Kinh Mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ năm – Năm Sự Thương – Chúa Giêsu chịu đóng đinh

Khi chịu đau khổ vì tội lỗi, Chúa Giêsu dạy chúng ta và cho chúng ta thấy, một cách sinh động, tội lỗi đáng ghét, mang tính hủy diệt, bạo lực và độc ác như thế nào (Mátthêu 27:35-61; Máccô 15:21-47; Luca 23:26-56; Gioan 19:18-42).

Nếu bạn dừng lại và suy nghĩ về thông điệp của Kitô giáo, thì nó hoàn toàn không tương ứng với những gì con người mong đợi. Việc Con Thiên Chúa toàn năng và hằng sống để mình bị một số người tra tấn trong nhiều giờ, bị giết một cách tàn bạo, ở một xứ sở hẻo lánh trong Đế chế La Mã, là việc thật khó hiểu. Lại còn khó hiểu hơn, đó là việc Con Thiên Chúa để điều đó xảy ra vì tình yêu dành cho con người, những người mà không ai đảm bảo được lòng biết ơn của họ. Và thậm chí, Con Thiên Chúa còn bận tâm, lo lắng … để cho bạn thấy Tình yêu có nghĩa là gì.

Thiên Chúa lẽ ra đã có thể cứu chuộc chúng ta bất cứ cách nào Ngài chọn. Chịu đau khổ vì tội lỗi của chúng ta, Chúa Giêsu đang dạy chúng ta, và cho chúng ta thấy, một cách sinh động, tội lỗi đáng ghét, mang tính hủy diệt, bạo lực và độc ác như thế nào. “Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi của chúng ta, Ngài đã từ trời xuống thế.” Để dạy bảo chúng ta, Ngài đã từ trời xuống thế.

Và chúng ta có lắng nghe không?

Thánh Phaolô đã nắm bắt được nghịch lý này của Kitô giáo khi ngài nói về “sự điên rồ của thập giá”.

“Chúng tôi lại rao giảng một Chúa Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Chúa Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Côrintô 1:23-24). Điều đó đòi hỏi một sự thay đổi về tư duy. Khi Phêrô không thấy được điều đó, Chúa Giêsu đã khiển trách ông: “Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16:23). Đồi Canvê là phép thử cuối cùng để biết chúng ta đo lường mọi thứ theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa hay của loài người. Đó là bằng chứng cuối cùng, như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của mình trước đó, rằng: “Nếu ai muốn theo Ta, thì phải từ bỏ chính mình…” (Mt 16:24).

Các sách Tin mừng, có những tường thuật khá dài về việc Chúa Giêsu bị đóng đinh, chết và hạ xác xuống khỏi thập giá. Những tường thuật này chủ yếu tập trung vào những người trên đỉnh đồi Canvê. Những người này đại diện cho một bộ phận của nhân loại. Kẻ thù của Ngài, những kẻ thấy việc Ngài bị treo trên cây gỗ là bằng chứng rõ ràng cho thấy Thiên Chúa đã loại trừ kẻ gây rối này, đang tụ tập xung quanh, hả hê: “Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Ngài” (Mt 27:41). Họ ném những lời của Ngài vào mặt Ngài. Kẻ làm phép lạ, sao không làm phép lạ đi? Những người qua đường cũng tham gia vào những lời chế giễu: “Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!” (Mt 27:40). Những người lính buồn chán ngồi đó. Lúc thì họ tham gia vào việc lăng mạ. Lúc thì họ chỉ trông coi hiện trường, giữ gìn trật tự cho đến khi các tù nhân chết.

Đức Maria, Mẹ của Ngài, và Gioan cũng ở đó, cùng với một vài khuôn mặt thân thiện nhưng yếu đuối khác. Một số người ở dưới chân thập giá của Ngài; những người khác “đứng nhìn từ đàng xa” (Ga 19:25; Mt 27:55). Mẹ Maria chắc chắn đã nhớ lại lời của một ông già từ nhiều thập kỷ trước về một thanh gươm đâm vào tim Mẹ. Gioan và Mẹ Maria gần như là những gì Giáo hội có vào Thứ Sáu Tuần thánh, khi Mẹ trở thành Mẹ của Giáo hội: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Chúa Giêsu nói với thân mẫu rằng: Thưa Bà, đây là con của Bà. Rồi Ngài nói với môn đệ: Đây là mẹ của anh. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga19:26-27).

