Trước đây tôi đã có dịp nói qua về các nghi thức ( Rites) trong Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt về cái gọi là “trao tác vụ linh mục” như người ta đã gọi ở một vài nơi bên Việt Nam. Nay tôi lại thấy xuất hiên trên một trang mạng điện tử cụm từ trên đây , nên tôi thấy cần phải nói rõ lại một lần nữa như sau:
Trước Công Đồng Vaticanô II ( 1962-65), liên quan đến các chức Thánh ( Ordo= Holy Orders)) được trao trong Giáo Hội Công Giáo thời đó, có các chức thánh sau đây:
I – Bốn chức thánh nhỏ ( minor Orders) gồm có
1. Chức giữ và mở cửa nhà thờ ( Porter)
2. Chức đọc Sách Thánh ( Reader)
3. Chức trừ quỷ ( Exorcist)
4. Chức Giúp Lễ ( Acolyte)
Nhưng trước khi được trao các chức nhỏ nói trên, đại chủng sinh phải được lãnh nghi thức cắt tóc ( Tonsure)
II – Các chức thánh lớn ( major Orders ) gồm có:
1. Chức Phụ Phó Tế ( Subdiaconate)
2. Chức Phó Tế ( diaconate)
3. Chức linh mục ( Presbyterate)
4. Chức Giám mục ( Episcopate)
Sau Công Đồng Vaticanô II, các chức thánh nhỏ nói trên đã được sửa đổi để chỉ còn lại hai thừa tác vụ ( ministry) đọc sách và giúp lễ như sau:
1. Bãi bỏ nghi thức cắt tóc
2. Bãi bỏ hai chức giữ và mở cửa nhà thờ ( Porter) và chức trừ quỷ ( Exorcist)
Hai chức thánh nhỏ đọc sách và giúp lễ được thay đổi thành hai thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ:
1. Ministry of Reader
2. Ministry of Acolyte
Bãi bỏ luôn chức Phụ Phó Tế ( Subdiaconate) để chỉ còn hai chức thánh lớn (Major Orders) là Chức Phó Tế và Chức Linh mục .Nghĩa là, từ sau Công Đồng Vaticanô II cho đến này , Giáo Hội chỉ còn ba chức Thánh sau đây:
1- Chức Phó Tế ( Diaconate)
2-Chức Linh mục ( Presbyterate)
3-Chức Giám mục ( Episcopate ) ( x Giáo luật số 1009&1)
Vì không còn là các chức thánh nhỏ nữa, nên chỉ có nghi thức trao tác vụ đọc sách và giúp lễ. ( Ínstallation of ministries of Reader and Acolyte). Và vì không còn là chức thánh nữa, nên các đại chủng sinh đã lãnh hai tác vụ nói trên vào cuối năm thần I và II, sẽ không bị ràng buộc phải xin tháo gỡ ( dispensation) nếu không muốn tiến lên lãnh nhận chức thánh Phó Tế và Linh mục. Và hiện nay, vì nhu cần cho rước lễ và phụ giúp bàn thánh, giáo dân cũng được phép lãnh tác vụ giúp lễ để phụ cho rước lễ và lau chùi ( purify) chén thánh sau khi cho rước lễ.
Các thừa tác viên bất thường cho rước lễ, hay còn gọi thông thường là các thừa tác viên Thánhthể ( Extraordinay ministers for Holy Communion), nếu không có tác vụ giúp lễ ( Ministry of Acolyte) thì chỉ được phép phụ giúp cho rước lễ, chứ không được phép lau chùi chén thánh sau khi cho rước lễ.
Cũng cần nói thêm ở đây là các thừa tác viên Thánh Thể này chỉ được cần đến khi không có đủ linh mục hay phó tế cho rước Lễ mà thôi. Nghĩa là khi có đông linh muc đồng tế và phó tế phụ giúp Bàn Thánh, thì không cần đến các thừa tác viên bất thường kia cho rước lễ nữa. Một điểm quan trọng nữa là các thừa tác viên bất thường này không được phép tự ý lấy Mình Thánh từ trong Nhà Tạm ( Tabernacle) hay trên Bàn Thờ để bỏ vào các đĩa đựng Mình Thánh, hay lấy chai đựng Máu Thánh để đổ ra các chén đựng Máu Thánh như nhiều nơi ở Mỹ đang làm sai. Lại nữa, Thừa Thác viên Thánh Thể không có tác vụ giúp lễ thì không được phép lau chùi các chén thánh sau khi cho rước lễ.Việc lau chùi ( purification) này phải do chính linh mục, phó tế hay thừa tác viên giúp lễ được làm mà thôi.
Liên quan đến các Nghi Thức trao tác vụ đọc sách và giúp lễ , nhất là Lễ truyền Chức thánh PhóTế , linh muc và Giám mục, Sách Nghi Lễ ( Rites) của Giáo Hội Công Giáo do Đức cố Giáo Hoàng Phaolô VI ký ban hành ngày 15 tháng 8 năm 1972 thì chí có các Nghi Thức và Lễ Truyền Chức sau đây:
1-Nghi Thức trao tác vụ đọc sách ( Ínstitution of readers)
2-Nghi Thức trao tác vụ giúp lễ ( Institution of Acolytes)
3-Nghi Thức chấp nhận tư cách ứng viên để lãnh nhận Chức Thánh Phó Tế và Linh mục (Admission to Candidacy for Ordination asDeacons and Priests)
4-Lễ truyền chức Phó Tế (Ordination of a deacon)
5-Lễ truyền chức linh mục ( Ordination of a Priest)
6-Lễ thánh hiến hay truyền chức Giám mục ( Consecration or Ordination of a Bíshop)
Ngoài các Nghi Thức và Lễ truyền chức nói trên ra, tuyệt đối không có nghi thức nào gọi là “ trao tác vụ linh muc” cả. Do đó, ai tự ý tung ra cái gọi là “Nghi thức trao tác vụ linh mục” này là đã không hiểu gì về truyền thống Giáo Hội liên quan đến các Nghi Thức ( Rites) và các Lễ truyền chức thánh.Hơn thế nữa, còn lẵn lộn giữa thừa tác vụ ( ministerium=ministry) và chức thánh (Ordo=holy Order).
Nói rõ hơn, phải có chức thánh cấp Phó Tế, thì mới được thi hành các tác vụ -hay thừa tác vụ- Phó tế ( diaconal ministries) có chức thánh linh mục thì mới được thi hành tác vụ linh mục ( priestly ministries) có chức thánh Giám mục thì mới được thi hành các tác vụ Giám mục ( Episcopal ministries).
Cho nên, phải nói là lễ truyền chức Phó tế, Linh mục hay Giám mục trước khi được thi hành các thừa tác vụ liên hệ. Các chức thánh này phải được trao trong Thánh lễ truyền chức , nên phải nói là Lễ Truyền Chức Phó Tế, linh mục hay Giám mục, chứ không được nói là Nghi Thức trao tác vụ Phó tế hay Linh mục như người ta đã tự ý “phăng ra” một cách sai lầm. Phăng ra như vậy trước hết là không hiểu sự khác biết giữa chức thánh và thừa tác vụ.Chức thánh thì được lãnh nhận trong Thánh Lễ Truyền Chức ( Mass of Ordination), còn tác vụ thì được Giám mục liên hệ trao cho Phó tế hay Linh mục sau khi đã được truyền chức.
Khi nói đến trao tác vụ là nói đến hai tác vụ đọc sách và giúp lễ. Vì đây không còn là chức thánh mà chỉ là tác vụ, nên có thể đươc cử hành ngoài Thánh Lễ và người trao tác vụ không buộc phải là Giám mục, mà có thể là Bề Trên Chủng viện hay Bề Trên Dòng hay Tu Hội, trong khi chỉ có Giám mục mới được truyền các chức thánh cấp Phó Tế, Linh muc hay Giám mục.
Lại nữa, một Phó tế hay Linh mục, sau khi được chịu chức thánh và muốn thi hành thừa tác vụ của mình, thì phải được Giám mục mà mình trực thuộc trao cho năng quyền ( Faculty) để thi hành tác vụ Phó Tế như phụ giúp Bàn Thánh, đọc và chia sẻ lời Chúa trong Thánh Lễ ( với sự cho phép của cha Xứ nơi mình phục vụ) , chứng hôn phối, rửa tội cho trẻ em ( nếu cha xứ yêu cầu) cử hành nghi thức an táng. Phó tế không được rửa tội cho người lớn ( Adults) vì người lớn khi lãnh nhận bí tích Rửa tội thì cũng được lãnh bí tích Thêm sức và Thánh Thể luôn, nên chỉ có linh mục hay Giám mục rửa tội và thêm sức mà thôi, Tuy nhiên, nhiên trong trường hợp khẩn cấp nguy tử, thì Phó tế hay bất cứ ai, kể cả người chưa được rửa tội, đều được phép rửa tội cho người lớn và trẻ em, với điều kiện dùng nước và công thức Chúa Ba Ngôi và làm theo ý Giáo Hội ( x SGLGHCG số 1256)
Muốn thi hành các tác vụ linh muc như cử hành Thánh Lễ ,giảng lời Chúa, Rửa tội, Thêm sức, hòa giải, sức dầu bệnh nhân, chứng hôn… thì linh mục phải được giám mục của mình trao cho các năng quyền tương ứng thì mới thi hành được các thừa tác vụ này. Nghĩa là phải có chức linh muc trước, rồi Giám mục mà linh muc trực thuộc mới trao cho năng quyền trong thư bổ nhiệm hay bài sai-. Sau đó linh muc mới có thể thi hành hợp pháp các thừa tác vụ nói trên. Bài sai này không được trao trước lễ Truyền Chức mà chỉ được trao cho linh mục sau khi đã được truyền chức. Nếu không có bài sai với năng quyền này của Giám mục, thì không linh mục nào được thi hành tác vụ của mình, dù cho có chức thánh linh muc.
Nếu vì lý do gì mà năng quyền trên bị rút ( hay còn gọi nôm na là bị treo chén) thì linh mục tạm thời hay vĩnh viễn không được thi hành các tác vụ linh mục của mình cho đến khi năng quyền trên được trao lại. Như thế càng chứng tỏ sự sai lầm khi nói “lễ trao tác vụ linh muc”, vì không hề có loại nghi thức này trong Giáo Hội Công Giáo từ xưa đến nay.
Tóm lại, danh xưng phải chính xác khi nói đến các Nghi Thức và Thánh Lễ trong Giáo Hội để giúp giáo dân hiểu rõ và đúng khi họ tham dự việc cử hành một Nghi thức hay Thánh Lễ của Giáo Hội
Nhân tiện cũng xin nói thêm ở đây là khi một Giám mục được sai đến cai quản ở một Địa Phận khác , thì chỉ có Lễ nhậm chức ( Installation Mass) chứ không có lễ truyền chức hay tấn phong cho giám mục đó, vì ngài đã có chức giám mục ở địa phận khác trước khi được Đức Thánh Cha bổ nhiêm đến một địa phận mới. Chỉ khi nào tân giám mục chưa có chức giám mục, thì mới có lế truyền chức và nhậm chức ( Mass of Ordination and Installation) cho tân giám mục đó. Lễ Nhậm chức không phải là Lễ tấn phong của giám mục nào. Vậy xin đừng lầm lẫn hai việc này.
Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn