WHĐ (27.06.2015) – Sáng thứ Ba 23-06-2015 Phòng Báo chí Toà Thánh đã tổ chức họp báo để giới thiệu Tài liệu làm việc (Instrumentum Laboris) của Thượng Hội đồng Giám mục Khoá Thường lệ thứ 14 về chủ đề “Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo hội và trong thế giới ngày nay”, sẽ diễn ra từ ngày 04 đến 25 tháng Mười 2015. Chủ toạ buổi họp báo là các vị: Đức hồng y Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục;Đức hồng y Péter Erdő, Tổng giám mục Esztergom-Budapest, Hungary, Tổng tường trình viên Thượng Hội đồng Giám mục; và Đức Tổng giám mục Bruno Forte, Tổng giám mục Chieti-Vasto, Italia, thư ký đặc biệt Thượng Hội đồng Giám mục.
Đức hồng y Baldisseri cho biết Tài liệu làm việc gồm ba phần, theo cấu trúc của bản Tường trình đúc kết Thượng Hội đồng (Relatio Synodi), thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa Thượng Hội đồng Giám mục Khoá ngoại thường lần thứ ba hồi tháng Mười năm 2014 với chủ đề “Các thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh của công cuộc loan báo Tin Mừng”, và Thượng Hội đồng Giám mục Khoá thường lệ sắp tới. Phần thứ nhất “Lắng nghe những thách đố của gia đình”, liên quan trực tiếp đến Thượng Hội đồng năm ngoái; phần thứ hai, “Phân định ơn gọi gia đình”; và phần thứ ba, “Sứ vụ của gia đình ngày nay”, dẫn vào chủ đề của Thượng Hội đồng sắp tới.
Đức hồng y Baldisseri nhấn mạnh một số điểm mới trong phần đầu tiên, những điểm này đề cập chủ yếu đến các bối cảnh nhân học-văn hoá, kinh tế-xã hội và sinh thái, “nay lại hân hạnh được Thông điệp mới là Laudato si’ soi sáng”. Và ngài nêu lên những thách đố: nghèo đói và bị xã hội loại trừ, tuổi già, góa bụa, mất người thân trong gia đình, khuyết tật, di dân, vai trò của phụ nữ, đời sống tình cảm và giáo dục tính dục, và đạo đức sinh học.
Trong phần thứ hai, “Phân định ơn gọi gia đình”, bản Tường trình đúc kết Thượng Hội đồng được phong phú hoá với phần mở rộng các chủ đề liên quan đến hôn nhân tự nhiên và tính sung mãn của bí tích, tính bất khả phân ly – vừa là ơn ban vừa là bổn phận, đời sống gia đình, sự kết hợp và hoa trái, chiều kích truyền giáo, đức tin, kinh nguyện, giáo lý, mối liên hệ chặt chẽ giữa Giáo hội và gia đình, người trẻ và vấn đề sợ kết hôn, và lòng thương xót.
Phần thứ ba, “Sứ vụ của gia đình ngày nay”, mở đầu với một suy tư rộng rãi về gia đình và Phúc-Âm hoá, đào sâu một số vấn đề khác như: gia đình là chủ thể của sứ vụ mục vụ, phụng vụ hôn nhân, đổi mới ngôn ngữ và hướng đến truyền giáo.
Vị Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục cho biết Tài liệu làm việc có đề cập đến “gia đình và sự đồng hành của Giáo hội, việc đơn giản hóa thủ tục trong các vụ án tiêu hôn, sự tham dự của người tín hữu sống trong các hoàn cảnh bất thường, việc đề ra một lộ trình sám hối, các vấn đề mục vụ liên quan đến hôn nhân khác đạo và hôn nhân khác hệ phái Kitô, cũng như các vấn đề liên quan đến việc sinh sản có trách nhiệm, giảm số sinh, nhận con nuôi, tôn trọng sự sống từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên, và giáo dục các thế hệ tương lai”.
