(Khóa thường huấn linh mục trẻ Giáo phận Qui Nhơn, 14/7/2016)
Dẫn nhập
Việc thủ đắc và sử dụng tài sản vật chất cá nhân của giáo sĩ luôn là vấn đề “nhạy cảm” khi mà việc “đầu tiên” luôn luôn là “tiền đâu” trong hoàn cảnh xã hội lẫn Giáo Hội ngày nay. Nhạy cảm một mặt vì trong suy nghĩ của nhiều người “tài sản vật chất thuộc về thế gian” trong khi “giáo sĩ thuộc về Nước Trời”. Mặt khác trong thực tế hiện nay có những giáo sĩ bị “cuốn theo chiều gió” của lối sống “nóng vội làm giàu và cắm đầu hưởng thụ”. Việc thủ đắc và sử dụng tài sản vật chất, đặc biệt là của giáo sĩ triều, thường được biện minh “vì nhu cầu mục vụ”, “cần có phương tiện hiện đại để làm việc” và hoặc người ta có quyền tự do định đoạt tiền bạc riêng của mình… Nhưng dù là tài sản cá nhân của mình, trong vấn đề này, giáo sĩ phải giữ đúng theo những quy định của luật. Trong bài này chúng ta không xét vấn đề theo khía cạnh tu đức, luân lý hay thần học nhưng chỉ xét trong giới hạn giáo luật với một chút lưu ý mục vụ.
Trước hết chúng ta cần phân biệt tài sản vật chất của Giáo Hội với tài sản không phải của Giáo Hội hay là tài sản riêng tư của giáo sĩ. Đây là điều quan trọng bởi vì tùy theo tài sản đó thuộc về ai mà nó được chi phối theo những quy định khác nhau. Theo giáo luật có một số phương thế giáo sĩ có thể thủ đắc và sử dụng tài sản vật chất sao cho đúng mục đích và thích hợp với bậc sống của mình. Ngoài ra, Giáo Hội xét như một tổ chức xã hội nên cũng đặt ra một vài biện pháp chế tài nhất định cho những sai phạm liên quan thủ đắc, sở hữu và quản trị tài sản vật chất.
1. Tài sản của Giáo Hội và của giáo sĩ
a. Tài sản vật chất của Giáo Hội
Giáo luật điều 1257§1 định rõ: «tất cả mọi tài sản vật chất thuộc về Giáo Hội toàn cầu, Tông Tòa hay các pháp nhân công khác trong Giáo Hội, đều là tài sản của Giáo Hội…».
Ở đây nói đến tài sản vật chất chứ không phải tài sản thiêng liêng[1]. Khác với giáo luật 1917, nội dung đ. 1257§1 định rõ hơn rằng chỉ có tài sản của pháp nhân công (persona publica), chứ không phải của pháp nhân tư (persona privata)[2], mới được coi là tài sản của Giáo Hội. Cụ thể, tài sản Giáo Hội là tất cả những tài sản thuộc về: Giáo Hội hoàn vũ (đ. 204); Tòa Thánh (đ. 361); các pháp nhân công khác trong Giáo Hội (đ. 116§1) chẳng hạn, Hội đồng Giám mục, giáo phận, giáo xứ, chủng viện, dòng tu..
.
Những tài sản đó phải được sử dụng vào những mục tiêu của Giáo Hội, chẳng hạn như việc thờ phượng, trợ cấp hàng giáo sĩ, bác ái và tông đồ (đ. 1254§2).
Việc quản trị tài sản của Giáo Hội phải theo luật chung (quyển V giáo luật), luật riêng và quy chế của từng pháp nhân, cách riêng là phải hội đủ những điều kiện (theo luật chung hoặc luật riêng) về sự hữu hiệu và hợp pháp (đ. 1291-1295).
Sự vi phạm những quy định đó có thể trở thành tội phạm và bị chế tài (đ. 1377).
b. Tài sản của giáo sĩ
Những tài sản vật chất thuộc về các pháp nhân tư trong Giáo Hội và các cá nhân dù là giáo sĩ hay giáo dân đều không phải là tài sản của Giáo Hội (đ. 1257§1).
Tài sản của giáo sĩ và của giáo dân không phải là tài sản của Giáo Hội nhưng việc thủ đắc và sử dụng chúng cho dù tùy tự do cá nhân nhưng phải đúng theo quy định của luật và xứng với bậc sống của mình (đ. 282).
c. Cần thiết phải phân biệt và tách biệt giữa tài sản pháp nhân và tài sản cá nhân
Giáo sĩ nào đại diện cho một pháp nhân, thì tài sản của pháp nhân không phải là tài sản của giáo sĩ đó dù có thể đó vị đó là “chủ tài khoản” của pháp nhân, chẳng hạn Giám Mục giáo phận (đ. 393), hay cha sở của một giáo xứ (đ. 352).
Việc sử dụng của cải của pháp nhân phải theo những quy định chặt chẽ của giáo luật và cả dân luật nữa. Không được lấy của chung (của pháp nhân) làm của riêng (cá nhân) để rồi sử dụng chúng theo một cách tùy tiện hay “vô tội vạ” theo ý thích của mình như một “chủ nhân ông” đích thực.
Giáo sĩ không được lẫn lộn giữa tài sản cá nhân của mình với tài sản của pháp nhân mà mình là đại diện. Cần phân biệt và tách biệt minh bạch các loại tài sản như vậy dễ tránh được những sai sót và hệ luận không tốt, ví dụ lạm dụng, có thể xảy ra trong việc thủ đắc và sử dụng chúng.
2. Một số cách thủ đắc tài sản hợp pháp theo giáo luật đối với giáo sĩ
Cá nhân và pháp nhân đều có quyền thủ đắc, sở hữu, quản trị tài sản của mình một cách đúng đắn (về pháp lý lẫn luân lý). Giáo sĩ cũng có quyền để thủ đắc, sở hữu và quản trị tài sản vật chất theo nguyên tắc tương tự như điều 1259 đề ra: «Giáo Hội có thể thủ đắc tài sản vật chất bằng mọi phương tiện chính đáng mà luật tự nhiên hoặc luật thiết định cho phép mọi người khác». Việc thủ đắc tài sản là một quyền lợi tự nhiên của con người và đó là một nhu cầu để có phương tiện nuôi sống bản thân và những người liên hệ. Ngoài ra qua việc thủ đắc và sử dụng tài sản của mình, con người có cơ hội thực hiện những sáng kiến, cũng như thể hiện phẩm giá tự do của mình[3].
Theo đó, những gì luật không cấm thì cá nhân giáo sĩ được quyền làm để có thể thủ đắc[4] và sử dụng tài sản vật chất của mình miễn sao cho hợp với bậc sống của mình (đ. 282). Giáo luật đề cập một số phương thế mà Giáo Hội có thể thủ đắc tài sản[5]. Tương tự theo giáo luật chúng ta có thể rút ra những cách chính yếu mà giáo sĩ có thể thủ đắc tài sản vật chất.
a. Bổng lễ
Đối với nhiều giáo phận tại Việt Nam đây là cách thông thường để các linh mục có tiền sinh sống và có khi bổng lễ trở nên là nguồn thu nhập chính của linh mục[6].
Bộ giáo luật đã quy định về bổng lễ ở các đ. 945-958. Linh mục được quyền nhận một bổng lễ để áp dụng ý lễ cho người xin. Linh mục nên làm lễ theo ý người xin dù bổng lễ bé nhỏ hoặc không có bổng lễ (đ. 945).
Điều 947 khuyến cáo: “trong vấn đề bổng lễ, phải xa tránh hết mọi hình thức buôn bán hay thương mại”. Vi phạm đối với quy định bổng lễ có thể bị phạt (đ.1485). Chúng ta sẽ đề cập điểm này tiếp sau.
b. Thù lao
Giáo luật đ. 1264 đã phân biệt giữa lệ phí và thù lao. Lệ phí là tiền liên quan đến các hành vi hành chánh, thù lao lại liên hệ đến các dịp cử hành phụng vụ bí tích hay á bí tích. Thù lao là chi phí trả cho các tác viên và nhằm giúp đỡ các nhu cầu của Giáo Hội chứ không phải là vì các ơn thánh đã nhận. Điều 848 đã cấm các tác viên không được đòi hỏi thù lao nào khác ngoài những gì mà nhà chức trách đã ấn định.
Nhìn chung tại nhiều giáo phận ở Việt Nam vấn đề thù lao ít được đặt ra. Ngoài tiền bổng lễ, các linh mục khi cử hành các bí tích khác và á bí tích thường không có tiền thù lao (ví dụ, ban bí tích rửa tội, xức dầu, giải tội, làm phép nhà, hôn phối, nghi thức an táng…). Một phần là do giáo dân chưa ý thức, một phần là mức sống của đa số giáo dân chưa cao và các linh mục không đòi buộc cứng nhắc chiếu theo luật[7]. Tuy nhiên nên nhớ giáo dân Việt Nam rất quảng đại, thường thích giúp các giáo sĩ theo cách có tình nghĩa (như quà biếu dịp tết, mừng lễ quan thầy, kỷ niệm chịu chức…) hơn là phải nộp tiền lệ phí, thù lao có tính pháp lý bó buộc.
c. Tặng vật – dâng biếu tự nguyện
Theo điều 1267§1 thì «các của dâng cúng cho các bề trên hay cho các người quản trị của bất cứ pháp nhân nào trong Giáo Hội, dù là pháp nhân tư, thì được kể là dâng cúng cho chính pháp nhân ấy, trừ khi thấy rõ ngược lại».
Việc dâng biếu tự nguyện được coi như là một nguồn thông thường để Giáo Hội thủ đắc tài sản. Giáo luật có lẽ muốn nêu bật sự tự nguyện của các tín hữu trong việc chu cấp phương tiện vật chất cho những nhu cầu của Giáo Hội trong đó có việc trợ giúp hàng giáo sĩ.
Một điểm nhấn của khoản luật này là khi hồ nghi thì cần suy đoán ý định của người dâng cúng để biết của được dâng cúng thuộc về pháp nhân hay cho cá nhân. Cần áp dụng nguyên tắc: khi một ân nhân trao tài sản cho bề trên hay quản lý của pháp nhân mà không xác định rõ ràng ý định của mình, thì luật suy đoán là tài sản đó được dành cho pháp nhân. Điều này phải áp dụng cho các Giám Mục, cha sở, Giám đốc chủng viện, bề trên Hội Dòng hay Tu hội, vị đặc trách một cơ sở (cơ quan từ thiện, cô nhi viện, nhà dưỡng lão, trường học…) trừ khi ân nhân đó đã biểu lộ ý định của họ là muốn làm quà riêng cho cá nhân các vị đó.
Theo nguyên tắc trên, điều 531 ấn định rằng: «Cho dù người nào đã thực hiện một nhiệm vụ thuộc giáo xứ đi nữa, thì mọi của dâng cúng của các Kitô hữu mà người ấy đã nhận được trong dịp này đều được sung vào quỹ của giáo xứ, trừ khi điều này rõ ràng đi ngược với ý muốn của người dâng cúng đối với những của tự nguyện dâng cúng; Giám Mục giáo phận, sau khi tham khảo ý kiến của hội đồng linh mục, ấn định những quy định về việc sử dụng các của dâng cúng ấy cũng như về khoản thù lao cho các giáo sĩ thực hiện nhiệm vụ này».
Và điều 551 định rõ đối với «những của dâng cúng mà các Kitô hữu dành cho cha phó nhân dịp thi hành thừa tác mục vụ, thì phải tuân giữ những quy định của điều 531».
