Hy vọng, lo lắng, đời sống hàng ngày: Đức Giáo hoàng tâm sự

Nhật báo La Voz del Pueblo phỏng vấn Đức Phanxicô

 Papa-Voz-Pueblo-Hy vọng, lo lắng, đời sống hàng ngày Đức Giáo hoàng tâm sự

 

 

Đức giáo hoàng Phanxicô đã trả lời một cuộc phỏng vấn mới cho tờ “La Voz del Pueblo”, một nhật báo ở Argentina. Cuộc phỏng vấn dài với ký giả Juan Berretta diễn ra tại Nhà trọ Thánh Mácta, Đức Phanxicô đã nói đến “thế nào là một giáo hoàng” và đề cập nhiều đến quan hệ của mình với giáo dân, tình thương của mình dành cho giáo dân, công việc hàng ngày diễn ra như thế nào, ngài cũng nói đến các hy vọng cũng như các điều mình quan tâm.

 

Đầu tiên Đức Phanxicô trả lời câu hỏi: vì sao khi nào cha cũng lặp lại câu: “Xin cầu nguyện cho tôi” “Bởi vì tôi cần” ngài xác nhận. “Tôi cần được nâng đỡ bởi lời cầu nguyện của giáo dân. Đó là một điều khẩn thiết nội tâm”, Đức Phanxicô nhấn mạnh và cho biết mình không bao giờ nghĩ sẽ là giáo hoàng. Nói đùa, ngài nhắc lại trong lần Mật nghị cuối, mấy người cá độ ở Anh xếp hạng ngài thứ 46 mà thôi. Tuy nhiên ngài cho biết, “đời sống của một tu sĩ, một linh mục Dòng Tên thay đổi địa vị nếu cần thiết” và khi ngài được bầu chọn, ngài hoàn toàn phó thác vào Chúa và thinh lặng cầu nguyện bằng cách lần chuỗi mân côi”, ngài cho biết, trong suốt thời gian kiểm phiếu, ngài cảm thấy dài như vô tận.

 

Sau đó Đức Thánh Cha trả lời một câu chuyện về quan hệ đặc biệt của mình với giáo dân và  “điều kỳ diệu ngài tạo ra nơi giáo dân”. “Tôi không biết tại sao đã xảy ra như vậy”, ngài thổ lộ  “có vẻ như giáo dân hiểu những gì tôi muốn nói”. “Tôi cố gắng để được cụ thể – ngài nói tiếp –  – “có thể đó là điều ông gọi là “điều kỳ diệu”, một vài hồng y nói với tôi nó liên hệ đến việc giáo dân hiểu tôi”. Và Giáo hoàng nói thêm: “Được ở với giáo dân là điều tốt cho tôi”, như thử  “đời tôi với giáo dân là một và về mặt tâm lý, tôi không thể sống mà không có sự tiếp xúc này”.

 

Một Giáo hoàng không thích nghi thức mấy

 

Đức giáo hoàng nói đến đời sống hàng ngày và thú nhận mình nhớ một vài chuyện trong đời sống của mình ở Argentina: “Đi ra ngoài đường, đi bộ ngoài đường” ngài vừa cười vừa nói thêm, “đi ăn một miếng pizza ở một tiệm pizzeria”. “Khi còn là hồng y, tôi rất thích la cà ngoài đường, hoặc đi xe điện ngầm, tôi rất mê đời sống thành phố, máu của tôi là máu của người dân thành phố”. Và Đức giáo hoàng thú nhận: “Đúng là tôi nổi tiếng vô kỷ luật, tôi không theo nghi thức nhiều cho mấy, tôi thấy nghi thức có vẻ lạnh lùng nhưng nếu là những chuyện chính thức, tôi tuân theo hoàn toàn”.

 

Tiếp đó Đức giáo hoàng trả lời nhiều câu hỏi rất cụ thể về thời khóa biểu và thói quen của mình. Ngài cho biết mình cần ngủ 6 tiếng một đêm và ít nhất 40 phút ngủ trưa. “Tôi đi ngủ khoảng 9 giờ tối, tôi đọc sách một giờ rồi tôi ngủ một giấc thật sâu. Tôi thức dậy lúc 4 giờ sáng, thức tự nhiên, đó là đồng hồ sinh lý tự nhiên của tôi”. Được hỏi về nhịp làm việc và về một vài áp lực, Đức giáo hoàng cho biết mình là người “liều và thường không biết sợ”.

