Gỉải đáp thắc mắc : Vạ tuyệt thông, Ân xá…

.
 
Lm Phanxicô Xaviê  Ngô Tôn Huấn
 
 
giaidapthacmacHỏi: xin cha giải đáp  giúp mấy thắc mắc sau đây :
1-     Cha xứ có quyền ra vạ tuyệt thông cho ai không ?
2-     Có thể xưng mãi  một tội với nhiều cha khác nhau không ?
3-     Ai được  phép hưởng ân xá của Giáo Hội ?
Trả lời:
1- Vạ Tuyệt Thông (anthema=excommunication)  là hình phạt nặng nhất mà Giáo Hội  bất đắc dĩ  phải  áp dụng trong những trường hợp gia trọng  như  bội giáo ( apostasy)  ly giáo( schism)  và  lạc giáo ( heresy) ( can.751)  hành hung Đức Thánh Cha ( can. 370&1) giết người hay giết thai nhi , tiết lộ bí mật trong tòa giải tôi ( can. 1388& 1) v.v
Vạ tuyệt thông có hai loại là tiền kết  ( latae sententiae) và hậu kết ( ferendae sententiae):
 A- Vạ tiền kết  là vạ đương nhiên  hay tự động  ( automatically incurred) có hiệu lực  khi vi phạm  điều đã cấm, và chỉ dành cho Tòa Thánh quyền tháo gỡ mà thôi.  Những trường hợp bị vạ tuyệt thông  tiền kết   gồm có những lỗi phạm sau đây:
 1 -Hành hung đức Thánh Cha ( can. 370& 1)
 2 – Không có phép Đức Thánh Cha mà dám  truyền chức Giám mục cho ai. Cả Người truyền chức và người chịu chức đều đương nhiên mắc vạ. ( can.1382)
3 -Vi phạm ấn tòa giải tội.( Seal of confessions) tức  linh mục tiết lộ cho ai tội  đã nghe của hối nhân trong tòa giải tội ( can.1388& 1)
  
4 – Ném bỏ Mình Thánh hay đem về nhà với mục đích phạm thánh ( Sacrilege) ( can. 1367)
5-     Người bội giáo =apostate  là người  hoàn toàn chối bỏ đức tin Kitô Giáo Tà giáo hay  rối Đạo = Heretic = là người  chối bỏ một số  tín điều hay giáo lý của của Giáo Hội.
 Ly giáo ( schimatic) là người công khải bỏ Đạo để gia nhập đạo hay giáo phái khác. Tất cả 3 tội này đều bị vạ tuyệt thông tiền kết. ( can. 751)
6-     Phá thai hay giúp phá thai có kết quả ( can. 1398)
Như đã nói ở trên, vạ  tiền kết  là vạ  đương nhiên hay tự động ( automatically incurred) có hiệu lực cho ai  lỗi phạm điều đã cấm, và chỉ  Tòa Thánh mới có quyền  tháo gỡ hay tha  vạ này  mà thôi.       
B- Vạ tuyệt thông hậu kết ( ferendae  sententiae)
Vạ này được áp dụng cho những người ngoan cố  không  chịu sửa lỗi nặng  mặc dù đã được thẩm quyền Giáo Hội khuyến cáo  vô hiệu quả. ( can 1347 &1) .Cụ thể, cách nay trên 20 năm , nhân  vụ “ lôn xộn “ ở San Jose, California, Đức Giám mục địa phương đã ngăm đe  ra vạ tuyệt thông cho một vài người chủ chốt nếu họ không chấm dứt  “ tranh đấu” và vâng phục giáo quyền địa phương.
Như thế, chỉ có Giám mục mới có quyền ra vạ tuyệt  thông hậu kết cho ai không vâng phục  để sửa lỗi đã phạm dù đã được khuyến cáo ít là một lần.
Ngoài ra,  không linh mục nào, dù là chánh  hay phó xứ,  được phép đe dọa ra vạ  tuyệt thông cho ai. Sở dĩ phải nói điều này là  vì ở bên nhà, nghe nói có nơi linh mục chánh xứ  đã dọa vạ tuyệt thông  cho những ai  đi dự tiệc cưới của đôi  hôn phối chưa kết hôn trong Giáo Hội. Chưa kết hôn trong Giáo Hội mà ăn ở với nhau như vợ chồng thì tạm thời không được lãnh nhận các bí tích Thánh Thể và Hòa giải chứ không  thể  bị  “ trục  xuất ra khỏi Giáo Hội”  với vạ tuyệt thông tiền hay hậu kết được,  vì không có giáo luật nào cho phép phạt vạ như vậy.
Lại càng vô lý hôn nữa là đe dọa  vạ tuyệt thông cho ai đi dự tiệc cưới của họ. Đây là  một lạm dụng đáng tiếc về  hình phạt vạ tuyệt thông cần được sửa chữa trong Giáo Hội địa phương. Cũng cần nói thêm là ngày nay Giáo Hội đã cho phép hôn nhân hỗn hợp ( mixed marriage ) nghĩa là một người Công Giáo có thể được phép kết hôn với người theo đạo  khác, nhưng phải xin phép chuẩn ( dispensation) ở Tòa Giám mục . Khi đã có phép chuẩn cho phía có Đao Công Giáo rồi  thì hôn phối được phép cử hành ở nhà thờ  như mọi đôi hôn phối khác.  Có điều khác biệt là chỉ  người có Đạo mới được  rước Mình  Thánh trong lễ cưới mà thôi.Hôn nhân này là hợp pháp trong Giáo Hội nên không ai được phép chỉ trích hay đe dọa vạ tuyệt thông” cho người đi dự tiệc cưới của họ.
Tóm lại,  khi nói đến vạ tuyệt thông, tiền hay hậu kết, có nghĩa là hình phạt tạm thời không được hiệp thông với Giáo Hội trong mọi lãnh vực thực hành đức tin như cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích  bao lâu chưa được tha vạ.Như vậy,  phải hết sức thận trọng khi nói đến vấn đề này để không làm hoang mang cho giáo dân về kỷ luật và hình phạt  bất đắc dĩ  của Giáo Hội 
2- Có thể xưng mãi một tội hay không ?
    Là con người , ai cũng yếu đuối trong bản tính. Thêm vào đó là  những  cám dỗ của ma quỉ và gương xấu, dịp tội đầy rẫy trong môi trường xã hội , tức hoàn cảnh sống của mỗi người,  nên người ta dễ sa  phạm tội  nặng hay nhẹ.
Chính vì  biết rõ như vậy, nên Chúa Kitô – trước khi về Trời-  đã  ban bí tích hòa giải cho các Tông Đồ  để các ngài  và những người kế vị  thay mặt Chúa  tha tội cho mọi người trong Giáo Hội như Chúa đã truyền cho các ngài:
 “ anh  em tha tội cho ai, thì người ấy được tha
Anh em cầm giữ ai thì người ấy bị căm giữ” ( Ga 20 : 23)
Chúa đầy lòng  thương xót và hay tha thứ. Đúng, nhưng con người không được lợi dụng lòng thương xót tha thứ này để cứ phạm tội rồi đi xưng tội. Xưng tội vì lỡ sa ngã do bản tính yếu đuối, vì ma quỷ và thế gian cám dỗ. Nhưng cũng phải cố gắng  hết sức về phần mình và nương nhờ vào ơn Chúa để tránh phạm tội hầu được sống trong  tình thương và ơn nghĩa với Chúa. Đó là điều Chúa mong muốn nơi mỗi người tín hữu chúng ta. Sở dĩ  nói Chúa mong muốn chứ  không ép buộc , vì con người còn có ý muốn tự do (free will)  mà Thiên Chúa luôn tôn trọng  cho  con người  xử dụng  để hoặc tự do chọn Chúa và xa tránh sự dữ, sự tội,  hay khước từ Chúa để tự do sống theo ý muốn của mình và làm những điều trái nghịch với tình thương, công bình và thánh thiện của Chúa.
Nếu chọn Chúa thì phải quyết tâm sống theo đường lối của Chúa là con đường dẫn đưa đến hạnh phúc Nước Trời. Đó là con đường cứu thoát mà ít người muốn đi qua  như   Chúa Giê su đã trả lời cho  một người hỏi Chúa xem có phải  rất ít người được cứu thoát hay không. Chúa đáp :
 Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì  tôi nói cho anh  em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không được.” ( Lc 13: 24)
Cửa hẹp mà Chúa muốn nói ở đây là kỷ luật mà chúng ta phải khép mình vào để không chạy theo những quyến rũ  của  tiền  bạc, danh lợi chóng qua ở đời này cùng  những thú vui vô luân vô đạo là con đường rộng thênh thang mà nhiều người thích  đi trên đó,  nhưng không biết sẽ  đi vào cõi chết đời đời. Cụ thể, đó là những kẻ  tôn thờ chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa vật chất và  khoái lạc ( hedonism) khiến họ đang  tìm tiền của  cách bất chính để làm giầu như  buôn bán gian lận, mở sòng  bài bạc, nhà điếm, sản xuất sách báo và phim ảnh dâm ô đồi trụy, buôn bán phụ nữ và trẻ em cho kỹ nghệ mãi dâm và ấu dâm ( child prostitution) rất khốn nạn và tội lỗi ở khắp nơi trên thế giới tục hóa ngày nay.
Nếu người có niềm tin Thiên Chúa mà cũng đi vào con đường đó , nghĩa là cũng ăn gian nói dối, cờ bạc đỏ đen, thay vợ,  đổi chồng, dâm ô trác táng,  bất công với người khác và lãnh cảm trước sự nghèo đói của anh  chị em đồng loại,  thì dù có mang danh là người Công giáo, vẫn đi lễ ngày Chúa nhật, vẫn kêu tên Chúa Kitô  và hát Alleluia, Alleluia  như  anh  em Tin Lành,  thì cũng vô ích mà thôi, căn cứ vào  chính lời  Chúa Giêsu  đã nói  rõ với các môn đệ Người  như sau:
  “ Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lậy Chúa !, lậy Chúa ! là  được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi.” ( Mt 7 : 21)
Thi hành ý muốn  của Cha trên trời có nghĩa là xa tránh tội lỗi và mọi cách sống mâu thuẫn với Tin Mừng Cứu Độ để bước đi theo Chúa Kitô, là “ con đường, là sự thật và là sự sống.” ( Ga 14: 6)
Như thế, trong thực hành, nếu không cố gắng khép mình vào kỷ luật nội tâm và nương nhờ ơn Chúa nâng đỡ, để xa tránh tội lỗi và trở nên hoàn thiện mỗi ngày, thì  hãy  nghe lại lời Chúa cảnh cáo như sau trong Sách Khải  Huyền:
  “ Ta biết các  việc ngươi làm. Ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẵn hay nóng hẵn đi.Nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” ( Kh 3: 15-16)
Nói khác đi, nếu đi xưng tội mà không có quyết tâm chừa tội để cứ sa đi ngã lại, cứ xưng mãi một tội quen phạm thì sẽ  trở thành  là người chẳng nóng, chẳng lạnh, cứ hâm hâm, nửa nóng nửa lạnh, như Chúa cảnh cáo trên đây.Và như vậy chắc chắn không thể sống đẹp lòng Chúa và đáng được cứu độ. Chúa nói:  “ Ai có tai nghe thì nghe.” ( Mt  13: 43; Mc 4: 23; Lc 8: 8). 
3-  Ai được lãnh ơn xá ?
Ân xá ( Indulgence) là ơn Giáo Hội lấy từ kho tàng ơn Cứu Độ của Chúa Kitô để tha các hình phạt hữu hạn ( temporary punishment) của các tội nặng nhẹ đã được tha qua bí tích hòa giải.( x SGLGHCG số 1471)
Nghĩa là,  sau khi xưng tội cách ngay lành ( không dấu tội nào) và được tha qua bí tích hòa giải, thì hối nhân phải làm việc  đền tội do cha giải tội giao cho. Việc đền tội này có mục đích tẩy  xóa sạch những hậu quả do tội để lại trong tâm hồn hối nhân, dù mọi tội  nặng nhẹ đã được tha. Nếu ai không làm đủ việc đền tội này khi còn sống thì phải đền phạt trong luyện tội ( purgatory) sau khi chết.( x SGLGHCG, số 1030-1031)
 Và đây là lý do Giáo Hội ban ơn xá để tha hình phạt hữu hạn nói trên.
Ơn ( Ân ) xá có thể là toàn phần,  hay còn gọi là Ơn đại xá ( full indulgence)
để tha hết mọi hình phạt hữu hạn , hay từng  phần ( partial indulgence) để tha một phần hình phạt trên ( x.giáo luật số  993)
Ơn xá có thể lãnh nhận cho chính mình hoặc nhường lại cho các linh hồn trong Luyện tội , nhưng không thể nhường cho người khác còn sống ( x. giáo luật số 994).
Muốn lãnh nhận ơn xá cách có hiệu quả thì phải sạch tội trọng và làm một số việc lành như  xưng tội , dự lễ, rước Mình Thánh Chúa, viếng nhà thờ và đọc các kinh lậy Cha, Kinh mừng, Sáng danh, Kinh Tin Kính và cầu nguyện theo ý Đức Thánh cha.
Ân xá được ban trong những dịp trọng đại như Năm Thánh ( Jubilee Year),
Kỷ niệm thành lập Giáo Phận, hay Dòng Tu, viếng nghĩa trang trong tháng cầu cho các linh hồn ( tháng 11) hoặc dự lễ mở tay của tân linh mục…
Chỉ có Đức Thánh Cha, hoặc thẩm quyền tối cao dưới quyền ngài,  mới có quyền ban ân xá cho Giáo Hội hoàn vũ hay Giáo Hội địa phương ( Giáo phận) ( giáo luật số 995).
Giáo phận  hay Dòng Tu nào muốn  hưởng  đặc  ân  này nhân kỷ niệm trọng đại  của mình,  thì phải xin phép nơi thẩm quyền tối cao của Tòa Thánh.
Ước mong những giải đáp trên đây thỏa mãn những câu hỏi đặt ra.
Xin ơn Chúa Thánh Thần

