Cuộc thương khó của Chúa Giê-su mang nhiều nét đặc sắc. Một trong những nét đó là các lời cuối cùng của Chúa trên Thánh Giá. Theo các Tin Mừng có tất cả bảy lời Chúa Giê-su nói, khi Ngài bị treo trên Thánh Giá. Bảy lời cuối cùng này của Chúa được thánh Bonaventure chú giải và được các tu sĩ dòng Phanxico quảng bá.[i] Các nhà thiêng liêng học đã chý ý đến những lời này của Đấng chịu đóng đinh, và qua những lời đó, họ muốn diễn tả cách sống động về ý nghĩa và tinh thần của cuộc thương khó của Chúa Giê-su. Vào thời Trung Cổ, bảy lời cuối cùng của Chúa Giê-su thường được mọi người suy niệm như là một kho tàng thiêng liêng, và đặc biệt trong thời gian Tuần Thánh hoặc thời gian chuẩn bị cho Con Đường Thương Khó của Chúa Giê-su. Cũng thế, truyền thống thiêng liêng luôn yêu mến những lời cuối cùng này của Chúa Giê-su, những lời diễn tả tâm tình của Chúa một cách sống động.
Trong loạt bài Giáo Lý về cầu nguyện, ĐTC. Benedicto XVI cũng đã có ba bài suy niệm về các lời cuối cùng của Chúa Giê-su trên Thánh Giá. Ngài viết trong bài suy niệm thứ 26 về cầu nguyện: “Hôm nay tôi muốn cùng anh chị em suy niệm về lời cầu nguyện của Chúa Giê-su khi giờ chết đã gần, bằng cách nói về những điều được kể trong Tin Mừng Thánh Mác-cô và Thánh Mát-thêu. Hai Thánh Sử diễn tả lời cầu nguyện của Chúa Giê-su lúc sinh thì trên Thánh Giá không chỉ bằng tiếng Hy Lạp, là ngôn ngữ các ngài dùng để viết câu chuyện, nhưng cũng vì tầm mức quan trọng của những lời cầu nguyện đó, nên chúng đã được viết bằng sự pha trộn giữa tiếng Do Thái và tiếng Aram. Các ngài cũng đã truyền lại cho chúng ta không những chỉ nội dung, mà cả âm thanh mà lời cầu nguyện này được thốt ra trên môi miệng Chúa Giê-su: chúng ta thực sự nghe những lời của Chúa Giê-su như Người đã thốt ra. Đồng thời, các ngài mô tả cho chúng ta thái độ của những người hiện diện lúc đóng đinh, là những người không hiểu hoặc không muốn hiểu lời cầu nguyện này”.[ii]
Thần học gia lỗi lạc Karl Rahner cũng nhìn thấy nơi bảy lời cuối cùng của Chúa Giê-su như là bảy lời mà Chúa muốn nói với từng cá nhân, và luôn mang một ý nghĩa sâu xa: “Con muốn suy niệm bảy lời cuối cùng của Chúa trên Thánh Giá, trước khi Chúa – Đấng là Ngôi Lời vĩnh hằng của Thiên Chúa – sẽ phải câm lặng trong cái chết trên trái đất này. Chúa đã nói bảy lời này với đôi môi khô khan và từ trái tim tràn đầy đau khổ. Đó là các lời của trái tim. Chúa đã nói các lời này cho tất cả mọi người. Chúa cũng đã nói với chính con. Xin hãy để cho các lời của trái tim Chúa thấm nhập vào trái tim con. Thật sâu và vào tận sâu kín hồn con, Chúa ơi. Nhờ đó con có thể hiểu được các lời đó. Nhờ đó những lời này sẽ không bao giờ bị quên lãng, mà ngược lại các lời từ trái tim Chúa luôn sống động và trở nên sức mạnh cho trái tim chết yểu của con. Vì thế, xin hãy nói các lời đó với con. Như thế, con sẽ đón nhận và nghiễn ngẫm âm thanh cao quý này.
Một lần nào đó Chúa sẽ nói với con trong cái chết của con và sau cái chết của con. Như thế, những lời này từ trái tim của Chúa sẽ là sự khởi đầu vĩnh cửu hay là một kết thúc vô tận.
