Cung cách của Đức giáo hoàng không phải là “đổi mới”, mà đúng hơn, là một “hoán cải” thực sự về ngôn ngữ. Mục đích rõ ràng, là bảo đảm việc loan báo Tin mừng là điều quan trọng và đến được với hết mọi người.
Trong Tông huấn trước đây, Evangelii Gaudium,Đức giáo hoàng Phanxicô đã viết rằng sau hai ngàn năm Chúa Giêsu, một lần nữa, lại trở nên người xa lạ đối với nhiều xứ sở, ngay cả các xứ Tây phương. Vì thế, “chúng ta cần phải thực tế và đừng nghĩ rằng các thính giả của chúng ta ngày nay hiểu toàn bộ nền hậu cảnh của những gì chúng ta đang nói, hoặc họ có khả năng liên hệ điều ta nói với tâm điểm của Phúc âm, vốn là điều trao ban cho nó ý nghĩa, vẻ đẹp, và sự hấp dẫn” (EG 34).
Thế nên, cung cách của Đức giáo hoàng không phải là “đổi mới”, mà đúng hơn, là một “hoán cải” thực sự về ngôn ngữ. Mục đích rõ ràng, là bảo đảm việc loan báo Tin mừng là điều quan trọng và đến được với hết mọi người. Tin mừng không phải chỉ là chuyện lý thuyết nhưng liên hệ đến đời sống thực tế của người ta. Để nói về gia đình và nói với các gia đình, thách đố đối với chúng ta không phải là thay đổi đạo lý nhưng là hội nhập văn hoá các nguyên tắc chung để sao cho mọi người có thể hiểu và thực hành. Ngôn ngữ của chúng ta cần phải khích lệ và bảo đảm từng bước đi tích cực cho mỗi gia đình thực sự.
Do đó, Đức giáo hoàng Phanxicô muốn tự diễn đạt bằng một ngôn ngữ khả dĩ mọi thính giả thực sự có thể hiểu được. Điều đó hàm nghĩa phải có sự phân định và đối thoại.
Phân định tránh việc giả định tiên thiên các chân lý và lựa chọn của ta. Nó đòi ta phải xem xét lại và chấp nhận một cách ý thức các dạng thức diễn tả chân lý và lựa chọn của mình.
Như các vị tiền nhiệm, Đức giáo hoàng Phanxicô yêu cầu chúng ta với tư cách mục tử phải biết phân định các hoàn cảnh rất khác nhau trong đó người tín hữu của chúng ta, cũng như mọi người, từng gia đình và cá nhân, đang sống. Luôn cần có sự phân định như thế, không chỉ đối với các trường hợp ngoại thường. Sự phân định là một quá trình thường xuyên mở lòng ra trước Lời Chúa để cuộc sống thực tế cụ thể của mỗi người được sáng tỏ; nó giúp ta trở nên mềm mỏng vâng nghe Chúa Thánh Thần; nó thúc đẩy mỗi người chúng ta hành động với hết cả tâm tình yêu thương trong các hoàn cảnh cụ thể. Bởi thế, sự phân định thúc đẩy chúng ta tăng triển từ tốt đến tốt hơn. Một trong những đặc tính của sự phân định, theo thánh Inhaxiô Loyola, là nhấn mạnh không những phải xét đến sự thật khách quan, nhưng còn phải diễn tả sự thật ấy trong một tinh thần tốt lành và xây dựng. Phân định là đối thoại của các mục tử với vị Mục tử Nhân lành để luôn tìm kiếm ơn cứu độ cho con chiên.
