ĐTC Phanxicô cổ võ thực thi một nền thần học đón tiếp và phát triển một cuộc đối thoại đích thực và chân thành với các tổ chức xã hội và dân sự, với các trung tâm đại học và nghiên cứu, cũng như với các vị lãnh đạo tôn giáo ở vùng Địa Trung Hải.
ĐTC bày tỏ lập trường trên đây sáng ngày 21-6-2019, lễ kính thánh Luigi Gonzaga SJ, trong cuộc viếng thăm Phân khoa Giáo Hoàng về thần học ở thành Napoli và qua bài thuyết trình dài, kết thúc Hội nghị tại Phân Bộ thánh Luigi Gonzaga, về chủ đề ”Thần học sau Tông Hiến Veritatis gaudium” (niềm vui chân lý), do ĐTC Phanxicô ban hành ngày 29-1 năm 2018 về các Đại học và Phân khoa của Giáo Hội Công Giáo.
Hội nghị về thần học trong bối cảnh Địa Trung Hải
Hội nghị bắt đầu từ sáng ngày 20-6 trước đó và đã có nhiều bài thuyết trình phân tích những sự kiện phức tạp và căng thẳng trong bối cảnh mới tại Địa Trung Hải. Các khía cạnh được các diễn giả đề cập tới là hiện tượng di cư, đặc tính liên văn hóa, những khó khăn trong cuộc gặp gỡ và sống chung giữa các nền văn hóa và tôn giáo ở vùng Địa Trung Hải, và sự phân định như một phương pháp để giải quyết các khó khăn.
Một vài diễn giả khác cũng đề cập đến thần học tại vùng Địa Trung Hải, các tiêu chuẩn trong lời tựa Tông Hiến ”Niềm vui chân lý” để xác định chân trời một nền thần học cho vùng Địa Trung Hải.
Đón tiếp ĐTC
Lúc 9 giờ sáng 21-6-2019, ĐTC đã từ Vatican bay đến Napoli, cách Roma 200 cây số về hướng nam. Và tại Phân khoa thần học nam Italia, Ngài đã được ĐHY Crescenzio Sepe, TGM Napoli sở tại, Đức Cha Francesco Marino, GM giáo phận Nola lân cận, Cha Arturo Sosa Abascal, Bề trên Tổng quyền dòng Tên, cùng với các giáo sư đón tiếp. Tiếp đến là cuộc gặp gỡ tại khuôn viên rộng lớn trước trụ sở Phân khoa thần học.
Cổ võ đối thoại với Do thái giáo và Hồi giáo
Cổ võ đối thoại với những người khác, ĐTC đặc biệt nhấn mạnh rằng ”Các sinh viên thần học phải được giáo dục về đối thoại với Do thái giáo và Hồi giáo để hiểu những căn cội chung và những khác biệt trong các căn tính tôn giáo của chúng ta, và nhờ đó góp phần hữu hiệu hơn vào việc xây dựng một xã hội biết quí chuộng sự khác biệt và tạo điều kiện cho sự tôn trọng, tình huynh đệ và sống chung hòa bình..
”Với những người Hồi giáo, chúng ta được kêu gọi để xây dựng tương lai các xã hội, các thành thị của chúng ta, chúng ta được kêu gọi coi họ như những người đối tác để kiến tạo một sự sống chung hòa bình, cả khi xảy ra những biến cố đẫm máu như thảm trạng lễ Phục Sinh năm nay ở Sri Lanka.. Trong các phân khoa thần học và các Đại học của Giáo Hội, cần khuyến khích các lớp về ngôn ngữ và văn hóa Arập và Do thái, cũng như sự hiểu biết lẫn nhau giữa các sinh viên Kitô, Do Thái và Hồi giáo”.
Tầm quan trọng của lắng nghe trong đối thoại
ĐTC cũng đề cao tầm quan trọng của thái độ lắng nghe trong việc đối thoại và nói rằng: ”Khi Giáo Hội và cả thần học từ bỏ những khuôn khổ cứng nhắc, và cởi mở đối với một sự sẵn sàng lắng nghe và chú ý đối với những người trẻ, cả những người không Công Giáo hoặc thuộc các ”đại học đời”, thì sự cảm thông như thế sẽ làm cho nhau phong phú, vì giúp người trẻ đóng góp phần của mình cho cộng đoàn, giúp họ đón nhận những nhạy cảm mới và tự đặt cho mình những câu hỏi chưa từng có” (Christus vivit 65).
Mời gọi các nhà thần học cộng tác
ĐTC đặc biệt cổ võ các nhà thần học cộng tác với nhau, dưới hình thức liên ngành, thuộc các khoa và lãnh vực khác nhau, vượt thắng thái độ cá nhân chủ nghĩa trong các hoạt động trí thức. Ngài nói: ”Chúng ta cần các nhà thần học nam nữ, các LM, giáo dân và tu sĩ, biết bám rễ sâu trong lịch sử và Giáo Hội, đồng thời cởi mở đối với những mới mẻ vô lường của Chúa Thánh Linh, biết tránh những thái độ coi mình là tiêu chuẩn tham chiếu, thái độ cạnh tranh, gây mù quáng, là những điều thường có kể cả trong các tổ chức đại học của chúng ta”.
Nhà thần học cần có lòng thương xót
Sau cùng ĐTC cũng nhấn mạnh rằng các nhà thần học phải là những người có lòng thương xót, biết xúc động vì cuộc sống bị áp bức của nhiều người và nạn nô lệ ngày nay, những tai ương xã hội, bạo lực, chiến tranh và những bất công kinh khủng mà bao nhiêu người nghèo ven bờ Địa Trung Hải này phải chịu. Ngài nói: ”Nếu không có tình hiệp thông và lòng cảm thương, được nuôi dưỡng liên tục bằng lời cầu nguyện, thì thần học không những đánh mất cái hồn của mình, nhưng còn mất trí tuệ, và khả năng giải thích thực tại theo tinh thần Kitô giáo.”
“Nếu không có lòng cảm thương, rút từ Trái Tim Chúa Kitô, thì các nhà thần học có nguy cơ bị ngụp lặn trong tình trạng được đặc ân của người tự đặt mình ra ngoài thế giới vì cách thận trọng và không hề chia sẻ rủi ro với đại đa số nhân loại”.
Sau bài thuyết trình tại Phân khoa thần học, ĐTC đã đáp trực thăng trở về Vatican.
Cách đây hơn 4 năm, ĐTC đã đến thăm giáo phận Napoli, ngày 21-3 năm 2015, gặp gỡ dân chúng tại nhiều nơi trong thành phố và viếng đền thánh Đức Mẹ Pompei. Lần này không có cuôc gặp gỡ dân chúng.
Trần Đức Anh OP
(VaticanNews 21.06.2019)