Chất “người” nơi người môn đệ

Khi ấy, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt  trên núi  cao.  Người  biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây  Môsê  và  Êlia  hiện  ra,  và  đàm đạo  với Người. Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng, thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều,  một  cho Thầy,  một  cho Môsê,  và một cho Êlia….”(Mt.17,1-9).

 

Trong hành trình loan báo, dạy dỗ chân lý Nước Trời và nhất là trọng trách thông truyền ơn Cứu Độ nhân loại mà Chúa Cha đã hứa và hoạch định từ ngàn xưa, Đức Giêsu đã chọn 12 con người, trong đó có ông Phêrô, Giacôbê và Gioan. Qua 12 con người ấy, Đức Giêsu những mong ước họ trở thành những người cộng sự đắc lực, trở thành những cánh tay nối dài…

 

Là một vị Thiên Chúa mang và mặc lấy thân phận con người nhân loại, ngoại trừ tội lỗi, Đức Giêsu biết rất rõ về tư tưởng, tính cánh và những mong ước của các môn đệ mà Ngài đã gọi và chọn.

 

Vì thế, trước khi loan báo cho các ông biết về những gì sẽ xảy đến với Ngài, và nhất là trước khi bước vào cuộc Thương Khó đầy những gian nan và thử thách, ngập tràn máu và nước mắt, Đức Giêsu đã tỏ vinh quang của Ngài ngang qua cuộc biến hình trên núi Tarbo.

 

Qua cuộc biến hình trên núi Tarbo. Trước tiên, Đức Giêsu muốn tỏ cho các môn đệ căn tính đích thực của Ngài, kế đến, Ngài những muốn kiện toàn lòng tin, tăng thêm sức mạnh và giúp cho các môn đệ có thêm nghị lực, động lực, để qua đó, giúp cho các ông vững tâm bước theo Ngài trên hành trình thi hành sứ vụ.

 

Là những con người xuất thân nơi làng chài, những con người ngày ngày “bán lưng cho trời, bán mặt cho đất” để mưu sinh; những con người thấp kém cả về tri thức lẫn địa vị xã hội; những con người khắc khoải và mong ước làm được gì đó để giúp cho mình, gia đình và dân tộc thoát ách đô hộ của ngoại bang, họ luôn trông chờ một ai đó có tâm, tầm như lời tiên báo của các ngôn sứ từ ngàn xưa, để cất bước đi theo… Đức Giêsu đã đến, mời gọi. Qua ngôn ngữ, chứng kiến những phép lạ mà Đức Giêsu đã thực hiện, các ông đã bỏ tất cả để bước theo và trở thành môn đệ của Ngài.

 

Thế nhưng, trên hành trình bước theo Đức Giêsu, còn đó chất “người” và thực”người” nơi các môn đệ. Chất ” người” ấy được tỏ lộ qua hình ảnh, ước muốn của ông Phêrô khi ông thưa với Đức Giêsu trên núi Tarbo rằng: ” Thưa Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm”. Không tốt sao được? Ở lại đây, các ông sẽ không còn phải lam lũ, không phải rày đây, mai đó; các ông không còn chứng kiến cảnh người bóc lột người, không phải gồng mình chịu những “sưu cao, thuế nặng”; không còn phải nơm nớp lo âu vì những luật và điều do các Kinh Sư và Biệt Phái đề ra… Vinh quang của Đức Giêsu khi Ngài thay hình đổi dạng, cộng với chất “người” nơi các môn đệ, đã làm cho ông Phêrô nói mà không hiểu mình nói gì!

 

Những mong thức tỉnh và giúp các môn đệ thoát đi chất “người”, Đức Giêsu đã cảnh tỉnh và Ngài lôi các ông xuống núi. Xuống núi, để cùng với Ngài tiếp tục hành trình, cùng với Ngài bước vào cuộc Thương Khó; xuống núi, để hoà nhập vào công đồng con người, nhưng không mang chất”người” đầy những toan tính vụ lợi cho bản thân, nhưng mang lấy chất yêu, dấn thân và hiến thân như Thầy Giêsu.

 

Với ta, là những người Kitô hữu, là môn đệ của Đức Giêsu, trong hành trình bước theo Ngài giữa xã hội hôm nay, ta có khác chi các môn đệ năm xưa, còn đó những chất “người”. Chất “người” đó là: Khi thi hành và thực hành sứ vụ, còn đó cái tôi, tính ích kỷ, những toan tính vụ lợi cho bản thân, gia đình… Giữa những người cùng sinh hoạt, làm việc, ta không chấp nhận lời góp ý, luôn thực hiện theo ý riêng… Là người sống đời thánh hiến, ta cảm thấy khó chịu, bất tuân và bất mãn khi ta phải xa rời nơi ở cũ theo ý của bề trên. Đây là nơi ta thích, nơi ấy nhiều kỷ niệm và đầy những thành quả do ta hoạch định và gầy dựng.

 

Thật khó để mà xuống núi, thật khó để bước theo hành trình Thương Khó của Đức Giêsu, nếu như ta không nắm chặt lấy bàn tay của Thầy Giêsu Chí Thánh, nếu như ta không xin Ngài giúp ta thoát khỏi chất”người” đầy yếu đuối và lầm lỗi; thoát khỏi chất “người” tự tôn, tự ty và ham muốn tất cả những vinh hoa, phú quý thế gian.

 

Mùa Chay Thánh và Năm Thánh Tân Hoá Phúc Âm Đời Sống Cộng Đoàn, Gia Đình, Giáo Xứ và Cộng Đoàn Sống Đời Thánh Hiến là dịp để ta nhìn lại con người thực của mình. Qua đời sống hy sinh, hãm mình, cầu nguyện và thực thi đức ái, ta xin Chúa biến đổi đời sống ta, ta xin Ngài giúp và đưa ta xuống núi. Nhờ ân sủng của Chúa, ta có thể bước theo Đức Giêsu đi trọn con đường Thập Giá, qua Thập Giá, ta sẽ được cùng Ngài hưởng trọn ánh sáng Phục Sinh.

 

Lạy Chúa, xin giúp chúng con. Amen.

 

Antôn Lương Văn Liêm.