Món ăn năn

MÓN ĂN NĂN

LỄ TRO

 

Có một món ăn các nhà hàng nhiều sao không quen thết đãi, nhưng những quán ăn tôn giáo lại xem như đặc sản của mình. Món ăn ấy người đời không quen thưởng thức, nhưng kẻ có đạo lại tìm đến ăn như một thứ lương thực sớm tối. Món ăn ấy không có trong thực đơn của những đầu bếp trứ danh nhưng luôn gặp thấy trên bàn ăn của Giáo Hội lữ hành. Món ăn ấy đơn giản lắm nhưng lại là món ăn có đầy đủ mọi hương vị chua cay mặn chát ngọt bùi của quá khứ hiện tại tương lai. Món ăn chữa bệnh nhưng đồng thời cũng là món ăn bổ dưỡng tâm linh.

 

Món ấy là món gì? Thưa đó là món “ăn năn sám hối”, một món ăn màu tím truyền thống của Mùa Chay.

 

Đó không phải là món ăn mới nhưng luôn có diệu cảm mới dành cho những ai biết ăn đúng cách. Đó không phải là món ăn lạ, nhưng luôn là những phép lạ tâm linh dành cho những ai biết ăn đúng liều lượng. Đó không phải là món ăn đặc sản chỉ thết đãi trong thời gian cao điểm như Mùa Vọng Mùa Chay, mà là món quanh năm ngày tháng mở cửa cho hết mọi người bất kể giàu nghèo lớn bé. Đó không phải là món ăn cầu kỳ trong các nhà hàng quý tộc, mà thực ra là một nhịp cầu vô cùng kỳ diệu dẫn ta ra khỏi tình trạng tối tăm và dẫn ta bước tới đời sống thánh ân[i].

 

  1. Ăn năn sám hối

 

Trong nghi thức khai mạc Mùa Chay, các tín hữu từ giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ đến giáo dân, mọi người đều khiêm hạ nhận lấy một chút tro trên đầu. Người giàu cũng như người nghèo, người già cũng như người trẻ, ai cũng nhận mình là thân phận bụi đất. Nghi thức xức tro thật cảm động, vừa diễn tả lòng sám hối ăn năn, vừa nói lên nguồn gốc tro bụi của đời người. Lần lượt mỗi người, từ cụ ông cụ bà đến trẻ nhỏ bước lên để thừa tác viên rắc tro trên đầu. Nghi thức và cử chỉ ấy giúp con người ý thức thân phận mong manh và giới hạn của mình. “Hãy nhớ ngươi được tạo dựng từ bụi tro, và sẽ trở về với bụi tro”. Đó là lời Thiên Chúa đã phán với Ađam Evà. Đó là lời Chúa nói với từng người khi lên xức tro.

 

Ý thức thân phận giới hạn mong mong của mình, để làm gì? Thưa là để biết rằng tôi không sống mãi trong cuộc đời này, sớm muộn gì cũng đến lúc tôi trở về với Chúa, và tôi sẽ phải trả lời trước mặt Chúa về cuộc đời của mình. Con người có sinh có tử, có hợp có tan, có khởi đầu sẽ có kết thúc. Nghĩ về sự chết để mà sống sao cho “đẹp” đời trần thế. Làm sao để tôi sống cuộc đời này cách ý thức hơn, với tinh thần trách nhiệm hơn, để khi đến trước mặt Chúa tôi có thể đến trong niềm vui, chứ không phải trong sự sợ hãi!

 

Vì thế, cử chỉ xức tro còn hàm chứa một lời mời gọi: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”; hãy nhìn nhận những tội lỗi thiếu sót, những bất tất trong cuộc đời của mình, hãy tỏ lòng ăn năn sám hối và hãy cố gắng để sửa đổi những gì còn thiếu sót đó để sống hợp với thánh ý Thiên Chúa hơn.

 

 

  1. Năm bước ăn năn [ii]

 

Mùa Chay là mùa đặc biệt dành cho sự trở về của người biết ăn năm sám hối. Sự trở về này gồm nhiều giai đoạn, phần lớn xảy ra trong nội tâm. Ăn năm sám hối bắt đầu từ nội tâm, từ cõi lòng.

