Nhật ký: viết cho Bố

Nhật ký viết cho Bố-viet-nhat-kyChẳng hiểu thế nào mà đêm nay Lâm không ngủ được. Anh nằm trằn trọc, gặm nhấm nỗi cô đơn của mình. Người ta bảo: tam thập nhi lập. Thế mà anh, ngoài 30 tuổi, không sự nghiệp, chưa người yêu, thậm chí vẫn còn đang ăn bám gia đình. Bằng tuổi này của anh ngày trước, bố đã có vài mặt con. Đùng một cái, mẹ qua đời để lại cho bố một đàn con nheo nhóc. Bố kiêm thêm vai trò làm mẹ, một thân một mình chăm sóc, dạy dỗ con cái mặc dù đang mang trong mình căn bệnh quái ác: teo cơ. Sau biến cố đó, bố đã vùng dậy, chống chọi lại với sóng gió cuộc đời và như có một phép mầu, bố đã dần dần bình phục. Căn bệnh quái ác không còn hành hạ bố nữa. Thế mà đã mấy mươi năm trường, bố vẫn ở vậy, không hề nghĩ đến bản thân mà chỉ lo cho con cái. Biết bao lần ông bà, cô dì, chú bác thúc giục bố cưới vợ nhưng bố đều bảo: con tôi, con cô, con chúng ta khổ lắm. Bỗng dưng, anh thấy thương bố và thấy xấu hổ cho bản thân. Anh choàng dậy, lao ra khỏi giường, đến bên chiếc bàn kê ở góc tường, bật đèn lên, lôi cuốn nhật ký ra và hý hoáy viết:

Cả đời gom những nhọc nhằn
Lấy chua xót rửa, cạo bằng gian nan
Mồ hôi ướt sũng tâm can
Niềm riêng cha lót làm đường con đi!

Cảm xúc dâng trào làm cho anh viết liền mạch bốn câu thơ về bố mình như vậy. Điều này ngoài sức tưởng tượng của anh, bởi từ trước tới nay, anh chưa bao giờ viết nhanh như thế. Anh gấp cuốn nhật ký lại và cảm thấy tâm hồn thật bình an. Anh hãnh diện về bố rất nhiều. Không như trước đây. Biết bao nhiêu lần anh định viết về bố, nhưng anh nào đâu có viết được. Anh lật giở cuốn nhật ký ra lần nữa và tìm lại những trang nhật ký mà anh đã từng viết về bố:

Người ta viết về bố của họ rất hay, bằng những ngôn từ rất thật, dung dị, bao la. Nhưng sao con, cứ mỗi lần định viết một điều gì đó về bố thì con không sao viết nổi mặc dù con biết bố đã hy sinh cả cuộc đời vì chúng con. Bố có nhiều đức tính tốt, làm gương sáng cho mọi người noi theo. Thế mà, chẳng bao giờ con có thể viết nổi dù chỉ là vài dòng. Lạ!

Đọc xong đoạn nhật ký này và mấy câu thơ anh vừa mới viết. Bất giác, nước mắt từ từ trào ra nơi khoé mắt, bò xuống hai gò má, vị mặn chảy vào trong. Anh vội vàng gấp cuốn nhật ký lại như không muốn cho cảm xúc tan ra, bay đi. Phải chăng anh không có năng khiếu viết văn, làm thơ? Hay là anh không đủ can đảm để nói một câu rất đơn giản rằng “Bố ơi! Con yêu bố”? Không, không đúng! Tất cả đều không đúng. Đó chỉ là nguỵ biện.

Có lẽ đây là lần đầu tiên anh mới thực sự hiểu về bố và tự trong sâu thẳm cõi lòng, anh đã dâng một lời cầu nguyện tha thiết dành riêng cho bố của mình dù lời cầu nguyện ấy âm thầm, lặng lẽ.
 

Lam Ngã