Lời Chúa: Thứ Năm Tuần X Thường Niên

Làm hoà

 
 
Thứ Năm Tuần X Thường Niên
Lời Chúa: 

 Mt 5,20-26

20 Khi ấy,  Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.

21 “Các con đã nghe dạy người xưa rằng: ‘Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án’. 22 Còn Thầy, Thầy sẽ bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là “ngốc”, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là “khùng”, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. 23 Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, 24 thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. 25 Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. 26 Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng!”

(Nguồn: Uỷ ban Thánh Kinh / HĐGMVN)

“Hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ.” (Mt 5,24)

 
Suy niệm: 

A- Phân tích (Hạt giống…)

Chúa Giêsu đề ra lý tưởng sống cho người môn đệ: phải công chính hơn những người biệt phái. Công chính của người biệt phái là lo giữ luật cách chín chắn không sơ sót chút nào, nhưng họ giữ luật một cách máy móc không chút tâm tình. Còn sự công chính của các môn đệ Chúa là giữ mọi khoản luật với tâm tình yêu thương, thương người như anh em và thương Chúa như Cha mình.

Sau đó Chúa Giêsu đưa ra thí dụ về cách giữ một số khoản luật:

Luật “không được giết người”: môn đệ Chúa không chỉ tránh giết người mà phải cố gắng sống với mọi người bằng tình anh em, vì thế không nên phẫn nộ với anh em, không nên chửi rủa anh em.

Luật dâng lễ vật: lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa nhất là cuộc sống đầy lòng yêu thương. Do đó trước khi dâng lễ vật, phải lo hòa giải với người anh em nào có chuyện bất hòa với mình.

B- Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. Có hai thứ thước để đo mức công chính. Thước đo của người biệt phái là xem mình có giữ luật đàng hoàng hay không; thước đo của người môn đệ Chúa là xem mình có sống trọn tình yêu thương không. Tôi thường dùng thứ thước nào?

2. Cách nói cường điệu của Chúa Giêsu khi giải thích các khoảng luật “chớ giết người” cho tôi thấy thêm được rằng giận, mắng và chửi người anh em cũng là một cách giết chết người đó. Giết chết người anh em bởi vì tôi không coi người đó là anh em nên mới nặng lời như thế. trong lòng tôi “người anh em” kể như đã chết rồi, chỉ còn là một người dưng, một kẻ thù.

3. Nếu Chúa đã chọn việc làm hòa trọng hơn của lễ, thì tôi có biết bao của lễ có sẵn hàng ngày chung đụng và nhiều va chạm này. Sao tôi không dâng cho Chúa?

4. “Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng: chớ giết người. Ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa” (Mt 5,21)

Phần lớn chúng tôi, những người trẻ, không giết người nhưng lại “giết” mình. Tội ấy có đáng xét sử không? Chúng ta ít hỏi mình như thế bởi vì còn đắm say với men rượu, men tình trong những cuộc ăn chơi phóng túng. Kết cuộc là hủy hoại thân xác và tâm hồn, trí não và tương lai của mình cách thảm hại.

Lạy Chúa, xin cho giới trẻ chúng con biết quý trọng sự sống, và giúp nhau vun trồng sự sống, sự sống mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng con. (Hosanna)

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Chúng con xin tạ ơn Chúa đã thương ngự đến viếng thăm linh hồn chúng con. Chúa là Ðấng thánh thiện vô cùng, thế mà Chúa lại cho chúng con được liên kết nên một với Chúa qua bí tích Thánh Thể. Xin giúp chúng con biết gìn giữ vẻ trong trắng, sự thánh thiện trong tâm hồn của chúng con.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, xin cho chúng con học nơi Chúa là tình yêu để chúng con không bao giờ xét đoán, kết án hay kết tội lẫn nhau. Xin giúp chúng con biết sống yêu thương nhau, biết giúp đỡ và tha thứ cho nhau. Người giầu nâng đỡ người nghèo. Người nghèo đùm bọc kẻ tả tơi. Người có tội thì được sự tha thứ. Kẻ lầm lỡ được cảm thông. Kẻ vấp ngã được đón nhận trong tình bao dung nhân ái. Ðó chính là phương thế duy nhất để chúng con có được hạnh phúc đời này và cả đời sau.

Nhưng Chúa ơi! Sao chúng con khó có thể “thương người như thể thương thân” quá! Chúng con chỉ biết sống cho mình. Chúng con không quan tâm đến nỗi lòng kẻ khác. Chúng con không tìm niềm vui trong phục vụ mà chỉ thấy vui khi được người khác phục vụ mình.

Lạy Chúa, xin tha thứ cho những giới hạn của chúng con. Xin dạy chúng con yêu người như Chúa yêu thương chúng con, để chúng con chăm sóc lẫn nhau và cùng chung hưởng niềm vui và hạnh phúc khi mọi người biết yêu thương và phục vụ lẫn nhau. Amen.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)