Một số cách thủ đắc tài sản sẽ bị chế tài theo giáo luật:
– Trục lợi bổng lễ, điều 1485.
– Hối lộ, điều 1386.
– Mại thánh, điều 1380.
– Buôn bán kinh doanh (đ.285).
Chúng ta sẽ đề cập cụ thể ở phần sau.
3. Giáo sĩ và việc sử dụng tài sản vật chất
a. Nguyên tắc chung
Như đã nói tài sản của cá nhân giáo sĩ không phải là tài sản của Giáo Hội nên không chịu sự chi phối quy định của giáo luật quyển V. Tuy nhiên, đối với giáo sĩ, là người đã dâng mình cho Chúa, cho Giáo Hội để phục vụ Tin Mừng, giáo luật đ. 282 đã minh định rằng:
§1. Các giáo sĩ phải có một nếp sống giản dị và phải xa lánh tất cả những gì có vẻ hào nhoáng.
§2. Những gì nhận được khi thi hành giáo vụ, sau khi đã chu cấp xứng đáng cho bản thân và cho việc chu toàn mọi bổn phận của bậc mình, các giáo sĩ phải dành phần dư thừa cho lợi ích của Giáo Hội và những công cuộc bác ái.
Nội dung điều này được giáo luật lấy lại từ hướng dẫn của công đồng Vaticanô II: linh mục hãy trở nên đồng hình động dạng với Đức Kitô trong sự tự do nội tâm với của cải và và sự giàu có trần gian[8]. Bởi vậy, «nếu quan tâm quá mức đến tiện nghi và sự sung túc của mình, linh mục sẽ khó trở thành người phục vụ và thừa tác viên cho anh em mình»[9]. «Mỗi linh mục được mời gọi sống nhân đức nghèo khó là nhân đức hệ tại cốt yếu dâng tặng con tim cho Chúa kitô. Ngài là kho tàng đích thực của chúng ta chứ không phải là những của cải vật chất»[10].
Giáo luật điều 285 cũng lưu ý đối với hàng giáo sĩ:
– Phải tuyệt đối xa lánh tất cả những điều bất xứng với bậc mình, theo những quy định của luật địa phương;
– Tránh tất cả những điều, tuy không bất xứng, nhưng xa lạ với bậc giáo sĩ;
– Không được quản trị những tài sản thuộc về giáo dân hoặc những chức vụ trần thế kèm theo nghĩa vụ phải tường trình sổ sách, nêu không có phép của Đấng bản quyền;
– Không được đứng ra bảo đảm, cho dù dựa vào tài sản riêng mình, nếu không tham khảo ý kiến của Đấng Bản Quyền riêng;
– Không được ký kết những thương phiếu tài chính vì đó mà họ buộc phải trả tiền, dù không xác định rõ nguyên do.
b. Vài chỉ dẫn cụ thể
Kim Chỉ Nam về tác vụ và đời sống linh mục năm 2013 của Bộ Giáo Sĩ đã nêu ra vài chỉ dẫn thiết thực cho linh mục trong việc sử dụng của cải như sau[11]:
– Sử dụng của cải với tinh thần trách nhiệm với ý hướng ngay thẳng và siêu thoát.
– Tránh những hoạt động sinh lợi vốn không tương hợp với tác vụ linh mục.
– Tránh tạo cớ dù là bằng một lời bóng gió rằng tác vụ linh mục là một cơ hội để làm lợi cho mình, ưu đãi gia đình họ hàng hay tìm vị trí ưu tuyển.
– Hãy quảng đại cho đi cách nhưng không vì đã nhận lãnh nhưng không.
– Biết sử dụng tất cả những gì đã lãnh nhận do thực thi tác vụ, nhằm đến những mục tiêu của Giáo hội, sau khi đã bảo đảm đời sống.
– Sống đời sống đơn giản, tránh những gì hư ảo, loại bỏ mọi kiểu mốt và sang trọng trong mọi lĩnh vực như nhà cửa, phương tiện di chuyển, nghỉ ngơi giải trí,…
c. Giáo sĩ và thiện ý – thiện quỹ
Như đã nói ở giáo luật điều 282, giáo sĩ nên dành phần tài sản dư thừa của mình cho lợi ích của Giáo Hội và những công cuộc bác ái. Theo đó, như những cá nhân khác, giáo sĩ có quyền tự do định đoạt tài sản riêng của mình vì mục đích đạo đức bằng hình thức thiện ý (pia voluntas) hay các thiện quỹ (piae fundationes) như giáo luật đề cập (các điều 1299-1310).
Thiện ý có thể được hiểu là «bất cứ sự định đoạt nào về tài sản hoặc qua hành vi sinh thời (inter vios) hoặc tử thời (mortis causa), cho mục tiêu đạo đức tức là vì mục tiêu riêng của Giáo Hội, nghĩa là mục tiêu siêu nhiên»[12]. Môt thiện ý có thể lập bằng hai cách là “sinh thời” tức là tài sản được chuyển giao ngay lúc người hảo tâm đang sống; và “tử thời”, khi tài sản chỉ được chuyển giao sau khi người đó đã qua đời, chẳng hạn như di chúc, tờ trối…
Thiện quỹ là một hình thức của thiện ý trong đó khối tài sản (động sản hoặc bất động sản) được lập thành một quỹ để bảo đảm cho việc theo đuổi một mục tiêu đạo đức nhờ hoa lợi rút từ quỹ đó. Chẳng hạn các tư nhân hay cộng đoàn tín hữu có thể lấy tài sản của mình thành lập và tài trợ cho các cơ sở từ thiện như bệnh viện, nhà trọ, nhà trọ sinh viên nghèo, nhà cho người nghèo, cơ nhỡ, neo đơn,…
Dù không nói bắt buộc minh nhiên, nhưng theo tinh thần giáo luật, giáo sĩ được khuyên có thể sử dụng tài sản vật chất của mình qua hình thức thiện ý và thiện quỹ.
Một trong những hình thức phổ biến về thiện ý là các linh mục phải làm di chúc (chúc thư, tờ trối) và gởi về Tòa Giám Mục. Di chúc thường được giữ kín trong văn khố Tòa Giám Mục. Đã từ lâu, giáo phận Qui Nhơn ấn định rằng nếu một linh mục giáo phận qua đời mà không có di chúc thì tất cả tài sản của linh mục đó sẽ do Tòa Giám Mục định đoạt. Hơn nữa, một trong những lý do giáo sĩ nên làm di chúc là để Đấng Bản quyền có thể theo đó mà thực hiện ý định của người đã qua đời, tránh sự nghi ngờ hoặc tranh chấp, kiện tụng phức tạp…
Nhìn chung, theo truyền thống, các di chúc của hàng giáo sĩ giáo phận Qui Nhơn xưa nay có nội dung rất đạo đức và để phần lớn tài sản của mình cho giáo phận tùy nghi sử dụng vào ích chung.
4. Một số chế tài liên quan đến việc thủ đắc và sử dụng tài sản vật chất
a. Mại thánh
Tội mại thánh được gọi là simonia có nguồn gốc từ sách Tông đồ công vụ (Cv 8,18-24) vì có ông phù thuỷ tên là Simon đút lót tiền cho các tông đồ để mua quyền ban Thánh Thần.
Hiện nay, tội phạm này liên quan các bí tích dù ban hay nhận (đ. 1380). Tội mại thánh về việc trao chức vụ bị chế tài theo đ. 149§3. Giáo luật điều 1380 quy định: «Người nào cử hành hay lãnh nhận một bí tích nào đó vì mại thánh, thì phải bị phạt vạ cấm chế hay huyền chức».