 

  • Bước đầu tiên của hành trình ăn năn sám hối là ý thức tội lỗi. Trong thâm sâu của cõi lòng, trong nội tâm, chúng ta thấy mình có tội, nhận ra tội lỗi của mình. Chúng ta phán xét chính mình, nhận điều xấu mình đã làm, hay cái tâm địa xấu xa của mình. Đối với nhiều người, bước đầu tiên này đã là khó. Nhiều người trong thời đại hôm nay dù đã làm bao nhiêu điều xấu, vẫn không thấy mình có tội. Họ đã đánh mất ý thức tội lỗi, và đó là nguy cơ lớn nhất của nhân loại ngày nay.
  • Bước thứ hai là sự hối hận, đau buồn, ray rứt trong lòng vì những điều xấu mình đã làm. Sự đau buồn này là một liều thuốc đắng, chữa lành cho vết thương tội lỗi. Sự ăn năn phản tỉnh của một con người sau khi đã lỡ làm điều ác, sẽ làm cho người đó trở nên tốt hơn, sâu sắc hơn.
  • Bước thứ ba là sự gặp gỡ Thiên Chúa trong nội tâm, là một sự gặp gỡ trong tin yêu. Khi đã lỡ phạm tội, nhiều người rất hối hận, vì yêu Chúa. Càng yêu Chúa, chúng ta càng hối hận, càng hối hận chúng ta càng yêu Chúa. Chúng ta gặp gỡ Chúa, thú nhận tội lỗi với Chúa và xin Chúa tha thứ. Chắc chắn Chúa tha thứ và ban lại cho chúng ta niềm vui và sự bình an. Giai đoạn này Chúa cho chúng ta cảm nghiệm được Tình yêu và lòng thương xót của Chúa.
  • Bước thứ tư là quyết tâm thú nhận tội lỗi của mình, không những với Chúa, mà còn với Giáo hội. Giai đoạn này, cần phải lướt thắng sự ngại ngùng trong việc xưng tội, nói ra sự thật và tất cả sự thật với cha giải tội là đại diện cho Chúa và cho Hội Thánh. Giai đoạn này cũng rất cần thiết, vì nó biểu lộ sự chân thực của lòng thống hối, tránh cho chúng ta ảo tưởng và sự chủ quan.
  • Bước thứ năm là thực sự sửa đổi đời sống. Sống khác đi, không sống như cũ nữa, không làm điều ác nữa; dứt khoát với tình trạng tội lỗi mà mình đang mắc phải. Giai đoạn này rất khó và đòi hỏi sự hy sinh, sự chiến đấu với chính mình, và sự chiến thắng, làm chủ được chính mình. Chính vì thế mà cần rất nhiều ơn Chúa, cần sự giúp đỡ của những anh chị em đồng đạo với mình.

Để có thể canh tân đổi mới đời sống cách hữu hiệu và bền bỉ, phải cầu nguyện rất nhiều như lời Chúa dạy. Cầu nguyện âm thầm kín đáo trong lòng, chứ đọc kinh bên ngoài thôi chưa đủ. Rồi phải ăn chay, nghĩa là phải nhịn, không chỉ nhịn ăn mà thôi, có khi còn phải nhịn nói, nhịn thỏa mãn sở thích của mình, kiềm hãm tình cảm nóng giận. Và cuối cùng hãy tập làm việc lành, tập giúp đỡ những người nghèo khổ hơn mình.

 

  1. Chuyện kể ăn năn

 

Thánh Kinh kể nhiều câu chuyện ăn năn sám hối rất cảm động.

 

  • Vua Ðavít phạm tội ngoại tình với Bát Seva, vợ của  tướng Urigia. Sau khi phạm tội vua Ðavít cố tình che đậy tội lỗi của mình. Nhà vua sai chồng bà đang ở ngoài mặt trận về nhà với vợ, để mai mốt bà có sinh con, thì thiên hạ sẽ cho rằng đó là con của vị tướng. Tuy nhiên tướng Urigia nhất định không chịu về nhà vì ông là một tướng lãnh chuyên nghiệp, muốn sống chết với binh sĩ ngoài mặt trận. Giấu giếm bằng cách này không được, vua Ðavít lại toan che đậy tội lỗi của mình bằng cách lập kế cho giết vị tướng là chồng bà ngoài trận địa để vua có thể cưới bà.Ðến đây Thiên Chúa sai ngôn sứ Nathan đến để làm thức tỉnh lương tâm của nhà vua. Ðược thức tỉnh lương tâm, vua Ðavít liền ăn năn sám hối, vội trở về với Chúa. Nhà vua thốt lên: Tôi đã đắc tội với Thiên Chúa (2 Sm12,13). Vua tỏ lòng ăn năn sám hối cho tội lỗi đã phạm được bầy tỏ trong Thánh vịnh 51 mà truyền thống cho rằng vua Đavid là tác giả.

