Ở Ba Lan, Đức Phanxicô kêu gọi giới trẻ đừng sợ và «đừng chùn chân trước cám dỗ cô lập mình».
Nước Ba Lan là một tảng núi đức tin. Đỉnh cao của nó nằm ở Đền thánh Czestochowa, ở độ cao 317 mét. Thậm chí nó còn ở trong bóng mờ của nhà nguyện Đức Mẹ. Nhà nghiên cứu địa chất về tôn giáo có thể tìm thấy ở đây các tầng tầng lớp lớp không hủy diệt được của một gốc gác thiêng liêng. Nó vững chắc, thế kỷ này qua thế kỷ khác và thường là sống trong nghịch cảnh, đất nước này có 97 % dân số là người công giáo, mà một nửa giữ đạo với một lòng sốt sắng duy nhất. Đó là thành lũy Giáo hội ở Âu châu, một thành trì không thể đánh chiếm, nơi phải có mật hiệu mới vào được. Dù là giáo hoàng, nếu không phải là người Ba Lan thì cũng phải tìm cách… giải quyết.
Như thế Đức Phanxicô Argentina phải đi từng bước nhẹ. Ngài biết gần 15 % người công giáo không thích mình. Ngài ý thức, các lời nói nằn nì xin đón nhận người di dân vào Âu châu làm người Ba Lan bực mình, đa số họ chống viễn cảnh này.
Thêm nữa, nước Ba Lan có «giáo hoàng của mình». Một giáo hoàng dứt khoát, đó là Thánh Gioan-Phaolô II. Tu sĩ Daniel Luka giải thích, «đó là giáo hoàng của chúng tôi, chúng tôi không thể làm gì. Người Ba Lan đón tiếp Đức Phanxicô như nhà lãnh đạo Giáo hội công giáo, ngài chạm đến các thế hệ trẻ.» Tuy sự kính trọng là hỗ tương nhưng thiện cảm rõ rệt thì không hẳn.
Sáng thứ năm, trong ngày thứ nhì của chuyến đi, Đức Phanxicô rất khiêm nhường trước tượng Đức Mẹ Czestochowa. Đức Phanxicô rất quen thuộc với việc tôn kính Đức Mẹ, ngài đã rất cảm động khi tấm khiên bằng bạc phủ bức tượng dần dần được vén lên theo nhịp kèn trống chiến thắng. Sự trang nghiêm sâu đậm của cảnh này thấy rõ khi Đức Phanxicô nhìn khung kiếng treo bên trái bức tượng. Khung kiếng này là giây các phép của Thánh Gioan-Phaolô II mang lúc ngài bị ám sát năm 1981. Các vết máu vẫn còn thấy rõ.
Máu… Máu chảy đầm đìa trên thế giới. Đức Giáo hoàng, trong ngày thứ tư hôm qua, 27 tháng 7, đã nói đến «chiến tranh thế giới từng phần», ngài biết hơn ai hết về việc này. Trên máy bay đi Ba Lan, ngài cũng nhắc đến «thánh linh mục» người Pháp bị ám sát ngay khi dâng thánh lễ. «Một vụ trong bao vụ khác», ngài buồn bã ghi nhận. Điều đã làm cho chuyến đi này, cho những ngày JMJ một nét rất đặc biệt, vừa vui vừa lo âu.
Đức Giám mục Henryk Hoser, một trong hai giám mục của thủ đô Krakov giải thích: «Vụ giết linh mục này là một thảm kịch kinh hoàng không thể hiểu được. Bây giờ chúng ta phải hiểu, nhóm Nhà nước Hồi giáo Tự xưng tác quái ở Âu châu như một căn bệnh ung thư: các tế bào độc hại của nó đã di căn. Không thể nào chiến đấu mà không có sự giúp đỡ của tập đoàn hồi giáo có mặt ở Âu châu. Các bạn trẻ đến đây cũng biết rõ điều này. May thay, họ có thể vui sống với cuộc gặp gỡ quốc tế này, ở ngoài hiểm nguy, như được bọc trong một cái kén.»
«Cha đau lòng khi gặp các bạn trẻ có nét «hưu trí».
Đức Phanxicô
Dù vậy, Đức Phanxicô nhìn sự việc một cách khác. Ngày thứ năm, ngài bắt đầu lên tiếng với giới trẻ Ba Lan. Đồng hồ của ngài chưa chỉnh giờ theo giờ Âu châu, lại càng chưa chỉnh theo giờ Ba Lan, nó là giờ thế giới. Sáng thứ năm, trong thánh lễ cử hành ở sân Czestochowa, thánh lễ kỷ niệm 1050 năm nước Ba Lan chịu phép rửa: «Thời khắc thu hẹp lại…»
Ngược với sự co mình trong thành lũy công giáo và trong sự cứng rắn, Đức Phanxicô khẩn khoản xin người công giáo «đừng chùn bước trước sự cô lập và sự buộc tự đặt cho mình» và đừng để bị «lôi cuốn bởi quyền lực, sự lớn lao, sự nổi bật, những gì bi thảm thay là thuộc tính của con người». Ngài đề nghị các tín hữu kitô này sống «một Phục Sinh của tâm hồn», có nghĩa là «bước vào nội tâm», bỏ đi sự «hống hách của đời sống đến từ thế gian» để «có sự lây lan tích cực của một đức tin nguyên thực».
Còn với các bạn trẻ gặp chiều thứ năm trong buổi lễ truyền thống «đón tiếp Đức Giáo hoàng», ngài đã đi trên chiếc xe điện ‘môi sinh’ sơn màu trắng-vàng của Vatican, trước hết, ngài xoa đầu: «Cha rất buồn gặp các bạn trẻ có nét “về hưu” sớm, đã “vứt” giẻ trước khi làm việc. Họ là những người trẻ hoàn toàn chán nản và… thật đáng chán.»
Nhưng trong tinh thần cởi mở, Đức Phanxicô kêu gọi họ «lao mình vào cuộc phiêu lưu của lòng thương xót». Là «xây cầu và hạ các bức tường phân cách» để «cứu giúp người nghèo» và «lắng nghe những người mà chúng ta không hiểu, những người đến từ các nền văn hóa khác, dân tộc khác, những người chúng ta sợ vì chúng ta nghĩ họ có thể làm chuyện xấu cho chúng ta».
Một «tâm hồn có lòng thương xót mở ra để đón nhận người tị nạn và người di dân,» ngài dằn mạnh.
Không nhìn thế giới màu hồng cũng không màu xám, căn bản Đức Phanxicô kêu gọi giới trẻ và người Ba Lan đừng sống co cụm trong thời buổi giao động này. Nói với đám đông khi mới đến, ngài quan sát: «Sự thật là chúng ta phải quen với các chuyện tốt cũng như những chuyện xấu. Cuộc đời là như vậy, các bạn trẻ thân mến. (…) Như thế các con đừng sợ! Thiên Chúa cao cả, Thiên Chúa tốt lành và chúng ta tất cả đều có một cái gì tốt lành trong mình.»
(Marta An Nguyễn chuyển dịch, phanxico.vn 29.07.2016/
lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, Krakov, 2016-07-28)