Công khai hoá tài liệu mật “Cam kết Hang toại đạo” sau 50 năm, tinh thần của nó được ĐTC Phanxicô hồi sinh

Đêm 12.11.1965, mọi người ngỡ ngàng khi nghe đồn về sự kiện rằng, có 40 vị giám mục Công giáo đã thu xếp để cử hành thánh lễ tại một vương cung thánh đường ngầm cổ kính, trong khu Hang toại đạo Domitilla, thuộc vùng ngoại ô thành Rôma.

Cả địa điểm lẫn thời gian của buổi lễ đều khá ấn tượng: ngôi thánh đường tương truyền chính là nơi hai người lính La Mã đã bị hành quyết vì dám cải đạo sang Kitô giáo. Và ngay dưới chân các vị giám mục, chính là khu vực có hơn 10 dặm các đường hầm ngầm, cũng là nơi chôn cất hơn 100 ngàn Kitô hữu từ những thế kỷ đầu tiên của Giáo hội.

(Hang toại đạo Domitilla)

Ngoài ra, thánh lễ còn được tổ chức ngay trước buổi bế mạc Công đồng Vatican II, là một sự kiện mang tính lịch sử, các giám mục trên toàn thế giới đã tụ họp lại trong vòng 3 năm để chuẩn bị cho việc Giáo hội tự cải tổ và để đáp ứng với các thách đố chưa từng thấy của thế giới hiện đại – trong đó, có thể kể đến một số việc như, khởi sự việc đối thoại với các giáo hội Kitô khác, với các tôn giáo bạn, khẳng định quyền tự do tôn giáo, chuyển từ việc sử dụng tiếng Latinh sang tiếng bản địa trong các thánh lễ.

Nhưng một ưu tư vẫn còn đó nơi nhiều thành viên của Công đồng Vatican II, đó là ước mong để Giáo hội Công giáo trở thành “Giáo hội của người nghèo”, như đức giáo hoàng Gioan XXIII đã khẳng định ngay trước ngày triệu tập Công đồng. Các giám mục tụ hợp tham dự trong thánh lễ tại Hang toại đạo vào cái đêm Tháng Mười Một hôm ấy, mong ước mối ưu tư ấy trở thành một cái gì đó rõ ràng.

Vì vậy, trong ánh sáng mờ ảo của căn đại sảnh có mái vòm thế kỷ IV, buổi lễ kết thúc với việc từng vị giám mục một bước lên bàn thờ và ấn ký tên của mình vào một bản cam kết rằng, tất cả các vị sẽ “nỗ lực sống bình dân như những người cùng thời với mình trong những chuyện như nhà cửa, ăn uống, phương tiện đi lại và các vấn đề liên quan.”

Các vị ký tên, thề sẽ khước từ các sở hữu riêng, các phẩm phục cao sang, cũng như “các tước vị và danh hiệu tôn quý hoặc quyền lực”, các vị cũng cam kết sẽ thi hành sứ vụ của mình với ưu tiên đứng về phía người nghèo, người yếu thế, người kém may mắn.

Nói chung, các vị khẳng định, “chúng tôi sẽ tìm các công tác viên để cùng với họ thi hành sứ vụ, để chúng tôi trở thành những kiến trúc sư được Chúa Thánh Thần hướng dẫn hơn là những người cai trị theo thói đời; chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình để có được cách đối xử thân tình, dấn thân, sâu sát với con người; chúng tôi sẽ cởi mở tiếp đón tất cả mọi người, không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo”.

Tài liệu này được biết đến như với tên gọi là bản “Cam kết Hang toại đạo” (Pact of the Catacombs), các vị đã ký tên kỳ vọng, nó sẽ là một bước ngoặt quyết định trong lịch sử Giáo hội.

Nhưng không, thay vào đó, “Cam kết Hang toại đạo” hầu như mất dạng.

Nó được đề cập qua loa trong các sử liệu về Công đồng Vatican, và dù người ta vẫn thấy lưu hành các bản chép lại, nhưng bản gốc của tài liệu này thì không ai biết số phận nó ra sao. Ngoài ra, người ta vẫn còn đang tranh cãi về số lượng cũng như danh tánh chính xác của những vị đã tham gia ký tên trong bản cam kết gốc, dầu thế, người ta tin rằng, cho đến nay, chỉ một vị duy nhất còn sống, đó là giám mục Luigi Bettazzi, đã gần 90 tuổi, giám mục danh dự của giáo phận Ivrea (Ý quốc).

Ở trong một bối cảnh mờ mờ ảo ảo kiểu “Dan Brown” (tác giả của những tiểu thuyết ly kỳ liên quan đến Vatican) như thế này, bản cam kết xem chừng sẽ trở thành một bí mật khác của Vatican – một câu chuyện huyền hoặc cho những ai nghe đồn về nó, hoặc rất có thể sẽ trở thành một cước chú khiến người ta phải tò mò trong cuốn lịch sử về Giáo hội hơn là một chương sách đường hoàng.

Tuy vậy, trong một vài năm gần đây, khi người ta chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Công đồng Vatican II cũng như bản “Cam kết Hang toại đạo”, sự kiện gây chấn động này này rốt cuộc đã bắt đầu bước ra khỏi bóng mờ bao phủ nó.

Điều này diễn ra một phần nhờ bởi giới sử gia và thần học gia, đặc biệt là các vị tại Đức quốc, đã công khai thảo luận, viết lách về bản cam kết này – nỗ lực này chính là một bước đi khá lớn giúp đưa tới sự kiện sẽ diễn ra vào hạ tuần tháng này, khi Đại học giáo hoàng Urban, phớt lờ Vatican, đứng ra tổ chức một hội nghị chuyên đề kéo dài trọn ngày về ảnh hưởng của tài liệu này.

Nhưng có lẽ, không gì có thể giúp hồi sinh và hợp pháp hoá bản “Cam kết Hang toại đạo” cho bằng việc hồng y người Argentina, Jorge Mario Bergoglio, bất ngờ được bầu làm giáo hoàng, giáo hoàng Phanxicô, vào tháng 03 nằm 2013.

Dù không bao giờ trích dẫn “Cam kết Hang toại đạo”, nhưng đức Phanxicô làm sống lại ngôn từ cũng như các nguyên tắc của nó, ngài nói với các ký giả trong kỳ bầu cử giáo hoàng vừa rồi rằng, ngài muốn thấy một “Giáo hội nghèo, và cho người nghèo”, và ngày từ lúc khởi sự, ngài đã từ bỏ các sa hoa và đặc quyền ưu tiên dành cho văn phòng giáo hoàng, và chọn sống trong nhà khách của Vatican thay vì dinh thự giáo hoàng. Ngài nhấn mạnh, các giám mục nên sống giản dị và khiêm tốn, ngài chủ trương các chủ chăn nên “ám mùi của chiên”, gần gũi với những ai khốn khó, thiếu thốn nhất, cũng như cần phải cởi mở, dễ gần ở mọi nơi, và với mọi người.

“Chương trình ngài đưa ra còn triệt để hơn tinh thần của ‘Cam kết Hang toại đạo’” hồng y Walter Kasper, thần học gia người Đức đã nghỉ hưu và cũng là một người thân cận với giáo hoàng, đã nói như thế trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện vào hồi đầu năm nay, tại tư gia kề bên Toà thánh của ngài.

“Cam kết Hang toại đạo” đã bị “lãng quên”, hồng y Kasper đã viết về nó như thế trong cuốn sách mới xuất bản của ngài, một cuốn sách bàn về tư tưởng và thần học của đức Phanxicô. “Thế nhưng, giờ đây ngài đã làm hồi sinh nó.”

Thậm chí người ta còn đồn rằng, đức Phanxicô sẽ tới Hang toại đạo Domitilla như một cử điệu đánh dấu dịp kỷ niệm này nữa. Và dù điều này có không xảy ra đi nữa, thì “‘Cam kết Hang toại đạo’ giờ đây đã được bàn luận tới ở khắp nơi cùng chốn rồi”, hồng y Kasper khẳng định như vậy.

“Tìm hiểu về giáo hoàng Phanxicô, bạn không thể bỏ qua ‘Cam kết Hang toại đạo’”, Massimo Faggioli, giáo sư môn giáo sử tại Đại học thánh Thomas, ở St. Paul, bang Minnesota, đã khẳng định như thế. “Đó là một chìa khoá giúp hiểu ngài, không nghi ngờ gì nữa, nó đã được tái sinh trong thời đại chúng ta.”

Thế nhưng, tại sao, thời kỳ đầu “Cam kết Hang toại đạo” lại mất dạng như thế?

Thực ra, nó không mất dạng, ít ra là đối với Giáo hội tại Châu mỹ Latinh.

Người chủ chốt đứng ra ký tên trong hang toại đạo cách nay 50 năm, là một giám mục người Bỉ, đức cha Charles Marie Himmer, và một số vị giám mục Châu âu cấp tiến (progressive) khác. Thế nhưng, đa phần các vị tham dự hôm đó lại là các giám mục Châu mỹ Latinh, chẳng hạn, đức tổng giám mục nổi tiếng của Brazin và cũng là nhân vật tiên phong trong việc tranh đấu cho người nghèo, đức cha Dom Helder Camara, các vị này nỗ lực hết mình để duy trì và làm sống động tinh thần của bản “Cam kết Hang toại đạo”.

Vấn đề nảy sinh là do vào năm 1968 có những chuyển biến xã hội mạnh mẽ, cộng với thảm kịch Chiến Tranh Lạnh chống lại phe cộng sản, cũng như sự bùng phát của thần học giải phóng – là nền thần học nhấn mạnh tới ưu tiên chọn lựa người nghèo của Tin Mừng, nhưng bị những người chống đối chủ nghĩa Mác-xít có quan điểm thủ cựu xét là quá gần với chủ nghĩa Mác-xít, tất cả những điều này đã khiến cho một tài liệu như bản “Cam kết Hang toại đạo” trở nên một thứ tiềm tàng những mối nguy hại.

“Nó mang hơi hám cộng sản chủ nghĩa,” tu sỹ Uwe Heisterhoff, thuộc Dòng Ngôi Lời, là dòng chịu trách nhiệm coi sóc Hang toại đạo Domitilla, đã nói như thế.

Ngay cả tại Châu mỹ Latinh, bản cam kết cũng không được phổ biến rộng rãi, vì e ngại nó sẽ làm hư hoại, biến dạng các nỗ lực khác trong việc xúc tiến công bằng cho người nghèo. Tu sĩ Heisterhoff cho biết, thầy đã dấn thân cùng các người bản địa Bôlivia 15 năm, nhưng thầy chỉ biết đến bản “Cam kết Hang toại đạo” khi thầy đến Rôma để trông coi khu Hang toại đạo Domitilla 4 năm trước.

“Đây đúng là thứ khá là nguy hiểm, cho đến khi tinh thần của đức Phanxicô được khai triển”, giáo sư Faggioli khẳng định.

Thực vậy, một số báo cáo ghi nhận, có tới 500 giám mục, chủ yếu là Châu mỹ Latinh, đã ấn ký tên mình vào bản cam kết, và một trong số đó là đức tổng giám mục Oscar Romero người Salvado, ngài đã bị bắn gục bởi các tay súng do quân đội chống lưng, vì đã lên tiếng chống lại những lạm dụng tước đoạt các quyền con người, và vì ngài đã đứng về người nghèo – và theo nhiều người, vì ngài đã loan truyền nội dung của bản “Cam kết Hang toại đạo”.

Đức Phanxicô cũng vậy, xem ra ngài cũng thấm nhuần tinh thần của bản “Cam kết Hang toại đạo”, dù rằng, không có bất cứ bằng cớ nào chứng tỏ ngài đã ấn ký vào bản cam kết đó.

Là một linh mục Dòng Tên và sau đó là giám mục Argentina trong những thập niên 1970 và 1980 đầy biến động, khi cống hiến hết mình cho Giáo hội Châu mỹ Latinh, đức Phanxicô càng ngày càng dấn thân triệt để hơn cho người nghèo. Thế nên, không lạ chi, trong năm nay, ngài đã cho xúc tiến ngay việc tuyên thánh cho tổng giám mục Romero, vụ tuyên thánh này vốn đã bị đình hoãn lại nhiều chục năm nay; mới tuần trước đây thôi, đức Phanxicô gay gắt lên án những người vu khống thanh danh của giám mục Romero.

Đức Phanxicô quá rõ trường hợp xảy tới cho vị giám mục đồng môn với ngài là đức cha Enrique Angelelli, một người thẳng thắn, trực tính dấn thân tranh đấu cho người nghèo, ngài bị sát hại năm 1976 trong một sự kiện có vẻ như một tai nạn giao thông, nhưng sau này người ta mới biết, đó chính là một vụ ám sát do chế độ độc tài quân sự đang cầm quyền khi đó thực hiện.

Đức cha Angelelli cũng là một người ấn ký trong bản “Cam kết Hang toại đạo”, và Tháng Tư vừa qua đức Phanxicô đã chấp thuận khởi sự tiến trình chuẩn bị phong thánh cho vị giám mục bị ám sát này.

Còn với nhiều người ở Mỹ quốc, hang toại đạo chủ yếu được sử dụng như một biểu tượng để chỉ về sự bách hại, và thường được các nhà hộ giáo thủ cựu sử dụng trong lập luận của họ rằng, các khuynh hướng tục hoá báo trước việc lặp lại một lần nữa sự kiện các Kitô hữu phải trốn vào ở trong các hang toại đạo vì sợ binh lính La Mã.

Với thầy Heisterhoff, ý tưởng này thật buồn cười. Thầy giải thích, “Các hang toại đạo không phải là chỗ để ẩn nấp, nhưng là chỗ người ta cầu nguyện, chỗ đó chẳng giống một nơi dùng để trú ẩn.”

Về điểm này chính đức Phanxicô cũng khẳng định – các nhà chức trách La Mã biết rõ hàng toại đạo nằm ở đâu, và đâu là nơi các Kitô hữu cư ngụ. Đó không phải là một bí mật bị ẩn giấu. Các hang toại đạo thậm chí còn được dùng làm nơi chôn cất những người quá cố sau khi đế quốc La Mã hợp pháp hoá Kitô giáo vào năm 313, và các tín hữu đến đó để tưởng nhớ và cầu nguyện cho họ trong niềm tin phục sinh.

Thầy Heisterhoff cho biết, hang toại đạo thực ra tượng trưng cho “một Giáo hội không quyền lực”, một Giáo hội giống như đức Phanxicô đã ca ngợi là “một chứng nhân có sức thuyết phục” – viễn tượng về đức giản dị và phục vụ, là điều mà đức Phanxicô cho rằng, rất cần có nơi Giáo hội hôm nay.

Tinh thần của bản “Cam kết Hang toại đạo” và ý nghĩa sâu xa của các hang toại đạo sẽ còn được duy trì mãi chứ?

Điều này tuỳ thuộc phần lớn vào việc đức Phanxicô sẽ tại vị được bao lâu để triển khai viễn tượng của ngài về một “Giáo hội cho người nghèo”, Tháng Mười Hai này, ngài bước sang tuổi 79.

Ngoài ra, ngày nay vẫn còn đó những tranh biện trái chiều về phần bàn về kinh tế là phần cốt lõi của bản “Cam kết Hang toại đạo”, giống như lúc bản cam kết này được ký cách nay 50 năm vậy. Có thể sau Chiến Tranh Lạnh tư bản chủ nghĩa đã thắng thế xã hội chủ nghĩa, nhưng sự bất bình đẳng thu nhập, những bất công về mặt kinh tế vẫn tồn tại, hoặc tệ hại hơn trước kia.

Hồng y Kasper giải thích thế này về chủ đề của bản “Cam kết Hang toại đạo”, “Chúng ta không thể coi là nhất, coi là hoàn hảo hệ thống Tây phương của chúng ta. Đó chính là hệ thống đã tạo ra rất nhiều đói nghèo, do vậy nó không ngon lành. Tài nguyên của thế giới này thuộc về mọi người. Nó thuộc về tất cả mọi con người. Đấy chính là nội dung chính yếu của bản cam kết này.”

(Chuyển dịch: Truyền thông Đa Minh)

http://www.cruxnow.com