1. Chứng từ tri ân của một bà mẹ công giáo Ý đối với Thánh Cả Giuse và Đức Nữ Trinh Rất Thánh Maria
Tháng 11 năm 2009, con trai con – Stefano – bị mất việc làm vì chịu ảnh hưởng chung của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Lời cầu nguyện hằng ngày của con – đặc biệt là lời kinh Mân Côi – trở nên tha thiết hơn. Con khẩn cầu Đức Mẹ Maria giúp chúng con chấp nhận thử thách và vượt qua giai đoạn khó khăn. Đức Mẹ đáp lời chúng con nài van bằng cách tuôn đổ vào lòng chúng con, rất nhiều an bình và khích lệ. Do đó, mặc dầu lo âu vẫn còn, lòng chúng con cảm thấy thanh thản và biết rõ Hiền Mẫu Maria Thiên Quốc luôn luôn đồng hành với chúng con.
Thế rồi ngày tháng trôi qua, mà việc làm vẫn không đến.
Vào một buổi chiều trong tháng 5 năm 2010, một ý tưởng bỗng xuất hiện trong đầu. Con nghĩ đến Thánh Cả Giuse, Vị Quan Thầy dấu ái của công nhân thợ thuyền. Con tin vững chắc là chính Đức Mẹ Maria đã nhắc con nhớ đến và kêu cầu cùng Thánh Cả Giuse. Con tức khắc dâng lời tha thiết nài van lên Thánh Cả Giuse. Con phó thác cho Thánh Cả mọi mỗi âu lo, cũng như mọi niềm hy vọng. Con xin Thánh Cả Giuse cầu bầu cùng Thiên Chúa cho Stefano. Nhất là xin cho con trai con biết chấp nhận thánh ý Thiên Chúa, dù xảy ra bất cứ chuyện gì trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Ngày hôm sau, trên đường đi làm, con liền ghé vào một nhà thờ để lập lại lời con van xin cùng Thánh Cả Giuse.
Vừa bước vào nhà thờ, sau khi bái gối thờ lạy Đức Chúa Giêsu Thánh Thể đang ẩn mình trong Nhà Tạm, và lấy Nước Thánh làm Dấu Thánh Giá, con quay người về phía bên phải, thì trông thấy một khung ảnh Thánh Cả Giuse thật lớn. Bên cạnh Thánh Cả Giuse, có cả Hài Nhi Giêsu nữa. Con giật mình thảng thốt. Con có cảm tưởng như Thánh Cả Giuse hiện ra với con! Dưới khung ảnh thánh, có đặt một cái hộp đựng tiền dâng cúng với hàng chữ: “Dâng Kính Thánh Cả Giuse”. Với đôi mắt đẫm lệ vì cảm động, con bỏ vào hộp một số tiền dâng cúng.
Ngày kế tiếp, con trở lại kính viếng nhà thờ và trông thấy bên dưới khung ảnh Thánh Cả Giuse, có đặt vài tờ báo có tựa đề “Thánh Chiến nhân danh Thánh Cả Giuse”. Con liền lấy một tờ báo và bỏ vào hộp một ít tiền dâng cúng của con.
Nhờ tờ báo mà con biết được sự có mặt của Hội Đoàn Thánh Cả Giuse. Con liền ghi tên gia nhập Hội. Con cũng đọc được trong tờ báo, chứng từ tri ân của một bà mẹ Công Giáo. Bà cảm tạ Thánh Cả Giuse vì đã giúp cho con gái bà tìm được việc làm. Lần này cũng thế, con có cảm tưởng như Thánh Cả Giuse đang nói với con.
Ngày sau đó nữa, con bị trễ mất chuyến xe bus đi làm, nên phải lấy tàu lửa. Ngồi trên tàu, con đưa mắt nhìn qua cửa sổ để ngắm phong cảnh. Bỗng chốc, con trông thấy trên tường một ngôi nhà, có vẽ ảnh Thánh Cả Giuse. Hình xuất hiện trong nháy mắt, nhưng để lại trong trái tim con một niềm trìu mến bao la của Thánh Cả Giuse. Lần này thì con hiểu rằng, Thánh Cả Giuse luôn tháp tùng con.
Thời gian trôi qua cho đến giữa tháng 10 năm 2010, thì Stefano – con trai con – tìm được việc làm.
Con xin tỉ mỉ kể lại tất cả những sự kiện trên đây để minh chứng rằng Thánh Cả Giuse luôn luôn gần gũi và mau mắn đáp lời tất cả những ai kêu xin Thánh Cả với lòng tin tưởng kính mến. Đó cũng là lời quả quyết của thánh nữ Têrêxa thành Avila (1515-1582), nữ tiến sĩ Hội Thánh. Thánh Cả Giuse còn lưu tâm trợ giúp cách riêng giới thợ thuyền, những người làm thuê làm mướn.
Giờ đây, lời cầu con dâng lên Thánh Cả Giuse cũng là lời tri ân cảm tạ. Con xin Thánh Cả tiếp tục phù hộ cho công việc làm ăn của Stefano. Với kinh nghiệm vừa trải qua, lời cầu xin của con cũng được nới rộng. Con nhớ đến tất cả những ai đang vất vả tìm kiếm việc làm, những người bị mất việc, những kẻ thất nghiệp. Con trai Stefano của con cũng hiệp ý với con để cầu xin cho tất cả những ý chỉ con vừa trình bày.
La Santa Crociata in onore di San Giuseppe – Nt J.Berch. M-Nguyệt
++++++++++++++++++++++++++
2. Thánh cả Giuse thoa dịu các khốn khổ đè nặng trên các con
Nữ chân phước Maria Caterina Troiani (1813-1887) – tục danh Costanza – chào đời ngày 19-1-1813 tại làng Giuliano di Roma thuộc tỉnh Frosinone ở miền Trung nước Ý, trong một gia đình Công Giáo đạo đức khá giả.
Mồ côi mẹ năm lên 6 tuổi, Costanza được gởi vào Viện do các nữ đan sĩ Bác Ái thánh nữ Chiara thành Ferentino trông coi. Tại đây, chín mùi ơn gọi tu dòng, Costanza xin trở thành nữ đan sĩ và tuyên khấn lần đầu ngày 16-12-1830 với tên dòng là Maria Caterina Rosa Viterbo. Sau đó, Chị Maria Caterina được chỉ định làm Thư Ký của Đan Viện. Và từ năm 1842 đến năm 1858, Chị làm phụ tá cho Viện Mẫu Maria Aloisa Castelli.
Năm 1859, cùng với Mẹ Bề Trên Castelli và 3 nữ tu khác, Chị Maria Caterina lên đường sang Cairo, thủ đô Ai Cập, để mở một Đan Viện mới.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi đến nơi, Mẹ Castelli lâm trọng bệnh. Thế là mọi trách nhiệm đổ trên vai Chị Maria Caterina. Với sự trợ giúp của Đức Cha Vujcic, Đại Diện Tông Tòa, Chị viết quy luật mới cho Hội Dòng. Năm 1863, Chị Maria Caterina được bầu làm Bề Trên và năm 1868, Hội Dòng được Tòa Thánh chấp thuận với tên gọi là Trợ Sĩ Phan-Sinh Cairo. Kể từ năm 1950, Hội Dòng đổi tên thành Nữ Thừa Sai Phan-Sinh Khiết Tâm Đức Mẹ Maria.
Trong thời gian Chị Maria Caterina làm Bề Trên, Hội Dòng đã mở thêm 7 nhà mới tại Ai Cập với mục đích chăm sóc và giáo dục các trẻ nữ bị bỏ rơi, không nơi nương tựa. Chị làm Bề Trên Tổng Quyền của Hội Dòng cho đến khi qua đời vào ngày 6-5-1887, hưởng thọ 74 tuổi. Chị được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1978-2005) tôn phong chân phước ngày 14-4-1985.
Điểm nổi bật trong cuộc đời nữ chân phước Maria Caterina Troiani là lòng kính mến và tin tưởng vô bờ nơi sự bảo trợ của Thánh Cả Giuse. Chị hoàn toàn tín thác nơi sự trợ giúp của Thánh Cả Giuse. Chị luôn luôn khuyến khích các nữ tu hãy sùng kính Thánh Cả Giuse. Chị âu yếm gọi Thánh Cả là Vị Giám Đốc Ngân Khố của con bởi vì Chị phó thác cho Thánh Cả Giuse tất cả mọi nhu cầu, mọi phát triển của Hội Dòng trên cả hai bình diện vật chất và thiêng liêng.