Đức hồng y Baldisseri nói thêm: “Tài liệu cũng nói về các khó khăn kinh tế mà nhiều gia đình gặp phải, khiến họ có nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn cho vay nặng lãi; và sự dấn thân của các Kitô hữu trong lĩnh vực chính trị-xã hội vì lợi ích của gia đình, cũng như trong bối cảnh quốc tế. Về vấn đề này, sẽ rất hữu ích khi tái đề nghị Bản Hiến chương về các Quyền của gia đình, cùng với Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền”.
Đức hồng y Baldisseri đã trình bày công việc của Ban thư ký Thượng Hội đồng giữa hai Khoá họp của Thượng Hội đồng, bắt đầu từ tháng 11 năm 2014 khi giới thiệu bản Đề cương (Lineamenta), được biên soạn từ bản Tường trình đúc kết Thượng Hội đồng và 46 câu hỏi liên quan đến việc đón nhận và đào sâu tài liệu của Thượng Hội đồng này. Bản Đề cương đã được gửi đến các Công nghị của các Giáo hội Công giáo tự trị Đông phương, các Hội đồng Giám mục, các cơ quan trong Giáo triều Rôma và những nơi khác, và yêu cầu trả lời trước ngày 15-04-2015. Ban Tổng thư ký đã nhận được 99 bản trả lời từ cơ quan có thẩm quyền, cùng với 359 nhận định khác gửi đến từ các giáo phận, giáo xứ, các hiệp hội, các nhóm tín hữu, các phong trào dân sự và các tổ chức v.v… Như thế, giai đoạn giữa hai Thượng Hội đồng đã tỏ ra là “một cơ hội quý giá để lắng nghe những gì Thánh Thần nói với Giáo hội trong sự đa dạng của các thành phần của Giáo hội”.
Cuối cùng, về phương pháp làm việc của Thượng Hội đồng sắp tới, cần lưu ý rằng đây là Khoá Thường lệ chứ không phải Khoá ngoại thường như năm ngoái và, theo đề nghị của các thành viên Thượng Hội đồng, “sẽ tiếp tục phương cách khai triển Thượng Hội đồng bằng một lối tiếp cận năng động, phù hợp hơn với thời đại chúng ta”.
Các nghị phụ Thượng Hội đồng đã nhắc lại rằng cần phải tránh việc nhiều cá nhân liên tiếp phát biểu, như đã xảy ra trong các Thượng Hội đồng trước, và bảo đảm rằng các phát biểu ấy được phân bổ tốt hơn trong khoảng thời gian thích hợp chứ không được trình bày hết người này đến người khác. Cần lưu ý tầm quan trọng của việc thảo luận theo nhóm nhỏ (Circuli Minores), cũng như sự cần thiết duy trì nguyên tắc trật tự các chủ đề. Như vậy, ba tuần của Thượng Hội đồng sẽ được phân chia tương ứng với ba phần của Tài liệu làm việc. Tuần đầu tiên dành cho phần đầu của tài liệu, tuần thứ hai dành cho việc phân định ơn gọi gia đình, và tuần thứ ba bàn về sứ mạng của các gia đình ngày nay. “Cuối tuần thứ ba, sẽ dành thời gian soạn thảo Tài liệu kết thúc và trình cho Đại hội để có thêm những sửa đổi cuối cùng trước khi phê chuẩn chính thức. Phương pháp này bảo đảm cho những ai đã đăng ký đều có cơ hội phát biểu, kể cả vào cuối ngày, và sẽ có nhiều thời gian hơn dành cho các nhóm nhỏ. Người ta mong đợi một tài liệu chính thức sẽ được soạn thảo và trình lên Đức Thánh Cha”.
Về vấn đề thông tin trong Thượng Hội đồng, Đức hồng y cho biết Đức Thánh Cha khẳng định rằng “Thượng Hội đồng là một không gian cho Chúa Thánh Thần hoạt động, chứ không phải là nghị viện. Các nghị phụ Thượng Hội đồng được mời gọi diễn đạt ý kiến cách thẳng thắn. Các ngài được tự do tiếp xúc với giới truyền thông với sự thận trọng và có trách nhiệm”.
(Nguồn: WHĐ)