Giao ước đem đến hạnh phúc thật

TUẦN 1
St 9,8-15; 1Pr 3,18-22; Mc 1,12-15
 

Bài trích sách St nói về việc Thiên Chúa thiết lập giao ước với Noe, với dòng dõi ông và với tất cả mọi sinh vật ở với ông. Nhờ giao ước này mà mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thủy hủy diệt, và sẽ không còn hồng thủy tàn phá mặt đất nữa. Thiên Chúa không những nói mà còn hành động và cho những dấu chỉ về việc ký kết giao ước đó. Dấu chỉ ấy là Thiên Chúa gác cây cung của Ngài lên mây. Mỗi khi dấu hiệu của giao ước xuất hiện, Thiên Chúa sẽ nhớ lại giao ước đã thiết lập mà bảo vệ muôn loài trong bình an. Như thế với giao ước đã ký kết, Thiên Chúa sẽ bảo đảm cho mặt đất được bình yên, mọi xác phàm và mọi sinh vật sẽ không bao giờ còn bị tiêu diệt bởi hồng thủy nữa.

Thiên Chúa không ký kết giao ước với Israel một lần mà nhiều lần. Ngài cũng không ký kết với Israel mà thôi, nhưng còn ký kết với toàn thể nhân loại một giao ước mới, giao ước vĩnh cửu. Giao ước ấy được ký kết qua Đức Giêsu Kitô, một giao ước không phải bằng máu của chiên bò, nhưng bằng máu, bằng mạng sống của Đức Giêsu. Giao ước mới này không những bảo đảm cho mặt đất được bình yên mà còn có sức mạnh giải phóng trọn vẹn nhân loại nói riêng và vũ trụ nói chung. Thánh Phêrô đã rất xác tín điều ấy nên nói rằng Đức Giêsu đã chịu chết một lần vì tội lỗi nhân loại, Đấng công chính đã chết cho kẻ bất lương, để dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác của Ngài đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Ngài đã được phục sinh. Hơn Noe, những người thân của ông và một số sinh vật được cứu thoát nhờ nước hồng thủy, Đức Giêsu thiết lập phép rửa tội có sức cứu thoát chúng ta, đưa chúng ta vào trong cam kết với Thiên Chúa để giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự sống mới của Đức Giêsu Kitô phục sinh.

Đức Giêsu đã bắt đầu bày tỏ rõ nét việc thực hiện giao ước mới với việc chịu phép rửa tại sông Giođan và vào trong hoang địa 40 đêm ngày, chịu satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú và các thiên thần hầu hạ Người. Thánh Máccô không nói rõ Đức Giêsu chịu cám dỗ về những lãnh vực nào, nhưng theo thánh Matthêu và thánh Luca, Ngài chịu cám dỗ lấy tư cách làm con Thiên Chúa hóa đá thành bánh giải quyết cơn đói, cám dỗ gieo mình từ trên nóc đền thờ xuống vì có lời chép Thiên Chúa sẽ lo liệu cho Ngài và cho thiên sứ đến nâng đỡ để Ngài khỏi vấp chân vào đá, và cám dỗ sấp mình thờ lạy satan để được tất cả các nước thế gian và mọi vinh hoa lợi lộc của các nước ấy.

Đức Giêsu chịu cám dỗ suốt 40 đêm ngày trong sa mạc, nhưng đã không thất bại trước cám dỗ. Ngài đã chiến thắng cám dỗ một cách vinh quang mỹ mãn qua việc hoàn toàn vâng phục thánh ý của Chúa Cha dựa trên những đòi hỏi của lời Thiên Chúa. Thánh ý ấy là con đường dài đầy vất vả, gian lao, thử thách, thập giá, khổ đau và cả cái chết. Chính con đường ấy là cách thức tuyệt vời nhất để khuất phục và đưa nhân loại trở về với Thiên Chúa là cội nguồn và cùng đích của muôn loài. Vào trong sa mạc không chỉ để chịu cám dỗ, Đức Giêsu còn tận dụng sa mạc hoang vắng và khắc khổ để củng cố mối liên hệ con thảo với cha hiền, làm cho mối quan hệ ấy mỗi ngày một thắm thiết, bền chặt và mặn mà hơn. Nhờ đó nên trước mọi khó khăn, Ngài đã không lui bước, thậm chí cả cái chết cũng không thể phá bỏ mối liên hệ thân tình cha con ấy.

Hết thời gian chịu thử thách trong hoang địa, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Ngài mở đầu với lời kêu gọi “Thời kỳ đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Sám hối và tin vào Tin Mừng là hai điều kiện tối cần thiết để được thông phần vào triều đại Thiên Chúa và trở thành công dân của Nước Trời. Lời kêu gọi sám hối không còn xa lạ với người kitô hữu bởi vì lời này được vang lên vào đầu mỗi thánh lễ “Anh em hãy nhìn nhận tội lỗi để xứng đáng cử hành thánh lễ” và vào các mùa đặc biệt trong năm Phụng Vụ như Mùa Vọng và Mùa Chay. Cũng vậy, lời kêu gọi tin vào Tin Mừng chúng ta đã gặp nhiều lần, không chỉ là lời kêu gọi đón nhận trong tâm trí mà còn là lời kêu gọi hành động cụ thể như Tin Mừng trong ngày thứ tư lễ tro đã chỉ ra: “bố thí, cầu nguyện và ăn chay” bằng cả con tim dành cho Thiên Chúa: bố thí, cầu nguyện và ăn chay chỉ để một mình Thiên Chúa biết và Người sẽ thưởng công xứng với đáng. Như thế, tất cả những gì Đức Giêsu làm đều là việc chuẩn bị cũng như hoàn tất giao ước mới Ngài muốn thiết lập với nhân loại.

Đức Giêsu đã thiết lập với nhân loại một giao ước mới, giao ước giải phóng toàn vẹn con người. Ngài đã bắt đầu rõ ràng giao ước với việc chịu và chiến thắng cám dỗ. Những cám dỗ ấy vẫn đang xảy ra xung quanh chúng ta dưới nhiều hình thức rất tinh vi. Giống như Đức Giêsu, chúng ta bị cám dỗ tỏ ra mình là ai, có quyền lực đến đâu, sức mạnh áp đảo trên người khác ra sao, làm chủ bản thân và thống lãnh người khác thế nào. Chúng ta bị cám dỗ về vinh quang và lợi lộc trần thế như muốn có vị thế cao trong xã hội, hưởng nhiều quyền lợi vật chất, thống trị hay sai khiến người khác, thậm chí để đạt được mục tiêu, chúng ta dùng mọi thủ đoạn. Chúng ta cũng bị cám dỗ làm theo ý riêng và thỏa mãn bản thân thay vì tìm kiếm và thực thi thánh ý Thiên Chúa. Nguyện xin Chúa cho chúng ta dồi dào nghị lực và sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng mọi cám dỗ hầu xứng đáng ở trong giao ước mới với Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Amen.

 

 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh