Phép rửa có đủ cứu rỗi?

Hỏi (chi tiết):

Nhân tưởng niệm Chúa Kitô chết và sống lại, xin cha giải thích: nếu phép rửa đã tha hết mọi tội rồi và nhất là Chúa đã chết để cứu chuộc cho loài người, như vậy đã đủ để được cứu rỗi chưa, hay còn phải làm gì nữa?

Đáp:

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn trả lời:

Thiên Chúa là Cha nhân lành. Ngài muốn “cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Cụ thể, Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha, xuống trần gian làm Con Người để “hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người” (Mt 20,28).

Giáo Hội cũng dạy rằng: “Chúa Kitô đã chết cho tất cả mọi người, không trừ một ai. Công Đồng Quiercy (năm 833, DS 624) đã dạy rằng: không có, đã không có và sẽ không có người nào mà không được Chúa Kitô chịu đau khổ vì mình” (x. SGLGHCG, số 605).

Như thế vấn đề cứu rỗi cho con người là điều chắc chắn mà mọi tín hữu Chúa Kitô phải tin và hy vọng căn cứ vào lời Chúa và lời dạy trên đây của Giáo Hội.

Tuy nhiên, cho được hưởng công ơn cứu chuộc của Chúa Kitô, con người cần phải có những điều kiện sau đây:

I- Trước hết, phải được tái sinh qua Phép rửa vì “ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ. Còn ai không tin sẽ bị kết án.” (Mc 16,16) Lại nữa: “không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thần khí” (Ga 3,5).

Trên đây là chính những lời Chúa Giêsu đã nới với các Tông Đồ và với ông già Ni-cô-đê-mô xưa về tầm quan trọng và sự cần thiết phải lãnh nhận Phép rửa để được tái sinh trong sự sống mới sau khi con người cũ đã chết vì hậu quả của tội Nguyên Tổ (original sin).

Tuy nhiên, cần nói thêm một lần nữa ở đây là mặc dù Chúa nói như trên, nhưng lời Chúa cũng dành cho những người không biết Chúa và không được rửa tội một lối thoát nếu họ rơi vào hoàn cảnh không được ai nói cho biết về Chúa và phép rửa mà Chúa dạy phải lãnh nhận để được vào Nước Trời. Nói rõ hơn, những người đã sinh ra và chết trước khi Chúa Cứu Thế Giêsu ra đời, hoặc ngay cả sau khi Chúa sinh ra nhưng không được ai dạy bảo cho họ biết về Chúa và về Phép rửa khiến họ không được rửa tội thì đó không phải là lỗi của họ, vì “Làm sao họ tin Đấng họ không nghe? Làm sao mà nghe nếu không có ai rao giảng? (Rm 10,14). Nói cách khác, không ai có thể tự mình nhận biết có Thiên Chúa mà không cần người khác giúp lúc khởi đầu. Nhưng nếu họ đã sống ngay lành theo tiếng nói của lương tâm hướng dẫn họ sống theo đường lối của Chúa thì họ vẫn có thể được cứu rỗi nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô, vì “Ngoài Người (Chúa Kitô) ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.” (Cv 4, 12; 1Tm 2, 5; SGLGHCG số 1281, Lumen Gentium, số 16).

Nói khác đi, công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô được áp dụng không những cho những người đã nhận biết Chúa và được rửa tội mà còn cho cả những người không được biết Chúa và không được rửa tội vì không ai dạy cho họ biết. Đó là trường hợp của tổ tiên Việt Nam và các dân tộc khác trên thế giới đã sinh ra và chết đi trước khi Chúa Cứu Thế Giêsu ra đời, rao giảng Tin Mừng Cứu Độ và chết trên thập giá để đền tội thay cho nhân loại. Những người này không biết Chúa và không được lãnh phép Rửa thì đó hoàn toàn không vì lỗi của họ, nên Chúa không thể lên án họ vì lỗi này được. Ngược lại, họ vẫn có thể được cứu rỗi nếu họ đã sống ngay lành theo sự hướng dẫn của lương tâm và có ý đi tìm Đấng Tối cao là Thiên Chúa để thi hành thánh ý Ngài như đã nói ở trên.

