ĐTC cử hành thánh lễ tại Đền thánh Đức Mẹ Sumuleu-Ciuc, Rumani

Tại Đền thánh Đức Mẹ Sumuleu-Ciuc thuộc miền Transilvania, Rumani, lúc 11 giờ rưỡi ngày 01/6/2019, trời mưa nhẹ, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ kính Đức Mẹ, trước sự hiện diện của hơn 120 ngàn tín hữu đến từ các nơi ở Rumani, và từ Hungari láng giềng. Họ tụ tập trước lễ đài trên ngọn đồi thuộc khu vực Đền thánh. Đồng tế với ĐTC có gần 30 HY, GM thuộc cả hai nghi lễ la tinh và Đông Phương, các vị ở trên lễ đài và nhiều LM Rumani và Hungari ở trước bàn thờ.

PopeFrancis_01Jun2019_02.jpg

Trong bài giảng Thánh lễ, ĐTC nhắc đến truyền thống hành hương hằng năm với cao điểm là ngày thứ bẩy trước lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống và ngài quảng diễn ý nghĩa việc hành hương để áp dụng vào đời sống cụ thể của các tín hữu. ĐTC nói:

“Anh chị em thân mến, trong niềm vui mừng và biết ơn đối với Thiên Chúa, ngày hôm nay tôi đến đây với anh chị em, tại Đền thánh yêu quí này, phong phú về đức tin và lịch sử, nơi các con cái đến gặp Mẹ chúng ta và nhìn nhận nhau như anh chị em. Các đền thánh, là những nơi hầu như có đặc tính “bí tích” của một Giáo Hội “bệnh viện dã chiến”, vốn bảo tồn ký ức của dân tộc trung thành giữa bao nhiêu sầu khổ, không biết mệt mỏi trong việc tìm kiếm nguồn nước trong lành canh tân niềm hy vọng. Đó là nơi mừng lễ và cử hành, nơi khóc thương và cầu khẩn. Chúng ta đến dưới chân Đức Mẹ, không nhiều lời và để cho Mẹ nhìn chúng ta và, qua cái nhìn của Mẹ, Mẹ dẫn chúng ta đến cùng Đấng là “Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6). ĐTC nhận xét rằng:

“Tại đây, hằng năm, vào thứ bẩy Lễ Hiện Xuống, anh chị em đến hành hương để chu toàn lời khấn hứa của các tiền nhân anh chị em và để củng cố niềm tin nơi Thiên Chúa và lòng sùng kính Đức Mẹ, hình Mẹ được diễn tả qua một pho tượng lớn bằng gỗ. Cuộc hành hương hàng năm này thuộc về gia sản của miền Transilvania, nhưng cũng đề cao những truyền thống tôn giáo của Rumani và Hungari; cả các tín hữu thuộc các hệ phái Kitô khác cũng tham dự và đó là một biểu tượng đối thoại, hiệp nhất và huynh đệ; là một lời kêu gọi hãy phục hồi chứng tá đức tin được sống thực và đời sống trở thành niềm hy vọng.

“Hành hương là biết rằng chúng ta đến như một dân tộc về nhà chúng ta. Một dân tộc có sự phong phú dưới hàng ngàn hình dạng, văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống; dân tộc thánh trung thành của Thiên Chúa, cùng với Mẹ Maria hành hương, ca ngợi lòng thương xót của Chúa.

Đề cập đến vai trò của Mẹ Maria trong đời sống tín hữu, ĐTC nói:

“Tại Cana xứ Galilea, Mẹ Maria đã can thiệp với Chúa Giêsu để Chúa thực hiện phép lạ đầu tiên, ngày nay tại mỗi Đền thánh, Mẹ cũng đang chú tâm và chuyển cầu không những với Chúa Con, nhưng cả với mỗi người chúng ta nữa, để chúng ta đừng để tình huynh đệ bị cướp mất vì những lời nói và những vết thương nuôi dưỡng sự chia rẽ và phân hóa. Chúng ta không được để cho những biến cố phức tạp và đau buồn của quá khứ bị quên lãng hoặc phủ nhận, nhưng chúng ta cũng không thể để những biến cố ấy tạo nên chướng ngại hoặc một lý lẽ để ngăn cản sự sống chung huynh đệ mà mọi người mong ước.

