Một thính giả từ Việt Nam viết thư hỏi: mới đây có người được Đức Mẹ hiện ra nói rằng ma quỷ sẽ ăn năn trở lại; điều đó có thực hay không?
Chúng ta nên phân biệt hai khía cạnh. Thứ nhất là sự kiện Đức Mẹ hiện ra. Thứ hai là nội dung sứ điệp. Về khía cạnh thứ nhất thì chỉ có giáo quyền mới trả lời được; và thường là họ không trả lời. Chị cứ tưởng tượng là hằng năm Bộ giáo lý đức tin nhận được bá cáo là có cả hằng trăm vụ gọi là Đức Mẹ hiện ra đây đó, nhưng trong suốt thế kỷ XX này, con số được nhìn nhận không quá 10 ngón tay. Về khía cạnh thứ hai, nội dung sứ điệp về chuyện ma quỷ trở lại, thì vấn đề không phải là mới nghe nói tới. Nó đã được Origen nói tới từ thế kỷ III, và bị công đồng Constantinopolis kết án năm 543. Từ đó không ai nhắc tới nữa. Điều đó khiến chúng tôi ngạc nhiên khi nói tới mạc khải của Đức Mẹ về vấn đề này: không hiểu có phải Đức Mẹ nói hay không, hay là người nào đó nổi hứng lên và gán cho Đức Mẹ.
Tại sao thuyết của Origène bị kết án?
Tưởng nên biết là Origène là một nhà thần học rất nổi tiếng, sinh khoảng năm 185 và qua đời vào năm 254. Các tác phẩm của ông viết ra đã gây ra những cuộc tranh luận suốt miền Trung đông thời đó: người theo cũng nhiều mà người chống thì cũng không thiếu. Như đã nói trên đây, thuyết ma quỷ trở lại bị công đồng Constantinopolis năm 543 lên án, nghĩa là non 300 năm sau khi tác giả qua đời. Hiểu là ảnh hưởng và dư âm của ông rất mạnh. Trong công đồng, có tới 9 điểm của học thuyết Origène bị lên án. Đại khái, ta có thể nói căn bản của thuyết này phảng phất tư tưởng những kiếp luân hồi của Plato. Các linh hồn đã được dựng nên từ nguyên thủy, và sau đó vì phạm tội nên bị đày vào thân xác để đền tội, cho đến khi nào hết tội thì rồi lại trở về thiên đình. Ma quỷ cũng vậy. Lúc đầu, quỷ là các thiên thần, sau đó phạm tội nên trở thành ma quỷ. Nhưng sau cùng, họ sẽ ăn năn trở về với Chúa.
Nói vậy có gì là sai đâu? Ai cấm ma quỷ trở lại?
Như vừa nói, có lẽ điểm chính mà thuyết Origène bị lên án ở chỗ quan niệm luân hồi: linh hồn con người cũng như thiên thần có thể tiếp tục đầu thai hoài hoài để đền tội, cho đến khi nào sạch tội thì thôi. Dĩ nhiên, quan niệm này khá phổ thông tại những nơi chịu ảnh hưởng của Ấn giáo và Phật giáo; nhưng nó không phù hợp với đức tin công giáo. Đức tin công giáo dạy rằng mỗi người chỉ có một kiếp sống; và sau khi chết rồi thì con người sẽ lãnh phần thưởng hay hình phạt đời đời, chứ không có cơ hội khác nữa để lập công chuộc tội nữa đâu.
Thế còn thiên thần ma quỷ thì sao?
Nên biết là bao nhiêu điều chúng ta thường hay nghe nói về thiên thần ma quỷ là do các nhà thần học hay óc tưởng tượng bình dân thêu dệt lên chứ không thuộc về đức tin đâu. Đức tin công giáo về thiên thần và ma quỷ, được công đồng Latêranô IV năm 1215, tóm lại trong đôi ba điều sau đây: 1) Thứ nhất, các thiên thần là loài thụ tạo; họ không phải tự hữu như Thiên Chúa. Tuy nhiên nên lưu ý rằng đức tin không có nói Chúa dựng nên các Thiên thần lúc nào, trước khi tạo dựng vũ trụ vật chất hay cùng lúc với việc tạo dựng. 2) Thứ hai ma quỷ là các thiên thần đã sa ngã. Điều này hàm ngụ rằng ma quỷ cũng là thụ tạo; như vậy chống lại với những thuyết nhị nguyên chủ trương có Thần lành và Thần dữ chuyên đối kháng nhau, và cùng ngang hàng, độc lập. Đức tin công giáo thì chỉ nhìn nhận chỉ có một Thiên Chúa tốt lành, Ngài là Đấng Tạo hóa toàn năng, không có gì thoát khỏi sự kiểm soát của Ngài, kể cả ma quỷ. Nhưng nói thế không có nghĩa là Ngài đã dựng nên ma quỷ. Thiên Chúa đã dựng nên các thiên thần tốt lành. Nhưng vì sa ngã mà họ trở thành ma quỷ.
