Ký ức một thời đi tu

Vào giữa năm 1960, tôi nhập học Tiểu Chủng Viện (TCV) thánh Giuse Saigon [1] để đi tu. Lúc đó tôi vừa lên mười một tuổi. Trước khi lên đường nhập học, tôi đã được cha xứ và bố mẹ động viên và khuyến khích rất nhiều về việc đi tu để sau này làm cha. Quả thực, nói gì thì nói, lúc đó tôi vẫn lờ mờ với khái niệm “đi tu làm cha” và chỉ biết là cuộc đời bé nhỏ của mình đang bước vào một khúc ngoặt vô cùng quan trọng.

tieuchungvien.jpg
3 Lớp – 65 trước dẫy nhà học. Ảnh: AMI65VN

Ấn tượng đầu tiên của tôi về khung cảnh TCV, đó là một nơi chốn uy nghiêm, lặng lẽ và cổ kính. Với thời gian trôi qua, tôi nhanh chóng thích nghi dần với cuộc sống mới, quen dần với việc gặp gỡ cha giám đốc (còn gọi là cha bề trên), quý cha giáo, thầy giám thị, các anh lớn và các bạn cùng lớp. Năm đầu tiên ở TCV là năm “dự bị” nên gọi là lớp đệ thất B. Thời gian này chúng tôi tập trung học các môn La-tinh, Pháp văn, Giáo lý và đặc biệt chuyên chú phần tu đức qua các bài giảng, bài suy niệm, bài huấn đức của cha bề trên và các cha giáo. Sau một thời gian ngắn, tôi đã quen dần với đời sống và sinh hoạt ở TCV. Từ một chú giúp lễ đơn sơ, quê mùa thuộc một giáo xứ nhỏ bé vùng ven Saigon, tôi đã trở thành một chú Chủng sinh ngoan ngoãn, lễ phép và chăm chỉ.

Ở TCV, tất cả mọi sinh hoạt đều sắp xếp theo giờ giấc cố định. Cha giám thị luôn nhắc chúng tôi một câu nói dễ nhớ nhưng đủ ý nghĩa, đó là “Giờ nào việc nấy, việc nào chỗ nấy”. Giờ giấc – công việc – nơi chốn là ba “phạm trù” cần phải đan xen nhau một cách hợp lý và không thể trái với quy định được. Giờ học thì phải vào lớp để học. Vào lớp học thì không được đọc truyện. Giờ chơi thì phải ra sân. Giờ ăn thì phải đến nhà cơm vv. Có thể nói, một khi bước vào đời sống chủng viện, chúng tôi phải khép mình theo kỷ luật khá nghiêm ngặt. Chú nào không kham nổi thì hoặc là tự bỏ về hoặc là bị loại…

Mô hình đào tạo ở TCV lúc đó được xem như khá hoàn hảo, tập chú vào các phương diện chính như sau: (a) Tu đức, (b) Hạnh kiểm, (c) Học hành và (d) Rèn luyện Văn-Thể-Mỹ.    

Tu đức

 

Việc tu đức được chú trọng hàng đầu. Mỗi ngày đều có giờ suy gẫm, nghe giảng trong thánh lễ, nghe huấn đức. Riêng việc suy gẫm, có hai giai đoạn, trước mỗi thánh lễ nghe hướng dẫn suy gẫm rồi sau thánh lễ ghi chép lại bài suy gẫm vừa nghe. Việc này thực hiện hàng ngày và có kiểm soát thật chặt chẽ xem ai thực hiện nghiêm túc ai không.

Giờ huấn đức thường diễn ra vào buổi chiều, sau giờ học chung và trước giờ viếng Chúa. Chủng sinh viếng Chúa nửa giờ trước giờ cơm tối. Trong giờ cơm thường ngày, cũng có thời gian vừa ăn vừa nghe đọc sách tu đức hay sách thiêng liêng. Hàng tuần Chủng sinh có giờ xưng tội vào buổi tối và đi thăm cha linh hướng khi cần. Mỗi Chủng sinh đều chọn cho mình một cha giáo linh hướng và có thể thay đổi nếu thấy cần thiết.

