Bí tích Giao Hòa: bí tích tình yêu và tha thứ

« Chiều ngày Phục Sinh, Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ và nói : Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ » (Ga 20,22-23).
 
1. Định nghĩa và tên gọi 
 
a. Định nghĩa
 
Bí tích này được Chúa Giêsu thiết lập và ủy thác lại cho Hội Thánh thi hành để tha tội cho các tín hữu mắc phải và giúp đưa họ trở lại tình trạng hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa có được trước đây khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Do vậy, bí tích Giao Hòa thuộc nhóm bí tích chữa lành và rất cần thiết đối với các Kitô hữu trong suốt cả cuộc đời do bản chất mỏng dòn, yếu đuối và tội lỗi của con người vốn chỉ biết trông chờ vào sự rộng lượng tha thứ của Thiên Chúa, Đấng giầu lòng thương xót.
 
b. Tên gọi  
 
Bí tích này đòi buộc người lãnh nhận sự ăn năn thống hối, quyết tâm từ bỏ tội lỗi và canh tân đời sống sao cho xứng đáng với phẩm giá của mình là Con Thiên Chúa và như là viên đá sống động của Hội Thánh nên tên gọi của nó diễn tả hành trình quay trở về với Thiên Chúa, cội nguồn của Tình Yêu và tha thứ. Chúng ta được biết đến với các tên gọi như bí tích Hoán Cải, vì trong khi thi hành sứ vụ rao giảng, Đức Giêsu kêu gọi mọi người hãy hoán cải để trở về với Thiên Chúa ; bí tích Thống Hối, vì ghi nhận quá trình ăn năn đền tội và làm mới lại đời sống mình trên bình diện cá nhân cũng như bình diện Hội Thánh ; bí tích Thú Tội, vì xưng thú tội mình với linh mục là yếu tố tối cần thiết để được lãnh nhận ơn tha tội ; bí tích Tha Tội, vì linh mục nhân danh Thiên Chúa để đọc lời xá giải ; bí tích Giao Hòa, vì giúp tội nhân trực tiếp lãnh nhận ơn hòa giải với Thiên Chúa để sống trong tình trạng ân nghĩa với Ngài.
 
2. Hiệu quả và ân sủng của bí tích Giao Hòa
 
Bí tích này mang lại những hiệu quả thiêng liêng giúp tín hữu được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, nguồn mạch của mọi ân sủng và bình an. Nhờ vậy, họ được củng cố về Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến và được tiếp thêm sức mạnh để trau dồi các nhân đức nhân bản cũng như thiết lập mối quan hệ với tha nhân dựa trên chuẩn mực của bác ái.
 
Trước hết, người lãnh nhận bí tích Giao Hòa được ơn hòa giải với Thiên Chúa và được chính Ngài tha thứ tội lỗi. Họ cũng được phục hồi phẩm giá và những đặc ân làm con cái Thiên Chúa mang lại và nhất là được ơn bình an trong tâm hồn và được an ủi thiêng liêng.
 
Thứ đến, bí tích Giao Hòa giúp hối nhân tái thiết lập lại mối quan hệ của mình với Hội Thánh mà họ cũng là chi thể trong cùng một thân thể của Hội Thánh. Do tính liên đới chặt chẽ này, các thành phần chi thể có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Nếu một trong chi thể không được lành mạnh cũng làm cho các thành phần khác bị liên lụy. « Theo nghĩa này, bí tích Giao Hòa không những chữa lành hối nhân vừa được hiệp thông lại với Hội Thánh, mà còn làm cho Hội Thánh thêm sức sống sau khi đã phải đau khổ vì tội lỗi của các chi thể » (GLCG số 1469).
 
Bí tích Giao Hòa giúp tín hữu tránh được hình phạt do hậu quả của tội lỗi gây ra. Tội lỗi cắt đứt mối hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa, khước từ thực hiện thánh ý của Người trong cuộc đời mình. Đau khổ lớn nhất đối với những ai chết trong tình trạng tội lỗi là không được hưởng thánh nhan Thiên Chúa và tự chuốc cho mình hình phạt đời đời kiếp kiếp. Chính Đức Giêsu cũng cảnh báo và khuyên mọi người hãy sẵn sàng chuẩn bị cho ngày Chúa đến giống như người đầy tờ tỉnh thức để đợi chủ mình trở về trong đêm tối (x. Lc 12,35-48). Đối với Kitô hữu, sự chuẩn bị sẵn sàng này không thể tách rời việc lãnh nhận bí tích Hòa Giải một cách đều đặn.
 
