Còn đọng lại gì sau chuyến thăm của Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Loan Báo Tin Mừng ?

Những gì Đức Hồng Y Filoni phát biểu sau chuyến thăm mục vụ vừa qua nên được coi như lời mời gọi và khích lệ chúng ta nỗ lực hơn trong sứ mạng truyền giáo

WGPHH – Chuyến thăm Giáo Hội Việt Nam vừa qua của ĐHY Fernando Filoni được đánh giá rất tốt đẹp:
– Ngài thăm 3 tổng giáo phận Hà nội, Huế, Saigon và ba giáo phận Hưng Hóa, Đà nẵng, Xuân Lộc; gặp gỡ Hội đồng Giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh, giáo dân. Đến đâu, ngài đều được đón tiếp nồng nhiệt, vui tươi, đông đảo. Về mặt giáo quyền thì như vậy là rất tuyệt vời !
– Ngài được Thủ tướng và Tổng Bí thư tiếp kiến ; Ban Tôn Giáo Chính Phủ đón và tiễn ngài tại sân bay ; báo chí, truyền hình, đài phát thanh trung ương và địa phương đăng tin. Chứng tỏ chính quyền nước ta trân trọng chuyến thăm này.
– Trả lời phỏng vấn của đài phát thanh Vatican, ĐHY không tiếc lời khen ngợi: “Giáo Hội tại Việt Nam là một Giáo Hội rất sinh động. Tôi đã gặp thấy… một Giáo Hội rất đẹp, rất sinh động, rất khả ái và rất nhiệt thành” (Vietcatholic.net ngày 21.01.2015). “Đó thực là một Giáo Hội hết sức sinh động, dấn thân, ngày qua ngày đáp ứng được những mong đợi, cả về mặt xã hội và nhân bản của đất nước” (Vietcatholic.net ngày 27.01.2015). ĐHY nhận xét như sau về các tín hữu: “Tôi nói rằng lòng quí mến của các tín hữu Việt Nam phần nào giống như sóng thần (tsunami). Trước hết, họ có một ý thức rất đặc biệt mình là Kitô hữu, một lòng đạo đức thật đáng khen và một lòng quý mến nồng nhiệt mà họ biểu lộ dào dạt một cách tự nhiên” (Vietcatholic.net ngày 27.01.2015).
– Đức cha Chủ tịch HĐGMVN, trong thư cám ơn gửi cho cộng đoàn dân Chúa ngày 28.01.2015,  cho biết : “ĐHY tỏ ý rất hài lòng và trân trọng cùng cảm mến đức tin sống động và dấn thân, trung thành và yêu mến đặc biệt của Dân Chúa tại Việt Nam đối với Hội Thánh”.
Đọc những tâm tình trên, chúng ta cảm thấy hãnh diện, sung sướng và mãn nguyện. Phải nhận những lời đó thể hiện rất đúng tấm lòng của mọi thành phần dân Chúa tại các nơi ĐHY ghé thăm, dâng thánh lễ hay gặp gỡ…
Mục đích chuyến thăm của vị Tổng trưởng Bộ Loan Báo Tin Mừng tại một Giáo Hội truyền giáo, – trực thuộc thẩm quyền của ngài -, là để biết rõ tình hình của Giáo Hội đó, và cũng để khích lệ thăng tiến hơn nữa trong công cuộc rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô.
Nhìn vào hiện tình ở Việt Nam, đạo công giáo đang phát triển nhiều mặt: các công trình tôn giáo đồ sộ vĩ đại được xây dựng; các hội dòng mặc sức phát triển về nhân sự và cơ sở ; việc chiêu sinh vào chủng viện không còn bị hạn chế ; việc phong chức, bổ nhiệm các linh mục dễ dàng…, tuy vẫn còn khó khăn ở một số nơi như Kontum, Hưng Hóa…, và trong một số lãnh vực mà Giáo Hội Việt Nam vẫn chưa được quyền góp mặt như y tế, giáo dục, truyền thông, văn hóa …        
Trong bình tâm lặng lẽ, trước mặt Chúa, chúng ta thử suy nghĩ xem GHVN đã xứng với những lời khen ngợi trên, và được phép hãnh diện về những thành quả đạt được, trong sứ mạng loan báo Tin Mừng trên quê hương đất nước ? 
Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, trong bài “Nhìn lại sứ mạng truyền giáo trong 50 năm qua và hướng đến tương lai” (nguồn: www.catholic.org.tw/vntaiwan/09news/9news246.htm), đã cho rằng “hiệu quả ấy chưa cao như lòng mong ước”, bằng cách so sánh những số liệu thống kê do Hội đồng Giám mục Việt nam cung cấp.  Dưới đây là một vài nhận định:
a. Tỷ lệ người công giáo so với dân số cả nước xem ra không tăng mà lại suy giảm[1] !
b. Số người theo đạo không tương xứng với số nhân sự lo việc truyền giáo. Nếu cộng số linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên trong cả nước hay trong một giáo phận, ta sẽ thấy kết quả này là khá nhỏ bé[2]. Nhiều giáo phận có số người theo đạo rất thấp[3]. Vậy ai là người loan báo Tin Mừng? Các linh mục, tu sĩ có bao giờ suy nghĩ về hiệu quả truyền giáo và thay đổi cách thức truyền giáo không ? Giáo dân có tích cực tham gia vào công cuộc này không ?
c. Nhìn vào Giáo Hội Tin Lành ở Việt Nam[4], hay nhìn sang Giáo Hội Hàn quốc, ta phải ngạc nhiên đến thán phục sự tăng trưởng của họ[5]. Cùng trong một đất nước, hay trong một khu vực, có những điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, nếp sống, nhất là niềm tin kitô, vậy mà ta với họ khác nhau một trời một vực.
Dĩ nhiên con số thống kê chưa hẳn nói lên tất cả, và không nên dựa vào con số để lượng giá. Cha Sơn nhận định: “Quả thực, chúng tôi luôn trân trọng mọi hoạt động tông đồ, và hiểu rằng giá trị thực sự của hoạt động loan báo Tin Mừng nằm ở sự lượng định hay phán quyết của Thiên Chúa chứ không phải của con người. Dù cả một đời không rửa tội được một ai, nhưng nhà truyền giáo vẫn được đánh giá rất cao vì sự hiện diện tích cực, hiền lành, nhân ái của người ấy trong một cộng đồng xa lạ, vì những nỗ lực rao giảng Tin Mừng của người ấy thấm nhập vào xã hội, vào nền văn hóa của dân tộc… và cuối cùng chỉ có Thiên Chúa mới nhìn thấu hết những gì nhà truyền giáo ấy thực hiện và thưởng công cho người đó”.
Nhận định thực trạng không phải để ngã lòng hay bi quan, mà để chấn chỉnh và thăng tiến. Công cuộc loan báo Tin Mừng luôn có những thách đố cho mọi thời và mọi nơi. ĐTC Phanxicô trong tông huấn Niềm vui của Tin Mừng mời gọi Giáo Hội phải “hoán cải mục vụ”, duyệt xét lại điều gì chưa đúng, và đổi mới cách nghĩ cách làm. Sau đây là một số điểm chúng ta cần xem xét lại và định hướng cho đúng.
– Trước hết, vẫn là quyết tâm không ngừng thực thi sứ mệnh Chúa giao: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20). Vững tin rằng trong sứ vụ truyền giáo, Chúa luôn hiện diện, đồng hành và nâng đỡ Giáo Hội.
– Thứ hai, đáp ứng lệnh lên đường của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài lặp lại nhiều lần rằng Giáo Hội phải đứng dậy, mở cửa, ra đi, đến với mọi người mọi nơi, nhất là ở vùng ngoại biên. Vùng ngoại biên không chỉ hiểu về địa lý, là những miền xa xôi hẻo lánh, nơi quả thật người ta còn ít biết về Chúa, mà còn hiểu theo nghĩa bóng, là cạnh chúng ta, giữa thị thành đô hội, vẫn có những người ở bên lề kitô giáo, không biết hoặc thờ ơ với Đức Kitô.     
– Thứ ba, chúng ta còn loay hoay dồn nhiều công sức vào việc xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức những cuộc lễ hoành tráng, tốn phí nhiều, trong khi việc xây dựng và củng cố các đền thờ tâm hồn vẫn còn bị lơ là. Nhân lực, vật lực dành cho việc xây cất và tổ chức lễ lạc thì nhiều, mà dành cho việc loan báo Tin Mừng thì quá ít.