Khi về quê nghỉ hè, mỗi Chủng sinh đều được phát một phiếu xét mình hàng ngày để kiểm điểm và ghi lại tất cả những việc thiêng liêng quan trọng đối với một chủng sinh. Nếu “có” thì ghi (x) hoặc nếu “không” thực hiện thì ghi (o). Chẳng hạn các việc như suy gẫm, xem lễ, rước lễ, xưng tội, viếng Chúa, lần chuỗi, đọc sách thiêng liêng vv. Phiếu này phải được thông qua cha xứ nơi Chủng sinh sinh sống và sẽ được nộp lại cho bề trên khi trở lại chủng viện sau kỳ nghỉ hè.

Những việc thuộc phạm vi tu đức kể trên giúp ích rất nhiều cho đời sống thiêng liêng và nội tâm của chúng tôi, nhờ đó bước đường theo ơn gọi càng ngày càng được củng cố vững mạnh.     

Hạnh kiểm

Bên cạnh đời sống tu đức, các Chủng sinh được quan tâm đào tạo về nhân bản, trong đó bề trên lưu ý rất nhiều đến hạnh kiểm của chúng tôi. Hạnh kiểm là đạo đức nết na, ngay thẳng thật thà, biết vâng lời, bác ái hy sinh, có tính tập thể cao, giữ kỷ luật nghiêm túc, không gian lận trong thi cử bài vở, không ăn gian nói dối, không lấy trộm tiền bạc hay đồ đạc của bạn bè vv.

Hàng tháng bề trên đều rao báo chung trong trường về điểm hạnh kiểm của từng Chủng sinh và điểm đó cũng được niêm yết ở nhà khách, để phụ huynh khi đến thăm con em có thể biết và nhắc nhở.   

Nói đến hạnh kiểm thì không thể bỏ qua vấn đề kỷ luật. Trong Chủng viện trên hết có cha giám thị. Bên dưới có thầy giám thị, được bài sai từ Đại Chủng viện qua. Bên dưới nữa có các anh huynh trưởng, từ lớp đệ tam trở lên. Có thể nói kỷ luật trong Chủng viện không cứng như sắt đá nhưng hầu như các Chủng sinh đều răm rắp tuân theo. Chủng sinh nào có điểm hạnh kiểm dưới trung bình một vài lần thì có nguy cơ khăn gói lên đường lúc nào không hay…

Học hành

Việc học hành của Chủng sinh chiếm nhiều thời gian nhất, vì nội dung dạy và học văn hóa đều phải theo chương trình bên ngoài của Chính phủ. Chủng sinh sẽ phải qua 3 kỳ thi: Trung học đệ nhất cấp (sau lớp đệ tứ), Tú tài phần I (sau lớp đệ nhị) và Tú tài phần II (sau lớp đệ nhất). [2]

Ngoài việc học theo chương trình bên ngoài, Chủng sinh còn phải học thêm môn Giáo lý, môn Anh văn. Riêng môn La-tinh cũng có trong chương trình thi cử bên ngoài, vì chủng viện dạy theo ban D là ban cổ ngữ. Phải nói là, môn La-tinh là môn khó nuốt nhất trong các môn nhưng lại là môn mà các Chủng sinh phải có khả năng hoàn thành bài vở trên trung bình. Được biết nếu chú nào kém môn này quá thì đó là một trong những dấu chỉ cho thấy “không có ơn gọi” và có thể bị loại…

Ngoài giờ lên lớp học riêng theo từng lớp, chúng tôi có giờ học chung. Thầy giám thị có mặt thường xuyên trong các giờ học chung và khi cần sẽ nhắc nhở những ai không tuân giữ kỷ luật giờ học chung. Cũng như vấn đề hạnh kiểm của từng Chủng sinh, việc học hành của chúng tôi sẽ được đánh giá qua bảng xếp hạng từ cao xuống thấp, và hàng tháng đều được bề trên công bố chung toàn trường. Điểm đó Chủng viện gọi là “điểm cần học” và được niêm yết ở nhà khách cùng với điểm hạnh kiểm, để các phụ huynh của Chủng sinh biết. Cũng xin nói thêm là, các Chủng sinh được tiếp thân nhân tại nhà khách Chủng viện, vào trọn buổi sáng các ngày lễ, thứ năm và chủ nhật hàng tuần. 

Rèn luyện Văn – Thể – Mỹ

 

Trước hết đề cập sinh hoạt thể dục và thể thao trong Chủng viện. Không một Chủng sinh nào mà không biết câu ngạn ngữ La-tinh sau: “Mens sana in corpore sano” (Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể khỏe mạnh). Chính vì điều này mà Chủng viện hết sức quan tâm việc rèn luyện thân thể của chủng sinh.

Mỗi sáng sớm, ngay khi thức dạy, chúng tôi bắt buộc phải tham gia tập thể dục để rèn luyện thân thể. Tuy nhiên việc tập thể dục vào lúc sáng sớm thế này luôn luôn là một thử thách lớn đối với các “chiến binh say ngủ”. Hầu như sáng nào cũng vậy, cha giám thị hay thầy giám thị cũng phát hiện các chiến binh này ẩn náu để ngủ nướng, tại những chỗ khó phát hiện như gầm cầu thang, góc nhà tắm để trốn tập thể dục. 

Về thể thao, Chủng viện có đủ các sân chơi dành cho các môn thể thao, như bóng rổ, bóng chuyền, bóng bàn, banh bàn, bóng đá mini (banh bố). Thỉnh thoảng nhà trường tổ chức thi đấu giữa các đội của các lớp lớn nhỏ, tạo bầu khí thi đua vui tươi và đoàn kết huynh đệ. Giờ chơi được quy định vào buổi chiều các ngày trong tuần và các buổi sáng-chiều ngày thứ năm, chủ nhật. Những năm sau này, nhà trường tổ chức các lớp dạy võ Taekwondo cho chủng sinh và mời võ sư bên ngoài vào dạy. Đây là một sáng kiến rất tuyệt vời của bề trên, nhờ đó các chủng sinh có cơ hội chẳng những rèn luyện thân thể mà còn có dịp học các kỹ năng tự vệ nữa. 

Trường hợp chủng sinh đau bệnh, có thể xin phép bề trên đi khám bệnh và được nghỉ dưỡng bệnh ở “nhà thương” của Chủng viện. Nói là “nhà thương” nhưng đó là một căn nhà nhỏ biệt lập, nằm sát bên Đại Chủng Viện. Có một sơ dòng thánh Phao-lô túc trực thường xuyên chăm sóc bệnh. Thỉnh thoảng nhà trường cũng mời bác sĩ bên ngoài vào khám tổng quát cho Chủng sinh có nhu cầu khám chữa bệnh.

Để giúp các Chủng sinh mở rộng kiến thức, nhà trường cũng dành hai căn phòng để làm thư viện đọc sách. Những ngày lễ, ngày nghỉ hàng tuần, chúng tôi có thể đến đọc sách tại chỗ hay mượn sách về lớp để đọc.

Nhà trường cũng quan tâm đến sinh hoạt văn nghệ của Chủng sinh. Trên hết có cha giáo phụ trách văn nghệ. Mỗi lớp bầu ra các trưởng ban. Vào những dịp đặc biệt trong năm, nhà trường tổ chức buổi văn nghệ do chính các Chủng sinh thực hiện. Từ ban nhạc đến âm thanh ánh sáng, dàn dựng các tiết mục vv. Thỉnh thoảng nhà trường cũng tổ chức chiếu phim vừa để chúng tôi giải trí vừa để học hỏi thêm.

Riêng về âm nhạc, nhà trường tổ chức lớp nhạc lý xướng âm, lớp nhạc cụ cho các Chủng sinh nào thích luyện tập. Về thánh nhạc, nhà trường có cha phụ trách thánh nhạc. Chủng sinh có giờ tập hát hàng tuần. Để giúp đệm đàn trong nhà nguyện, cha phụ trách chọn những chủng sinh nào có năng khiếu được hướng dẫn học phong cầm (Harmonium) và đặc biệt một, hai chú được học dương cầm (Piano) có thầy bên ngoài vào dạy. Thỉnh thoảng, vào dịp đặc biệt, nhà trường được mời đi hát lễ bên ngoài, như hát ở nhà thờ Đức Bà Saigon, dòng Kín Saigon, nhà thờ Tân Định vv.