Ngoài ra, bí tích Giao Hòa mang lại cho người lãnh nhận niềm vui khôn tả. Nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa qua tha thứ, các tín hữu tràn trề niềm vui và được thúc đẩy yêu Ngài nhiều hơn và yêu tha nhân như chính bản thân mình, vì chưng tình yêu chỉ có thể đáp lại bằng tình yêu. Trong những năm tháng rao giảng, Đức Giêsu đã chữa lành tâm hồn cho nhiều người. Ngài đến để tìm những con chiên lạc và cứu những ai tội lỗi. Ngài cũng hiểu được tâm trạng của những ai bị đè nặng bởi ách tội lỗi và được thứ tha khi nói rằng ai có tội nhiều mà được tha nhiều thì sẽ yêu nhiều (x. Lc 7,36-50). 
 
3. Chỗ đứng của bí tích Giao Hòa trong kế hoạch cứu độ
 
Đức Giêsu đã sinh xuống thế làm người, đã chịu khổ hình, đổ máu đào ra, chịu chết và sống lại để cứu chuộc loài người tội lỗi. Ngài luôn khắc khoải sao cho hoàn thành được « phép rửa này ». Vào phút cuối đời ở trần gian trước khi trút hơi thở cuối cùng, Đức Giêsu đã thốt ra trên thánh giá: « Đã hoàn tất » (Ga 19,30). Ngài đến để giải phóng con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Chính Ngài đã chiến thắng tội lỗi và sự chết để mở đường cho những ai tin vào Ngài bước vào cõi hằng sống và sống trong tình trạng hiệp thông với Thiên Chúa. Hơn nữa, khi rao giảng về Nước Trời, Đức Giêsu cũng nhấn mạnh đến một việc đi kèm cho tất cả mọi người để được thừa hưởng gia nghiệp ấy đó là sám hối (x. Mc 1,15). Như vậy, bí tích Giao Hòa mà Đức Giêsu đã lập và được ủy thác cho Hội Thánh thi hành có chỗ đứng vô cùng quan trọng trong toàn bộ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Nhờ đó, các Kitô hữu được sống trong tình trạng viên mãn và trở nên con người tự do đích thực để thực hiện thánh ý của Thiên Chúa một cách hăng hái.
 
4. Cử hành bí tích Giao Hòa
 
Bí tích này được cử hành dưới hai hình thức mà chúng ta thường gọi là giải tội tập thể và giải tội riêng. Vì lý do mục vụ, một linh mục không đủ thời gian để giải tội riêng cho từng giáo dân trong những dịp lễ lớn trong năm tại giáo xứ của mình thì các ngài hay áp dụng hình thức giải tội tập thể. Tuy nhiên những tội trọng thì buộc phải xưng ngay vào lần tiếp sau đó.
 
Cách cử hành bí tích Giao Hòa thông thường được diễn ra trình tự sau đây. Sau khi đã xét mình kỹ lưỡng dựa vào Kinh Mười Điều Răn, hoặc Sáu Điều Răn của Hội Thánh, hoặc các giáo huấn khác của Giáo Hội, và tỏ ra đau buồn ăn năn vì những tội đã phạm đồng thời quyết tâm xa lánh tội lỗi trong tương lai, tội nhân đến gặp cha giải tội để xưng thú các tội trọng mà mình nhớ được khi xét mình.
 
Linh mục giải tội thi hành chức vụ này với tâm hồn mục tử miệt mài tìm kiếm chiên lạc và đau yếu. Nói cách khác thừa tác viên của bí tích này là dấu chỉ và khí của Thiên Chúa để trao ban sự tha thứ và lòng thương xót của Ngài cho tội nhân. Các lời khuyên của linh mục sau khi đã nghe tội nhân xưng thú thể hiện điều này đồng thời khích lệ họ hăng hái dấn thân trên đường tập tành nhân đức, sống đúng với phẩm giá là Kitô hữu.
 
