Trong bài giảng Thánh lễ cử hành tại Casal Bertone, ĐTC mời gọi các tín hữu học từ trường dạy Thánh Thể sự chúc lành: được chúc lành đến lượt chúng ta hãy chúc lành và là máng thông truyền ơn lành, để chống lại sự nóng giận hằn học, than vãn; học chia sẻ từ những điều nhỏ bé để chống lại sự ích kỷ, thu góp. Động từ của Chúa Giêsu là cho.
Vào lúc 6 giờ chiều 23.06, tại sân nhà thờ Đức Maria An Ủi ở khu vực Casal Bertone ở Roma, ĐTC Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ trọng thể Mình Máu Chúa Kitô. Đồng tế với ĐTC trong Thánh lễ có ĐHYAngelo De Donatis, Giám quản sự tham dự của khoảng gần 400 em thiếu nhi trong khu vực mới được rước lễ lần đầu.
Nói. Chúc lành
Động từ thứ nhất: Nói. Trong bài đọc thứ nhất, ông Menkixêđê nói: “Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc phúc cho ông Ápram ! Chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao” (St 14,19-20). Câu nói của ông Menkixêđê là lời chúc lành. Ông chúc lành cho ông Ápram và qua đó tất cả gia đình trên trái đất được chúc lành (x. St 12,3; Gl3,8). Tất cả bắt đầu từ lời chúc lành: những lời tốt lành tạo nên một lịch sử những điều tốt lành. Điều tương tự cũng xảy ra trong Tin Mừng: trước khi làm bánh hóa ra nhiều, Chúa Giêsu làm phép những chiếc bánh: “Người cầm lấy 5 chiếc bánh, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, rồi bẻ ra và trao cho các môn đệ” (Lc 9,16). Lời chúc tụng làm cho 5 chiếc bánh thành lương thực cho một đám đông: làm tuôn trào một dòng thác những thiện ích
Chúc lành là nói điều tốt, nói với tình yêu
Tại sao chúc lành tạo nên điều tốt đẹp? Bởi vì nó biến đổi lời nói thành quà tặng. Khi chúc lành, người ta không làm điều đó vì chính mình, nhưng vì người khác. Chúc lành không phải là nói những lời văn hoa, không sử dụng những lời xã giao qua loa; nhưng là nói điều tốt, nói với tình yêu. Ông Menkixêđê đã làm như thế, ông nói điều tốt về Ápram, không phải vì ông Ápram đã nói hay làm điều gì tốt cho ông. Chúa Giêsu cũng đã làm như thế khi bày tỏ ý nghĩa của việc chúc tụng bằng việc phân phát những chiếc bánh cách nhưng không.
Thánh Thể là trường dạy chúc lành
Bao nhiêu lần chúng ta đã được chúc lành, trong nhà thờ hay trong nhà của chúng ta, bao nhiêu lần chúng ta đã nhận được những lời mang lại điều tốt cho chúng ta, hay một dấu thánh giá trên trán… Chúng ta được chúc lành vào ngày nhận bí tích rửa tội, và vào cuối mỗi Thánh lễ chúng ta được chúc lành. Thánh Thể là trường dạy chúc lành. Thiên Chúa nói điều tốt về chúng ta, các con yêu dấu của Người, và như thế Người khuyến khích chúng ta tiến bước. Và chúng ta chúc tụng Chúa trong cộng đoàn của chúng ta (x. Tv 68,27), tìm được cảm thức tạ ơn, là điều giải thoát và chữa lành con tim. Chúng ta đến tham dự Thánh lễ với xác tín rằng chúng ta được Chúa chúc lành, và đến lượt chúng ta, ra về để chúc lành, để là máng thông truyền điều thiện hảo cho thế giới.
