Trung thực trong lời nói
Mt 5,33-37
Có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ (Mt 5, 37)
Phân tích
Tiếp tục giải thích về sự công chính mới, hôm nay Chúa Giêsu dạy về sự trung thực trong lời nói:
Điều cốt yếu của lời nói là sự trung thực “Có thì nói có, không thì nói không, nói thêm thắt là do sự dữ mà ra.” Một khi đã trung thực trong lời nói thì không cần thề nữa.
Suy gẫm
1. Thời nay, nói thay vì để thông đạt sự thật, đã trở thành phương tiện giúp đạt được điều người ta mong muốn: nói sao cũng được miễn đạt được mục đích thôi. Trong làm ăn, trong chính trị đã thế, mà buồn thay trong Giáo Hội và trong những cộng đoàn huynh đệ nhiều khi cũng thế.
“Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” vì trẻ con rất trung thực. Phải chăng người thời nay đã già cỗi quá rồi, đã đánh mất sự trung thực hồn nhiên của tuổi thơ? Bởi đó Chúa Giêsu nói “Ai không trở nên như trẻ thơ thì chẳng được vào Nước trời.”
2. Lỗi về sự trung thực không phải chỉ là nói dối, vu khống mà còn là nói lệch đi một chút (xuyên tạc), hứa mà không làm, hẹn mà không giữ đúng.
3. Trung thực: người cha có hai con gái ở tuổi thanh xuân. Một cô rất đẹp và một cô kia có dáng vẻ bình thường. Ngày nọ, khi cả hai đang chuẩn bị tới trường, cô bé đẹp hơn nhìn vào gương, rồi phàn nàn với cha rằng gương này không phản chiếu hình ảnh trung thực của cô.
Thay vì giận dữ, ông bố khuyên con: “Ba muốn cả hai con nhìn vào gương đó mỗi ngày. Các con có được vẻ đẹp tự nhiên, phải tự nhắc mình đừng bao giờ làm mất đi vẻ đẹp của gương mặt bằng những hành động xấu. Và con là người không đẹp, con có thể che dấu sự thiếu vẻ đẹp đó bằng sự duyên dáng nơi những đức tính và cách cư xử đẹp của con.”
4. “Có thì nói có, không thì nói không, nói thêm thắt điều gì là do ác quỷ.”
Mỗi lần tôi xa nhà, mẹ tôi đều căn dặn: con phải sống thật thà với Chúa, với mọi người xung quanh và với chính mình. Mẹ ước mong cho tôi nên người có giá trị, luôn có lòng tự trọng và biết tôn trọng người khác. Để được như thế tôi không nên nghi ngờ, dối gian, mà phải sống trung thực đặc biệt trong lời nói. Chúa cũng dạy tôi như vậy “Có thì nói có, không thì nói không, nói thêm thắt điều gì là do ác quỷ.”
Lời dặn của mẹ là lời dạy của Chúa còn đó. nhưng tôi đã không đủ cam đảm để thực thi, để rồi lời dạy ấy như gió thoảng, chợt đến rồi vội đi.
Bài thơ “Lời mẹ dặn”
Là người có luân thường chính là người biết sống thẳng nói thật. Đó là bài bọc vỡ lòng mà có lẽ chúng ta đã được mẹ dạy cho từ thuở nhỏ. Bài học ấy có thể được gói ghém trong bài thơ “Lời mẹ dặn” của nhà thơ Phùng Quán, có nội dung như sau:
Tôi mồ côi cha năm ba tuổi
Mẹ tôi thương con… không lấy chồng.
Trồng dâu nuôi tằm dệt vải.
Nuôi tôi đến ngày khôn lớn,
Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm,
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn,
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn ôm tôi,
Hôn lên mái tóc.
Con ơi! trước khi nhắm mắt,
Cha con dặn con
Suốt đời phải làm người chân thật.
Mẹ ơi! Chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi! một người chân thật:
Thấy vui muốn cười, cứ cười.
Thấy buồn muốn khóc, cứ khóc
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ báo ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Từ đấy người lớn hỏi tôi:
Bé! Bé yêu ai nhất?
Nhớ lời mẹ, tôi trả lời:
Bé yêu những người chân thật.
Người lớn nhìn tôi: không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không. Những lời dặn đó
Ươm vào trí óc tôi.
Như trên giấy trắng tuyệt vời.
Có in vết son đỏ chói.
Nam nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn.
Những lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn mầu son chói đỏ
Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khổ bằng nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu.
Ghét ai cứ bảo là ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Tôi muốn làm nhà văn chân thật:
Chân thật trọn đời.
Đường mật công danh không làm ngọt
được lưỡi tôi,
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi,
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
Lạy Chúa, xin cho con biết làm chủ suy nghĩ và làm chủ miệng lưỡi con, vì thật thà là dấu chỉ của con cái Chúa, quanh co gian lận là sản phẩm của satan.
Bài Ðọc I: (Năm II) 1 V 19, 19-21
“Êlisê chỗi dậy đi theo Êlia”.
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, Êlia xuống núi tìm đến cùng Êlisê, con ông Saphat, đang cày với mười hai đôi bò; chính Êlisê là người dẫn đôi bò thứ mười hai. Êlia tiến đến gần ông và ném áo choàng mình trên ông. Êlisê bỏ đôi bò đó, chạy lại Êlia và thưa rằng: “Xin cho tôi về hôn cha mẹ tôi đã, rồi tôi sẽ theo Ngài”. Êlia nói với ông: “Cứ về rồi trở lại, vì ta đã làm gì ngươi đâu?” Êlisê rời Êlia, bắt đôi bò làm thịt, lấy cày làm củi, nấu thịt bò và đem cho dân chúng ăn. Ðoạn Êlisê chỗi dậy đi theo làm đồ đệ Êlia.