Hình phạt hậu kết bắt buộc: cấm chế đối với giáo sĩ và giáo dân. Vạ huyền chức chỉ áp dụng đối với giáo sĩ.
b. Trục lợi bổng lễ
Điều 1385 ra quy định chế tài đối với việc trục lợi bổng lễ: «Người nào trục lợi cách bất hợp pháp trên các bổng lễ, thì phải bị phạt vạ hoặc phải chịu một hình phạt thích đáng».
Tội phạm có thể xảy ra dưới nhiều dạng khác nhau. Được coi là có trục lợi trên các ý lễ và tiền xin lễ khi vi phạm những quy định của giáo luật về bổng lễ như sau:
– Tránh mọi hình thức thương mại hay buôn bán bổng lễ (đ. 947), ví dụ, nhận tiền bổng lễ nhiều để gởi ngân hàng hay làm vốn cho vay để sinh lợi, hay nhận bổng lễ lớn hơn quy định để rồi chuyển lại cho người khác với số tiền ít hơn để lấy tiền chênh lệch…
– Một thánh lễ và chỉ có một bổng lễ bất kể số tiền lớn hay nhỏ (đ. 948). Bộ Giáo Sĩ, ngày 22.2.1991 ra sắc lệnh Mos iugitur cho phép linh mục hai lần trong tuần được dâng ý lễ tập thể (messe collective) trong một lễ với điều kiện: các người xin lễ đồng lòng và được thông báo rõ ràng ngày giờ và nơi cử hành thánh lễ đó[13]. Linh mục dâng lễ chỉ giữ cho mình tiền của một ý lễ mà thôi, còn lại phải gửi về Đấng Bản quyển (đ. 945§1).
– Một linh mục, một ngày dâng một lễ với một bổng lễ. Nếu linh mục làm nhiều hơn một lễ một ngày vì nhu cầu mục vụ, bổng lễ thứ hai hoặc thứ ba phải gửi về Bản Quyền địa phương (đ. 951).
– Khi đã nhận ý lễ và bổng lễ, linh mục phải dâng lễ cho người xin dù cho tiền xin lễ bị mất mà không do lỗi của mình (đ. 949).
– Khi nhận tiền lễ nhưng không rõ bao nhiêu lễ phải dâng, linh mục dựa vào quy định tiền mỗi bổng lễ của giáo phận và dâng đủ số lễ tương ứng với số tiền đã nhận (đ. 950).
– Linh mục đồng tế thánh lễ thứ hai trong ngày, không được phép nhận thêm một bổng lễ dưới bất cứ danh nghĩa nào (đ. 951§2).
– Không được đòi một số tiền nhiều hơn tiền bổng lễ đã quy định (đ. 952).
– Không được nhận nhiều tiền lễ đến mức không thể cử hành hết trong một năm (đ. 953).
– Giám mục giáo phận và cha sở buộc dâng lễ cầu cho giáo dân (Misa pro populo) và không lấy bổng lễ (đ.388 và đ. 534).
– Chuyển lễ: phải giao toàn bộ ý lễ và bổng lễ tương ứng, và vẫn còn trách nhiệm cho tới khi biết chắc những lễ chuyển đã được dâng. Phải ghi sổ lễ những lễ đã nhận, đã dâng hay đã chuyển (đ.955).
c. Hối lộ
Việc hối lộ và tham nhũng đang phổ biến trong xã hội và có ít nhiều ảnh hưởng đến Giáo Hội dưới nhiều hình thức khác nhau. Giáo luật điều 1386 quy định «Người nào biếu hoặc hứa bất cứ điều gì cho người đang thi hành một chức vụ trong Giáo Hội, để họ làm hay bỏ qua một điều gì đó cách bất hợp pháp, thì phải chịu một hình phạt thích đáng; cả người nhận quà biếu hay lời hứa ấy cũng bị phạt như vậy».
Hình phạt ở đây là bắt buộc nhưng bất định, dành cho kẻ hối lộ cũng như người nhận hối lộ.
d. Giáo sĩ, tu sĩ kinh doanh
Giáo luật điều 286 cấm các giáo sĩ không được tham gia vào việc kinh doanh thương mại nếu không có phép của bề trên có thẩm quyền, chẳng hạn đối với giáo sĩ triều là Giám Mục giáo phận. Các tu sĩ cũng bị cấm như vậy (đ. 672). Nếu vi phạm quy định đó có thể trở thành tội phạm và bị phạt.
Giáo luật điều 1392 quy định: «Giáo sĩ hay tu sĩ hành nghề thương mại hay kinh doanh nghịch với những quy định của các điều luật, thì phải bị phạt, tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của tội phạm».
Đây là hình phạt bắt buộc nhưng bất định, tùy theo mức độ trầm trọng của tội phạm.
Việc kinh doanh thương mại có thể dưới nhiều hình thức khác nhau: như bán một giá cao hơn loại hàng hóa đã mua với mục đích lấy lời, giao dịch chứng khoán, mua – bán bất động sản nhằm kiếm chênh lệch, làm trung gian các giao dịch mua – bán để lấy tiền hoa hồng, kinh doanh nhà trọ – khách sạn, cho vay lấy lời, … Những hình thức thương mại kinh doanh nói trên giáo sĩ hay tu sĩ có thể đích thân hay nhờ qua người khác (bạn bè, gia đình, ân nhân…) đều không được[14].
Kết luận
Về việc thủ đắc và sử dụng tài sản vật chất đối với người linh mục hôm nay có rất nhiều điều để nói, để thảo luận. Nhưng trước hết người linh mục phải ý thức để theo đúng những quy định và hướng dẫn khôn ngoan của Giáo Hội, đặc biệt được đúc kết bằng những quy định trong giáo luật.
Người linh mục được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu trong đó có việc tự nguyện sống nghèo khó để theo sát Chúa Giêsu dù không có lời hứa công khai. Chúa Giêsu Kitô chính là “linh mục thượng phẩm”, là “người nghèo của Thiên Chúa” và “Người vốn giàu sang phú quý nhưng đã tự ý trở nên nghèo khổ vì anh em để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8,9).
Người linh mục hôm nay cần nhớ rằng «phải chiến đấu mỗi ngày để đừng rơi vào vòng xoáy của tiêu thụ và đời sống dễ dãi vốn thống trị nhiều nơi trên thế giới ngày nay. Một sự xét mình được làm nghiêm túc sẽ giúp ngài kiểm nghiệm đâu là mức sống của mình, sự sẵn sàng lo cho các tín hữu và hoàn thành các bổn phận của mình;… Tính khả tín và hiệu năng tông đồ của linh mục phụ thuộc một phần lớn vào sự nhất quán giữa những gì ngài nói và những gì ngài làm, đặc biệt là trong những gì liên quan đến sự nghèo khó»[15].
Linh mục Giuse Huỳnh Văn Sỹ
(WGP.Qui Nhơn 16.07.2016)
————
[1] Nên biết, về mặt từ ngữ, tựa đề quyển V của Giáo luật là “De bonis Ecclesiae Temporalibus”, “những của cải vật chất của Giáo Hội”. Hạn từ temporale có gốc danh từ “tempus” nghĩa là thời gian để nói lên tính mau qua vì gắn liền với vật chất. Hạn từ temporale thường dùng đối lại với hạn từ spirituale là xuất phát từ chữ spiritus – tinh thần, thiêng liêng) để chỉ tính trường tồn bất diệt. Đối lại với của cải vật chất là của cải thiêng liêng, chẳng hạn Lời Chúa, ơn thánh, bí tích… Xem Phan Tấn Thành, Tài sản, chế tài và tố tụng trong Giáo Hội. Sđd., tr. 18-19; Velasio De Paolis, Il Codice del Vaticano II- I beni temporali della Chiesa, sđd., tr. 11-16.