ĐTC cũng nhắc các mục tử rằng chúc lành cho Dân Chúa là điều quan trọng. Ngài khuyên các mục tử đừng sợ chúc lành, vì Thiên Chúa mong ước chúc lành cho dân Người, Người vui lòng làm cho chúng ta cảm nhận được tình yêu của Người. Chỉ khi được chúc lành chúng ta mới có thể chúc lành cho người khác với cùng việc xức dầu của tình yêu.
Dân Chúa được dựng nên để chúc lành chứ không để than vãn
Thật là buồn khi thấy ngày nay người ta dễ dàng nguyền rủa, khinh khi, sỉ nhục. Bị vây bủa trong quá nhiều sự điên cuồng, người ta không chịu được và trút giận trên mọi thứ và mọi người. Thật không may là hễ người nào càng la hét thì thường mạnh hơn, ai giận dữ hơn có vẻ là có lý và nhận được sự đồng tình. Chúng ta đừng để mình bị lẫy nhiễm sự kiêu ngạo, đừng để mình bị xâm chiếm bởi cay đắng, chúng ta ăn Bánh Thánh Thể là Bánh mang trong mình mọi điều ngọt ngào. Dân Chúa yêu thích khen ngợi, không sống với những lời càm ràm kêu than; Dân Chúa được dựng nên để chúc lành chứ không để than vãn. Trước Thánh Thể, trước Chúa Giêsu tự trở nên Bánh, trước hình Bánh khiêm hạ ôm choàng tất cả Giáo Hội, chúng ta học chúc tụng điều chúng ta có, học ngợi khen Chúa, học chúc tụng chứ không chúc dữ quá khứ của chúng ta, học trao tặng những lời tốt cho tha nhân.
Cho. Bánh là để chia sẻ
Động từ thứ hai là “cho”. “Cho” theo sau “nói”, như ông Ápram, được ông Menkixêđê chúc lành, “biếu ông Menkixêđê một phần mười tất cả chiến lợi phẩm” (St 14,20). Chúa Giêsu cũng thế, sau khi dâng lời chúc tụng, Người “cho” bánh để phân phát và qua đó mạc khải ý nghĩa rất đẹp: bánh không chỉ là sản phẩm để tiêu thụ, nó là phương tiện để chia sẻ.
Thật ra, điều ngạc nhiên là trong tường thuật phép lạ hóa bánh ra nhiều, người ta không bao giờ nói đến việc làm gia tăng nhiều. Ngược lại, các động từ được sử dụng là “bẻ ra, trao cho, phân phát” (x. Lc 9,16). Tóm lại, người ta không nhấn mạnh việc làm bánh tăng thêm nhiều, nhưng là chia sẻ. Đây là điều quan trọng: Chúa Giêsu không làm ảo thuật, không biến 5 chiếc bánh thành 5 ngàn để rồi nói: “Bây giờ chia bánh đi”. Không. Chúa Giêsu cầu nguyện, làm phép 5 chiếc bánh rồi bắt đầu bẻ ra, trong niềm tin tưởng vào Chúa Cha. Và 5 chiếc bánh không cạn hết nữa. Đây không phải là ảo thuật nhưng là tin tưởng vào Chúa và sự quan phòng của Người.
“Kinh tế học” của Tỉn Mừng
Trên thế giới, người ta luôn tìm cách gia tăng thu nhập, làm giảm chi phí… Đúng, nhưng đâu là mục đích? Cho hay là có? Chia sẻ hay thu tích? “Kinh tế” của Tin Mừng là làm tăng thêm bằng sự chia sẻ, nuôi dưỡng bằng sự phân phát, không thỏa mãn sự tham lam của một ít người nhưng đem lại sự sống cho toàn thế giới (x. Gv 6,33). Động từ của Chúa Giêsu không phải là có, nhưng là cho.