Cũng có hai người đàn ông khác bị đóng đinh. Giống như Chúa Giêsu, họ đang nhìn thẳng vào cái chết. Phản ứng của họ minh họa cho những lựa chọn mà mọi người phải đối mặt vào lúc chết. Một người vẫn tiếp tục hận thù và tội lỗi vốn đã đánh dấu cuộc đời hắn, tham gia vào việc chế giễu Chúa Kitô. Hắn ta không phải là người của hy vọng. “Thật không may thay, bạn đã bắt được con số đó: mọi thứ xảy ra như thế. Chỉ là một cú lắc xúc xắc không may mắn.” Người kia nắm bắt những khoảnh khắc cuối cùng của đời mình trên trái đất này để đánh giá lại cuộc sống của mình, để suy nghĩ về những gì là sự thật và những gì là gian dối, công lý và bất công, và để tìm kiếm lòng thương xót. Anh ta bảo vệ Chúa Giêsu, mặc dù tất cả những gì anh ta có trong tay chỉ là lời nói. Nhưng anh ta là người của hy vọng: tương lai không nhất thiết phải là hậu quả của quá khứ, và đó không chỉ là một kết thúc vô nghĩa. Anh ta cầu xin lòng thương xót: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23; 42). Và, như nhà thơ đã nói, “Anh ta xin lòng thương xót, và anh ta đã tìm thấy lòng thương xót.”

Đức Hồng y quá cố Ján Korec người Slovakia đã mô tả cuộc gặp gỡ với những tên trộm như thế này: Chúa Giêsu đã ở đúng nơi Ngài muốn đến, giải tội cho hối nhân cuối cùng của Ngài. Ngài đã đến thế gian này để chết và để cứu những kẻ tội lỗi. Và, ngay cả khi Ngài đang hấp hối, Ngài đã cứu một người.

Các sách Tin mừng nói Chúa Giêsu kêu lên rằng: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27:46). Chúa Cha có bao giờ bỏ rơi Chúa Giêsu không? Không bao giờ. Nhưng Chúa Giêsu đã chọn chia sẻ toàn bộ nhân tính của chúng ta, vì vậy, khi chịu đau khổ vì tội lỗi của chúng ta, Chúa Giêsu cũng muốn cảm nhận những gì con người tội lỗi cảm thấy. Và con người tội lỗi cảm thấy sự bỏ rơi của Chúa trong tội lỗi của mình. Đối với Chúa Giêsu, vốn là “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”, luôn gần gũi với Chúa Cha, Ngài đã để cho chính mình cảm nhận nỗi kinh hoàng của sự xa lìa triệt để khỏi Thiên Chúa mà tội lỗi gây ra trong chúng ta.

Chúng ta cần cảm thấy sự xa lìa đó để nhận ra rằng mình cần phải quay trở về với Ngài. Và bởi vì, nếu chúng ta không cảm thấy như vậy, thì cảm giác bị bỏ rơi đó chỉ đơn thuần trở thành hậu quả chín mùi của nó: là hỏa ngục. Xét cho cùng, các nhà thần học nói về hòa ngục theo nghĩa “nỗi đau mất mát” và “nỗi đau giác quan”, và trong khi con người – những người chìm đắm trong kinh nghiệm giác quan – tập trung vào nỗi đau giác quan, thì bản chất của hỏa ngục chính xác là nỗi đau mất mát. Bản chất của hỏa ngục là mất Thiên Chúa … mãi mãi.

Chúa Giêsu chết. Sự chết và Satan nghĩ rằng chúng đã chiến thắng. Chúng đã giết chết Chúa. Nhưng, giống như những kẻ ngốc ngày nay cũng nói về “cái chết của Thiên Chúa”, Satan nhận ra rằng hắn là kẻ thua cuộc lớn nhất. Linh hồn của Chúa Kitô đã hất tung những cánh cửa hỏa ngục. Và chúng ta thường không chú ý tới một đoạn trong Mátthêu:

“Ngay lúc đó, bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung đá vỡ. Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy. Sau khi Chúa trỗi dậy, các ngài ra khỏi mồ, vào Thành thánh, và hiện ra với nhiều người” (Mátthêu 27:51-53).

Tất cả những điều này đều là hành động của Chúa Thánh Thần, là “Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống”, Đấng xé toạc bức màn ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người. Chúng ta không cần phải đợi đến lễ Ngũ tuần, mặc dù đó là ân huệ trọn vẹn của Chúa Thánh Thần – khi cạnh sườn của Chúa Giêsu được mở ra, từ đó “máu và nước, nguồn mạch sự sống bí tích trong Giáo hội” tuôn ra, Chúa Thánh Thần thâm nhập vào một thế giới mà, kể từ thời Ađam và Eva, Thiên Chúa đã lên kế hoạch để đưa trở về với chính Ngài. Và vì “không ai có thể nói rằng: Đức Giêsu là Chúa, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1 Côrintô 12:3), chúng ta đã có bằng chứng về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần như viên đại đội trưởng tuyên bố, “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa!” (Mátthêu 27:54).

Trọng tâm của Mầu nhiệm này nằm trong Gioan 3:16: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” để cứu độ chúng ta.