Lạy Chúa, xin hãy cho con được lắng nghe lời nhân hậu và lời tình yêu của Chúa trong chính cái chết của con, những lời mà con sẽ không bao giờ xao lãng bỏ qua. Xin hãy giúp con ngay bây giờ biết đón nhận vào trong trái tim quảng đại sẵn sàng của con các lời cuối cùng của Chúa trên Thánh Giá”.[iii]
Thật vậy, các lời cuối cùng của Chúa Giê-su trên Thánh Giá có một sức mạnh đặc biệt. Nếu chúng ta đọc kỹ lưỡng và suy niệm từng lời một, và để từng lời vang vọng và đi vào trong tâm hồn, chúng ta sẽ khám phá ra giá trị cao quý của những lời đó, như là sứ điệp thiêng liêng hay nói một cách khác là những di ngôn thiêng liêng cao quý của Đấng Cứu Độ để lại cho mỗi người chúng ta. Các lời này giúp chúng ta đi vào cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su, Đấng chết trên Thánh Giá để cứu độ chúng ta. Các lời này của Chúa diễn tả những nỗi đau khổ và sợ hãi của Chúa, nhưng cũng giúp chúng ta đụng tới những hãi sợ và khổ đau của đời người chúng ta. Và qua đó, với Chúa và với sức mạnh của Lời Chúa, sự sợ hãi và mọi khổ đau của chúng ta sẽ được biến đổi và thánh hoá vào trong niềm tin tưởng và phó thác. Niềm tin và phó thác vào bàn tay nhân hiền và trái tim giàu lòng thương xót của Chúa Giê-su, nơi chúng ta tìm thấy niềm hy vọng, ngay lúc chúng ta không còn hy vọng.
Những lời cuối cùng của Chúa hay còn gọi là những di ngôn của Chúa không phải là những bài giảng cao siêu, mà là những lời thật ngắn gọn nhưng chất chứa ý nghĩa sâu xa, đụng tới chỗ thẳm sâu nhất của phận người.
Các lời cuối cùng này cũng được một số nhạc sĩ phổ nhạc. Ở đây có thể nhắc tới nhạc sĩ Heinrich Schuetz (* 1585, + 1672), người Đức sống trong thế kỷ thứ 16, với tác phẩm Thánh Ca Sieben Letzten Worte Jesu – Bảy Lời Cuối cùng của Chúa Giê-su (khoảng 1645). Sau hơn một thế kỷ, nhạc sĩ Franx Joseph Haydn (* 1732, + 1809) người Áo, sáng tác tác phẩm Die sieben letzten Worte unseres Erlösers am Kreuze – Bảy lời cuối cùng của Đấng Cứu Độ chúng ta ở trên Thánh Giá (1785). Với tác phẩm âm nhạc này, Haydn muốn đưa người nghe đi vào tinh thần chiêm niệm những lời cuối cùng của Chúa Giê-su. Có cả một nghi thức giúp cầu nguyện, kết hợp với tác phẩm âm nhạc của Haydn: đầu tiên Đức Giám Mục hay Linh Mục chủ sự nghi thức bước lên bục giảng, đọc từng lời cuối cùng của Chúa Giê-su, và ngài sẽ suy niệm lời đó, sau đó ngài bước đến trước bàn thờ và quỳ xuống thờ lạy Thiên Chúa, trong khi đó tác phẩm âm nhạc Die sieben letzten Worte unseres Erlösers am Kreuze vang lên, để từ từ hướng lòng mọi người vào tinh thần chiêm niệm từng lời của Chúa Giê-su, Đấng Cứu Độ chúng ta, đang nói với chúng ta từ trên Thánh Giá.
Ngoài ra, có thể kể thêm tác phẩm khác là Les sept paroles du Christ en croix – Bảy Lời của Đức Ki-tô trên Thánh Giá, của César Franck (* 1822, + 1890), người Pháp. Đó là một số tác phẩm Thánh Ca nổi tiếng, diễn tả những lời nói cuối cùng của Chúa Giê-su.
Bảy lời cuối cùng trên Thánh Giá là sứ điệp đầy ý nghĩa mà Chúa Giê-su, Đấng Cứu Độ để lại cho chúng ta. Sứ điệp đó vang lên từ Thánh Giá của Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng yêu thương nhân loại, đến nỗi Ngài sẵn sàng hiến dâng chính mình, để chuộc lại mỗi con người Ngài yêu thương. Dưới đây là bảy lời cuối cùng của Chúa, là sứ điệp không thể quên lãng.
(còn tiếp)
Lm. Nguyễn Ngọc Thế, SJ