Giám Mục Robert Barron – 07/06/2016
Tuần qua, tôi có một đặc ân lớn là thuyết trình cho các linh mục nói tiếng Anh từ khắp nơi trên thế giới đã tụ họp về Rôma để tham dự ngày đặc biệt trong Năm Lòng Thương Xót. Tôi gặp gỡ các cha đến từ Mỹ, Canada, Úc, Latvia, Ghana, Cameroon, Ireland, Nigiêria, và nhiều quốc gia khác. Trong giờ rước lễ trong Thánh Lễ theo sau bài thuyết trình của tôi, tôi thấy hàng trăm linh mục mặc áo Alba tiến đến bàn thờ để rước Chúa, và tôi nghĩ đến đoạn văn từ sách Khải Huyền nói đến đội binh mặc áo trắng dài tụ họp quanh ngai Con Chiên.
Tôi đã sử dụng câu chuyện thú vị từ chương thứ tư Tin Mừng thánh Gioan nói về cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với người phụ nữ bên bờ giếng làm nền tảng cho bài thuyết trình của tôi. Từ cuộc gặp gỡ này, tôi rút ra bốn nguyên tắc liên quan đến Lòng Chúa Thương Xót. Trước tiên, tôi cho rằng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không bao giờ ngừng nghỉ. Thông thường, những người Do Thái sùng đạo ở thế kỷ thứ nhất sẽ hết sức tránh miền Samaria, và trong trí họ, đó là một dân tộc bội giáo và ngoại lai. Tuy nhiên, khi đi từ miền Giuđê ở phía Nam đến Galilê ở phía Bắc, Chúa Giêsu vẫn đi thẳng qua Samaria. Hơn nữa, Ngài công khai trò chuyện với người phụ nữ (điều mà đàn ông không bao giờ làm) và giao thiệp với một người mà ai cũng biết là người tội lỗi. Trong toàn bộ câu chuyện, Chúa Giêsu hiện thân cho tình yêu của Thiên Chúa, vượt qua những rào cản, xem thường sự cấm kỵ, và vượt qua tất cả những ranh giới mà chúng ta dựng nên. Thomas Merton nói về vấn đề Prômêthêô trong tôn giáo, qua đó, ông có ý nói tới giả định quá cứng nhắc coi Thiên Chúa là một đối thủ xa cách, ganh tỵ và muốn bảo vệ những quyền lợi của mình. Thực ra, Thiên Chúa chân thật tràn đầy “hesed” (lòng thương xót dịu dàng) và thích nâng con người lên: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống trọn vẹn”.
Cụ thể, điều này đưa tới cách chặt chẽ đến quan điểm thứ hai, đó là Lòng Thương Xót của Chúa có tính thần hóa. Đôi khi, chúng ta có ấn tượng rằng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa chỉ phục vụ cho một mục đích đền bù hoặc chữa lành mà thôi, nó chỉ băng bó những vết thương tội lỗi và đau khổ của chúng ta. Như thế tình yêu của Chúa chữa lành rõ ràng là một tình yêu chân thật, nhưng điều này chỉ kể cho thấy một phần của câu chuyện. Chúa Giêsu xin người phụ nữ bên bờ giếng cho nước uống, bằng cách đó Ngài mời gọi chị tỏ lòng quảng đại. Khi chị ngần ngại, viện dẫn từ những điều cấm kỵ theo phong tục, Chúa Giêsu nói “nếu chị biết người đang xin chị nước uống là ai, chị sẽ hỏi người ấy, và người ấy sẽ cho chị một thứ nước hằng sống”. Tôi đã nói với các linh mục ở Rôma, đây là một cụm từ xúc tích của nguyên lý trọng tâm về vật lý tinh thần, những gì thánh Gioan Phaolô II đã gọi “luật của ân ban”. Như thánh Augustinô đã thấy, tất cả chúng ta khắc khoải Thiên Chúa, điều đói khát thực tại tuyệt đối. Nhưng, như thánh Gioan thấy, Thiên Chúa là tình yêu. Do đó, được tràn đầy Thiên Chúa là được đầy tràn tình yêu, nói cách khác, tự xóa mình đi. Giây phút chúng ta lãnh nhận một điều gì trong ơn của Thiên Chúa, chúng ta phải lấy đó là một món quà và sau đó chúng ta sẽ lãnh nhận nhiều hơn ân ban ấy. Tóm lại, hữu thể của chúng ta sẽ tăng theo mức độ mà chúng ta cho đi. Đây là “nước đem lại sự sống đời đời” mà Chúa Giêsu nói đến. Thiên Chúa không chỉ muốn chữa lành những vết thương của chúng ta; nhưng Ngài còn muốn kết hôn với chúng ta, làm cho chúng ta thành “những người tham dự vào bản tính Thiên Chúa”.
Nguyên tắc thứ ba mà tôi nhận ra Lòng Thương Xót của Thiên Chúa thì có tính đòi hỏi. Tôi đã nói với các Cha họp nhau ở Rôma rằng chúng ta có khuynh hướng hiểu việc loan truyền Lòng Chúa Thương Xót theo một kiểu lý luận phiến diện, vì vậy chúng ta càng nói về lòng thương xót thì chúng ta lại càng ít nói về đòi hỏi luân lý, và ngược lại. Nhưng đây là một kiểu lý luận kỳ lạ của Tin Mừng Kitô giáo cả hai hoặc và. Như Chasterton nhận thấy rất rõ ràng, Giáo Hội yêu “màu đỏ và trắng, luôn luôn có một lòng căm ghét màu hồng cách lành mạnh!”. Giáo Hội thích cả hai màu này được diễn tả một cách mạnh mẽ bên cạnh nhau, và Giáo Hội không ưng sự thỏa hiệp và những phương sách nữa vời. Do đó, bạn không thể phóng đại sức mạnh của Lòng Chúa Thương Xót, và bạn cũng không thể phóng đại sự đòi hỏi mà Lòng Thương Xót đó đặt trên chúng ta. Chúa Giêsu nói với người phụ nữ rằng hằng ngày chị đến giếng này và sẽ lại khát, nhưng Ngài muốn ban tặng cho chị nước sẽ làm cho chị không còn khát nữa. Vì vậy, thánh Augustinô xem giếng nước là biểu hiện những ham muốn nhục dục và sai trái, đó là cách chúng ta cố gắng thỏa mãn cơn đói sâu thẳm nhất trong tâm hồn bằng các thụ tạo, bằng sự giàu có và quyền lực, bằng thú vui và danh vọng. Nhưng kế hoạch như thế chỉ dẫn đến thất vọng và nghiện ngập, do đó nó phải được thử thách. Quả thật, Chúa Giêsu cho thấy người phụ nữ này thể hiện nỗi khao khát có được mối quan hệ mà chị đã bị nghiện và ám ảnh: khi chị nói rằng chị không có chồng, Chúa Giêsu thẳng thừng đáp lại “Vâng, chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị”. Đây không phải là một tiếng nói của một người theo chủ nghĩa tương đối nửa chừng của một người đi bán hàng rong rao hàng nào cũng tốt, nhưng chỉ có lòng thương xót giả hiệu và ân sủng rẻ tiền. Nói đúng hơn, đó là tiếng nói đòi hỏi của người biết rằng lòng thương xót tột cùng đánh thức đòi hỏi tột cùng.
Sau cùng, tôi nói cho các linh mục, Lòng Chúa Thương Xót là một lời mời gọi cho sứ vụ. Ngay sau khi người phụ nữ nhận ra rằng Chúa Giêsu là ai, và ý ngài là gì, người phụ nữ đặt vò nước xuống và chạy vào làng loan báo Chúa. Cái vò biểu tượng cho chuỗi khao khát nhục dục, việc quay trở về hằng ngày của chị đến những vật chất trần gian trong một sự cố gắng vô ích để làm dịu cơn đói thiêng liêng của chị. Thật tuyệt vời, sau khi gặp được nguồn nước hằng sống, chị có thể từ bỏ sự nghiện ngập và chính mình trở nên một phương tiện chữa lành cho người khác. Chính sự định nghĩa hay nhất về việc rao giảng Tin Mừng mà tôi đã nghe là: một người đói nói cho một người đói khác nơi để tìm thấy bánh. Tuy nhiên một cách chính xác, chúng ta sẽ không tạo được hiệu quả trong việc rao giảng Tin Mừng của chúng ta nếu chúng ta chỉ nói về Chúa Giêsu một cách trừu tượng. Những lời công bố của chúng ta sẽ đốt cháy chính theo mức độ mà Chúa Kitô đã giải thoát và biến đổi chúng ta.
Tôi xin mọi người đọc những dòng chữ này cầu nguyện cho các linh mục đã tụ họp về Rôma trong tuần vừa qua. Xin hãy cầu Chúa cho tất cả chúng ta trở nên những người mang Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
Biên dịch Chủng viện thánh Gioan XXIII