Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Tôi chỉ hỏi liệu ba Kinh nguyện Thánh Thể dành cho Thánh lễ thiếu nhi đã được cập nhật trong các bản dịch mới chưa. Tôi đã không thể tìm thấy bản sao của chúng ở đâu cả. Liệu có thể được phép dùng chúng như chúng đã có chăng, và chỉ cần đưa thêm bản dịch mới của phần truyền phép được không? – F. D., Johannesburg, Nam Phi.
Đáp: Các Kinh nguyện Thánh Thể dành cho Thánh lễ thiếu nhi lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 1974. Vào thời đó, ba Kinh nguyện Thánh Thể đã được giới thiệu trên cơ sở thử nghiệm. Các Hội đồng Giám mục có thể sử dụng một trong các Kinh Nguyện này, và được cho phép thực hiện một bản dịch khá tự do các bản văn, trong khi vẫn tôn trọng cấu trúc cơ bản. Hầu hết các Hội đồng Giám mục yêu cầu cho phép sử dụng tất cả ba Kinh Nguyện Thánh thể ấy, và việc này thường được ban cho các Hội đồng Giám mục trong một khoảng thời gian nhất định. Năm 1980, ĐTC Gioan Phaolô II cho phép tiếp tục sử dụng các Kinh Nguyện này cho đến khi quyết định khác được ban hành.
Do tình trạng thử nghiệm của chúng, và các hạn chế về việc sử dụng chúng cho các nhóm thiếu nhi thuộc lứa tuổi Rước lễ vỡ lòng, các Kinh Nguyện Thánh Thể này thường không được in trong Sách Lễ Rôma, nhưng trong các sách riêng. Chúng có thể đã được đưa vào trong Sách lễ ở một số nơi, nhưng không phải là một sự thực hành chung.
Khi ấn bản thứ ba của Sách Lễ Rôma bằng tiếng Latinh được xuất bản vào năm 2002, nó bao gồm các Kinh nguyện Thánh Thể cho thiếu nhi trong phần phụ lục. Sự đưa vào này chỉ có thể đơn giản vì lợi ích của sự đầy đủ, vì không chắc rằng chúng sẽ được sử dụng, do sự khan hiếm của các chuyên viên về thiếu nhi lứa 8 tuổi.
Lần in đầu tiên của Sách lễ Latinh có nhiều lỗi đánh máy. ĐTC Gioan Phaolô II cũng đã đưa thêm một số bổ sung mới cho niên lịch phụng vụ phổ quát, sau khi xuất bản Sách lễ. Các bổ sung này bao gồm lễ Đức Mẹ Guadalupe, và các lễ nhớ thánh Juan Diego và thánh Pio Pietrelcina.
Vì vậy, khi cần in lại Sách lễ trong năm 2008, Thánh Bộ Phụng Tự đã không tự giới hạn mình vào việc sửa lỗi đánh máy. Thay vào đó, Thánh bộ thực hiện một số cải tiến hơn nữa cho bản văn, và các chữ đỏ, trong đó có việc loại bỏ các bản văn Latinh của Thánh Lễ dành cho thiếu nhi.
Bởi vì điều này bao hàm một sự thay đổi trong bản văn chính thức, việc bỏ bớt này được trình lên ĐTC để xin chuẩn y cùng với hai thay đổi khác cho Sách lễ. ĐTC Biển Đức XVI phê chuẩn sự thay đổi này, vốn được ban hành bởi Sắc lệnh ngày 8-5-2008 (Sắc lệnh số 652-08L, Notitiae 45 (2008) trang 175-176). Sắc lệnh cũng quy định rằng từ nay về sau các bản văn Thánh Lễ dành cho thiếu nhi nên được in tách rời Sách Lễ Rôma, ngay cả trong các bản dịch được duyệt lại trong tương lai.
Có lẽ điều này đã được thực hiện, để loại bỏ bất cứ sự cám dỗ nào nhằm xem chúng như là Kinh nguyện Thánh Thể để sử dụng chung với mọi cộng đoàn, chứ không phải là một sự giới thiệu sư phạm cho phụng vụ dành cho thiếu nhi.
Bởi vì lần tái bản thứ hai này là cơ sở cho việc dịch Sách Lễ sang tiếng Anh, các Kinh Nguyện Thánh Thể cho thánh lễ thiếu nhi không có trong Sách lễ nữa.
Trong khi công bố sắc lệnh, và trong các thư trước đó gửi đến các Hội đồng Giám mục công bố sự thay đổi, Tòa Thánh Vatican đã loan báo sẽ phát hành một phiên bản mới của các Kinh Nguyện Thánh Thể cho thánh lễ thiếu nhi như một văn bản riêng biệt trong tương lai, vốn sẽ duyệt lại cả lối diễn tả lẫn kỷ luật đối với việc sử dụng các Kinh nguyện Thánh Thể ấy.
Trong thực tế, các Giám mục Mỹ đã lên kế hoạch duyệt lại các bản gốc của Kinh Nguyện Thánh Thể cho thánh lễ thiếu nhi trước khi có thông báo trên, nhưng dự án đã bị đình chỉ một cách hợp lý.
Cho đến nay, Tòa Thánh chưa ban hành phiên bản mới của ba Kinh nguyên trên. Có lẽ Tòa Thánh đang chờ đợi các Hội đồng Giám mục của các ngôn ngữ chính trên thế giới hoàn tất tiến trình dịch thuật Sách Lễ Rôma mới, trước khi bước tiếp vào công việc này.
Trong khi chờ đợi, các bản gốc vẫn được chấp thuận cho sử dụng trong cùng điều kiện như trước đây. Tuy nhiên, sau khi xuất bản Sách Lễ Rôma mới bằng tiếng Anh, Hội đồng Giám mục Mỹ cập nhật bản văn năm 1974 cho phù hợp với bản văn mới. Các phiên bản mới bao gồm các bản dịch được duyệt lại về phần mở đầu Thánh lễ, Kinh Thánh Thánh Thánh (Sanctus), truyền phép, lời tung hô sau truyền phép và Vinh tụng ca. Xin đọc chi tiết bản văn này ở địa chỉ http://www.usccbpublishing.org/productdetails.cfm?PC=1697.
Mặc dầu bản văn này được chính thức chấp thuận cho sử dụng tại Mỹ, nó có thể được sử dụng ở bất cứ nơi nào khác, vì nó không giới thiệu bất kỳ sự mới lạ nào và chỉ cập nhật bản văn cho phù hợp với Sách Lễ, và tiến trình này đã được phê duyệt đối với trường hợp khác, như lời chào phụng vụ trong các bí tích. Dù sao chăng nữa, nên thận trọng xin phép Giám mục của mình trước khi sử dụng bên ngoài nước Mỹ.
Sau bài trả lời ngày 2-6 của chúng tôi về việc lễ nào lấn át lễ Chúa Nhật, nhiều độc giả nhận thấy việc tôi bỏ qua không nhắc đến lễ Cầu cho các tín hữu đã qua đời (lễ Các Đẳng ngày 2-11), như là lễ ưu tiên hơn lễ Chúa Nhật.
Đáp: Thật vậy, trường hợp đặc biệt này của lễ Cầu cho các tín hữu đã qua đời (All Souls’ Day), vốn không phải là một lễ kính hoặc lễ trọng, là không bình thường trong nhiều cách. Nó không chỉ có ưu tiên hơn lễ Chúa Nhật, nhưng thực sự nó thay thế một số các yếu tố riêng cho ngày Chúa Nhật, chẳng hạn việc đọc hay hát kinh Vinh danh, được bỏ qua.
Hỏi: Một số độc giả khác cũng hỏi về lễ trọng đặc biệt, như các thánh bổn mạng của một giáo phận hay giáo xứ. Trong bài trả lời trước, tôi đã nói trên nguyên tắc rằng mọi lễ trọng có thể thay thế một ngày Chúa Nhật mùa Thường Niên.
Đáp: Tuy nhiên, cũng đáng nhắc lại rằng lễ trọng mừng thánh bổn mạng của một giáo phận hay của giáo xứ sẽ thay thế một Chúa Nhật, hoặc trong trường hợp lễ trùng với một ngày Chúa Nhật, hoặc thậm chí nó thường được chuyển vào ngày Chúa Nhật gần nhất, để đảm bảo một ngày mừng xứng đáng. Đức Giám Mục địa phương có thể cho phép chuyển lễ bổn mạng trên vào ngày Chúa Nhật.
(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 16-6-2015)