Hành hương có nghĩa là cảm thấy được kêu gọi và thúc đẩy để đồng hành, xin Chúa ban ơn biến đổi những oán hận cũ quá khứ và hiện nay, biến những nghi kỵ thành cơ hội mới để hiệp thông; Hành hương có nghĩa là đừng bám vào những chắc chắn và tiện nghi thoải mái của chúng ta trong việc tìm kiếm một đất mới mà Chúa muốn ban cho chúng ta. Hành hương là thách đố khám phá và thông truyền tinh thần sống chung, không sợ nhập cuộc, không sợ gặp gỡ và giúp đỡ lẫn nhau. Hành hương có nghĩa là tham gia vào một thứ thủy triều tuy có phần hỗn độn, nhưng có thể trở thành một kinh nghiệm đích thực về tình huynh đệ, một đoàn lữ hành luôn liên đới để kiến tạo lịch sử (EG 87). Hành hương là nhìn đến những gì lẽ ra phải diễn ra hoặc không diễn ra, nhưng đúng hơn là tất cả những gì có thể chờ đợi chúng ta, và chúng ta không thể hoãn lại. Nó có nghĩa là tin rằng Chúa đến và đang ở giữa chúng ta để cổ võ và khích lệ tình liên đới, tình huynh đệ và ước muốn sự thiện, chân lý và công lý (Xc ibid. 71). Đó là một sự dấn thân tranh đấu để những người hôm qua bị thụt lùi đàng sau nay trở thành những người giữ vai chính của ngày mai, và những người đang giữ vai chính ngày nay đừng bị bỏ lại đàng sau ngày mai. Và điều này đòi hỏi một việc làm công phu cùng nhau kiến tạo tương lai. Chính vì thế chúng ta ở đây để cùng thưa: Lạy Mẹ xin dạy chúng con xây dựng tương lai.

ĐTC nói thêm rằng “Hành hương tại Đền thánh này làm cho chúng ta hướng nhìn về Mẹ Maria và mầu nhiệm tuyển chọn của Thiên Chúa. Mẹ là một thiếu nữ thành Nazareth, nơi bé nhỏ ở miền Galilea, thuộc vùng ngoại biên của đế quốc Roma, và cũng là nơi bên lề của Israel, qua lời thưa “xin vâng”, Mẹ đã có thể mở đường cho cuộc cách mạng dịu dàng (Xc ibid. 88). Mầu nhiệm tuyển chọn từ phía Thiên Chúa, Đấng đoái nhìn đến người yếu ớt để làm cho những kẻ hùng mạnh phải bối rối, thúc đẩy và khích lệ cả chúng ta hãy thưa “xin vâng” như Mẹ, để tiến bước trên những con đường hòa giải.

Và ĐTC kết luận rằng “Ai liều, thì Chúa không làm cho họ thất vọng. Chúng ta hãy tiến bước, cùng nhau tiến bước, để cho Tin Mừng trở thành men có thể động viên tất cả và mang lại cho các dân tộc chúng ta niềm vui của ơn cứu độ”.

Cuối thánh lễ, Đức Cha Gyorgy Miklos Jakubinyi của tổng giáo phận Alba Julia sở tại đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC và trong dịp này ngài đã tặng cho đền thánh một chén lễ quí giá.

Bấy giờ đã quá 1 giờ trưa. ĐTC đến Trung tâm Jakab Antal Ház do Caritas giáo phận đảm trách, và cách đó khoảng 3 cây số, để dùng bữa trưa với đoàn tùy tùng. Trung tâm này mang tên Đức TGM Jakao Antal Haz, là vị đã coi sóc giáo phận Alba Julia từ 1980 đến 1900. Dưới thời cộng sản, ngài đã bị cầm tù 13 năm trời, phải lao động khổ sai trong một mỏ chì.

Giuse Trần Đức Anh OP

(VaticanNews 01.06.2019)

PopeFrancis_01Jun2019_01.jpg

PopeFrancis_01Jun2019_03.jpg

PopeFrancis_01Jun2019_04.jpg

PopeFrancis_01Jun2019_05.jpg

PopeFrancis_01Jun2019_06.jpg

PopeFrancis_01Jun2019_07.jpg