Phép rửa mà Chúa Giêsu dạy phải lãnh nhận rất cần thiết cho phần rỗi của con người vì nhờ đó, con người được tha mọi tội – từ tội Nguyên Tổ cho đến mọi tội cá nhân đã mắc phạm cho đến lúc được rửa tội (x. SGLGHCG số 1263). Tuy nhiên, dù được rửa sạch một lần qua Phép Rửa là bí tích phát sinh từ cạnh sườn Chúa Giêsu khi Người đang bị treo trên thập giá và bị “một tên lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34). Nước đó chính là nước rửa cho con người sạch mọi tội một lần nhưng không tiêu diệt hết mọi mầm mống của tội và trả lại cho con người tình trạng “ngây thơ, công chính ban đầu” (original innocence and justice), một tình trạng ơn phúc đặc biệt mà Adam và Eva đã được hưởng trước ngày hai người phạm tội vì ăn trái cấm, đem lại hậu quả to lớn là “vì một người duy nhất mà tội lỗi xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế sự chết đã lan tràn tới mọi người bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5,12).

Nói khác đi, sự bất tuân của Adam và Eva đã đem tội và sự chết vào trần gian. Nhưng nhờ một người duy nhất vâng phục Thiên Chúa là Chúa Kitô mà “muôn người cũng sẽ thành người công chính” vì “nhờ Đức Giêsu là con người bằng xương bằng thịt đã chịu chết, Thiên Chúa cho anh em được hòa giải với Người để anh em trở nên thánh thiện, tinh tuyền không có gì đáng trách trước mặt Người.” (Cl 1,22).

Nhưng đó chỉ là viễn ảnh của niềm tin và hy vọng chứ chưa tức khắc thành sự thật ngay bây giờ cho ai, trừ khi có ai chết ngay sau khi được rửa tội thì chắc có cơ may được hưởng ngay ơn cứu độ để vào Nước Trời như Người trộm lành trước kia. (Chúa Giêsu đã tha thứ mọi tội cho anh ta vì anh đã sám hối và xin thương xót (Lc 23,42-43). Nhưng nếu vẫn tiếp tục sống trên trần thế này, thì mọi người lại có nhiều cơ hội để phạm tội thêm nhiều lần nữa sau khi được rửa tội, vì – như đã nói ở trên – Phép Rửa, tuy xóa một lần mọi tội lỗi, nhưng không tiêu diệt hết mọi mầm mống của tội, mà vẫn còn để lại trong con người “một số những hậu quả của tội như những đau khổ, bệnh tật, sự chết hoặc những yếu đuối gắn liền với sự sống như những yếu đuối về tính tình… và nhất là sự hướng chiều về tội lỗi mà truyền thống gọi là tình dục, hay còn được gọi là “lò sinh ra tội lỗi (formes percati) được để lại đó cho con người phải chiến đấu chống lại nó.” cho đến hơi thở cuối cùng của đời người trên trần thế này. (x. SGLGHCG số 1264). Ngoài ra, còn phải kể đến những gương xấu, những dịp tội đầy rẫy ở khắp trên trần gian này nhất là những cám dỗ mãnh liệt của ma quỉ là “thù địch của anh em như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé.” (1 Pr 5, 8), nhằm đẩy xa con người ra khỏi tình thương của Chúa và ơn cứu độ của Ngài.

Đó là tất cả những thách đố, những nguy cơ mà con người phải đối phó sau khi được rửa tội để sống một đời sống mới theo Thần Khí hướng dẫn để được ơn cứu độ. Vì nếu “hướng đi của xác thịt là sự chết” thì “hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an” (Rm 8,6).

II- Phải làm gì nữa để xứng đáng được ơn cứu rỗi?

Mặt khác, dù Chúa Kitô đã chết để đền tội thay cho cả loài người nhưng Chúa cũng không biến đổi con người trở thành các thánh nam nữ ngay trong trần thế này. Trái lại, con người vẫn còn ý muốn tự do (free will) để hoặc sống theo Chúa là “Đường, là Sự Thật và là sự Sống” (Ga 14, 6) hay khước từ Chúa để sống theo “văn hóa của sự chết” chối bỏ Thiên Chúa để tôn thờ vật chất và mọi vui thú vô luân, vô đạo, gian ác, độc dữ, bất công, độc tài, hà khắc… như thực trạng của thế giới ngày nay. Đặc biết là ở các nước Âu Mỹ nơi không còn gì là luân lý phổ quát (universal moral) khiến người ta coi việc giết thai nhi là hợp pháp, nhưng nếu hành hạ súc vật như chó mèo thì lại có tội với pháp luật xã hội!

Lại nữa, một tệ trạng đang được phổ biến ở các quốc gia này là việc cho hợp thức hóa hôn nhân đồng tính (same sex mariage), một suy thoái đạo đức nghiêm trọng về mục đích của hôn nhân và nền tảng gia đình mà Thiên Chúa đã thiết lập từ đầu khi tạo dựng con người và trao cho sứ mệnh “Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất.” (St 1, 28).

Như thế, để hưởng công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô, người tín hữu phải thực tâm tỏ thiện chí sống đức tin từ trong nội tâm ra đến hành động cụ thể bên ngoài để cộng tác với ơn thánh trong nỗ lực thánh hóa bản thân và giúp thánh hóa người khác qua gương sống chứng nhân của mình.

Thật vậy, người được rửa tội rồi cũng ví như dân Do Thái đã vượt qua Biển Đỏ dưới sự lãnh đạo của ông Mô-sê để trở về quê hương và tiến vào Đất Hứa. Nhưng họ đã không được vào đất này ngay mà còn phải sống trong sa mạc mấy chục năm để được thử thách về lòng tin yêu Thiên Chúa của họ. Khi sống trong hoang địa, họ đã chịu thiếu thốn mọi sự, từ thức ăn đến nước uống. Vì thế họ đã kêu trách ông Mô Sê và A-ha-ron như sau: “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai Cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thỏa thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó để bắt chúng tôi chết đói cả lũ ở đây.” (Xh 16,3).

Họ cũng kêu trách Chúa và tệ hại hơn nữa họ đã đúc Con Bê bằng vàng và quỳ lạy nó như vị thần đã đưa họ ra khỏi ách nô lệ bên Ai Cập! (Xh 32, 1-6).

Thiên Chúa đã nổi giận và muốn tiêu diệt đám dân vô ơn này, nhưng nhờ ông Mô Sê khẩn cầu thay cho họ mà Thiên Chúa “đã thương không giáng phạt dân Ngài như Ngài đã đe” (Xh 32, 14).

Ngày nay dân Tân Ước, tức dân mới của Thiên Chúa đã được tái sinh qua Phép rửa, tức là cũng đi qua nước như dân Do Thái xưa vượt qua Biển đỏ để vào đất tự do, thoát ách nô lệ bên Ai Cập. Phép rửa cũng giải phóng cho con người khỏi ách nô lệ tội lỗi để sống đời mới theo Thần Khí hướng dẫn để được cứu độ. Nhưng cũng như Dân Do Thái xưa phải sống trong hoang địa 40 năm trước khi được vào Đất Hứa là đất Ca-na-an “tràn trề sữa và mật” (Ds 13,27), dân Tân Ước ngày nay cũng phải sống trong trần thế này một thời gian dài ngắn tùy số phận của mỗi người. Nghĩa là sau khi được tái sinh qua Phép Rửa, chúng ta chưa vào ngay Đất Hứa là Thiên Đàng mà còn phải “lưu vong” trong sa mạc trần thế này để được thử thách về đức tin, đức cậy và đức mến.

