Không ai muốn chết – Lm Pr Nguyễn Đức Thắng

“Không ai muốn chết. Ngay cả người mong được lên thiên đường cũng không muốn chết để tới đó. Nhưng cái chết là đích đến mà chúng ta đều phải tới. Không ai thoát được nó. Cái chết như là phát minh hay nhất của sự sống. Một ngày nào đó mỗi người chúng ta sẽ già đi và rời bỏ cuộc sống. Xin lỗi vì đã nói thẳng nhưng điều đó là sự thật”. Đó là trích đoạn diễn văn nổi tiếng của Steve Jobs một trong những người giàu sang và có ảnh hưởng tích cực hàng đầu trên hành tinh này. Lời nói của ông thật đáng suy nghĩ: “không ai muốn chết, ngay cả người mong được lên thiên đường cũng không muốn chết để tới đó”.

 

Một linh mục đã hỏi khi diễn thuyết, “có ai muốn lên thiên đàng không, giơ tay lên”. Cả nhà thờ đều giơ tay, nhưng vì có một anh thanh niên không giơ tay, cha hỏi: “anh không muốn lên thiên đàng à? Anh ta trả lời, thưa cha, con muốn lên thiên đàng nhưng con không muốn chết lúc này!

 

Thế đấy, chúng ta thích thiên đàng lắm nhưng chẳng ai muốn chết cả. Vậy chúng ta phải sống như thế nào để hạnh phúc, bởi vì, dù sao thì mỗi người chúng ta cũng chết, và đó là cửa ngõ duy nhất đưa chúng ta về thế giới vĩnh hằng.

 

“Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu Người khỏi chết”. Và thánh Tin Mừng Gioan còn nói rõ tâm trạng lo lắng của Chúa Giesu trước cái chết: “Bây giờ linh hồn thầy xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này”.

 

Thánh Kinh cho chúng ta một cái nhìn hết sức gần gũi, thiết thực về thái độ của Chúa Giêsu đối với đau khổ và sự chết. Mang thân phận như con người, Ngài cũng sợ hãi, cũng nghi ngại và thực sự đã lớn tiếng, rơi lệ khẩn nguyện để xin thoát khỏi chén đắng. Rất nhiều người đã có kinh nghiệm đau thương này, bởi phần lớn trong chúng ta trải qua những năm tháng chiến tranh, những tháng ngày đói khổ. Chúng ta hiểu thế nào là nỗi sợ khi cái chết gần kề, thế nào là cơ cực khi không có các nhu cầu thiết yếu nhất của cuộc sống.

 

Trước cái chết, uy quyền, danh vọng chẳng là gì. Trước cái chết, sự bon chen, giàu sang  không còn ý nghĩa. Trước cái chết, ngay cả cái tôi, sĩ diện cũng trở thành hư vô, trống rỗng.

 

Tuy nhiên, … chúng ta nhớ rằng, Chúa Giesu không trốn chạy, ngài nói: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời“. Như vậy, sự khác biệt tận căn giữa tiểu nhân với quân tử không phải là sợ hay không sợ trước đau khổ, sự chết, mà là và chính là thái độ đón nhận, hay từ chối. “Thiên Chúa không đến để hủy bỏ đau khổ, Ngài cũng không đến để giải thích về đau khổ. Nhưng Ngài đến để làm cho đau khổ có ý nghĩa bằng sự hiện diện của Ngài.” (P. Claudel). Hay nói như Simone Weil “Sự cao quí của Kitô giáo là không tìm phương thuốc siêu nhiên để chống lại đau khổ, nhưng để sử dụng đau khổ.” Đức Thánh Cha Biển Đức trong năm 2008 trước 50 ngàn phụ huynh, học sinh và giáo viên đã nói: “Cả những đau khổ cũng là thành phần chân lý về cuộc đời chúng ta. Vì thế, khi tìm cách tránh cho người trẻ khỏi mọi khó khăn và kinh nghiệm đau thương, người ta có nguy cơ làm cho chúng trở nên yếu ớt, dòn mỏng và ít quảng đại, vì khả năng yêu thương tương ứng với khả năng chịu đau khổ và cùng chịu đau khổ”.

 

Một ngày nào đó, mỗi người chúng ta phải giã từ cuộc đời này, hãy sống sao thật đẹp, mỗi ngày mới như ngày cuối cùng của mình. Hãy trân trọng người vợ, người chồng với tất cả yêu thương. Có thể vì bề bộn của cuộc sống, vì biết bao ưu tư lo lắng gia đình, vì gánh nặng thời gian, người bạn đời của chúng ta không còn khỏe, trẻ, đẹp như xưa, không còn dễ thương như ngày nào, hãy nhớ rằng họ đã cùng chúng ta đi qua một phần cuộc đời. Hãy dành cho nhau những lời yêu thương và các cử chỉ quan tâm đến nhau. Hãy nhìn lên thánh giá Chúa để nghiệm ra hy lễ cuộc đời là hy sinh với tinh thần trách nhiệm. Hãy nhìn vào cuộc đời để thấy thánh giá Chúa là tình yêu. Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hiến thân vì người mình yêu. “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt”.

 

Linh mục Pr. Nguyễn Đức Thắng