Yêu cầu Chúa Giêsu nói với các môn đệ thật là quyết đoán: “Chính các con hãy cho họ ăn” (Lc 9,13). Chúng ta hãy thử tưởng tượng những lý luận mà các môn đệ đã nói: “Chúng ta không có bánh cho chúng ta thì tại sao phải nghĩ đến người khác? Nếu họ đến để nghe Thầy của chúng ta, thì tại sao chúng ta phải cho họ ăn? Nếu họ không mang đồ ăn theo thì họ trở về nhà hay là họ đưa tiền và chúng ta sẽ mua cho họ”. Đây không phải là những lý lẽ sai trái, nhưng nó không phải là lý lẽ của Chúa Giêsu, Đấng không có lý lẽ như thế: chính các con hãy cho họ ăn.
Chúa làm những điều vĩ đại với điều ít ỏi của chúng ta
Điều chúng ta có sẽ sinh hoa trái nếu chúng ta trao tặng nó – đây là điều Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta – ; không quan trọng là nhiều hay ít. Chúa làm những điều vĩ đại với điều ít ỏi của chúng ta, như với 5 chiếc bánh. Người không thực hiện điều kỳ diệu với những hành động ngoạn mục, nhưng với những điều khiêm tốn, bằng cách dùng tay bẻ nó ra, trao ban, phân phát, chia sẻ. Quyền năng của Thiên Chúa là một sự toàn năng khiêm hạ, được thực hiện chỉ vì yêu thương. Và tình yêu làm nên những điều cao cả từ những điều bé nhỏ. Thánh Thể dạy chúng ta điều đó: Bánh được bẻ ra và được sẻ chia, Thánh Thể mà chúng ta đón nhận truyền cho chúng ta tư tưởng của Thiên Chúa. Và đưa chúng ta đến việc trao tặng chính mình cho người khác. Đó là thuốc giải chống lại câu nói “tôi rất tiếc, nhưng nó không liên quan đến tôi”, chống lại câu nói “tôi không có thời gian, tôi không thể, đó không phải là việc của tôi”.
Điều ít ỏi của bạn lại là rất nhiều trong mắt của Chúa Giêsu
Nơi thành phố đói khát tình yêu và sự quan tâm của chúng ta, thành phố bị suy thoái và bị bỏ rơi, trước rất nhiều người già neo cô độc, các gia đình gặp khó khăn, những người trẻ bươn chải kiếm miếng cơm và nuôi dưỡng những ước mơ, Chúa Giêsu nói với bạn: “Chính con hãy cho họ ăn”. Và bạn có thể trả lời: “Con chỉ có tí xíu, con không có khả năng”. Nhưng đúng là điều ít ỏi của bạn lại là rất nhiều trong mắt của Chúa Giêsu nếu bạn không giữ nó lại cho bạn, nếu bạn tham gia vào cuộc chơi. Và bạn không cô đơn: bạn có Thánh Thể, lương thực đi đường, Bánh của Chúa Giêsu. Chiều nay, cả chúng ta cũng sẽ được nuôi dưỡng từ Thân Mình được Người trao tặng. Nếu chúng ta đón nhận nó với trái tim, Bánh này sẽ ban cho chúng ta sức mạnh của tình yêu: chúng ta sẽ cảm thấy được chúc lành và được yêu thương và chúng ta sẽ muốn chúc lành và yêu thương, bắt đầu từ nơi đây, từ thành phố của chúng ta, từ những con đường mà chúng ta sẽ đi qua chiều nay. Chúa đến trên các con đường để nói điều tốt với chúng ta và để ban cho chúng ta sự can đảm. Chúng ta cũng cầu xin để mình trở thành lời chúc lành và quà tặng.
Rước kiệu Thánh Thể
Cuối Thánh lễ, ĐHY De Donatis đã chủ sự buổi rước kiệu Mình Thánh qua các con đường trong khu vực, và kết thúc tại sân vận động gần San Serena, khu vực các tu sĩ dòng Thừa sai Bác ái đón tiếp những người vô gia cư. Đường kiệu dài 1200 mét. Tại đây ĐTC ban phép lành Mình Thánh Chúa cho các tín hữu.
Hồng Thủy
(VaticanNews 23.06.2019)