Ngày 24-6 năm ấy, thủ đô Cairo bị một trận động đất kinh hoàng làm rúng động, gieo chết chóc và tàn phá dinh thự nhà cửa. Trong cơn hỗn loạn, các nữ tu trông thấy các bức tường của ngôi nhà mở ra. Mọi người hốt hoảng tìm đường chạy trốn. Trong cơn kinh hoàng, chỉ duy nhất Mẹ Bề Trên Maria Caterina Troiani vẫn giữ nguyên thái độ điềm tĩnh. Mẹ vội vàng chạy đi lấy các ảnh vảy Thánh Cả Giuse và đặt vào giữa các lằn nứt của các bức tường và nói lớn tiếng với trọn lòng tin tưởng phó thác: “Thánh Cả Giuse biết rõ nơi đây, có các con cái sống dưới sự bảo trợ của Người!”
Khi các nhân viên chính quyền đến tận nơi để xem xét và lượng định các thiệt hại do trận động đất gây ra, họ kinh ngạc khi nhìn thấy các bức tường bị nứt, tự khép lại với các ảnh vảy Thánh Cả Giuse.
Phép lạ minh chứng Thánh Cả Giuse mau mắn đáp lại lòng phó thác của Mẹ Maria Caterina Troiani đã tin tưởng nơi sự bảo trợ của Ngài.
Chanoine Joseph SCHAFER, “Allez à JOSEPH!”
Nt Jean Berchmans Minh Nguyệt
++++++++++++++++++++++++
3. Thánh Cả Giuse Bảo Trợ Thầm Lặng Chúa GIÊSU và Mẹ MARIA
Thánh Luigi Orione (1872-1940) người Ý, sáng lập Hội Dòng gồm 2 ngành nam nữ chuyên lo công tác bác ái. Ngành nam là Tiểu Công Trình THIÊN CHÚA Quan Phòng và ngành nữ là Tiểu Muội Thừa Sai Bác Ái.
Lúc sinh thời, thánh Luigi Orione đặc biệt sùng kính Thánh Cả GIUSE. Câu chuyện sau đây do chính thánh nhân kể lại.
Tháng 3 năm 1900, chúng tôi sống trong thời kỳ cần rất nhiều tiền để thanh toán các món nợ. Chúng tôi liền phó thác tất cả cho Thánh Cả Giuse. Ngài vừa là Luật Sư, vừa là Tổng Quản Lý. Hay nói đúng hơn, Thánh Cả Giuse là Đấng Bảo Trợ các Cộng Đoàn Tu Sĩ của chúng tôi, giống y như ngày xưa, Ngài từng bảo trợ Thánh Gia Nagiarét.
Hồi ấy, người giữ cửa là chủng sinh Zanocchi, vừa nhập dòng mấy tháng, người mà sau này sẽ trở thành Bề Trên các Cộng Đoàn của chúng tôi bên Hoa Kỳ. Để thử nhân đức của tu sinh trẻ mới vào dòng, tôi giao cho Zanocchi nhiệm vụ canh cổng tu viện.
Năm 1900, chúng tôi đang ở trong tháng 3, tháng dâng kính Thánh Cả Giuse. Vậy mà, thay vì nhận được tiền trợ giúp, chúng tôi lại phải trả nợ. Hết chủ nợ này tới chủ nợ kia, cứ lần lượt kéo nhau đến đòi tiền, không cách nào thoát khỏi! Cho đến một ngày trong tháng 3 năm ấy, một vị khách xuất hiện nơi cửa Tu Viện. Tôi đang ở trên lầu. Người này hỏi: “Bề Trên nhà đang ở đâu?”.
Chủng sinh canh cổng, ba chân bốn cẳng, chạy thẳng lên lầu và thưa với tôi: “Có một người khách muốn nói chuyện với Cha”.
Tôi hỏi ngay: “Ai vậy? Có phải chủ nợ không?”.
Chú gác cửa trả lời: “Thưa Cha con không biết!”.
Tôi hỏi dồn dập: “Phải ông bán thịt không? Hay là người bán sữa?”.