James Tissot, “Những gì Chúa Giêsu nhìn thấy từ Thập giá”, khoảng năm 1886-1894 (ảnh: Public Domain)

Mầu nhiệm này được mô tả trong hội họa của họa sĩ người Pháp vào cuối thế kỷ 19, James Tissot. Tissot đã trải qua một cuộc hoán cải sâu xa vào cuối đời và đã vẽ toàn bộ một loạt tác phẩm minh họa cuộc đời của Chúa Kitô một cách rất chi tiết. Ông đã đến thăm Thánh địa, vì vậy các bức tranh của ông cố gắng trở nên rất xác thực với các cảnh tượng, nét mặt và vẻ bề ngoài của Israel: những cảnh tượng và dáng vẻ này không phải là những cảnh tượng và dáng vẻ trong thời đại của ông và được ông gán ghép vào thời cổ đại. Bức tranh được lưu giữ tại viện bảo tàng Brooklyn.

Tôi chọn bức tranh Tissot miêu tả cảnh đóng đinh vì góc nhìn của nó rất khác thường. Hầu hết các cảnh đóng đinh đều cho thấy chúng ta đang nhìn Chúa Giêsu. Chúng thường bao gồm cảnh đồi Canvê, với hai tên trộm trên những cây thánh giá liền kề và Đức Mẹ với Thánh Gioan đau buồn dưới chân cây thánh giá.

Tên bức tranh của Tissot đã thay đổi góc nhìn đó. Bức tranh “Ce qui voyait Notre-Seigneur sur la croix – Những gì Chúa Giêsu nhìn thấy từ Thập giá” ngắm nhìn cảnh đóng đinh qua đôi mắt của Chúa Giêsu, từ những gì Ngài nhìn thấy trên thập giá.

Câu nói bất hủ của Shakespeare sẽ phù hợp với sự thấu triệt của Chúa Giêsu: “Toàn bộ thế giới là một sân khấu, và tất cả đàn ông và phụ nữ… là diễn viên.” Điều tôi bỏ sót trong câu trích dẫn của Bard là những từ “chỉ đơn thuần.” Chúa Giêsu nhìn thấy ngay lập tức tất cả các diễn viên con người tham gia vào cuộc Khổ nạn của Ngài. Không ai trong số họ “chỉ đơn thuần” ở đó – không có sự tình cờ nào trong cuộc sống.

Có một số ít bạn bè. Maria Mađalêna, người gần thập giá nhất, ở đó với mái tóc đỏ của bà lộ ra từ bên dưới tấm khăn che mặt. Mẹ của Chúa là Maria, “chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Clôpát” (Gioan 19:25) tụm lại với nhau, Gioan ở bên phải họ.

Một nhóm lớn của lực lượng Đền thờ ở bên phải, một người đang cưỡi trên lưng con ngựa cao lớn, những người khác ngồi trên những con la thấp, một số cười khẩy, một số chế giễu và khoa tay múa chân. Bên phải, một người lính mặc áo giáp cũng chế nhạo Chúa Giêsu, có lẽ là một trong những người đã đóng gai nhọn vào đầu Ngài vào sáng sớm ngày hôm đó. Đôi ba người lính khác ở phía trung tâm, nói chung trong dáng vẻ của các quan chức. Những người khác đi ngang qua, một số thờ ơ, một số tò mò bệnh hoạn, một số chỉ giết thời gian. Cũng có một ngôi mộ đang chờ đợi: Cái chết xác nhận yêu cầu của nó.

Tôi không phải là họa sĩ, nhưng tôi sẽ hoan nghênh một người có tài năng vẽ lại cảnh này theo phong cách của “Mystical Nativity – Giáng sinh Huyền nhiệm” của Botticelli. Chúa Giêsu chắc chắn cũng đã nhìn thấy không chỉ những diễn viên con người của buổi chiều thứ Sáu đó ở Israel. Ngài đã nhìn thấy những diễn viên thiêng liêng – Ác thần và ma quỷ – tham gia vào những lời chế giễu. Và chắc chắn Ngài đã nhìn thấy nhân loại – bạn và tôi – với hành lý tâm linh của riêng mình trên ngọn đồi đó. Câu hỏi đặt ra là, giống như những tên trộm, chúng ta nằm trong số những người ăn năn hay không ăn năn?

Cuối cùng, tôi chọn bức tranh này vì nó minh họa cho một thực hành tâm linh có giá trị, mà các tu sĩ dòng Tên gọi là “examen – xét mình”. “Xét mình”, vốn nên diễn ra vào cuối ngày, không chỉ là “sự kiểm điểm lương tâm”, một sự ăn năn về những thiếu sót của tôi trong ngày hôm đó. Xét mình là một điều gì đó lớn hơn. Việc xét mình yêu cầu tôi nhìn lại mọi thứ trong ngày qua – điều tốt, điều xấu và điều “không rõ” – cố gắng xem xét coi chúng phù hợp và đi vào cuộc sống của tôi như thế nào qua đôi mắt của Chúa. Việc xét mình yêu cầu tôi ngừng nhìn vào bản thân mình qua con mắt của tôi và cầu xin Chúa Thánh Thần giúp tôi nhìn bản thân mình như Chúa nhìn tôi và cuộc sống của tôi.  

Như Chúa Giêsu đã nhìn thấy chúng ta từ trên thập giá.

Phêrô Phạm Văn Trung

Chuyển ngữ từ: ncregister.com

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*