 

Nói đến các “áp lực” liên hệ đến chức vụ của mình, Đức Thánh Cha thú nhận lúc này chính “cường độ công việc” làm cho mình mệt. “Tôi có một nhịp làm việc rất nước rút, đó là hội chứng cuối năm học”. Và ngài nói tiếp “có cả một ngàn việc, một ngàn vấn đề liên hệ đến những gì mình nói hoặc không nói”. Và ngài nhắc đến báo chí, “có khi họ đặt lên đàng trước một lời nói và lôi nó ra khỏi ngữ cảnh”. Ngài cũng cho biết mình không còn theo dõi tình hình chính trị ở Argentina, với một chút cay đắng, ngài cho biết đây là một “đất nước với rất nhiều tiềm năng và rất nhiều cơ hội đã bị vuột mất”. Còn về chuyện đe dọa giết, ngài khẳng định mình “hoàn toàn phó thác vào bàn tay của Chúa”. Nhưng như ngài đã từng nói, ngài thú nhận mình “sợ đau thể xác”. Về việc này, ngài thẳng thắn thú thiệt “tôi sợ đau lắm”.

 

Nước mắt cho trẻ em ở Irak

 

Trong cuộc phỏng vấn này, ngài nhắc lại điều ngài đã nói nhiều lần trong các bài diễn văn, bài giảng: quan trọng là phải biết khóc. Ngài cũng thú nhận mình đã khóc khi nghĩ đến các “thảm cảnh của nhân loại” và đặc biệt ngài nhắc đến tình trạng đau thương đang xảy ra cho “dân Rohingya” và cho những “trẻ em bị bệnh”. “Khi tôi thấy những tạo vật này – ngài nói – tôi đã hỏi Chúa: “Tại sao họ mà không phải con?”. Giáo hoàng cũng nói lại thêm một lần nữa mình đã “rất xúc động” khi đi thăm các tù nhân vì ngài nghĩ “không ai có thể chắc là mình sẽ không phạm tội ác và không phải đi tù”. Tuy nhiên ngài nói rõ “đừng khóc trước công chúng”. “Hai lần tôi đã vi phạm – ngài thổ lộ – nhưng tôi ngừng lại kịp thời”. “Một lần là khi nhắc đến các tín hữu Kitô bị bách hại ở  Irak, tôi nghĩ đến trẻ con”.

 

Ký giả Berretta cũng không quên hỏi Đức giáo hoàng về nạn nghèo khổ. “Cha có bằng lòng khi mình được xem là giáo hoàng của người nghèo không?” “Nghèo khó là trọng tâm của Phúc Âm” Đức giáo hoàng trả lời. “Chúa Giêsu đến để rao giảng cho người nghèo, nếu chúng ta bỏ nạn nghèo khó ra khỏi Phúc Âm thì chúng ta không còn hiểu Phúc Âm gì được nữa”. Và ngài nhắc lại các sự dữ tệ nhất thế giới ngày nay là: “nạn nghèo khổ, tham nhũng, nạn buôn người”. Ngài nói thêm “loại bỏ nghèo khó có thể bị xem là không tưởng nhưng chính những không tưởng mới giúp chúng ta đi đến đàng trước và sẽ rất buồn nếu một người trẻ không có không tưởng”.

 

Đức Phanxicô liệt kê ra ba điểm mà chúng ta phải giữ trong đầu để đối diện với các vấn đề của cuộc sống: “khả năng nhớ lại, khả năng nhìn vào hiện tại, không tưởng hướng về tương lai”. Cuối cùng về câu hỏi “cha muốn giáo dân nhớ đến cha như thế nào? “, ngài trả lời đơn giản: “Như một người dấn thân làm điều tốt, tôi không nghĩ có điều gì khác hơn”.

(Marta An Nguyễn chuyển dịch, phanxico.vn 25.05.2015/ radiovaticana.va, 25-5-2015 )