Chú này thưa: “Con không biết nữa!”.
Tôi lại hỏi: “Ông không nói ông là người bán gạo hay bán muối sao?”.
Chủng sinh canh cổng lắc đầu thưa: “Ông không nói gì hết!”.
Tôi hỏi câu cuối cùng: “Vậy con chưa bao giờ trông thấy ông ta sao?”.
Chú Zanocchi đáp: “Con chưa thấy ông ta”.
Tôi lo âu nói: “Thôi rồi, chắc chắn ông ta là chủ nợ đến đòi tiền đây!”.
Hồi ấy, trong nhà chúng tôi có tất cả khoảng 200 người. Tôi lẩm bẩm một mình: ”Thật là đại họa! Đại họa! Hết chủ nợ này,lại tới chủ nợ kia. Một chủ nợ vừa ra khỏi cửa thì tức khắc một chủ nợ khác bước vào. Làm thế nào bây giờ? Nhưng mọi việc phải được tiến hành!”. Tôi nhớ rõ câu chuyện diễn tiến như sau.
Tôi bước nhanh xuống cầu thang và đối diện ngay với một người đàn ông ăn mặc giản dị với chòm râu ngắn màu hung hung. Người khách nói với tôi: “Cha là Bề Trên nhà phải không? Tôi có ở đây một số tiền!”. Vừa nói ông vừa đưa ra một phong bì thật lớn.
Tôi vẫn còn như trông thấy quang cảnh trước mắt, y như thể mới xảy ra hồi sáng nay vậy! Như thường lệ, khi nhận một món tiền, tôi phải hỏi cho biết phải làm gì: Chẳng hạn, phải dâng bao nhiêu Thánh Lễ? hoặc, phải sử dụng như thế nào theo đúng ý của vị ân nhân? Vị khách trả lời ngay: ”Không cần phải làm gì hết! Việc duy nhất phải làm là tiếp tục CẦU NGUYỆN!”.
Đây là vị khách tôi chưa bao giờ gặp. Ông lặng yên nhìn tôi giây lát, rồi cúi đầu chào và vội vã ra đi. Tôi muốn giữ vị khách ở lại lâu hơn, nhưng không hiểu sao tôi lại không có can đảm phản ứng gì hết. Sự hiện diện, cùng lời nói và cung cách của vị khách, như gieo vào lòng tôi một niềm vui khó tả. Và khi vị khách bước ra thì những người có mặt ở đó hôm ấy đồng thanh làm chứng: “Khuôn mặt của vị khách mang một nét đẹp thiên quốc!”. Thế là, tất cả chúng tôi ùa nhau chạy theo vết chân vị khách để xem vị khách đi về hướng nào.
Vị khách bước vài bước ra khỏi cửa, rồi đi xuống phía vườn, nhưng rồi chúng tôi không trông thấy vị khách ở đâu cả: bên trái cũng không, bên phải cũng không, nơi hành lang cũng không, mà trong nhà thờ cũng không. Trong sân trường chỉ có các học sinh đang chơi.
Chúng tôi tức tốc sai học sinh nhanh chân chạy theo vị khách, nhưng vô ích! Không thấy bóng dáng vị khách nơi đâu cả. Chúng tôi cảm thấy thật hoang mang. Đúng thật vị khách không có dáng dấp một người thường. Rồi vừa ra khỏi nhà, đã biến mất, không để lại dấu vết nào.
Kể cho ngài nghe câu chuyện vừa xảy ra, Đức Cha nói ngay: ”Đúng là Thánh Cả GIUSE! Đích thật là Thánh Cả GIUSE! Chính Thánh Cả GIUSE muốn an ủi khích lệ tất cả anh chị em!”.
Phần chúng tôi, dĩ nhiên chúng tôi tin chắc đó là Thánh Cả Giuse. Hẳn anh chị em tò mò muốn biết trong phong bì chứa bao nhiêu tiền phải không??? Anh chị em chỉ cần biết một điều này: “Cần phải trả ngay nhiều món nợ mà món nợ nào cũng kếch sù!”.
Chúng ta hãy luôn luôn tin tưởng và trọn lòng tri ân Thánh Cả GIUSE.
“Don Orione oggi” – J.Berch. M-Nguyệt