Có lẽ chưa bao giờ mà làn sóng truyền thông mạnh mẽ như thời nay. Chỉ cần có một sự kiện nho nhỏ nào đó nhưng chỉ cần “bơm” cho nó một chút gì đó giật gân, một chút gì đó lạ kỳ là nhiều người “bu” vào xem lấy xem để. Có những chuyện sau khi được phanh phui ra ánh sáng thì sự thật nó hỡi ôi !
Những ngày qua, cư dân mạng hết sức ngạc nhiên với hình ảnh “quái vật” ở Vĩnh Phúc. Với bức hình thật lạ đó, người ta truyền tay nhau và kèm theo đó không ít lời bàn tán.
Đứng trước những thông tin đó, những người có trách nhiệm bắt tay nhau đi tìm hiểu sự thật về con “quái vật” ấy. Khi tìm hiểu ngọn ngành, chuyện bi hài là con “quái vật” xem ra rất thật ấy ra chỉ là hình “chôm” trên mạng và được một anh thợ cắt tóc ở tỉnh này tung lên Facebook… cho vui.
Nhìn con “quái vật” được đưa lên mạng chắc có lẽ không ai ngờ được nó hoàn toàn giả dù nhìn trông thấy thật 100%. Không chỉ có chuyện con “quái vật” vừa được phanh phui nhưng còn nhiều chuyện con “quái vật” thật đã giả làm đắng lòng người.
Chuyện thật giả – giả thật này đã nhiều lần làm cho nhiều người ngẩn ngơ ngơ ngẩn.
Xảy ra ở đất nước Nhật Bản sau lần động đất năm đó, truyền thông đã tung lên và tô vẽ cho hình ảnh đứa bé nhường quyền ưu tiên cho một người già lên nhận phần cứu trợ. Người ta không ngớt lời ca tụng cho hành vi tuyệt vời của đứa bé. Thế nhưng, khi tìm hiểu ra sự thật thì sự thật không phải như truyền thông báo chí đã đưa. Mọi người lại tiếc ngùi ngụi cho những dòng nước mắt trước hành động phi thường của đứa trẻ.
Chắc có lẽ nhiều người còn nhớ ca khúc đi vào lòng người của đứa trẻ khi hát bài hát “gặp mẹ trong mơ”. Bài hát “gặp mẹ trong mơ” được chú bé diễn xuất hết sức tài tình. Dù khi đó bài hát chưa chuyển sang Việt ngữ nhưng chú bé cũng đã lấy được không ít nước mắt của khán giả. Nhưng, sau khi đi tìm hiểu thì hàng ngàn, hàng vạn người lại ngẩn ngơ vì chú bé chỉ là người hát nhép.
Ở đời, có những chuyện rất thật trước mắt ta nhưng rồi nó lại không như ta nghĩ. Những bài học đó vẫn còn đâu đó cạnh đời ta.
Hình ảnh của người học trò mang tên Nhan Hồi xấu tính ăn cơm hớt của thầy và bạn trong câu chuyện “Nồi cơm của Nhan Hồi” vẫn còn đó. Nhìn thấy học trò cưng ăn cơm hớt trước mình và bè bạn, Khổng Tử buồn rầu chán nản vì bao nhiêu năm nhận được sự giáo dục của thầy mà trò Nhan Hồi lại hành xử như vậy. Chỉ đến khi Nhan Hồi nói ra sự thật về chuyện ăn cơm hớt trước thầy và bạn của Nhan Hồi thì Khổng Tử mới biết sự thật thật của hình ảnh mà chính mắt Khổng Tử đã thấy.
Câu chuyện “nồi cơm của Nhan Hồi” cũng chỉ là một trong nhiều bài học về truyền thông, về thông tin, về sự thật trong đời thường của xã hội.
Vừa qua, có dịp xem lại vở kịch được chuyển thể từ sân khấu cải lương “Nửa đời hương phấn” tôi lại được học lại cái hài học của thông tin, của sự thật. Chính vì thông tin sai lạc, chính vì hiểu lầm nhau mà người chị đã chấp nhận cả cuộc đời khổ đau. Đến khi phát hiện ra sự thật thật thì mọi người mẹ và người em mới sáng mắt ra để nhận ra mình chính là người cướp chồng của chị và đẩy con mình đên bước đường cùng.
Câu chuyện trong “Nửa đời hương phấn” cũng là chỉ là một trong nhiều câu chuyện cay đắng giữa dòng đời.
Như đã nói, hơn bao giờ hết làn sóng của thông tin, của truyền thông nó dữ dằn kinh khủng. Thông tin, truyền thông đã tác động dường như là chính yếu trong đời sống của con người. Đứng trước những thông tin, những câu chuyện truyền thông nếu như ta không tỉnh táo để xử lý, để cân nhắc, để suy tư ta cũng sẽ bị nó cuốn hút khi nào ta không biết. Dựa vào những thông tin sai lạc đó ta cũng sẽ hành xử một cách sai lạc. Chỉ đến khi nhìn thấy sự thật thật thì khi đó ta mới sáng lòng. Khi ta hành xử sai sự thật với cái nhìn đã là sai của ta ta sẽ để lại nhiều nuối tiếc.
Cuộc đời này qua đi quá vội, cuộc sống chạy quá nhanh để rồi ta cũng nên cẩn trọng trước những thông tin của cuộc đời. Đừng vì cái bên ngoài, đừng vì vội vàng hấp tấp, đừng vì nông nổi mà ta hành xử sai lạc theo những gì thông tin đã cho. Đừng để ta phải trả giá cho những sự thật thật đau lòng khi ta biết sự thật từ những hành động, lối sống, cái nghĩ thật của anh chị em đồng loại.
Huệ Minh