Thế nhưng, ngày mà con người lần đầu tiên có thái độ bất tuân lại cũng chính là ngày mà Thiên Chúa hứa ban Ơn Cứu Độ cho con người. Ơn Cứu Độ cho con người được cưu mang trong lòng “Evà mới” là Đức Trinh Nữ Maria. “Evà cũ” bất tuân, “Evà mới” vâng phục. Đức Maria vâng phục như “Quả phúc cưu mang bởi lòng Mẹ” luôn vâng phục. Không chỉ vâng phục cách đơn giản, Đấng Cứu độ cón bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá, như được diễn tả trong thư gửi Do Thái: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.” Chúa Giêsu đã vâng phục cho đến tận cùng để trở thành nguồn ơn cứu độ. Và Evà mới là Đức Trinh Nữ Maria cũng đã vâng phục Thiên Chúa luôn mãi, vâng phục từ đầu cho đến cuối đời mình.
Với tất cả tình yêu, Mẹ đã thưa xin vâng theo Thánh ý Chúa như lời sứ thần truyền cho Mẹ. Tưởng chừng sau lời xin vâng ấy, cuộc đời của Mẹ sẽ vinh quang bởi lẽ Mẹ là Mẹ của chính Thiên Chúa. Nhưng không, Mẹ đã đau khổ vì sau lời xin vâng, người bạn đời Giuse đã định tâm bỏ Mẹ. Nếu như Thánh Giuse bỏ Mẹ Maria thì Mẹ chỉ còn đối diện với cái chết chứ không thể nào thoát khỏi bởi đó là luật định. Thiên Chúa đã quan phòng cách kỳ diệu để Mẹ vượt qua được thử thách đầu đời vâng phục của mình.
Đau khổ nối tiếp đau khổ. Sinh con mà phải chấp nhận sinh nơi háng đá máng cỏ. Không còn nơi để trú ngụ, không có một bóng người cưu mang trong lúc gặp khó khăn. Maria đã chấp nhận một sự thật phũ phàng là sinh con Thiên Chúa làm người còn thua một con người hết sức bình thường. Đau lắm nhưng cũng phải chấp nhận vì lẽ vâng lời Chúa Cha.
Hài Nhi Giêsu chưa đủ lớn lại phải gặp những đau khổ đó là phải dắt díu nhau cùng Thánh Giuse trốn sang Ai Cập để thoát khỏi lưỡi gươm độc ác của Hêrôđê.
Tưởng chừng cuộc đời êm ái sau biến cố bi đát trốn khỏi Hêrôđê nhưng rồi lại phải chấp nhận một cuộc sống nghèo. Mẹ đã sống nghèo ở cái làng quê Nadaret phụ với chồng làm mộc để nuôi con.
Lên hành hương trên Đền Thánh, tưởng chừng gặp niềm vui, gặp vinh quang nhưng rồi lại gặp lời tiên báo của cụ già Simêon.
Có thể nói rằng cuộc đời của Mẹ sao mà nó sầu đến thế, nó bi đến thế. Chưa hết! Tột cùng của nỗi đau đó là Mẹ phải lê bước cùng con mình trên con đường khổ nạn. Và, đỉnh điểm chính là nhìn con mình chết đau đớn nhục nhã trên đồi Sọ và sau đó đau đớn ôm xác con mình trong lòng. Không phải là một cái xác bình thường như bao cái xác khác nhưng lại là cái xác nát bươm do những đòn roi của quân lính…
Qua những thăng trầm đầy khổ đau của cuộc đời, Mẹ đã luôn vâng phục với tất cả tình yêu và niềm tin.
Nhìn lại cuộc đời của Mẹ, ta thấy một điểm đặc biệt: đó là Mẹ quả có “sầu thật sầu”, nhưng không “bi luỵ, bi thảm, bi quan”. Sầu, bởi lẽ là thân phận con người yếu ớt và nhất là phận gái mười tám đôi mươi mà rơi vào cái cảnh tận cùng của con mình khi nhận lời xin vâng và sinh con cũng như nuôi con như thế. Sầu đau, tủi nhục nhưng Mẹ không bi luỵ, bi thảm, bi quan bởi lẽ Mẹ vẫn tin tưởng hoàn toàn vào Thánh ý Chúa, vào sự quan phòng mà Thiên Chúa đã hứa ban cho đời của Mẹ. Mẹ không bi quan bởi lẽ Mẹ tín thác, Mẹ để cho thánh ý của Chúa hoàn toàn hoạt động trên cuộc đời của Mẹ.
Hình ảnh đẹp nhất chiều thứ Sáu Tuần Thánh đó là Mẹ đã đón nhận Gioan như đón nhận cả nhân loại thất tín bất trung này vào trong lòng Mẹ để Mẹ ấp ủ cưu mang.
Nhìn lên ảnh Mẹ, nhìn lên cuộc đời của Mẹ, ta thấy vầng hồng của sự chịu đựng, vầng hồng của đau khổ, vầng hồng của vâng phục và tình yêu. Sau đau khổ, Mẹ được hưởng vinh quang Nước Trời mà Chúa hứa ban cho Mẹ.
Ngày hôm nay, nhìn lên cuộc đời của Mẹ để thấy rằng: những đau khổ mà ta chịu đó, quả chẳng có là gì so với những đau khổ và tủi nhục mà Mẹ đã gánh chịu. Chắc có lẽ trên đời này chẳng ai đau khổ như Mẹ. Mẹ đã vượt qua những đau khổ nhờ tin tưởng, phó thác và vâng phục.
Xin Mẹ thương chuyển cầu cùng Chúa cho ta để ta có niềm tin, tình yêu, lòng vâng phục và sức chịu đựng như Mẹ. Có như thế, ta mới được hưởng vinh quang Thiên Quốc cùng với Mẹ.
Micae Bùi Thành Châu