Nội dung cuộc mạn đàm giữa phóng viên VietCatholic và Đức TGM Leopoldo Girelli, Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm tuyên phong 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục sẽ đến Israel để khánh thành tượng đài Đức Mẹ La Vang vào ngày 18 tháng 10 năm 2018; và một ngày sau đó sẽ khánh thành Bia Tám Mối Phúc Thật bằng tiếng Việt trên đồi Bát Phúc ở Capernaum.
Để tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể tại Thánh Địa, chúng tôi là Thúy Nga và Cha Giuse Đinh Trọng Chính đã bay từ Perth, Australia sang Giêrusalem để thực hiện các cuộc phỏng vấn với các nhà hữu trách Giáo Hội tại Thánh Địa.
Mỗi năm vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, toàn thể Giáo Hội trên khắp thế giới tổ chức các cuộc quyên góp để trợ giúp cho các cộng đoàn Công Giáo tại Thánh Địa Giêrusalem. Việc quyên góp này thể hiện ý chí của chúng ta bằng mọi giá phải duy trì sự hiện diện của người Công Giáo tại nơi Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người, đã bôn ba rao giảng Tin Mừng, đã chịu khổ hình, chịu chết và Phục sinh khải hoàn để cứu độ loài người chúng ta.
Theo thống kê vào năm 1948 khi người Do Thái bắt đầu hình thành một quốc gia độc lập, 45% dân số trong vùng là các tín hữu Kitô. Sau các cuộc chiến tranh bất tận, đặc biệt là cuộc chiến 6 ngày vào năm 1967, tỷ lệ các Kitô hữu ngày nay chỉ còn khoảng 2% vì hoàn cảnh sinh sống càng lúc càng khó khăn.
Từ lâu chúng tôi đã có ý muốn thực hiện một cuộc hành hương đến Israel và Palestine như một cử chỉ liên đới cụ thể với anh chị em Kitô hữu đang sinh sống trong miền đất này. Khi được biết ý định của các Giám Mục Việt Nam muốn đặt tượng Đức Mẹ La Vang và Bia Tám Mối Phúc Thật tại Thánh Địa, chúng tôi càng thêm quyết tâm thực hiện điều đó.
Trong chuyến công tác vừa qua, chúng tôi đã thực hiện được giấc mơ hành hương của mình và lại có thể thực hiện các cuộc phỏng vấn với Đức Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel, Cha Tổng Thư Ký Dòng Phanxicô Quản Thủ Thánh Địa, và Sơ Valerie Borj là vị coi sóc nhà thờ Hòm Bia Giao Ước Thánh đã hào hiệp cho chúng ta đặt tượng Đức Mẹ La Vang trong khuôn viên nhà thờ.
Thật sự, đây là lần đầu tiên chúng tôi đến Thánh Địa, lần đầu tiên hoạt động như các ký giả chuyên nghiệp, lần đầu tiên thực hiện một cuộc phỏng vấn nên rất là bỡ ngỡ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có những tâm tình vui mừng và hy vọng trước khả năng của VietCatholic có thể dàn xếp các cuộc phỏng vấn với các chức sắc cao cấp của Giáo Hội cách xa hơn nửa vòng trái đất trong một thời gian ngắn kỷ lục. Có thể nói là thần tốc.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Bên cạnh các cuộc phỏng vấn với các nhà hữu trách Giáo Hội tại Giêrusalem, chúng tôi còn có những cuộc gặp gỡ với các linh mục, nữ tu trong vùng và cả với các anh chị em người Do Thái tại Giêrusalem.
Trăm nghe không bằng một thấy. Được chứng kiến tận mắt miền đất Chúa đã xuống thế làm người, được đi lại trên chính những con đường Chúa đã đi qua lên đồi Golgotha, được thăm viếng và hôn kính mộ Chúa là những trải nghiệm hết sức cảm động.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi đã diễn ra vào lúc 4h chiều thứ Bảy ngày 26 tháng Năm, 2018, nơi Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel, với Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli.
