1. Nền tảng cho lập trường về tôn giáo của Émile Durkheim
Émile Durkheim (1858-1917) là một nhà xã hội học có nhiều ảnh hưởng, đặc biệt trên lĩnh vực xã hội học tôn giáo. Quan niệm của ông về tôn giáo chủ yếu được đặt trên nền tảng của một nhà xã hội học. Đối với các nhà nghiên cứu xã hội về các hiện tượng tôn giáo, điều mà họ thường quan tâm không phải để chứng minh một hiện tượng tôn giáo nào đó đúng hay sai, cho bằng đánh giá những ảnh hưởng của tôn giáo ấy lên cá nhân và xã hội.[1]
Émile Durkheim, giáo sư đại học Sorbonne, đặc biệt nhấn mạnh đến quyền lực ưu việt của xã hội vượt quá tất cả các thành viên hợp sức hình thành. Ông xem xã hội như một hệ thống phức tạp gồm nhiều bộ phận tương thuộc vẫn còn ổn định tương đối qua thời gian dài. Thậm chí, Durkheim còn nhìn nhận xã hội ‘giống như thần’ so với những cá thể là các tín đồ của mình.[2]
Trong bối cảnh lịch sử xã hội đương thời, nhà xã hội học người Pháp này nhận thấy tôn giáo đang giảm dần tác dụng của nó, đặc biệt so với thời kỳ trung cổ khi mà tôn giáo có những tác động rất lớn giúp hợp nhất Châu Âu. Chính mối bận tâm này đã khiến ông bắt tay vào việc nghiên cứu tôn giáo ngõ hầu có thể tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi rất cấp thiết: “Có phải tôn giáo suy tàn đồng nghĩa với xã hội tan rã? [3]
2. Lập trường về tôn giáo của Émile Durkheim
a. Tôn giáo là sự thánh thiêng hóa thực tại và đời sống con người
Émile Durkheim nhận diện các hiện tượng tôn giáo qua ba đặc tính căn bản sau: niềm tin, lễ nghi và giáo hội. Trước hết, nghi thức chỉ có thể được xác định và phân biệt với những thực hành thường nhật của con người, bằng bản chất đặc biệt của đối tượng niềm tin. Chính trong niềm tin mà bản chất của đối tượng được biểu hiện. Khi bàn về niềm tin, ông cho rằng các tôn giáo dù đơn giản hay phức tạp luôn có cùng điểm chung ở điểm phân loại sự vật. Sự vật thường được phân biệt nhau thành hai thế giới khác biệt được biết với hai tên gọi: “trần tục” (profain) và “thiêng liêng” (sacred).[4] Những gì được hiểu là trần tục bao hàm tất cả mọi thứ thông thường của đời sống. Trái lại, những vật thiêng liêng ám chỉ những gì được định cho là phi thường, tạo cảm giác kính sợ hay sùng kính. Đây chính là nền tảng cho niềm tin tôn giáo trong lịch sử con người.[5] Các vật thiêng (vật tổ) ấy không những ám chỉ về thượng đế hay ma quỷ mà còn dùng cho bất kể vật nào, miễn sao nó được con người gán thêm cái thiêng liêng vào.[6] Cuối cùng, Durkheim cho thấy ranh giới giữa tôn giáo và ma thuật rất mong manh do bởi cả hai đều giống nhau ở hai đặc tính: niềm tin và nghi thức.[7] Chính vì vậy, ông cho rằng tính liên kết trong giáo hội là đặc tính thứ ba, một điểm quan trọng giúp phân biệt tôn giáo với ma thuật. Thực tế, các tôn giáo luôn bao hàm một cộng đồng chung giúp gắn bó những tín đồ của nó qua những nghi thức được cử hành chung với nhau.[8] Ba đặc tính này đã được Durkheim hệ thống qua định nghĩa sau đây:
“Tôn giáo là một hệ thống có tính chất gắn bó của những niềm tin và những thực hành liên quan đến những điều thiêng liêng, nghĩa là được tách biệt, cấm đoán. Những niềm tin và thực hành gắn bó tất cả những ai gia nhập vào một cộng đồng tinh thần, được gọi là giáo hội.” [9]
b. Vai trò ưu việt của xã hội trên tôn giáo
Émile Durkheim nhìn nhận hoạt động của tập thể chính là yếu tố quan trọng chi phối đời sống tôn giáo. Khi đề cập đến vấn đề này, Durkheim đưa ra lý do để lý giải cho vai trò ưu việt của phụng tự trong tôn giáo. Ông cho rằng xã hội chủ yếu là do có sự hợp tác giữa các thành viên và nó chỉ cho thấy nó hoạt động tốt khi các cá nhân tụ họp và cùng nhau hoạt động. Ngay cả các ý nghĩa và tâm tình tập thể thì cũng nhờ những phong trào biểu thị chúng từ bên ngoài. Theo cách nhìn nhận này, hoạt động là yếu tố chi phối đời sống tôn giáo với lý do là nó bắt nguồn từ xã hội.[10]
Thứ đến, Durkheim cho thấy lý tưởng tôn giáo chỉ là là sản phẩm của đời sống xã hội. Lý tưởng tôn giáo sở dĩ được hình thành là vì khi đạt đến một mức độ nào đó, đời sống tập thể sẽ khơi dậy tư duy tôn giáo. Nói cách khác, quá trình hình thành lý tưởng không có gì là thần bí vì chúng bị phụ thuộc vào các điều kiện mà con người có thể tri nhận. Một cách cụ thể, đây chỉ là một sản phẩm của đời sống xã hội. Sở dĩ có thể kết luận như vậy là do đời sống tập thể sẽ khiến cho đạo đức được đề cao và sau đó được diễn dịch thành lý tưởng. Lý tưởng này được phác họa trong một đời sống mới, hay một thế giới chỉ hiện hữu trong tư duy con người nhưng được gán cho một phẩm vị thần thiêng nào đó.[11]