Đã nhiều lần, trong Kinh Thánh, chúng ta nghe nhắc đến Thánh Thần. Quyền năng của Thánh Thần đã giúp Ngôi Hai nhập thể trong lòng trinh nữ Maria. Thánh Thần đưa Đức Giêsu vào hoang địa để chịu cám dỗ. Thánh Thần đã làm cho Đức Giêsu tràn ngập niềm vui mà lớn tiếng ca ngợi Chúa Cha vì những việc kỳ diệu Cha đã làm. Vào những khoảnh khắc cuối đời, tại vườn Dầu, Đức Giêsu cũng đã nhắc đến Thánh Thần rất nhiều, rằng Người sẽ đến sau Thầy, sẽ làm cho anh em nhớ lại những gì Thầy đã nói với anh em. Và hẳn là chúng ta không thể nào quên được cuộc biến đổi lạ lùng của các tông đồ vào ngày lễ Ngũ Tuần, với sự xuất hiện của cơn gió mạnh lùa vào phòng và hình lưỡi lửa tản ra đậu trên đầu mỗi người. 

Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, và lâu nay vẫn được xem là ngôi vị vừa vô hình vừa vô danh trong ba ngôi. Ngôi Hai Thiên Chúa khi nhập thể làm người thì mang trên mình một hình hài, là một người nam, có thể xác. Ta cũng có thể tưởng tượng ra Ngôi Cha trong hình ảnh một người cha đầy yêu thương và phúc hậu. Nhưng ta không biết nên tưởng tượng Chúa Thánh Thần dưới hình thù gì. Lúc thì Ngài xuất hiện dưới dạng con bồ câu, lúc thì ngọn gió, lúc thì ngọn lửa, rồi có khi chỉ là những thôi thúc sâu thẳm nào đấy trong tâm hồn. Ta không thể nghe được tiếng nói của Ngài như nghe một âm thanh bình thường. Ta chỉ có thể cảm được Ngài khi bất chợt có một sự đụng chạm thần linh nào đấy vào con tim ta. Bởi thế nên nhiều người trong chúng ta cảm thấy Thánh Thần như là một ngôi vị Thiên Chúa khá mờ nhạt, và rất khó để suy tưởng đến.