Tòa Sứ Thần Tòa Thánh toạ lạc bên ngoài thành cổ Jêrusalem tại Núi Ô-liu, một địa danh chúng ta vừa được nghe nhắc đến trong Bài Phúc Âm Chúa Nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa “Hát thánh vịnh xong, Đức Giêsu và các môn đệ ra núi Ô-liu.” (Mc 14:26)
Người Công Giáo Việt Nam chúng ta không xa lạ với Đức Sứ thần Tòa Thánh. Đức Cha Leopoldo Girelli đã từng là Đại diện không thường trú của Đức Thánh Cha tại Việt Nam từ ngày 13 tháng Giêng năm 2011 cho đến ngày 13 tháng 9 năm ngoái, 2017.
Hiện nay, ngài được cử làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel, Khâm sứ Tòa Thánh tại Giêrusalem và Palestine; và Sứ Thần Tòa Thánh tại đảo Cyprus.
Trong video ghi lại cuộc mạn đàm của chúng tôi với Đức Sứ Thần Tòa Thánh, quý vị và anh chị em có thể nghe trong hậu cảnh tiếng người Hồi Giáo đọc kinh từ những loa phóng thanh phát ra từ đền thờ Hồi Giáo Al Aqsa trên Núi Đền. Al Aqsa được coi là đền thờ Hồi Giáo thánh thiêng thứ ba trong thế giới Hồi Giáo chỉ thua hai đền thờ Hồi Giáo tại Mecca và Medina.
Tiếng loa vang khắp cả một vùng. Nói chuyện trong nhà mà đôi khi chúng tôi phải nói lớn hơn bình thường một chút mới có thể nghe rõ được. Tiếp xúc với những người Do Thái trong khu vực Giêrusalem, chúng tôi có thể thấy được sự miễn cưỡng của nhiều tầng lớp dân chúng trong vùng. Tiếng cầu kinh bất kể giờ giấc, được phóng đại từ những chiếc loa cực lớn được mở hết công suất có lẽ không đóng góp vào cuộc sống chung và nền hòa bình mong manh trên miền đất được coi là thánh thiêng của 3 tôn giáo độc thần lớn nhất trên thế giới.
Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, Đức Tổng Giám Mục Sứ Thần Tòa Thánh đã đề cập đến công việc của ngài hiện nay. Ngài cho biết:
Công việc của tôi hiện nay là Sứ Thần Tòa Thánh nghĩa là đại diện về mặt ngoại giao của Vatican cạnh Israel. Đồng thời, tôi cũng có một sứ vụ khác là thay mặt cho Đức Thánh Cha trong liên hệ với cộng đoàn Công Giáo tại Palestine và Giêrusalem, về các công việc của Giáo Hội. Chúng ta có một cộng đoàn Công Giáo tại đây, nhỏ bé nhưng rất năng động. Ngoài ra tôi cũng còn có một sứ vụ khác nữa là liên hệ với chính quyền đảo Cyprus và cộng đoàn Công Giáo tại đó.
Tôi hạnh phúc được sống tại đây. Đồng thời tôi cũng có cơ hội áp dụng những kinh nghiệm tích lũy được từ Việt Nam nơi cũng có những vấn nạn và khó khăn.
Thưa Đức Cha, trong thời gian Đức Cha công tác tại Việt Nam, Đức Cha có ấn tượng như thế nào về đức tin của người Việt Nam?
Tôi có những kinh nghiệm rất độc đáo về đức tin sống động của người Việt Nam, không chỉ sống động trong đức tin mà còn là sự năng động trong các hoạt động, không chỉ trong phạm vi đời sống Giáo Hội thôi đâu mà còn trong đời sống xã hội nữa.
Tôi đã có dịp gặp gỡ với các cộng đoàn đức tin, cảm nghiệm được đức tin mạnh mẽ của nhiều người, rất nhiều người đơn sơ nhưng đức tin của họ rất mạnh mẽ. Tôi thấy được sự năng động của người Việt Nam trong chiều kích cộng đoàn, chiều kích xã hội và chiều kích gia đình.
Thưa Đức Cha, ngày nay có nhiều người Việt Nam đã hành hương đến Do Thái, đến Thánh Địa nhưng có nhiều người lo ngại về chiến tranh giữa Palestine và Do Thái, Đức Cha nghĩ thế nào?
