Cô đơn và tình yêu

Có kẻ một mình nhưng không cô đơn. Lại có người vẫn cô đơn dù không một mình. Phải chăng kẻ cô đơn nhất là kẻ yêu nhiều nhất nhưng lại cô đơn bên người mình yêu thương nhất. Có lẽ chính bở cô đơn nhiều nên kẻ cô đơn mới hiểu thế nào là yêu nhiều nhất.

Có ai hiểu được nỗi cô đơn của Người đến nhà mình, nhưng người nhà không tiếp nhận(Ga 1:11). Nhưng dù không được tiếp nhận, “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về người còn ở thế gian, và Người yêu thương họ tới cùng” (Ga 13:1). Nỗi cô đơn nhiều bao nhiêu thì tình yêu thương lại càng diệu vợi bấy nhiêu.Có ai hiểu được nỗi cô đơn của Người trong giờ phút biệt ly lấy hết tâm tình và cả mạng sống chuẩn bị Tiệc Ly để rồi lại bị “chính người chấm chung một đĩa giơ gót chân đạp” (Mt 26:23). Dầu vậy, Người vẫn cúi xuống rửa chân cho cả bàn chân giơ gót đạp mình, hơn nữa còn để lại di ngôn: “Anh em hãy yêu thương nhau, như chính Thầy yêu mến anh em” (Ga 15:13).

Có ai hiểu được nỗi cô đơn của kẻ cô đơn trong giờ cô đơn nhất “Linh hồn Thầy xao xuyến như thể chết được” (Mt 26, 38). Trong giờ cô đơn nhất, kẻ cô đơn với gọi trời cao trợ giúp “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này” (Ga 12: 28). Vì trời cao dường như thinh lặng, nên Người cô đơn đi tìm an ủi nơi bạn thân nhất “Anh em hãy ở lại đây cùng canh thức với Thầy” (Mt 26, 38); nhưng lại cô đơn hơn, vì bạn thân như bỏ rơi mình “Anh em không thức nổi một giờ sao (Mt 26, 48)? Dầu vậy, tiếng Người cô đơn vẫn vọng tới trời cao: “Nhưng chính vì giờ này mà Con đến. Xin tôn vinh Danh Cha (Ga12, 28-29), và làm rung động lòng người: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ (Mt 26, 41). Có tình yêu tha nhân nào lớn hơn tình yêu của Người cô đơn trong cơn bĩ cực vẫn còn lưu luyến lo cho người mình yêu thương “khỏi sa chước cám dỗ”.

Có ai cô đơn hơn Tình Yêu bị phản bội bởi một nụ hôn. Có ai hiểu được nỗi cô đơn của Người ở giữa những người tìm kết án mình, rồi ngay người bạn thân nhất cũng chối “không biết người ấy là ai”. Nhưng dù có bị chối từ, Người cô đơn vẫn không từ chối yêu thương, vẫn quay lại nhìn người chối từ mình  “Đức Kitô quay lại và nhìn Phêrô” (Lc 22, 61).

Có ai hiểu được nỗi cô đơn của Kẻ Cô đơn trên Đường Thập Giá? Chặng đường càng dài, thì nỗi cô đơn càng trĩu nặng, chẳng những trĩu nặng vì sức nặng của Thập giá, nhưng còn cô đơn hơn vì sự lạnh cảm của lương tri nhân loại. Có ai hiểu được nỗi lòng của kẻ trong cơn khốn cùng cần được giúp đỡ, thì người đưa vai ra gánh đỡ thánh giá lại là một người dưng lạ (dân ngoại), hơn nữa lại vì bị ép buộc. Con người lạnh cảm trước khổ đau Thập giá, nhưng khổ đau Thập giá không lạnh cảm trước nỗi đau kiếp con người: “Đức Giêsu quay lại và nói với họHỡi con cái Jerusalem, chớ khóc thương ta, nhưng cho các ngươi và con cháu các ngươi” (Lc 23, 28).

Có ai hiểu được nỗi cô đơn của Kẻ khát khao yêu thương: Ta khát (Ga 19:28) nhưng lại được đáp lại bằng sự chế giễu, mỉa mai, bằng sự chua chát lạnh cảm? Tuy nhiên, sự lạnh cảm không hề làm đóng băng con tim khao khát yêu thương “Lạy Cha, xin tha cho họ” (Lc 23:34).

Có ai hiểu được tâm tình của Kẻ Cô Đơn cô đơn nỗi cô đơn của kẻ cô đơn vì mình. Đó là nỗi cô đơn vì yêu.
Ôi! Cuộc khổ nạn của Kẻ cô đơn vì Yêu- Ôi huyền nhiệm của Tình Yêu cứu chuộc! Cô đơn vì Yêu Thương, nên Yêu Thương nhiều sẽ Cô đơn nhiều và Cô đơn nhiều thì Yêu Thương sẽ nhiều hơn.

Tác giả bài viết: Nguyễn Nhất Cõi