Ernst Sieber, người bạn của những người bị gạt ra bên lề xã hội ở Zurich, Thụy Sĩ

Là một mục sư, cố vấn quốc gia, sáng lập viên của nhiều hoạt động xã hội, hơn thế nữa Ernst Sieber còn là một ngôn sứ vì đã dám lên tiếng tố cáo việc loại trừ những người nghèo trong xã hội. Với những ngôn từ mạnh mẽ, một phong cách độc đáo, hành động dứt khoát, tiếng nói của ông vang lên từ Thụy Sĩ, Đức lan đi các nơi khác trên thế giới.

vogiacu.jpgErnst Sieber sinh năm 1927 tại Horgen, ban đầu chàng thanh niên làm việc ở trang trại, sau đó theo các khóa học nghiên cứu về thần học tại đại học Zurich. Sau một năm dấn thân phục vụ trong các khu xóm nghèo của Paris, năm 1956 Sieber trở lại Zirich và hoạt động mục vụ. Từ năm 1967 cho đến khi về hưu vào năm 1992, ông là mục sư của cộng đoàn Zurich.

Ngay từ những năm 1960, ông đã dấn thân phục vụ cho những người vô gia cư. Ernst Sieber bắt đầu cuộc đấu tranh của mình cho những người bị thiệt thòi sống ở Zurich. Đó là vào mùa đông 1963, một mùa đông rất lạnh, trong đó toàn bộ bề mặt của hồ Zurich bị đóng băng.

Người dân ở các nước châu Âu khi mùa đông đến họ phải chịu cảnh giá rét. Trong hoàn cảnh ấy, người vô gia cư là những người khốn khổ hơn hết, họ phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Ban ngày họ có thể tới những trung tâm bảo trợ xã hội để nhận đồ ăn, hoặc làm vệ sinh cá nhân, nhưng ban đêm, trung tâm trở nên quá tải, việc tìm chỗ ngủ trở nên rất khó khăn, và đường phố trở thành lựa chọn duy nhất. Có nhiều người vô gia cư tại châu Âu đã chết do thời tiết giá lạnh, vì việc qua đêm ở bến xe buýt, hay dưới gầm cầu không đảm bảo cho họ đủ ấm trong mùa đông giá rét.

Nhận thấy hoàn cảnh đáng thương của những người vô gia cư, Sieber cùng với những người thân bắt đầu tìm kiếm họ. Ông đã tập trung được hơn một trăm người và đưa họ đến các cơ sở trợ giúp dân sự tại Helvetia-Platz. Tòa thị chính hỗ trợ sáng kiến và như thế nơi trú ẩn dành cho người vô gia cư đầu tiên ở Zurich được thiết lập.

Vào thập niên 80 những người trẻ yêu cầu tạo ra một trung tâm thanh thiếu niên tự quản. Chính quyền thành phố không đáp ứng nhu cầu của họ, chính vì thế những người trẻ tuần hành qua các đường phố để phản đối chính sách không tương xứng đối với giới trẻ. Đã có những cuộc đụng độ giữa họ với cảnh sát. Sieber tham gia với họ, luôn dẫn đầu. Sieber đã làm cho mọi người ngạc nhiên vì đã đưa ra ý tưởng tạo ra một trung tâm để đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của giới trẻ. Ông nói: “Tôi tin rằng công việc của chúng tôi không phải là đưa tất cả mọi người vào nhà thờ, nhưng chúng tôi có thể làm cho nhà thờ mở cửa cho tất cả mọi người. Chúng ta đừng quên rằng thế giới của TC không chỉ được tìm thấy trong nhà thờ, thế giới là đền thờ của TC”.

Trong tầng hầm của nhà thờ Altstetten, một chỗ ở đầu tiên cho những người nghiện ma túy và nghiện rượu được hình thành. Hơn nữa tại Zurich, tình trạng khẩn cấp của AIDS đã nổ ra. Sieber đáp lại bằng cách lập một số trung tâm liên kết, một trang trại để giải quyết việc làm cho người đã từng nghiện ma túy, một phòng khám cho bệnh nhân AIDS, và sau đó một ngôi làng nhỏ nơi mà người nghèo có thể lưu lại. Những việc làm này đã làm gia tăng danh tiếng của Sieber khắp Thụy Sĩ. Chính ông đã góp phần đem lại cho giới trẻ một tương lai tốt đẹp, đem trở lại cho đất nước một bộ mặt tươi sáng trong việc loại trừ tình trạng khốn cùng của những người nghiện ma túy.

Trong những năm tiếp theo, ông thành lập nhiều hoạt động xã hội và đặc biệt trong năm 1988 ông đã tạo dựng các cơ sở bao gồm các cộng đoàn trị liệu, nhà đón tiếp và các trung tâm cho người vô gia cư. Các trung tâm này hiện diện trong 4 bang của vùng Thụy Sĩ nói tiếng Đức. Bao gồm 200 cộng tác viên, hỗ trợ cho gần 5.000 người có nhu cầu.

Trong nửa đầu của thập niên 90 tổ chức của Sieber đã trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Người quản lý hành chính, con rể của ông, đã tự do xây dựng một số ngôi nhà để  đón tiếp một cộng đoàn cho người nghiện ma túy mà không có giấy phép cần thiết. Thiệt hại tài chính là đáng kể, một cuộc điều tra đã được mở ra để xác minh tính hợp pháp của tổ chức. Sieber tự bảo vệ mình, chứng minh thiện chí của mình và cuộc điều tra không ghi nhận bất kỳ sự bất thường nào, nhưng hình ảnh của tổ chức đã bị ảnh hưởng. Mặc dù vậy Sieber không nản chí ông nói: “Con đường của Kitô hữu không bị điều kiện bởi sự thành công hay thất bại. Chúng ta phải đi, tiến về phía trước”. Sau cơn bão của vụ bê bối, Sieber đã khởi động lại dự án xây dựng một ngôi làng cho những người nghiện ma túy. Sau khi xác định được một vị trí phù hợp, một trung tâm được khai sinh, gần Sciaffusa.

Ngoài việc dấn thân hướng đến những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và những người nghèo khổ, Sieber cũng đã tham gia vào chính trị, ông là thành viên của Hội đồng Quốc gia từ 1991 đến 1995. Với vai trò này ông đã tận dụng để thường xuyên nói chuyện trên các phương tiện truyền thông, bảo vệ cuộc đấu tranh của mình cho những người bị loại ra khỏi xã hội. (Cath.ch 25/5/2018)

Ngọc Yến

(RadioVaticana 14.06.2018)