– Thứ bốn, người giáo dân Việt Nam vẫn còn thụ động, lo giữ đạo phần mình, mà không mạnh dạn dấn thân cho việc loan báo Tin Mừng như anh em Tin Lành và Công giáo Hàn quốc đang làm. Truyền giáo là bổn phận của mọi tín hữu, chứ không phải của riêng ai. Chúng ta cần học hỏi sự hăng say nhiệt tình, tận dụng mọi cơ hội để rao giảng Đức Kitô, dù bị chống đối, khước từ. Bản chất của Tin Mừng là phải được loan báo. Một người có niềm vui thì khó mà giữ kín, thế nào cũng phải nói ra, chia sẻ cho người khác biết. Vậy, nhận biết Tin Mừng mà giữ riêng cho mình là ích kỷ, thiếu trách nhiệm.
– Thứ năm, ta dễ trương khẩu hiệu “Hãy đi loan báo Tin Mừng”, rồi chẳng làm gì hết ! Phải có kế hoạch thực tiễn cho việc truyền giáo. Giáo Hội Hàn quốc, chẳng hạn, đề ra phương cách : Mỗi tín hữu kết thân với một người ngoài công giáo ; mỗi gia đình có đạo kết nghĩa với một gia đình lương dân, để qua sự tiếp xúc thân tình, chia sẻ vui buồn, giới thiệu Chúa cho họ. Nhờ vậy mà Giáo Hội Hàn quốc tăng trưởng mạnh.
– Thứ sáu, hiểu biết phải đi đôi với việc làm. Để loan báo Tin Mừng, người tín hữu cần hiểu biết và xác tín vào Tin Mừng, mới có thể giới thiệu cho người khác. Một điều hiển nhiên là nhiều người công giáo chẳng biết Tin Mừng, hoặc biết sơ sài, thậm chí hiểu sai, thì làm sao mà loan báo được. Nhiều gia đình cái gì cũng có, mà cuốn Tin Mừng thì lại không.  
– Thứ bảy, Hội đồng Giám Mục Việt Nam trong Thư Mục Vụ 2015 nhắc nhở rằng việc tân-phúc-âm hóa đi đôi với việc học hỏi giáo lý. Nhiều nơi đã có những cố gắng trong việc trang bị kiến thức đạo cho thanh thiếu niên. Tuy nhiên, số người không nắm vững giáo lý còn nhiều lắm.
– Thứ tám, người loan báo Tin mừng phải vui tươi. Đó là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở trong lời mở đầu tông huấn Evangelii Gaudium: “Niềm vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người đều được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh”. Vậy, một kitô hữu mà lúc nào cũng buồn phiền, sống đạo mà như một gánh nặng, miễn cưỡng tham dự thánh lễ Chúa nhật, thì làm sao thuyết phục người khác rằng mình đang dạt dào niềm vui sống đạo.
Thứ chín, không biết năm Phúc-Âm hóa đời sống gia đình vừa qua có còn âm hưởng gì nơi các gia đình công giáo chăng ? Đúng là trước khi đem chuông đi đánh cho người khác nghe, thì đánh cho người trong nhà nghe đã ! Nói thế là bởi vì có gia đình mà cha mẹ giữ đạo còn con cái thì không, hoặc cha bỏ, mẹ giữ, và con cái thì mặc kệ, chẳng ai thúc giục bảo ban nhau, chẳng ai lấy làm điều tiếng gì ! Đạo không phải là chuyện của cá nhân, mà còn của mọi phần tử trong gia đình, những người sống chung một mái nhà, chung mọi sự mà niềm tin thì lại riêng rẽ.       
Còn nhiều điểm nữa cần duyệt xét lại đối với sứ mạng truyền giáo, vốn gắn liền với bản chất của Giáo Hội. Nếu được định hướng đúng đắn và thực hiện tốt những điểm trên, nhất định Giáo Hội Việt Nam sẽ tiến nhanh trong việc loan báo Tin Mừng. Chắc chắn vậy !
Những gì Đức Hồng Y Filoni phát biểu sau chuyến thăm mục vụ vừa qua nên được coi như lời mời gọi và khích lệ chúng ta nỗ lực hơn trong sứ mạng truyền giáo, hầu nhiều anh chị em đồng bào chúng ta nhận biết và tin yêu Chúa hơn. “Thầy đến để anh em được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). 
 
