Mô thức làm thay đổi cách hiểu về các lời khấn dòng

Quirico T. Pedregosa, Jr., OP

Lời giới thiệu 

Các lời khấn đóng một vị trí quan trọng trong đời tu. Tuy nhiên, tên gọi và ý nghĩa của mỗi lời khấn không phải lúc nào cũng giống nhau trong lịch sử. Chẳng hạn, bộ ba khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục đã xuất hiện trong lịch sử đời tu từ thế kỷ XIII. Công Đồng Vaticano II đã tái khẳng định bộ ba này, nhưng với một trật tự mới: khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Cả ba lời khấn không xuất hiện trong đời tu cùng lúc, chúng thay đổi với những diễn tả khác nhau tùy mỗi dòng tu, mỗi giai đoạn lịch sử và ngữ cảnh.  Do vậy, có những mô thức mới làm thay đổi cách hiểu về các lời khấn không có gì đáng ngạc nhiên.

Những nhân tố làm thay đổi

Công Đồng Vaticano II thúc đẩy một sự hiểu biết mới về đời tu và rồi đến các lời khấn dòng. Bốn cái nhìn từ Công Đồng đã có một ảnh hưởng quan trọng trên cách đời tu phải được sống như thế nào trong thời đại của chúng ta.

Trước hết, Sắc lệnh Perfectae Caritatis khẳng định: đi theo Đức Ki-tô là việc quan trọng nhất, là tiêu chuẩn tối hậu của đời tu (PC.2). Luật này đã  trở thành nền móng cho sự canh tân đời tu. Nó nhắc nhớ tu sĩ về tiếng gọi chung là cùng với các Ki-tô hữu bước theo Chúa Ki-tô, căn tính nền tảng của họ là những môn đệ của Chúa Ki-tô.

Thứ hai, Vaticano II nhìn nhận mọi Ki-tô hữu đều được mời gọi tới sự thánh thiện. “Tất cả các tín hữu dù ở bậc sống nào cũng đều được gọi tới sự viên mãn của đời sống Ki-tô hữu và sự trọn hảo của đức ái” (LG.40). Chỉ sau khi đã đề cập đến tiếng gọi hoàn vũ về sự thánh thiện của các Ki-tô hữu, Hiến Chế Lumen Gentium mới thảo luận về vai trò của tu sĩ trong mầu nhiệm của Giáo Hội ở chương tiếp theo (chương VII). Việc nhìn nhận này đã lấy đi khỏi đời tu tước hiệu đặc biệt “bậc trọn lành”, vì sự thánh thiện hay đức ái trọn hảo không chỉ dành riêng cho đời tu mà có thể dành cho mọi bậc sống.

Thứ ba, Công Đồng đã làm thay đổi lập trường của Giáo Hội đối với thế giới vốn còn đang tranh cãi từ những thế kỷ trước. Công Đồng nhấn mạnh đến sự liên đới của Giáo Hội, cộng đoàn các môn đệ Chúa Ki-tô, với toàn thể gia đình nhân loại, với thế giới. “Niềm vui và hy vọng, buồn phiền và lo lắng của con người thời đại, đặc biệt của những người nghèo và những người bị áp bức dưới bất cứ hình thức nào, cũng là niềm vui và hy vọng, buồn phiền và lo lắng của những người theo Đức Ki-tô”  (GS. 1). Tu sĩ, một khi thực sự là phần của Giáo Hội, không thể tách biệt với thế giới. Sự tách biệt với thế giới không còn là sự khác biệt có giá trị giữa đời tu với các hình thức sống Ki-tô hữu khác.

Thứ bốn, Vaticano II trong Hiến Chế Ad Gentes đã nhấn mạnh đến bản chất truyền giáo của toàn thể Giáo Hội. Truyền giáo là một căn tính thuộc về toàn thể Giáo Hội, cho tất cả những ai đi theo Đức Ki-tô, không loại trừ bất cứ người môn đệ nào của Ngài. Hiến Chế nhìn nhận “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo Ý Ðịnh của Thiên Chúa Cha” (AG.2). Do đó, bằng chính ơn gọi của mình, các tu sĩ là những môn đệ của Chúa Ki-tô và là những nhà truyền giáo, nên mọi yếu tố của đời tu đều có một đặc điểm truyền giáo.

Bốn định hướng thần học nền tảng này của Vaticano II, cùng với những điều kiện thay đổi của thế giới, và sự cần thiết cho Giáo Hội đáp lại những dấu hiệu của thời đại, đã mang về một cái nhìn mới, một giải thích mới về đời tu cũng như các lời khấn dòng trong những thập niên sau Công Đồng.

(Còn tiếp)
Nt. Maria – Stephano, fmsr chuyển ngữ
(Nguyên tác: Paradigm shifts in understanding of the wows)