Nhỏ nhất & Lớn nhất
Mt 18,1-4
1 Khi ấy, các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?” 2 Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông 3 mà phán rằng: “Thật, Thầy bảo các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. 4 Vậy ai hạ mình xuống như trẻ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời”.
(Nguồn: Uỷ ban Thánh Kinh / HĐGMVN)
“Ai hạ mình xuống như trẻ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời” (Mt 18,4)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Các môn đệ đã tranh cãi nhau xem ai là người lớn nhất. Trong nếp sống cộng đoàn, vấn đề làm lớn làm nhỏ cũng thường gây va chạm. Chúa Giêsu dạy phải trở nên trẻ nhỏ: trở nên trẻ nhỏ là khiêm tốn chấp nhận thân phận của mình trong gia đình, và sẵn sàng vâng lời người lớn…
Trong những lời dạy các môn đệ hãy trở lại nên như trẻ nhỏ, Chúa Giêsu khẳng định hai điều:
– Đó là điều kiện để được vào Nước Trời
– Kẻ tự hạ như trẻ nhỏ sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời.
B- Suy gẫm (…nẩy mầm)
1. Trong cộng đoàn, sự ganh ghét nhau về địa vị, danh dự đã làm cho biết bao người khổ sở. Kẻ bị ganh ghét khổ, mà chính người ganh ghét cũng khổ. Sao chúng ta không sống đơn sơ như những đứa trẻ trong gia đình: cha mẹ đặt đâu là chúng ở đó, cha mẹ bảo gì là chúng làm nấy, không hề nghĩ ngợi so đo, chỉ nhắm đến điều duy nhất là làm cho cha mẹ hài lòng.
2. Theo khuynh hướng tự nhiên, tôi thường khinh dễ những người kém hơn tôi (mà Chúa Giêsu gọi là “những kẻ bé mọn”). Nay tôi đã nghe Chúa Giêsu bảo rằng khinh họ là khinh Chúa, đón tiếp họ là đón tiếp Chúa. Tôi nghĩ sao?
3. Hãy nghĩ đến một đứa trẻ. Nó có nhiều đức tính rất đáng phục, như: lúc nào cũng hồn nhiên không lo lắng, vì nó tin rằng cha mẹ đã lo mọi sự cho nó; rất ngưỡng mộ cha mẹ, coi cha mẹ như thần tượng; luôn vui vẻ sống giây phút hiện tại; nó cũng thường xích mích với những trẻ khác nhưng rất mau quên; có những lúc nó giận cha mẹ, nhưng cha mẹ dỗ ngọt vài lời là nó bỏ qua ngay.v.v…
Bởi thế, Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng đã chọn nên thánh bằng con đường trẻ thơ.
4. “Chúa Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: Thầy bảo thật anh em nếu anh em không quay trở lại mà nên như trẻ em thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,2-3)
Nếu trẻ thơ chẳng biết giận lâu; thì với con: sống để dạ, chết mang theo. Trẻ thơ không màng giành chức tước; riêng con nghiêng mình trước công danh. Trẻ thơ luôn biết mình yếu đuối; còn con khẳng định mình trên hết. Trẻ thơ yêu với cả tâm hồn; còn con theo bề ngoài mà đánh giá. Trẻ thơ sống những gì mình có; con thường nặn mình rất công phu.
5. “Ai tự hạ, coi mình như anh em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.” (Mt 18,4)
Một lần nọ, tôi đọc được lời nguyện này của một người bạn: Lạy Chúa, xin cho con lòng khiêm nhường để biết nhìn ra mọi sự là hồng ân. Xin cho con lòng khiêm nhường để dám đối diện với sự thật. Xin cho con lòng khiêm nhường để can đảm vác thập giá hàng ngày theo Chúa. Xin cho con lòng khiêm nhường để không mệt mỏi vươn lên. Xin cho con lòng khiêm nhường để không đòi cho được phải hơn kẻ khác, nhưng luôn biết chấp nhận sự trổi vượt nơi mỗi con người, và xin cho con lòng khiêm nhường để bớt đi mọi lời khoe mẽ, nhưng thay bằng những lời tạ ơn.
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Có những bài học của trẻ thơ tuy đơn sơ mà cao vời vợi, để người lớn học cả đời chưa tròn nghĩa một câu. Xin dạy con nên như trẻ nhỏ, để con bước trên đời không chỉ bằng đôi chân của con, nhưng biết buông mình trong tay Cha từ ái.
Lạy Chúa, lời nguyện của con hôm nay là nguyện xin cho con luôn sống khiêm nhường để xây dựng Thiên Đàng quanh con. Amen.
(Hosanna)