+ Anphong Nguyễn Hữu Long
 Giám mục Phụ tá Hưng Hóa
Chủ tịch UBLBTM/HĐGMVN
 
 
 

[1] Năm 1933 : 7,20% ; năm 1939 : 7,50% ; năm 1960 : 6,93% ; năm 2000 : 6,70% ; năm 2008 : 7,18%.
[2] Năm 2008, GHVN có 3.541 linh mục, 1.480 chủng sinh, 2.125 chủng sinh dự bị, 1.914 tu sĩ, 13.838 nữ tu, 56698 giáo lý viên, tổng cộng 79.596 người, chưa kể cả triệu đoàn viên các hội đoàn Công giáo Tiến hành, vậy mà chỉ thu hút được 41.444 người gia nhập đạo, trung bình cứ 2 người tín hữu ưu tuyển mới thu hút được 1 người theo đạo.
[3] Năm 2008, giáo phận Huế có 68.240 giáo dân, 131 linh mục, 44 chủng sinh, 86 tu sĩ, 916 nữ tu, 744 giáo lý viên, mà chỉ có 106 người lớn theo đạo. Giáo phận Bùi Chu có 391.837 giáo dân, 159 linh mục, 54 chủng sinh, 609 nữ tu, 4.053 giáo lý viên, thế mà chỉ có 735 người gia nhập đạo. Giáo phận Saigon có 662.148 giáo dân, 604 linh mục, 87 chủng sinh, 317 tu sinh, 959 tu sĩ, 3.103 nữ tu, 567 tu sĩ thuộc tu hội, 5,528 giáo lý viên, mà chỉ có 7.345 người tân tòng.
[4] Năm 1999, số tín hữu là 400.000 người. Năm 2008, con số này đã lên tới 1.500.000 người. Như thế số tín hữu tăng gần 4 lần trong vòng 10 năm.

[5] Năm 1949, tỷ lệ giáo dân ở Nam Hàn chỉ là 1%. Năm 2006, con số này là 9,65%. Năm 2010, đạt 10,1%. Hiện nay, Giáo Hội Nam Hàn đang nỗ lực thực hiện chiến dịch “Rao giảng Tin Mừng 20-20”, họ kỳ vọng năm 2020, tỷ lệ giáo dân sẽ là 20%, tức từ 5 triệu lên 10 triệu tín hữu.

Một số hình ảnh mình họa:
 

ĐHY Filoni cầu nguyện 
ĐHY Filoni huấn từ khi tới thăm giáo phận Hưng Hóa (nhà thờ Hòa Bình)
Dân tộc H’Mông Hoa
Trang phục của người H’Mông
Cồng chiêng của người Mường
ĐHY Filoni ban bí tích Thánh Tẩy cho người dự tòng.