầy lời Kinh Thánh đã chép: Người bị liệt vào hàng phạm pháp. Thật vậy, những gì đã chép về Thầy sắp được hoàn tất”. (Lc 22,37).
Chúa Giê-su bị liệt vào hàng phạm pháp. Nhưng Ngài đã phạm tội gì? Không ai tìm thấy tội tình gì nơi Ngài để kết án được. Chính Phi-la-tô đã lên tiếng tất cả ba lần về sự vô tội của Chúa Giê-su trong phúc âm thánh Lu-ca. Lần thứ nhất: “Ta xét thấy người này không có tội gì”. (Lc 23,4). Lần thứ hai: “Các ngươi nộp người này cho ta, vì cho là tay kích động dân, nhưng ta đã hỏi cung ngay trước mặt các ngươi, mà không thấy người này có tội gì, như các ngươi tố cáo”. (Lc 23,14). Và lần thứ ba: “Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra”. (Lc 23, 22). Dân chúng có đồng ý với Phi-la-tô để thả Chúa Giê-su không? Tin Mừng đã cho chúng ta thấy lòng hiểm độc của dân chúng, đến nỗi cuối cùng Phi-la-tô phải lên tiếng: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy!” (Mt 27, 24). Sau đó thì sao?“Toàn dân đáp lại: Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi! ” (Mt 27,25).
Thật là dã man và bất nhân biết bao. Thay vì thả Chúa, một người vô tội và là một Ráp-bi tốt lành, thì dân chúng lại tha thứ cho một kẻ giết người – Ba-ra-ba: “Giết nó đi, thả Ba-ra-ba cho chúng tôi!” (Lc 23, 17). Tiếng la hét đầy bạo lực và đượm màu bất nhân, tiếng la hét của lòng người ác độc đẩy Đấng Cứu Thế tới thập giá chỉ giành cho kẻ phạm pháp. Tiếng la hét của thế giới đang bị thần dữ chế ngự và làm chủ. Tiếng la hét của một thế giới từ chối Chúa Giê-su – vị Vua đích thực, để theo một vị vua trần thế: “Ông Phi-la-tô nói với họ: ‘Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao?’ Các thượng tế đáp: ‘Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xê-da.’” (Ga 19,15). Là nạn nhân của sự thù hằn của những người có thế lực trong xã hội và tôn giáo thời đó, Chúa đã bị đẩy vào mảnh đất đầy sỉ nhục và phải đón nhận án tử từ đám đông dân chúng, với sự hậu thuẫn và xúi giục của nhóm người có thế lực. Một mạng lưới bất nhân đã được dệt lên, để bắt cho được kẻ thù không đội trời chung, dù kẻ thù đó là một người vô tội, tốt lành và theo lẽ thường cần được trân trọng và yêu quý. Trước mạng lưới đầy bất nhân này, cả người nắm chính quyền thời đó, dù không thấy tội gì để kết án Chúa, cũng phải chào thua:“Bấy giờ ông Phi-la-tô trao Đức Giê-su cho họ đóng đinh vào thập giá”. (Ga 19, 16).
Thập giá trên đồi sọ, Chúa Giê-su bị đóng đinh treo lơ lửng trên đó. Con Thiên Chúa xuống thế làm người ngay từ ngày đầu tiên khi chào đời đã ở trong cảnh nghèo nàn của nhân loại, và khi chết đi cũng ở trong cảnh thê lương của nhân loại. Karl Rahner, khi suy niệm lời này của Chúa Giê-su, đã diễn tả thật sống động hình ảnh đau thương của Chúa Giê-su: “Chúa bị treo trên Thánh Giá. Họ đã đóng đinh Chúa. Chúa không thể chạy trốn khỏi cây cao nối đất với trời này. Các vết thương đang cháy bừng trong cơ thể Chúa. Mão gai đang tra tấn thân thể Chúa. Trong đôi mắt của Chúa máu không ngừng chảy. Ôi các vết thương trên đôi tay và đôi chân Chúa – chân tay Chúa như bị một cây sắt nóng rực đâm xuyên suốt qua. Và tâm hồn của Chúa như là biển cả tràn đầy buồn bã, khổ đau và vô vọng”.[i]
Chúa Giê-su đã sẵn sàng đón nhận tất cả, dù đó là khổ đau tận cùng của bất nhân và ác độc. Ngài đã đón nhận với tình yêu và lời xin vâng trọn vẹn. Vâng theo ý Cha một cách triệt để, đến nỗi bằng lòng chết đi và chết trên cây thập tự. Cái chết trên cây thập tự là một cái chết nhục nhã, chỉ giành cho những kẻ gây ra tội ác. Cái chết đó không ai muốn chọn cả. Còn Chúa, dù biết là đau đớn, nhục nhã và bất công, nhưng Chúa vẫn không chạy trốn thập giá trên đồi cao kia. Chân tay Ngài sẵn sàng dang ra, để con người đóng đinh Ngài trên thập giá. Phải chăng Ánh Sáng là Ngài đã thực sự bị bóng đêm thổi tắt? Phải chăng bóng đêm của tội lỗi và của thần dữ đã cướp đi mất Ánh Sáng vĩnh cửu kia? Thập giá đứng sừng sững trên đồi cao. Trong cơn đau đớn tột cùng của thân xác và của tâm hồn, đối diện với những đám lính vừa đóng đinh Ngài, và trong sự hiện diện của đám đông đi theo Ngài trên đường thương khó, Chúa Giê-su vẫn lên tiếng cầu nguyện với Cha trên trời: Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đang làm.
CÒN TIẾP…