Tư tưởng của Đức giáo hoàng Phanxicô là một tư tưởng đối thoại. Ngài coi trọng lối tư duy mà ngài gọi là “bất toàn” và giữ nó trong tư thế rõ ràng mở ra với đối thoại, nghĩa là không quy ngã, không trừu tượng và không độc thoại. Đối thoại có nghĩa là chúng ta không được coi những gì chính chúng ta nghĩ và cả những gì người khác nghĩ, là tiên thiên đúng. Đức Phanxicô cho chúng ta thấy hai loại người không thể đối thoại bởi lẽ cả hai đều “cô đặc” hay giản lược tất cả vào chính bản thân họ thôi. Một số người thì giản lược con người họ vào những gì họ biết hoặc cảm thấy (ngài gọi đó là những người theo phái “ngộ đạo” – “gnosticism”); những người kia thì giản lược vào những sức mạnh của họ (ngài gọi là những người theo phái “tân Pelagiô” – “neopelagianaism”). Đối thoại gắn liền với niềm tin chúng ta cốt yếu là những hữu thể xã hội và cá nhân mỗi người là bất toàn. Điều này về cơ bản là một sự tích cực bởi lẽ nó tránh cho chúng ta không rơi vào tình trạng khép kín trong chính mình mà mở lòng ra với tình yêu nơi xuất phát của chúng ta.
Đối với nền văn hoá đối thoại, tinh thần bao gồm (inclusion) mọi người là điều quan yếu. Thế nhưng, nói tất cả chúng ta là chủ thể không có nghĩa là chúng ta chỉ là một tổng số gồm tất cả các cá nhân; đúng hơn, nó có nghĩa là một sự tổng hợp của tất cả mọi người được hiểu như một dân tộc. Đức giáo hoàng gợi ý chúng ta cứ luôn hiểu Hội Thánh như thế, như là một dân tín trung của Chúa. Quan điểm của Đức giáo hoàng về xã hội là có tính bao dung. Một sự bao dung như thế gắn liền với nỗ lực chấp nhận những dị biệt, đối thoại với những người có suy nghĩ khác với ta, khuyến khích sự thông dự của những người khác biệt nhau về tài năng.
Đối thoại và phân định đan quyện vào nhau, như Đức giáo hoàng đã nói với cử tọa trong buổi tiếp kiến Civiltà Cattolica. “Phân định thiêng liêng truy tìm để nhận ra sự hiện diện của Thần Khí Chúa trong thực tại nhân loại và văn hoá của chúng ta; hạt giống của sự hiện diện của Người đã được gieo trong các sự kiện, các thái độ, ước muốn, và trong các cuộc chiến sâu xa trong tâm hồn chúng ta và trong bối cảnh xã hội, văn hoá và tâm linh” (14.06.2013). Điều đó có nghĩa là các mục tử có bổn phận phải phân định các hoàn cảnh thật tốt (cf. Familiaris Consortio 84 và Sacramentum Caritatis 29).
Bởi thế, những quan tâm mục vụ không nên được lý giải như là đối nghịch với lề luật. Trái lại: tình yêu đối với sự thật là điểm gặp gỡ căn bản giữa lề luật và việc chăm sóc mục vụ. Sự thật thì không trừu tượng; sự thật hoà nhập trong hành trình nhân bản và đức tin của mỗi người tín hữu. Chăm sóc mục vụ cũng không chỉ là một sự áp dụng thần học vào thực tế được chăng hay chớ. Chúng ta không có ý áp việc chăm sóc mục vụ vào khuôn giáo thuyết, nhưng giữ gìn dấu ấn đạo lý nguyên tuyền, có tính mục vụ cơ bản.
Ngôn ngữ của lòng thương xót làm sự thật xuất hiện trong cuộc sống. Bận tâm của Đức giáo hoàng, vì thế, là muốn đặt lại đạo lý vào trong bối cảnh mới ngày nay nhằm phục vụ cho sứ mạng chăm sóc mục vụ của Hội Thánh. Đạo lý cần phải được diễn giải trong khi liên hệ đến tâm điểm của keryma, lời rao giảng Tin mừng tiên khởi của Kitô giáo, và dưới ánh sáng của hoàn cảnh mục vụ trong đó nó sẽ được áp dụng, và luôn luôn nhớ rằng luật tối thượng (suprema lex) phải là cứu độ các linh hồn (salus animarum) như khoản cuối của Bộ Giáo Luật nói “… và ơn cứu độ của các linh hồn, vốn phải là luật tối thượng trong Hội Thánh, phải được luôn giữ trước mắt mỗi người” (Bộ Giáo Luật §1752).
Luy Nguyễn Anh Tuấn
(WHĐ 16.07.2016)