Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả – Ngày 24/06

Kết quả hình ảnh cho thanh gioan tay giaNgoại trừ Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria, chỉ còn có thánh Gioan Tẩy Giả là vị thánh được mừng ngày sinh nhật của mình, ngày sinh ra trong trần thế; các Đấng Thánh khác đều mừng vào ngày sinh nhật trên trời, tức là ngày qua đời.

Từ thế kỷ thứ IV, Giáo Hội đã mừng lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả và đặt vào ngày 24/6. Đây là một lễ rất lâu đời xét về mặt thời gian. Nếu như câu hỏi mà những người đương thời để bụng suy nghĩ “con trẻ này rồi sẽ nên thế nào?” Thì ngày nay người ta vẫn không ngừng đặt ra những câu hỏi, chẳng hạn như: Tại sao lại lấy ngày 24 tháng 6? Và lý do gì mà Giáo Hội lại mừng lễ sinh nhật Thánh Gioan cách trọng thể như thế?

Tại sao lại lấy ngày 24 tháng 6?

Lý do lấy ngày 24 tháng 6 thay vì ngày 25 tháng 6 là vì theo cách tính ngày xưa, tức là theo calends (ngày mùng 1), ides (ngày 15) và nones (ngày thứ chín). Dĩ nhiên, những niên hiệu này có một giá trị phụng vụ và biểu trưng hơn là một giá trị lịch sử. Chúng ta không biết chính xác ngày và năm Chúa Giêsu sinh ra, nên khi nào Gioan sinh ra chúng ta cũng không hay.

Dựa vào sách Phúc Âm, thánh Luca cho biết, khi loan báo sự sinh hạ của Chúa Kitô cho Đức Mẹ Maria, thiên thần cho ngài biết bà Isave chị họ của ngài đang có thai trong tháng thứ sáu. Cho nên, Gioan Tẩy Giả phải được sinh ra sáu tháng trước Chúa Giêsu và như vậy bảng niên đại được tôn trọng cho đến ngày nay.

Gioan Tẩy giả là ai?

Theo tường trình của Phúc Âm thánh Luca, Gioan Tẩy Giả – hay còn gọi là Gioan Baotixita, Gioan Tiền Hô, Gioan Tiền Sứ – sinh ra tại Herbon, vào cùng một năm Chúa cứu thế ra đời. Gioan là con của thầy tư tế Dacaria và bà Êlisabét, chị họ của Đức Maria. Hai ông bà đã lớn tuổi nhưng vẫn chưa có con. Cả hai không ngừng cầu khẩn xin Chúa ban cho một người con nối dõi tông đường. Nhận thấy lòng đạo đức của họ, Chúa dủ lòng thương sai sứ thần đến báo: “Dacaria, đừng sợ, vì lời ngươi cầu nguyện đã được nhậm rồi. Elisabéth vợ ngươi sẽ sinh hạ cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ gọi tên con trẻ là Gioan…” (Lc 1,13)

Dacaria hoài nghi, vì thế Chúa để ông bị câm trong suốt hơn 9 tháng trời, cho đến ngày đặt tên cho Gioan. Gioan lớn lên và được giáo dục trong bầu không khí đạo đức. Đến năm thứ 5 đời hoàng đế Tibêriô, tức năm 28 sau công nguyên, có tiếng Thiên Chúa gọi Gioan trong hoang địa, tức vùng đồi núi Giuđê. Gioan sống khắc khổ: ăn châu chấu, uống mật ong rừng, mặc áo lông lạc đà và ngang lưng thắt dây da. Cuộc đời Gioan thật gương mẫu.

Có lần Chúa Giêsu đã công khai nói với dân Do Thái: “Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả”. (Mt 11,11)

Thánh Gioan Tẩy Giả đã làm gì?

Ngài đi khắp vùng sông Giođan rao giảng và kêu gọi mọi người ăn năn sám hối. Lời nói và nếp sống khổ hạnh của ngài đã lay chuyển cả những tâm hồn cứng cỏi nhất. Họ đã đến với ngài thật đông đảo để được nghe giảng dạy và được nhận phép rửa. Có người đã lầm tưởng ngài là Đấng Thiên Sai mà dân Do Thái hằng mong đợi, nhưng ngài khiêm tốn trả lời: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!” (Lc 3,16)

Thánh Gioan Tẩy Giả đã chết thế nào?

Trong khi ngài đang rao giảng sám hối thì một vụ tai tiếng đã xảy ra tại cung điện Hêrôdê Antipa. Nhà vua đã cưới con gái của Arêta phương nam làm hoàng hậu. Thế nhưng, trong một chuyến đi Rôma, ghé thăm người em cùng cha khác mẹ là Hêrôđê Philipphê, nhà vua lại say mê sắc đẹp của Hêrôdia, người em dâu và tìm cách chiếm đoạt. Hêrôđia có một người con riêng là Salômê có tài múa hát. Câu chuyện tới tai Gioan Tẩy Giả. Với tất cả lòng cương nghị của một người công chính, Gioan cảnh cáo Hêrôđê: “Nhà vua không được cướp vợ em mình” Câu nói đó đã khiến Hêrôđê phải giam Gioan vào ngục. Nhưng Hêrôđia vẫn chưa hài lòng, vì Gioan luôn là mối cản trở cho hành động ngang trái của bà. Bà lìm cách đế giết Gioan. Chính vì thế, trong bữa tiệc sinh nhật của Hêrôđê, lợi dụng khi nhà vua đã ngà ngà say, bà xúi Salômê xin chiếc đầu của Gioan. Thế là Gioan đã phải chết.

 

Giáo Hội mừng lễ sinh nhật Thánh Gioan

Thánh Augustinô nói: “Giáo Hội có thói quen lấy ngày qua đời của các vị thánh để mừng kính, vì đó là ngày sinh nhật của các thánh trên Trời. Riêng thánh Gioan Baotixita được miễn trừ khỏi qui luật bình thường đó, vì ngài đã được thánh hiến ngay từ trong lòng mẹ trước khi sinh ra, nhờ sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trong lòng Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh khi thăm viếng Bà Thánh Isave, từ đó Giáo Hội tin rằng Gioan Tẩy Giả đã được thánh hoá trong dạ mẹ nhờ sự hiện diện của Chúa Kitô. Đó là lý do Giáo Hội cử hành lễ sinh nhật của ngài”.

– – + – –

Bài Phúc Âm chính ngày lễ nói về sự chọn tên Gioan. Bài đọc thứ nhất trích sách Ngôn sứ Isaia và Thánh vịnh nói về giá trị cao cả của con người trước mặt Thiên Chúa: “Ðức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người” (Is 49, 1-3). Thánh vịnh trở lại với ý niệm này, tức là, Chúa biết chúng ta từ trong lòng mẹ: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con… Khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu”(Tv 138, 13). Như thế Thiên Chúa đã an bài sắp đặt mỗi người chúng ta ngay từ khi còn trong dạ mẹ.

So với Tân Ước, Thánh Gioan Tẩy Giả vẫn còn thuộc về Cựu Ước; ngài được Thiên Chúa gọi để chuẩn bị dân chúng đón Chúa Giêsu đến bằng các bài giảng nói về nước Thiên Chúa và lời kêu gọi sám hối. Chính Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa thống hối từ tay thánh nhân và những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu cũng xuất thân từ đám môn đệ của Gioan. Chính Gioan tự giới thiệu mình là tiếng kêu trong hoang mạc, người Tiền Hô cho Đấng vĩ đại đang đến. Còn Chúa Giêsu gọi ông là kẻ lớn nhất do người nữ sinh ra trong thời Cựu Ước và là ngôn sứ Êlia đã trở lại. (Mt 11,8.11.14)