Thế nhưng, Kinh Thánh đã mặc khải cho chúng ta biết rằng Thánh Thần là Đấng trao ban cho chúng ta sự sống. Chính Đấng Sáng Tạo đã thổi Thánh Thần vào trong con người, khiến cho con người trở thành một thụ tạo khác, trỗi vượt hơn mọi loài. Thánh Thần lan tỏa khắp mọi nơi, làm bừng dậy những sự sống, dù là nhỏ bé nhất. Chính Thánh Thần làm cho mọi thứ trở nên sống động, sinh sôi nảy nở, và phát triển đến những tầm cao. Thánh Thần khơi lên những điều gì đấy mới mẻ, sáng tạo, làm phong phú đất trời. Thánh Thần không bao giờ là hiện thân của những gì ù lì, trễ nãi, chậm chạp. Ngài luôn năng động, luôn thúc đấy để mọi loài hướng tới những điều hay, những giải pháp tốt. Và nhớ đó, khắp vũ hoàn đều được tưới gội trong ân sủng của Ngài. Chính vì thế, mà trước các buổi học, các cuộc họp, người Công Giáo chúng ta thường xin ơn Chúa Thánh Thần, để Người mở trí, mở tâm chúng ta, giúp chúng ta đạt được những thành quả tốt đẹp nhất.

Truyền thống Giáo Hội vẫn dạy chúng ta rằng Chúa Thánh Thần sẽ ban cho chúng ta những ơn lành cần thiết, giúp chúng ta sống ơn gọi Kitô hữu của mình cách hoàn hảo. Ơn khôn ngoan giúp ta có được một khả năng phân định đúng đắn, biết đâu là điều tốt cần làm, đâu là điều xấu cần tránh. Ơn hiểu biết giúp mở mang trí óc ta, để ta có thể lĩnh hội được những tri thức quý báu. Ơn lo liệu cho ta một sự khéo léo và tài tình trong việc đối đầu và giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Ơn sức mạnh làm ta không trở nên yếu đuối, nhưng đủ sức để chu toàn những bổn phận, bất chấp những thách đố đang cản trở ta. Ơn thông minh giúp cho đầu óc ta trở nên nhạy bén hơn, có thể nhận ra được thánh ý Chúa cách nhanh nhạy và xác quyết. Ơn đạo đức giúp mở rộng con tim ta, để ta có thể yêu Chúa và yêu người ơn. Ơn kính sợ Thiên Chúa đưa ta tới một tương quan sâu sắc với Thiên Chúa, luôn nỗ lực để làm Ngài vui lòng. Lãnh nhận được tất cả những ơn này, ta hoàn toàn có thể sống xứng đáng phẩm giá là con người và là con Thiên Chúa.

Chúng ta không thể nhìn thấy được Thánh Thần, nhưng chúng ta có thể nhận ra hay cảm nghiệm được Ngài qua những hoa trái do ân sủng Ngài mang lại. Nếu ta chìm mình vào trong Thánh Thần, ta sẽ thấy được mời gọi để sống bác ái hơn, sẵn sàng giúp đỡ người khác với hết lòng mến yêu. Ta sẽ thấy cuộc đời mình chan chứa niềm vui hơn, lòng luôn bình an, dù trước mắt hay chung quanh chúng ta là đầy dẫy những khó khăn như đang cố làm ta chùn bước. Ta thấy mình có lòng kiên nhẫn hơn, không nóng giận, không vội vã nhưng lúc nào cũng điềm tĩnh và cố gặng đón nhận những nỗi đau. Ta thấy trong lòng mình có thôi thúc, lôi kéo ta đến việc thực thi những điều lành với một sự nhân từ, hòa nhã. Lời nói của ta cũng từ đó mà nhẹ nhàng, ấm áp và có sức cảm hóa hơn. Hành vi của ta nhờ vậy mà chín chắn hơn. Cơn nóng giận không làm chủ được ta, những khó khăn không còn khống chế ta, những vất vả không thể đánh gục niềm tin và ý chí vươn lên của ta, những lôi kéo dục vọng thấp hèn cũng không còn là điều gì đáng lo sợ. Ta sống trong an bình, vui tươi và hạnh phúc.

Chúng ta hãy tiếp tục xin ơn Chúa Thánh Thần, để Người ban cho ta những ơn cần thiết, giúp chúng ta thụ hưởng được những hoa trái thiêng liêng của Người trong cuộc sống của chúng ta.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Nguồn: R. Vatican