 

  • Câu chuyện người phụ nữ tội lỗi được trong Phúc âm. Tội lỗi đã đọa đầy chị ra ngoài vòng xã hội. Cuối cùng chị đến xin Chúa Giêsu ban cho chị đời sống mới và một tình yêu đổi mới. Chị ta chứng tỏ cho Chúa thấy biểu hiệu của tình yêu bằng cách rửa chân Chúa bằng nước mắt và dùng tóc lau chân Chúa và sức dầu thơm cho Chúa. Do đó tội lỗi của chị đã được tha thứ nhiều vì yêu nhiều (Lc 7,47). Hành vi của Chị biểu lộ tâm tình ăn năm sám hối. Ðể có được tâm tình sám hối, người ta phải tỏ lòng khiêm tốn, chấp nhận thân phận yếu hèn và tội lỗi của mình. Người biết sám hối là người ý thức về sự yếu hèn và tội lỗi của mình. Người đàn bà tội lỗi khi nhận thức được mình là kẻ có tội, đã ăn năn sám hối bằng những giọt nước mắt. Chỉ khi nào người ta ý thức được về tội lỗi của mình, người ta mới cảm thấy nhu cầu cần Chúa. Còn người Pharisêu tự coi mình là công chính nên mới không cảm thấy cần sám hối.

 

  • Khi còn thuộc nhóm Pharisiêu, Phaolô kiêu ngạo, cứng lòng và bách hại các tín hữu. Nhờ ăn năm sám hối, ngài đổi mới hoàn toàn, ngài có được kinh nghiệm sống trong tình yêu lòng nhân từ và tha thứ của Ðấng đã quật ngã mình khỏi lưng ngựa.Thánh Phaolô yêu Chúa trên hết mọi sự và đã trở thành Tông đồ dân ngoại.

 

  • Thánh Phêrô chối Chúa. Chúa thức tỉnh ký ức của Phêrô bằng tiếng gà gáy và ánh mắt tha thứ nhân từ. Nhờ ăn năn sám hối bằng những giọt nước mắt hối hận “ Phêrô ra ngoài khóc lóc thảm thiết”( Lc 22,62), Phêrô đã nên vị lãnh đạo chăm sóc đàn chiên của Chúa.

 

Câu chuyện về những người tội lỗi có lòng ăn năn sám hối và được tha thứ như vua Ðavít, như người đàn bà tội lỗi và như thánh Phaolô hay như thánh Phêrô nói lên lòng thương xót thứ tha của Chúa. Tâm tình ăn năn sám hối ở đây khác với mặc cảm tội lỗi. Ðược tha thứ rồi, ta không cần mang mặc cảm tội lỗi. Mang mặc cảm tội lỗi có thể khiến ta nghi ngờ lòng thương xót tha thứ của Chúa. Tuy nhiên ta nên duy trì tâm tình sám hối vì sống trong tâm tình sám hối sẽ giúp ta sống gần bên Chúa mãi.

 

Ðể có thể sám hối, cần phải có ơn biết kính sợ Chúa. Không phải sợ mà không dám đến gần Chúa, nhưng sợ làm điều mất lòng Chúa như sách Huấn ca dạy: Kính sợ Chúa là bước đầu của khôn ngoan(Hc1,14). Ơn biết kính sợ Chúa là cần thiết để được hưởng nhờ ơn cứu độ.

 

  1. Muốn ăn năn phải hãm mình

Xã hội càng duy vật và giàu có, người ta càng có khuynh hướng quên đi một số quy luật cơ bản của đời sống tinh thần. Quy luật xem ra bị lãng quên nhiều nhất chính là ăn năn sám hối, để rèn luyện ý chí hầu có thể làm chủ bản thân. Trong mọi cuộc đấu tranh, sự đấu tranh với bản thân là gay go hơn cả. Chính vì thế có một số người, sau khi đã đấu tranh thất bại với bản thân thì hoàn toàn nản chí, không còn muốn đấu tranh với chính mình nữa và thường xuyên chiều theo con người hư đốn của mình. Có những người khác, vì không bao giờ đấu tranh với chính mình, nên chỉ dành thời giờ và sức lực để đấu tranh chống tha nhân và ức hiếp người yếu thế.

 

Mùa Chua là mùa ăn năm sám hối. Mục đích của việc ăn năn sám hối là hãm mình. Hãm con người mình lại, hãm bớt dục vọng, hãm bớt đam mê, hãm bớt thói hư tật xấu, hãm bớt sự tham lam của cải, hãm bớt sự hung hăng gây chiến, hãm bớt lòng tự cao tự đại, hãm bớt cả những sở thích thường nhật. Sự hãm bớt như thế có một tác dụng rất lớn, nếu được thực hành thường xuyên sẽ tạo cho ta một nội lực một sức mạnh giúp ta làm chủ bản thân khi cần thiết. Ðức tính tự chủ dễ nảy sinh và phát triển nơi những con người quen hãm mình. Và chính đức tính ấy làm cho con người thực sự tự do, làm chủ bản thân, không nô lệ chính mình vào bất cứ điều gì. Thoạt nghĩ tới thì sự hãm mình có vẻ là một sự gò bó, giới hạn, cắt xén, làm cho con người không còn được tự do thoải mái. Chính vì thế mà nhiều người trong xã hội hôm nay, kể cả những người có đạo, thậm chí cả những người sống đời tu trì, không thích hãm mình, và hầu như không còn hãm mình nữa. Ðó là lý do của sự xuống dốc về đạo đức trong gia đình và ngoài xã hội[iii].

 

Giáo Hội biết rõ cứ sự thường người ta không thích hãm mình, nên thường dạy hy sinh đi đôi với sự hãm mình. Hy sinh là tự nguyện chết đi, là thông phần với cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, kết hợp với hiến tế thập giá của Ngài. Hy sinh làm những điều mình không thích quả thật là từ bỏ chính mình để bước theo Chúa. Hy sinh là liều mất sự sống, thì sẽ được sống, là đánh mất bản thân, thì sẽ gặp lại bản thân. Hy sinh là chết đi để được vui sống muôn đời. Hy sinh là đi con đường thập giá dẫn tới vinh quang Phục Sinh. Nếu không có động lực nào thúc đẩy thì con người rất ngại hy sinh hãm mình. Nhưng khi có động lực là tình yêu, con người có thể hy sinh dễ dàng. Hãm mình hy sinh không còn là gánh nặng, trái lại còn trở nên nhẹ nhàng cho những ai đang yêu Chúa và yêu những người khác. Chính vì thế mà hãm mình hy sinh thường đi chung với cầu nguyện. Có cầu nguyện, tiếp xúc với Chúa, gặp gỡ Chúa, cảm nghiệm tình yêu của Chúa, chúng ta sẽ sẵn sàng hy sinh nhiều thứ, và dễ dàng làm chủ bản thân mình. Đời sống cầu nguyện thường được nuôi dưỡng bằng những hy sinh nho nhỏ trong đời sống thực tế mỗi ngày.

 

Mùa Chay là thời gian thuận tiện để cầu nguyện, để ăn năn sám hối để hy sinh hãm mình, nhờ đó mà canh tân bản thân mình ngày mỗi hoàn thiện hơn.

 

  1. Mùa Chay linh thiêng

 

Mùa Chay linh thiêng lại về với đời sống tín hữu công giáo. Mùa chay là thời gian 40 ngày dọn lòng mừng lễ Phục Sinh, trải dài từ Lễ Tro cho đến Tuần Thánh, lặp lại thời gian 40 ngày chay tịnh của Chúa Giêsu năm xưa khi chuẩn bị bước vào đời công khai rao giảng Tin Mừng (Mt 4,2). Con số 40 còn lặp lại nhiều biến cố khác trong lịch sử cứu độ như 40 ngày của Êlia trên núi Horeb dọn mình thực thi sứ vụ Chúa trao (1 V 19,8), như 40 ngày của Môsê trên núi Sinai chuẩn bị đón nhận thập điều Chúa dạy (Xh 34,28), và như 40 năm dân Chúa lưu lạc trong hoang địa dọn lòng đặt chân vào đất hứa. Mùa Chay như vậy là thời điểm thuận lợi để sống mầu nhiệm Tử Nạn của Chúa Kitô thông qua việc chay tịnh để sẵn sàng mừng lễ Phục Sinh. Nhưng Mùa Chay không chỉ là việc chay tịnh, cho dẫu khởi đầu và kết thúc Mùa Chay được diễn ra bằng việc buộc ăn chay và kiêng thịt thứ tư Lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh. Mùa Chay còn là mùa xuân tâm hồn với những sinh hoạt đổi mới đời sống đức tin.

 

Cầu nguyện, canh tân, chia sẻ: đó là ba sinh hoạt mỗi người chúng ta cố gắng thực hiện trong Mùa Chay năm nay, cũng là ba chiều kích với Chúa, với mình, với tha nhân dệt nên nhịp sống Giáo Hội.

 

Mùa Chay là thời gian đặc biệt như lời Thánh Phaolô nói:  “Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ” (2 Cr 6,2). Đây là thời gian thuận tiện để mỗi người quyết tâm hoán cải, tăng cường việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, thống hối, mở rộng tâm hồn đón nhận thánh ý Chúa, quảng đại giúp đỡ tha nhân.

 

Mùa Chay là lúc thuận tiện để khích lệ mọi thành phần Dân Chúa gia tăng sức lực thực hiện công việc bác ái nhiều hơn nữa. “Giữa biển cả thờ ơ” của xã hội hôm nay, mỗi người, mỗi giáo xứ và cộng đoàn thực thi đức ái, nhất định Giáo hội sẽ “trở nên những hòn đảo lòng thương xót”[iv]

Lm Giuse Nguyễn Hữu An