[2] Thuật ngữ pháp nhân công và pháp nhân tư là theo ngôn ngữ chuyên môn của luật khoa hiện đại. Bộ giáo luật 1983 đã du nhập hai hạn từ nầy vào điều 116 và mặc cho nó ý nghĩa trong phạm vi giáo luật. Theo đó, tiêu chuẩn phân biệt giữa chúng là: các pháp nhân công “nhân danh Giáo hội chu toàn nhiệm vụ riêng đã được trao cho vì lợi ích chung”, còn các pháp nhân khác là pháp nhân tư. Như chúng ta đã biết, có những pháp nhân mang tính cách “công” do chính nhà lập pháp ấn định, thí dụ: Hội Đồng Giám Mục, giáo tỉnh, giáo phận, giáo xứ, chủng viện, dòng tu, tu viện; có những pháp nhân khác được nhìn nhận tính cách “qua một nghị định của nhà cầm quyền“, ví dụ như một hiệp hội.
[3] Xem Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, Gaudium et Spes, số 71.
[4] Chú ý rằng, cách nói thủ đắc tài sản có thể được hiểu theo nhiều nghĩa:
– là thủ đắc quyền sở hữu trên tài sản đó;
– thủ đắc quyền hưởng dụng tài sản đó;
– hay cũng có thể là thủ đắc quyền đòi hỏi thi hành một nghĩa vụ nào đó, ví dụ, quyền được trối lại cho người khác, quyền tặng biếu, được thừa kế,…(Để hiểu rõ cụ thể hơn, có thể tham khảo các điều từ 182 – 191 của bộ luật dân sự Việt Nam. Bộ Luật Dân Sự, NXB Chính trị Quốc Gia, Hà Nội 2007).
[5] Giáo luật có liệt kê một số cách Giáo Hội thủ đắc tài sản từ điều 1259 đến 1272, trong đó có những cách như: người tín hữu đóng góp những gì cần thiết cho Giáo Hội (1260); dâng cúng tự nguyện (đ. 1261) và đóng góp bắt buộc (đ. 1262); thuế (đ. 1263) và lệ phí (đ. 1264); lạc quyên (đ. 1265), lạc quyên đặc biệt (đ. 1266), thời hiệu (đ. 1268-1270 và 197-199).
[6] Nhiều giáo phận trên thế giới, như ở Bắc Mỹ, linh mục làm việc ở giáo xứ hay trong tổ chức của Giáo Hội thì được trả lương hàng tháng và linh mục phải lo nghĩa vụ nộp thuế như một nhân viên của các tổ chức dân sự trong xã hội.
[7] Hiện nay cũng có nhiều giáo dân đóng góp để trả tiền thù lao, ví dụ dịp rửa tội, lãnh, làm phép nhà mới, làm phép xe, đặt viên đá đầu tiên…
[8] Xem Presbyterorum Ordinis, 17; 20-21.
[9] Bộ Giáo Sĩ, Kim Chỉ Nam về tác vụ và đời sống linh mục, năm 2013, số 83.
[12] Velasio De Paolis, Il Codice del Vaticano II- I beni temporali della Chiesa, sđd., tr. 224.
[13] Về ý lễ tập thể hay lễ gộp, messe collective, tham khảo sắc lệnh về vấn đề này của Bộ giáo sĩ được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phê chuẩn và cho ban hành vào 22.2.1991. Đăng trên báoOsservatore Romano, 9.4.1991. Xem
[14] Xem Luigi Chiappetta, Il codice di diritto canonico, commento giuridico-pastorale, I Libri I-II, 2 Ed, Accresciuta e aggiornata, Edizioni Dehoniane Roma 1996, tr. 403. (Bộ giáo luật, chú giải pháp lý và mục vụ, tập II, Quyển I-II, in lần 2, có cập nhật và bổ sung).
[15] Bộ Giáo Sĩ, Kim Chỉ Nam về tác vụ và đời sống linh mục, năm 2013, số 83.