Tại sao mà các thiên thần sa ngã? Họ phạm tội gì vậy?
Giáo hội không nói gì hết. Thế nhưng đầu óc tò mò của con người không chịu dừng lại trước bức tường im lặng đó. Một số giáo phụ đã dựa vào văn chương của Do thái giáo (sách gọi là ngụy thư Henoch), để cắt nghĩa tội của các thiên thần như là tội tà dâm: mấy ông sứ giả nhà trời đi công cán xuống trần thấy gái đẹp rồi mê nên phạm tội dâm dục và tỏ lộ bí mật thiên đình. Coi ngớ ngẩn như vậy, nhưng thuyết này đã được chấp nhận cả hàng thế kỷ. Sang thế kỷ IV, sau khi khám phá ra sách Enoch là ngụy thư, các giáo phụ mới giải thích cách khác: tội các thiên thần hệ tại sự kiêu ngạo, chống lại Thiên Chúa. Thế nào là kiêu ngạo? Trải qua lịch sử ít là đã có 4 cách giải thích khác nhau: 1) Lucifer, thủ lãnh các thiên thần muốn tôn mình làm Thiên Chúa, mà một số thiên thần khác chạy theo. (Đây là thuyết của thánh Bênađô và Pêtrô Lombarđô). 2) Lucifer, thủ lãnh các thiên thần, ra lệnh cho các thiên thần khác phải suy phục mình; tuy đa số chống lại thái độ hống hách độc tài đó, nhưng một thiểu số bị mê hoặc đã nghe theo (thuyết của Albertô cả, Bonaventura): 3) Thiên Chúa hé mở cho các thiên thần biết Ngôi Hai xuống thế làm người. Hay biết như vậy, một số phản loạn vì phải thờ lạy Thiên Chúa làm người, một loài ở dưới các thiên thần. (Thuyết của Suarez). 4) Các thiên thần muốn đạt được hạnh phúc bằng sức riêng của mình chứ không cần nhờ ơn Chúa (thuyết của thánh Tôma Aquinô). Tuy nhiên, cần nhắc lại lần nữa là đó chỉ là các giả thuyết của các nhà thần học, chứ Kinh thánh và đức tin công giáo không nói gì hết về nguồn gốc và bản chất của sự sa ngã của các thiên thần hết.
Tại sao khi biết mình sai lầm phạm tội mà các thiên thần không biết ăn năn trở về với Chúa? Họ thông minh sáng suốt chứ đâu có u mê như loài người chúng ta?
Đúng là khó hiểu thật: loài người chúng mình mê muội nên không biết lòng khoan nhân của Chúa để mà ăn năn, chứ các thiên thần khôn ngoan sáng suốt nên không hiểu tại sao mà họ không chịu quay về với Chúa. Dĩ nhiên, có thể nghĩ rằng trăm sự tại kiêu ngạo mà ra cả: chính họ phạm tội kiêu ngạo nên phản loạn chống lại Chúa; và rồi cũng chính tội kiêu ngạo đã làm ngăn cản họ trở về với Chúa. Nhưng thánh Tôma Aquinô đưa ra lời giải thích dựa trên bản chất của ý chí của các thiên thần như sau. Ý chí đi theo Trí tuệ. Trí tuệ của con người chúng ta không có nhận thấy chân lý một cách trực tiếp, nhưng đi từ từ qua những chuỗi lý luận. Vì thế mà lý trí của con người có lúc tiến lúc thoái, suy đi nghĩ lại. Hậu nhiên ý chí của con người cũng nhiều lúc dùng dằn, khi thì ưng khi thì không ưng nữa. Chính vì bản chất hay thay đổi như vậy mà con người có cơ hội để chỗi dậy sau khi sa ngã. Các thiên thần thì khác: họ nhìn thấy sự thật cách trực tiếp, và do đó ý chí dán chặt vào đó luôn, như đinh đóng cột, không thể thay lòng đổi dạ nữa. Một lần nữa, tôi xin nhắc lại đây là một lối giải thích thần học, chứ không thuộc về đức tin.
Chúa Giêsu có chuộc tội chịu chết cho các ma quỷ không? Sau khi chết Chúa có xuống hỏa ngục phải không?
Origène nói rằng Chúa Giêsu có chuộc tội cho ma quỷ nữa. Nhưng thuyết của ông bị công đồng Constantinopolis bác bỏ. Thực ra, Kinh thánh không có nói gì về vấn đè này hết. Nãy giờ tôi đã nhiều lần nói đi nói lại là rất nhiều điều mà chúng ta thường bàn về ma quỷ là do giả thuyết thần học, chứ Kinh thánh hoàn toàn im lặng. Dĩ nhiên là có người sẽ đặt lên câu hỏi: tại sao Kinh thánh im tiếng? Câu trả lời gọn nhất là như thế này: Kinh thánh không phải là bộ bách khoa từ điển, trong đó ta có thể tìm thấy đáp số cho hết mọi điều trí óc tò mò muốn biết. Không phải như vậy, chúng ta đừng nên quan niệm Kinh thánh như kiểu kho sấm Trạng Trình. Mục tiêu chính của Kinh thánh là thuật lại lịch sử của mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người, tương quan mà ta gọi là giao ước, từ khởi đầu và hướng tới cánh chung. Đó là trọng tâm. Còn những chuyện khác thì chỉ được nói tới cách gián tiếp. Trong các chuyện gián tiếp ấy ta phải xếp các ma quỷ. Kinh thánh nói tới ma quỷ như những tên khủng bố phá hoại cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với con người; từ đó Kinh Thánh kêu gọi ta cảnh giác tuy đồng thời cũng xác quyết rằng Thiên Chúa luôn ở bên ta. Kinh thánh nói cho ta biết rằng có những tên quỷ ác ôn như vậy đó, nhưng không muốn đi sâu vào nguồn gốc của chúng, lực lượng của chúng, vân vân.
Còn câu hỏi về việc Chúa Giêsu xuống hỏa ngục, thì có lẽ là do sự hiểu lầm ngôn ngữ. Nguyên tiếng La-tinh trong bản kinh tin kính quen gọi là của “12 thánh tông đồ” đọc là “descendit ad inferos”, được chuyển sang tiếng Pháp là “il est descendu aux enfers”. “Enfer” ở đây không phải là hỏa ngục, cũng chẳng phải là “ngục tổ tông” như bản kinh Tin kính tiếng Việt trước đây. Inferi chỉ có nghĩa là “miền hạ”, hay là ở dưới thấp. Theo hình ảnh vũ trụ học cổ truyền của Do thái cũng như của nhiều dân trên thế giới, thì vũ trụ được chia làm ba tầng: tầng trên (tầng trời, trời cao, thượng giới) là nơi dành cho Chúa và các thần thánh; tầng giữa, chính là mặt đất này, nơi chúng ta cư ngụ và sinh sống; tầng dưới (dưới đất), là nơi dành cho người chết, hay những loài ác quỷ. Theo quan niệm Do thái, khi chết rồi con người sẽ xuống nơi gọi là sheol (tiếng Việt có người dịch là âm ti). Đó là nơi tối tăm, bị quên lãng. Dĩ nhiên, người Do thái không coi rằng khi con người đã chết thì không còn gì. Mặt khác, họ cũng không quan niệm rằng xác thì tan rữa còn hồn thì bất tử, bởi vì người Do thái không có quan niệm về sự phân biệt hồn xác rõ rệt như người Hy-lạp. Vì vậy, sau khi chết rồi, con người vẫn tiếp tục một kiếp sống nào đó, nói được là thoi thóp thôi, cho tới khi nào mà quyền năng Chúa cho sống lại. Trong bối cảnh ấy, nói rằng đức Giêsu xuống “inferi”, không phải là xuống hỏa ngục, nhưng mà là xuống vùng dưới. Nói thế có nghĩa là Ngài đã chấp nhận thân phận của con người, đã chết thật. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, Ngài đã nếm mùi chết để rồi chiến thắng sự chết, không những cho cá nhân Ngài mà còn cho toàn thể chúng ta, như sách Giáo lý công giáo nói ở số 632-637. Hiểu như vậy, tất nhiên không thể có chuyện Chúa Giêsu xuống hỏa ngục để cứu ma quỷ!
(Giuse Phan Tấn Thành, OP)
(daminh.net)