Khi nhìn lại chúng tôi thấy, mục đích của chúng tôi không phải là tạo ra một cách truyền thông mang tính quốc tế; chúng tôi chỉ muốn tạo ra một nhóm gồm các tín hữu Công Giáo “bình thường” có thể giải thích thông điệp của Giáo Hội trong chuyến thăm của giáo hoàng.
Thế nhưng tôi cũng nhận thấy rằng, thời gian đã làm cho dự án của chúng tôi chín muồi, và tất cả không ngoài sự trù liệu của Thiên Chúa Quan Phòng. Giáo hoàng Phanxicô là một mẫu mực sống động cho điều chúng tôi đang nỗ lực thực hiện.
Tại những nước chẳng hạn như Pháp thì sao, ở đó truyền thông có được xem là ưu tiên của Giáo hội?
Gần đây, tôi có dịp gặp gỡ các giám mục Pháp tại Paris, và một vị đã nói với tôi thế này: “Chúng tôi ủng hộ dự án này, vì nó đúng là thứ Giáo hội học và thần học của Vatican II”. Và quả là như thế. Người giáo dân được Chúa kêu mời, họ có một ơn gọi, có sứ mệnh rao giảng Tin Mừng. Giải thích, trình bày các quan điểm của Giáo hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng là điều thích hợp, lý tưởng với người giáo dân, họ sống giữa đời, và thực ra họ đã làm thế từ lâu rồi: trong văn phòng, công sở, tại quán bar, lúc trà dư tửu hậu với bè với bạn. Dĩ nhiên, các giám mục vẫn có tầm ảnh hưởng, vẫn có vai trò của các ngài trên các phương tiện truyền thông, các ngài can thiệp vào các cuộc tranh luận công khai, hoặc là đích thân các ngài hoặc là qua phát ngôn viên. Thế nhưng, những gì chúng tôi thực hiện không hề lấn sân vai trò ấy. Nếu vấn đề có liên quan đến một điểm đã được minh quyết trong giáo lý của Hội Thánh – chẳng hạn, việc trợ tử – bạn có thể liên hệ với chúng tôi. Nếu bạn muốn biết giám mục nghĩ gì về phát biểu mới nhất của tổng thống, bạn nên liên hệ trực tiếp ngài. Mối tương liên này khá là ổn thỏa tại hầu hết các nước mà dự án của chúng tôi được triển khai. Chúng tôi không phải là các phát ngôn viên chính thức của các giám mục, nhưng chúng tôi được các ngài ưu ái chúc lành. Các ngài vui trước những việc chúng tôi đang thực hiện, và thực hiện một cách khả tín, chuyên nghiệp, những gì người giáo dân với ấn tích Rửa tội được mời gọi thi hành.
Xét một cách tổng quát, đâu là trục trặc mà ông nhận thấy trong cách truyền thông của các tín hữu Công giáo?
Chúng tôi đã học được một bài học can hệ thế này. Các vấn đề khó khăn nhất mà các tín hữu Công giáo cảm thấy là mình thiếu khả năng nhất để đụng tới – những vấn đề chúng tôi vẫn gọi là “những vấn đề nóng bỏng” – thực ra lại là những vấn đề chúng tôi thực hiện việc truyền thông hiệu quả nhất. Chúng là mấu chốt của những rạn nứt, khác biệt giữa Giáo Hội và các giá trị của xã hội hiện đại. Cuộc tranh luận càng sôi nổi, hứng thú, người ta càng được khích động. Những vụ xì-căng-đan – mà theo lối hiểu của Kinh thánh là lầm lỡ, “phạm tội” – cũng là những vụ việc Giáo Hội thu hút được nhiều sự chú ý nhất. Đấy là những lúc tất cả mọi con mắt đều hướng về chúng ta: “Anh là tín hữu Công Giáo, anh giải thích thế nào đây?” Chúng ta cần học cách tận dụng, nắm bắt những cơ hội như thế để truyền thông hiệu quả. Thông điệp của chúng tôi là: thực hành, đào tạo, và sẵn sàng đối diện, đương đầu với những thách đố, vì thực ra chúng là những cơ hội quý báu. Chúng tôi luôn sẵn có các công cụ hỗ trợ là các khóa đào tào đủ loại và sách vở.
Nếu nói gắn gọn, thì ông có thể nói gì với những người vẫn nghĩ rằng, Giáo Hội Công Giáo chính là nguồn cội của tất cả những xấu xa trong thế giới này?
Tôi sẽ bắt đầu bằng cách xin họ giải thích giùm, họ muốn nói gì khi dùng cụm từ “những tội lỗi lớn lao nhất trong thế giới này”, và xin họ cho biết tại sao họ nghĩ chúng là xấu xa. Tiếp đến, tôi hỏi về các thứ xấu xa, tội lỗi mà họ nghĩ rằng Giáo Hội đã cách này hay cách khác góp phần tạo ra. Mọi lời quy tội đều gắn liền với sự kiện người chỉ trích cho rằng các giá trị đã bị vi phạm; việc xác định, nhận diện được các giá trị này rất quan trọng. Chẳng hạn, khi ai đó cho rằng, việc Giáo Hội chống sử dụng bao cao su đưa tới đại nạn AIDS và bùng nổ dân số, thực ra họ đang muốn bảo vệ các giá trị liên quan đến sự sống, muốn chống nạn đói nghèo. Chỉ cần một vài luận cứ đơn giản cũng đủ để chứng minh được rằng, Giáo Hội đi đầu trong việc bảo vệ các giá trị này! Một khi chúng ta nhận diện được các giá trị liên quan, cuộc tranh luận sẽ đi vào trọng tâm và sẽ rốt ráo.
Ông có thể cho các độc giả của chúng tôi lời khuyên, chẳng hạn, trong tất cả các tính huống, đâu là các yếu tố cơ bản giúp cho việc đối thoại trở nên bổ ích, tôn trọng lẫn nhau chứ không hóa ra một cuộc đấu khẩu vô bổ?
Đây không phải là là một lời khuyển theo kiểu “mẹo vặt”, “tiểu xảo”, vì để có được một cuộc đối thoại tôn trọng thì yếu tố đầu tiên là tâm thức, không phải là thứ tâm thức kiểu thế này “Làm thế nào để biện hộ, bảo vệ được đức tin và các luận cứ của tôi để chúng không hóa ra nhem nhuốc?” nhưng phải là “Đâu là những giá trị đang bị đánh tráo, đang có nguy cơ bị hiểu sai ở đây?” Catholic Voices không nhắm cung cấp, trang bị các thứ lý lẽ hóc hiểm để tranh luận cho ra trò, nhưng là các công cụ, các phương thế giúp kết nối giữa một bên là nhận thức với bên kia là thực tại, là sự thật. Một cuộc tranh luận sinh ích lợi là cuộc tranh luận giúp cho cả đôi bên cùng đến gần được chân lý hơn. Xin được trích ra đây một ẩn dụ thú vị của giáo hoàng Phanxicô, tất cả là để kiến tạo một nền văn hóa gặp gỡ, chứ không phải là thứ văn hóa loại trừ, trong đó ý kiến của người khác bị quẳng đi không thương tiếc. Và dự án của chúng tôi đã làm được điều này, thế nên tôi cảm thấy rất vui mừng.
Arthur Herlin
(Chuyển dịch: Truyền thông Đa Minh)