ĐTC Phanxicô: Ma quỷ hủy diệt phẩm giá, gây nên đói khát và nô lệ

Ngày nay chúng ta chứng kiến một cuộc bách hại dữ dội không chỉ chống lại các Kitô hữu mà cả mọi người nam nữ, do sự thực dân hóa văn hóa, chiến tranh, đói kém, nô lệ, bởi vì về cơ bản, thế giới hiện nay là một thế giới của nô lệ: Thiên Chúa ban cho chúng ta “ân sủng” để chiến đấu và, với sức mạnh của Chúa Giêsu Kitô, khôi phục là hình ảnh của Thiên Chúa ở trong tất cả chúng ta.

PopeFrancis-01Jun2018-01.jpg

Đây là suy tư của  ĐTC Phanxicô trong Thánh lễ sáng ngày 01/06/2018 tại nhà nguyện thánh Marta.

Bách hại là một phần của cuộc sống Kitô hữu

Dựa vào bài đọc thứ nhất, trích từ thư của thánh Phêrô, trong đó đề cập đến cuộc bách hại các Kitô hữu bùng lên như một “ngọn lửa” trong các thế kỷ, ĐTC Phanxicô giải thích sự bách hại như là “một phần của đời sống Kitô giáo”, và cũng là một mối phúc, vì Chúa Giêsu đã bị bắt bớ vì lòng trung thành với Chúa Cha. ĐTC nói:

“Bách hại là một tí không khí mà với nó người Kitô hữu ngày nay sống, bởi vì ngày nay có rất nhiều các vị tử đạo, nhiều người bị bách hại vì tình yêu Chúa Kitô. Tại nhiều quốc gia, các Kitô hữu không có quyền lợi. Nếu bạn đeo một thánh giá, bạn sẽ bị ở tù. Và ngày nay, có những người ở trong tù, bị kết án chết vì là Kitô hữu. Có nhiều người bị giết và con số đó nhiều hơn con số các vị tử đạo trong những thế kỷ đầu. Nhưng điều này không là tin tức, không được chú ý đến. Vì vậy, các tin tức, các tờ báo không đăng tải các tin này. Nhưng các Kitô hữu bị bách hại.”

Bách hại con người, hình ảnh của Thiên Chúa

Đức Thánh Cha thấy rằng ngày nay có một cuộc bách hại khác: “bách hại mọi người nam nữ vì họ là hình ảnh sống động của Thiên Chúa.” Ngài nói:

“Đàng sau mỗi cuộc bách hại, hoặc là các Kitô hữu hoặc là không Kitô hữu, luôn có ma quỷ tìm cách hủy diệt sự tuyên xưng Đức Kitô nơi các Kitô hữu và hủy diệt hình ảnh Thiên Chúa nơi con người. Từ ban đầu ma quỷ đã tìm cách làm điều này như chúng ta có thể đọc thấy trong sách Sáng thế. Chúng tìm cách hủy diệt sự hòa hợp giữa người nam và người nữ mà Thiên Chúa đã tạo dựng, sự hòa hợp xuất phát từ hình ảnh của Thiên Chúa và giống với Thiên Chúa. Và ma quỷ đã thành công. Nó thành công với sự lừa dối, cám dỗ… Với những khí giới mà chúng sử dụng. Chúng luôn làm như thế. Nhưng ngày nay cũng có một sức mạnh, tôi muốn nói đến cơn thịnh nộ chống lại con người bởi vì, nếu không, người ta không thể giải thích làn sóng gia tăng hủy diệt con người, hủy diệt nhân loại.”

Đàng sau đói khát, nô lệ, thực dân hóa văn hóa, chiến tranh, là ma quỷ

ĐTC nghĩ đến đói khát, một sự bất công tiêu diệt con người, bởi vì họ không có thức ăn, ngay cả khi trên thế giới này có rất nhiều thực phẩm. ĐTC cũng nói về sự khai thác bóc lột con người, những hình thức nô lệ khác nhau và ngài nhớ đến một bộ phim chúng ta mới xem, được quay bí mật trong một nhà tù, nơi đó những người di dân bị nhốt, bị tra tấn, dưới hình thức hủy diệt để biến thành nô lệ. ĐTC nhắc rằng điều này xảy ra 70 năm sau khi bản tuyên ngôn nhân quyền ra đời. Do đó, suy tư về sự thực dân hóa văn hóa, ngài giải thích rằng các đế quốc ép buộc chấp nhận văn hóa của họ ngược lại với sự độc lập, chống lại văn hóa của người khác, áp đặt những thứ phi nhân để hủy diệt, để đưa đến sự chết. ĐTC nhận xét rằng sự hủy diệt phẩm giá thì giống như những gì ma quỷ muốn và vì lý do này đã có bách hại.

“Cuối cùng, chúng ta có thể nghĩ đến chiến thanh như một công cụ hủy diệt con người, hủy diệt hình ảnh Thiên Chúa. Nhưng mà cả những người gây chiến tranh, hoạch định chiến tranh để có quyền hành trên người khác. Có những người phát triển các ngành công nghiệp vũ khí để hủy diệt nhân loại, để hủy diệt hình ảnh của con người, cả về thể lý và luân lý, cũng như văn hóa. Nhưng, thưa cha, những người không phải là Kitô hữu. Sao họ cũng bị bách hại? Vì họ là hình ảnh Thiên Chúa, và vì đó ma quỷ bách hại họ. Các đế quốc ngày nay tiếp tục bách hại. Chúng ta không được cho phép mình ngây thơ. Ngày nay, trên thế giới, không chỉ các Kitô hữu bị bách hại; mà mọi người, người nam cũng như nữ, bởi vì cha của mọi cuộc đàn áp không tha thứ cho hình ảnh và sự giống với Thiên Chúa. Không dễ để hiểu điều này; cần cầu nguyện nhiều để hiểu nó.” (REI 01/06/2018)

Hồng Thủy
(RadioVaticana 01.06.2018)