Có một sinh hoạt mà bất kỳ Chủng sinh nào cũng thích thú. Đó là được đi dạo (đi chơi) bên ngoài. Vào mỗi chiều thứ năm và chủ nhật hàng tuần, chúng tôi được đi dạo. Đi theo từng đội, mỗi đội khoảng trên mười người, có các anh huynh trưởng hướng dẫn. Địa điểm cũng rất đa dạng. Gần nhất có Sở thú, bến Bạch Đằng. Xa hơn là khu vực trung tâm Saigon. Thỉnh thoảng chúng tôi phải vượt khoảng mười cây số để đi đến vùng xa như Hàng Sanh hay Cầu Kinh (Thị Nghè). Trên đường đi, chúng tôi phải đi theo hàng ngũ quy định, chỉ khi nào đến nơi mới được tan hàng và đi chơi tự do. Lúc về, cũng tập họp và đi theo đội hình như lúc đi. Những buổi đi dạo thế này cũng là dịp để chúng tôi rèn luyện thân thể, đồng thời nhãn giới cũng được mở rộng để nhìn thấy cuộc sống và sinh hoạt đa dạng bên ngoài…

* * * * * * * *

Từ Trường nhỏ mơ về Trường lớn [3]

Trường nhỏ bước sang Trường lớn chỉ cách vài mét nhưng đối với các chú như chúng tôi sao mà xa cách thế! Quả thực, vấn đề không phải khoảng cách vài bước chân, mà là bước ngoặt của ơn gọi Linh Mục. Ở Trường nhỏ các chú nhìn sang bên kia thấy các thầy sao “uy nghi” quá. Nào chiếc áo chùng thâm phẳng phiu, nào cặp kính trắng đạo mạo, nào đôi giầy da bóng loáng…tất cả làm nên hình ảnh một thầy Đại Chủng sinh đáng mơ ước.

Tôi nhớ lại, năm học cuối cùng ở TCV, cha giáo dạy La-tinh luôn dành nhiều thời gian để nhắc nhở chúng tôi về đời tu, về nếp sống linh mục sau này. Những gì bắt đầu từ ĐCV thì sẽ nối tiếp sang đời sống linh mục ở giáo xứ. Một trong những điều ngài tha thiết lưu ý chúng tôi về đời sống Chủng sinh ở ĐCV và đời sống linh mục, đó là nếp sống khó nghèo, đơn giản của một tu sĩ. Chính bản thân ngài làm gương về điều ngài chia sẻ. Ngài đến dạy học bằng một chiếc xe đạp khung ngang cũ kỹ, y phục của ngài luôn là một áo dòng kiểu áo chùng thâm đen bạc màu sờn chỉ. Bọn chúng tôi thầm gọi ngài là “cha thầy chùa”, vì đầu ngài cắt trọc như một vị sư Phật giáo.

Tấm gương của ngài phần nào đã nhắc nhở chúng tôi rằng bên kia Trường nhỏ là Trường lớn và bên kia Trường lớn là cuộc đời dấn thân theo gương Thầy Giê-su chí thánh, cuộc đời hy sinh, phục vụ trong sự khiêm tốn và đơn sơ khó nghèo. Những ai đi theo ơn gọi tận hiến đều phải trở nên một “Đức Ki-tô khác” (Alter Christus), chứ không phải một mục tử sống “khác Đức Ki-tô” ./.      

Aug. Trần Cao Khải

 

– – – – – – – – – – –

[1] Trước năm 1975, cả hai Tiểu và Đại Chủng viện đều tọa lạc tại số 6 đường Cường Để Saigon 1. Trước đó đường này có tên là Luro, nên các chủng sinh nào học ở đó đều nhận mình xuất thân từ Cường Để hay ex/Luro. Sau năm ’75, đường này đổi thành Tôn Đức Thắng.

[2] Lớp đệ thất lúc đó tương đương với lớp sáu bây giờ. Như vậy, lớp đệ tứ tương đương lớp chín, lớp đệ nhị tương đương lớp mười một và lớp đệ nhất tương đương lớp mười hai.

[3] Trường nhỏ là Tiểu Chủng viện và Trường lớn là Đại Chủng viện (ĐCV)