Nếu đức tin đã được chứng minh cụ thể bằng đức mến nồng nàn, nghĩa là thực tâm yêu mến Chúa trên hết mọi sự và tuân giữ các Giới Răn của Ngài, yêu mến tha nhân như Chúa Kitô đã dạy cộng thêm quyết tâm xa lánh mọi tội lỗi tức là thi hành những cam kết khi được rửa tội thì: “anh em sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì và sẽ trở nên những con người vẹn toàn của Thiên Chúa giữa một thế hệ gian tà, sa đọa. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời…” (Pl 215).

Nói khác đi, những ai đã và đang cố gắng sống theo đường lối của Chúa, chống lại những đòi hỏi bất chính của bản năng, gương xấu của trần gian và mưu chước cám dỗ của ma quỉ, thì đang cộng tác hữu hiệu với ơn thánh để được cứu rỗi nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô.

Khi sạch tội, con người sống trong ơn phúc của Thiên Chúa, nghĩa là sống ơn cứu độ ngay ở trần thế này. Ngược lại, nếu không có thiện chí cộng tác của cá nhân với ơn Chúa mà buông mình sống theo “văn hóa của sự chết” thì ơn tái sinh của Phép Rửa sẽ trở nên vô ích và Chúa cũng không thể cứu ai thiếu thiện chí đó.

Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, Lạy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên cao mới được vào mà thôi.” (Mt 7,21).

Thi hành ý Cha trên trời có nghĩa là yêu mến Ngài trên hết mọi sự thể hiện cụ thể qua việc tuân thủ những Giới Răn của Chúa, vì

“Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy…
Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy
anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy
như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy
và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 14, 23; 15, 10).

Như thế, thi hành các giới luật yêu thuơng, công bình, bác ái, xa lánh tội lỗi và sống thánh thiện là thi hành ý muốn của Cha trên trời, Đấng yêu thương con người đến nỗi đã “sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội cho chúng ta.” (Rm 8,3). Và chính nhờ “máu Thánh Tử đổ ra mà chúng ta được cứu chuộc.” (Ep 1,7).

Tóm lại, Phép rửa và công ơn cứu chuộc của Chúa Kitô có giá trị cứu rỗi tuyệt đối, nhưng chỉ hữu ích cho những ai có thiện chí cộng tác với ơn Chúa sau khi được rửa tội bằng quyết tâm sống ơn tái sinh của Phép Rửa là “phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để cho Thần Khí đổi mới tâm trí anh em và phải mặc lấy con người mới là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện.” như Thánh Phaolô đã dạy (Ep 4, 22-24).

Nói khác đi, nếu con người không có quyết tâm chừa bỏ mọi tội lỗi và thực thi đức ái nồng nàn thì không những Phép rửa mà cả công ơn cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô cũng sẽ trở nên vô ích, vì Thiên Chúa phải tôn trọng tự do của con người chứ không bắt buộc ai phải yêu mến và nhận ơn cứu rỗi của Ngài. Ngài chỉ mời gọi và con người có tự do để đáp trả hoặc ưng thuận hay khước từ lời mời gọi đó.

Sau kết, không thể viện cớ Chúa nhân từ và hay tha thứ để cứ tự do sống theo thế gian và xác thịt.

Chúa đầy lòng xót thương: đúng. Nhưng nếu con người lợi dụng tình thương của Chúa để đi hàng hai, nửa nóng nửa lạnh thì “Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” như lời Ngài đã cảnh cáo trong sách Khải Huyền (Kh 3,16).

Đó là tất cả những gì chúng ta cần suy niệm trong Mùa Chay là thời điểm thuận lợi mời gọi mọi tín hữu suy nghĩ thêm về tình thương bao la của Thiên Chúa, về công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô và những gì ta phải làm để cộng tác với ơn Chúa hầu được hưởng ơn cứu độ của Ngài.