Tôi có thể nói rằng cuộc xung đột giữa Palestine và Do Thái xảy ra ở những khu vực nhất định như ở dải Gaza, đôi khi có nhiều vấn đề về bạo lực và sự căng thẳng rất là cao độ. Nhưng bên cạnh đó, ở những khu vực khác thì vẫn có an ninh, an toàn không có vấn đề đáng phải lo ngại. Năm ngoái 2017 có xảy ra một vài vụ việc, năm nay 2018 cũng có một vài vụ lẻ tẻ nhưng tình trạng nhìn chung là an ninh. Tính từ năm 2016 đến nay, số lượng khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến đây tăng lên gấp đôi.
Thưa Đức Cha, ngài có những tâm tình nào muốn nói với các độc giả Việt Nam và những người Việt Nam rất mến mộ ngài không ạ?
Tôi rất nhớ Việt Nam. Tôi thực sự rất nhớ Việt Nam. Tôi đã trải nghiệm được niềm vui và quan hệ rất tốt với các Giám Mục Việt Nam, các linh mục, tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân. Tôi ngưỡng mộ lòng đạo đức và lòng sùng kính Đức Mẹ của người Việt Nam. Mỗi năm tôi thường đến các trung tâm hành hương kính Đức Mẹ như La Vang và chứng kiến lòng mộ mến rất cao độ của giáo dân Việt Nam dành cho Đức Mẹ. Nhưng không chỉ ở một vài nơi, đâu đâu cũng như thế.
Đương nhiên, tôi muốn nhắc đến nhà thờ chính tòa Hà Nội và các tỉnh thành phiá Bắc với những nhà thờ mà tôi từng thăm viếng, chỗ nào cũng đông chật người. Tôi cũng muốn nhắc đến Vương Cung Thánh Đường Đức Bà ở Sàigòn. Huế cũng là một nơi rất thú vị mà tôi đã viếng thăm. Đó là ba thành phố lớn và đâu đâu cũng thấy những biểu hiện của đức tin rất năng động, không chỉ ở những thành phố mà cả các vùng quê. Họ chứng tỏ cho thấy sức mạnh của đức tin. Tôi rất ngưỡng mộ lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria và lòng sùng kính Thánh Giuse ở Việt Nam. Việt Nam là quốc gia rất sùng mộ Thánh Giuse. Bất cứ nhà thờ nào tôi viếng thăm cũng thấy có tượng Thánh Giuse và Đức Mẹ. Lòng sùng kính các thánh rất quan trọng vì nó là căn bản cho niềm tin của chúng ta. Cho nên, tôi khuyên anh chị em giữ vững và phát huy lòng sùng mộ này.
Ở bên ngoài Việt Nam, tôi cũng muốn biết lòng sùng kính này có bị suy giảm hay không. Tôi đã gặp các Giám Mục ở Hoa Kỳ, các ngài nói với tôi rằng người Công Giáo Việt Nam, các cộng đoàn Việt Nam có lòng sùng kính rất mạnh mẽ và họ tham gia rất tích cực vào đời sống cộng đoàn và giáo xứ.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Lời cuối cùng Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh bày tỏ là ngài mong có dịp thăm lại Việt Nam. Khi nói những lời này, ngài không dấu được sự xúc động rất mạnh.
Tôi mong có dịp gặp lại Giáo Hội mà tôi rất ngưỡng mộ. Tôi có thể nói là Giáo Hội tại Việt Nam nên giữ vững niềm hy vọng nơi tương lai, bền đỗ. Dù có những khó khăn nhưng chúng ta phải tin tưởng, hy vọng và cầu nguyện luôn luôn.
Xin cũng cầu nguyện cho tôi.
Kính thưa ông bà và anh chị em,
Trong chương trình tới, chúng tôi sẽ trình bày với quý vị và anh chị em cuộc phỏng vấn với cha David Grenier, tổng thư ký Đoàn Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Địa tại trụ sở của Đoàn Hiệp Sĩ ở Tu viện Saint Saviour Giêrusalem.
Đặng Tự Do (VCN)