Trong cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí “Popoli e Missione” nhân dịp Ngày Thế giới Truyền giáo 18/10 sắp tới, ĐHY Luis Antonio Tagle, Tổng trưởng bộ Loan báo Tin Mừng cho các dân tộc, chỉ ra rằng ngày nay việc truyền giáo không còn được hiểu là ‘ai gởi người đi’ và ‘ai nhận người đến’. Nhưng từ ngữ ‘truyền giáo’ phải được hiểu rộng lớn hơn là ‘phúc âm hoá’, nghĩa là ‘làm cho nơi mình sống thấm nhuần tinh thần phúc âm’ với cái nhìn bao quát 360 độ.
Trước hoàn cảnh thực tế hiện tại của thế giới về đại dịch Covid-19, ĐHY Tagle nói rằng: bài học lớn mà Giáo hội và xã hội học được qua cuộc khủng hoảng Covid-19 là tình liên đới hiệp thông. Nếu chúng ta mở con tim ra, chúng ta không thể dửng dưng trước những người bị đẩy đến mức đường cùng do đại dịch, bởi vì, nói như ĐTC: “tất cả chúng ta đều trên cùng một con thuyền”.
Đức Hồng Y khẳng định rằng: Tất cả chúng ta là nhà truyền giáo bởi vì tất cả chúng ta đã lãnh nhận “Tin Mừng” cùng với trách nhiệm sống và làm chứng cho Tin Mừng đó, luôn luôn và mọi nơi. Loan báo Tin Mừng là một việc của đời sống thường ngày: truyền giáo trở thành kinh nghiệm thiêng liêng, là ơn gọi và là một món quà.
“Hơn nữa, khi hiểu ‘truyền giáo’ là ‘Phúc âm hoá’ thì mỗi người đều thấy mình có điều gì đó để cho trong đức tin. Đó chính là con người của mình, là tình yêu của mình. Không ai nghèo đến nỗi không có gì để cho, và cũng không ai giàu đến nỗi không cần nhận điều gì. Tình yêu mà Chúa Giêsu dạy chúng ta là của tất cả và cho tất cả.”
Văn Yên, SJ
(vaticannews.va 06.10.2020)