Dò xét
33 Khi ấy, những người biệt phái và luật sĩ nói với Chúa Giêsu rằng: “Tại sao môn đồ của Gioan năng ăn chay và cầu nguyện, cả môn đồ của những người biệt phái cũng vậy, còn môn đệ của Thầy lại cứ ăn uống?” 34 Người đáp lại rằng: “Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng? 35 Nhưng sẽ đến những ngày mà tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ sẽ ăn chay trong những ngày ấy”.
36 Người còn nói với họ thí dụ này rằng: “Không ai xé miếng vải áo mới mà vá vào áo cũ; chẳng vậy, áo mới đã bị xé, mà mảnh vải áo mới lại không ăn hợp với áo cũ. 37 Cũng chẳng ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; chẳng vậy, rượu mới sẽ làm vỡ bầu da, rượu chảy ra và bầu da hư mất. 38 Nhưng rượu mới phải đổ vào bầu da mới, thì giữ được cả hai. 39 Và không ai đang uống rượu cũ mà lại thèm rượu mới, vì người ta nói: ‘Rượu cũ thì ngon hơn’ “.
“Sẽ đến những ngày mà tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ sẽ ăn chay.” (Lc 5,35)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Chuyện xảy ra sau khi Chúa Giêsu gọi một người thu thuế là Lêvi làm môn đệ Ngài và còn ngồi ăn chung bàn với nhiều người thu thuế khác trong bữa tiệc do Lêvi khoản đãi để ăn mừng.
Những người Pharisêu và luật sĩ thấy thế thì khó chịu và trách Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài không lo ăn chay cầu nguyện mà chỉ lo ăn uống!
Câu trả lời của Chúa Giêsu cho ta thấy ý nghĩa thực của việc ăn chay và cách sống trong thời Tân Ước:
– Thời Cựu Ước, việc ăn chay đi kèm với sự chờ đợi ơn giải thoát. Việc ăn chay như muốn nói: Thời buổi xấu xa quá, chúng tôi không thỏa mãn, chúng tôi không thiết sống nữa, nguyện xin Chúa mau đến giải thoát chúng tôi.
– Việc Chúa Giêsu đến khai mở thời Tân Ước, thời của Phúc Âm, thời vui sống với Đấng Messia như dự tiệc cưới với chàng rể.
– Khi Chúa Giêsu được đem đi (ám chỉ việc Ngài chết, sống lại và lên trời), các môn đệ sẽ lại ăn chay để xin Ngài mau trở lại.
B- Suy gẫm (…nẩy mầm)
1. Chúng ta đang sống trong thời Tân Ước, thời của vui mừng hoan lạc. Tại sao ta thường sầu não, buồn rầu và lo lắng. Cuộc sống không vui tươi của chúng ta làm sao hấp hẫn được người khác?
2. Biệt phái và luật sĩ ăn chay. Họ lấy họ làm tiêu chuẩn mẫu mực và buộc người khác phải theo họ. Chưa chắc gì tôi đọc kinh cầu nguyện mà tốt đến nỗi tôi có quyền lên án người khác không đạo đức bằng tôi.
3. “Không ai xé miếng vải áo mới mà vá vào áo cũ;cũng chẳng ai đổ rượu mới vào bầu da cũ”: Ý của Chúa Giêsu muốn nói phải sống thời Tân Ước với tâm tình của thời Tân ước. Tâm tình của thời Cưu Ước là hoảng sơ, tâm tình của thời Tân Ước là yêu thương. Vậy tâm tình thường xuyên của tôi đối với Chúa là gì: làm lành tránh dữ vì sợ Chúa phạt hay vì yêu thương Chúa?
4. “Tại sao môn đồ của Gioan năng ăn chay và cầu nguyện, cả môn đồ của những người biệt phái cũng vậy, còn môn đệ của Thầy lại cứ ăn uống?” (Luca 5,33).
Chúa Giêsu ơi! Không thua gì các kinh sư và các biệt phái, con vẫn thường nhìn anh em con bằng đôi mắt dò xét, khắt khe hẹp hòi. Con luôn muốn họ phải như con nghĩ, chứ không được như họ làm. Nên con cảm thấy khó sống với họ và đôi khi thì không thể bắt tay làm việc với họ được. Xin cho con nhìn với đôi mắt của Chúa: nhìn và yêu. (Hosanna)
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúng con tin Chúa đang ngự thật trong lòng chúng con. Chúa đang âu yếm nhìn chúng con. Dù rằng chúng con còn nhiều yếu đuối. Dù rằng tâm hồn chúng con còn ngổn ngang trăm bề những chia trí lo ra. Thế nhưng, Chúa vẫn yêu thương chúng con. Chúa còn trao tặng cho chúng con chính Mình và Máu Thánh Chúa trở nên nguồn sống cho chúng con.
Nhưng Chúa ơi, chúng con lại không có cái nhìn từ bi như Chúa. Chúng con thường nhìn anh em bằng ánh mắt dò xét, khắt khe hẹp hòi. Chúng con thường kết án nhau và ít bao dung tha thứ cho nhau. Chúng con thường xét nét với nhau và thiếu cảm thông trước những thiếu sót của anh em. Xin tha thứ và giúp chúng con sửa đổi lại cung cách sống cho phù hợp với giới răn Chúa. Xin cho ánh mắt chúng con nhìn tha nhân trong yêu thương, tôn trọng trong bao dung và tha thứ. Xin cho tình người chúng con luôn được chan hòa sự bác ái và vị tha để mang lại hạnh phúc cho nhau, hơn là những sự hận thù và đầy đọa làm khổ lẫn nhau.
Lạy Chúa, xin mặc cho chúng con tâm tình từ bi và nhân hậu của Chúa để chúng con sống hoà hợp với nhau trong tình nghĩa anh em một nhà. Amen.
(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)