Lý tưởng niềm tin tôn giáo không chỉ có nền tảng từ xã hội mà còn là lý tưởng của tập thể. Lý tưởng tôn giáo có nguồn gốc từ xã hội vì khả năng bẩm sinh con người không thể tạo ra lý tưởng. Đúng hơn, con người hình dung ra lý tưởng nhờ thâu nhận trong lớp học của đời sống tập thể. Chính xã hội đã truyền cho con người ý thức phải hướng lên một thế giới lý tưởng. Có thể nói, thế giới mới này chính là do xã hội dựng lên khi tự xây dựng chính nó. Nói cách khác, một xã hội không khi nào tự tạo ra chính mình mà không đồng thời tạo ra lý tưởng của nó; thế nên tôn giáo đang diễn tả chính lý tưởng xã hội.[12]
c. Những tác động mang tính xã hội của tôn giáo
Trước hết, tôn giáo có vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường sự liên kết trong xã hội.[13] Thật vậy, nhờ có các giá trị và tiêu chuẩn chung mà tôn giáo thúc đẩy rất mạnh tinh thần đoàn kết các thành viên trong xã hội. Đúng hơn, sự đoàn kết mà tôn giáo tạo ra là sự đoàn kết dựa trên niềm tin. Trong các xã hội thô sơ, vật tổ là biểu tượng hữu hình của sự đoàn kết này.[14] Durkheim cho rằng các ràng buộc tôn giáo thường tốt hơn so với các thế lực khác ở tính liên kết các cá nhân trong xã hội, mặc dầu các loại hình ngoài xã hội khác cũng có phần đóng góp đáng kể, đặc biệt là tinh thần dân tộc.
Tôn giáo không chỉ đóng vai trò đoàn kết mà còn mang tính kiểm soát xã hội. Mỗi xã hội đều có những phương cách khác nhau thúc đẩy tính tuân thủ trong xã hội.[15]Thực tế, có rất nhiều tiêu chuẩn văn hóa quan trọng đã được niềm tin tôn giáo ban cho tính hợp pháp thiêng liêng. Tôn giáo mang tính kiểm soát trong những trường hợp khi mà những người cầm quyền tự mình hay được thừa nhận quyền hành cai trị như quyền của thần thánh.
Ngoài ra, tôn giáo còn có vai trò rất lớn trong việc tạo ra ý nghĩa và mục đích cho đời sống con người.[16] Cuộc sống đầy dẫy những đau khổ có thể khiến cho con người đánh mất sự kiên nhẫn và đi đến tuyệt vọng. Vai trò của tôn giáo với niềm tin vào một thế giới thần thiêng có tác dụng tạo ra cảm giác an ủi và giải thoát con người. Với sự trợ lực của niềm tin tôn giáo, con người được nâng đỡ để có thể tiếp tục hy vọng hơn vào cuộc sống cũng như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua những đau khổ trong cuộc đời.
3. Nhận định về lập trường tôn giáo của Émile Durkheim
a. Điểm mạnh
Durkheim tuy quan niệm thần tính nơi các tôn giáo có nguồn gốc từ xã hội và do con người gán cho các sự vật, nhưng ít ra ông cũng có cái nhìn tích cực về tôn giáo.
Durkheim có một nhận định khá gần với tôn giáo khi đưa ra ba đặc tính căn bản của một tôn giáo dựa trên niềm tin, nghi thức và cộng đoàn.
Durkheim nhấn mạnh tôn giáo ở khía cạnh ‘hoạt động’ cộng đồng qua những nghi thức cũng giúp phản tỉnh cho thái độ sống đạo mang tính ‘hình thức’ nhưng thiếu chiều sâu.
Tính liên kết trong niềm tin là một ưu điểm không chỉ trong các tôn giáo mà còn trong các tổ chức xã hội, khi các thành viên cùng chung chia một niềm tin nào đó.
Durkheim phần nào đã đúng khi cho thấy có một mối liên hệ rất gần giữa tôn giáo và văn hóa. Phải nói rằng có một mối liên hệ chặt chẽ giữa tôn giáo và văn hóa.
b. Điểm yếu
Khi đặt nền tảng xã hội học để đánh giá về tôn giáo, Émile Durkheim đã giới hạn tôn giáo ở tính ‘hiệu quả’ đối với xã hội thay vì nhìn sâu vào bản chất của tôn giáo.
Trong quan điểm của mình, Durkheim đặt ưu thế quyền lực xã hội lên hàng đầu, lên trên cả tôn giáo và cá nhân, thậm chí hy sinh cá thể cho tập thể.
Việc Durkheim đồng hóa lý tưởng xã hội với lý tưởng tôn giáo là một điều không ổn, mặc dù cả hai cùng có lý tưởng nhưng thực ra chúng hoàn toàn biệt lập.
Durkheim thậm chí nâng văn hóa thành tôn giáo, nhưng tôn giáo hoàn toàn có thể được diễn tả qua văn hóa.
Mẫu nghiên cứu về tôn giáo của Durkheim quá bó hẹp trong các tôn giáo thô sơ nên không thể lột tả hết được các đặc điểm đa dạng được diễn tả trong các tôn giáo khác.
Giuse Hoàng Thanh Phong, S.J.
Học Viên Triết I
Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên