Pháp phản ứng nhanh trước cuộc chiến chống khủng bố

Dường như đã ăn sâu vào tâm tính của người Pháp, cứ khi có sự việc gì bất ổn gây mất an ninh trật tự xảy ra ở bất cứ nơi nào, nhận được tin báo của một ai đó, cảnh sát lại có mặt rất nhanh chóng. Những đoàn xe ứng phó đủ các loại đi tới : xe chở tội phạm, xe cứu thương, cứu hỏa nếu là hỏa hoạn. Đối với họ, ai cũng phải sẵn sàng với tinh thần đầy trách nhiệm đến độ có nhân viên bị stress vì công việc, đôi khi tự sát cũng có.
 
Cũng không phải chỉ trong ngành an ninh quốc gia mà các tổ chức khác cũng nhanh nhẹn như vậy. Hôm nay ngày 10 tháng Giêng 2015, Đức Hồng Y Tổng giáo phận Paris đã gửi thư cho hết mọi người công giáo Paris để bày tỏ sự chia buồn sau ba ngày liên tiếp xảy ra khủng bố tại vùng Paris giết chết 17 người, không kể 3 tên khủng bố. Ngài xin mọi người cầu nguyện cho họ, đồng thời chia sẻ sự mất mát to lớn với thân nhân của những người bị giết trọng các vụ khủng bố này. Ngài cũng nói về tranh biếm họa của tờ báo Charlie Hebdo, đôi khi có sự phê bình bất công, nhưng cũng không thể cướp đi mạng sống con người.
 
Những người dân tỏ ra rất hiệp thông với những người bị giết. Họ cầu nguyện, đặt hoa, đốt nến nơi người vô tội bị giết. Từng nhóm, từng công sở, trường học, họ dành phút thinh lặng tưởng nhớ người bị giết. Sự liên đới này cũng bắt nguồn từ tinh thần Ki-tô giáo. Họ cũng không quá tò mò kéo đến xem sự việc mà luôn tránh gây cản trở có những người thi hành công vụ. Như thế, các nhân viên công vụ rất dễ dàng cấp cứu các nạn nhân. Được biết ngày mai có khoảng 700.000 xuống đường biểu tình các vụ khủng bố vừa qua.
 
Chính phủ là cơ quan cao nhất của Nhà nước. Mỗi khi có sự vụ giết người xảy ra, Bộ trưởng Bộ nội vụ có mặt ngay lập tức. Nếu vụ việc lớn hơn, thủ tướng cũng có mặt. Những ngày này chính tổng thống là người xuất hiện đầu tiên tại hiện trường, chủ trì các cuộc họp nội các khẩn cấp, ngỏ lời với công chúng và tuyên bố ngày quốc tang… Nhìn chung họ tỏ ra rất lo lắng, quan tâm đến tai nạn, khủng bố dù lớn hay nhỏ.
 

 
Tự do báo chí đã ghi trong luật của Pháp, cho nên mỗi khi có vụ việc gì, lập tức họ cũng có mặt để đưa tin. Khi đưa tin như thế mà không thấy đại diện chính quyền, chắc chắn dân chúng sẽ phản hồi bằng chỉ trích chính quyền thiếu quan tâm đến đời sống của dân chúng. Như thế, liệu lần bầu cử tiếp theo, dân còn tin tưởng mà bầu cho họ nữa hay không ? Dân chúng sẽ kiểm chứng lời nói đi với việc làm của họ. Nhiều quan chức cao cấp đều phải trả lời mỗi khi báo chí phỏng vấn để biết thái độ của họ.
 
Mọi ngành, mọi lãnh vực ở nước Pháp đã đi vào guồng máy hoạt động nhanh nhẹn, linh hoạt, liên tục. Họ hoạt động nhiều trong hội họp, bào thảo, trả lời phỏng vấn báo chí và bắt tay vào công việc thực tế. Hầu như tất cả đang hiện lên truyền hình để dân chúng Pháp nhìn thấy để biết thái độ của các nhà chức trách đối với vai trò, vị thế của họ.
 
Tính dân chủ đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao thể hiện qua tính xuyên suốt từ lời nói, hành động, bổn phận thông báo cho công chúng diễn tiến của hành động và cuối cùng cần đạt được kết quả cách cụ thể. 
 
Minh Sáng