Phần tiếp theo, linh mục giải tội đọc lời xá giải nhân danh Thiên Chúa. Công thức tha tội đề cập đến lòng thương xót của Thiên Chúa và công nghiệp cứu chuộc loài người qua sự chết và phục sinh của Đức Kitô, Đấng trung gian duy nhất có thể hòa giải Thiên Chúa và nhân loại. Linh mục thi hành tác vụ này qua sự trao phó của Hội Thánh để tha tội cho hối nhân.
 
Sau cùng, linh mục giải tội đưa ra việc đền tội cho tội nhân. Những tội thuộc phạm vi công bằng gây ra cho người khác thì buộc tội nhân phải hoàn trả tương xứng, hoặc trả lại danh dự cho những người bị xúc phạm… Việc đền tội không phải là hành vi miễn cưỡng bắt buộc đề đền bù lại tội lỗi của mình, hối nhân còn được mời gọi đi xa hơn đó là khám phá và bước đi trên con đường tình yêu của Thiên Chúa. Họ phải thực sự vui mừng vì đã không bị Thiên Chúa hạch tội. Do đó, sau khi lãnh nhận bí tích này, các tín hữu cần có thái độ tích cực trong việc canh tân đời sống của mình.
 
5. Đối tượng lãnh nhận bí tích Giao Hòa      
 
Theo luật của Hội Thánh, các tín hữu đến tuổi khôn buộc phải xưng các tội trọng đã phạm một lần trong một năm. Đây là điều kiện cần thiết để lãnh nhận bí tích Thánh Thể, nguồn lương thực bồi bổ để nuôi linh hồn và giúp cho đời sống của các tín hữu được thăng hoa. Bí tích Giao Hòa cho phép người tín hữu sống mật thiết với màu nhiệp nhập thể và cứu chuộc của Đức Giêsu. Do đó, trong dịp Mùa Vọng và Mùa Chay, các giáo xứ thường tổ chức tĩnh tâm cho giáo dân. Đây là dịp thuận tiện để lãnh nhận bí tích này. Ngoài ra, các Kitô hữu Việt Nam còn có thói quen dọn mình xưng tội để mừng lễ bổn mạng của giáo xứ hay các hội đoàn mà mình tham gia. Tuy nhiên, các tín hữu cũng được khuyến khích năng lãnh nhận bí tích Giao Hòa dù chỉ mắc phải những tội nhẹ. Thói quen này sẽ giúp các Kitô hữu có được lương tâm trong sáng trước hết để xa lánh các dịp làm sa ngã phạm tội mất lòng Chúa, sau là để tập tành các nhân đức hướng tới cuộc sống mới trong Thánh Thần nhằm đáp lại lời mời gọi nên thánh của Đức Giêsu (x. Mt 5,48).
 
6. Thừa tác viên của bí tích Giao Hòa
 
Đức Giêsu đã trao cho các tông đồ năng quyền tha tội nên các giám mục, với tư cách kế vị các tông đồ, và các linh mục, người cộng tác với các giám mục, được thi hành thừa tác vụ này. Qua bí tích Truyền Chức Thánh, các giám mục và các linh mục được Thiên Chúa tuyển chọn nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi để trao ban các bí tích và đặc biệt là bí tích Giao Hòa (Sách GLCG số 1461).
 
Là thủ lãnh hữu hình trong địa hạt của mình, các giám mục với tư cách là đấng bản quyền địa phương được công nhận là « người chính thức có quyền và có chức vụ hòa giải : giám mục là người định đoạt kỷ luật bí tích thống hối ». Các linh mục được coi như cộng sự viên đắc lực của giám mục được trao ban thi hành tác vụ này qua các giám mục, các bề trên dòng, hoặc Đức Giáo Hoàng theo luật định của Hội Thánh (Sách GLCG số 1462).
 
Riêng các vạ tuyệt thông thuộc thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng, các giám mục, hay các linh mục được ủy thác mới có quyền tha tội. Trong trường hợp nguy tử bất kỳ các linh mục nào cũng có thể tha hết các tội và tha mọi vạ tuyệt thông. (Sách GLCG số 1463).
 
Thi hành bí tích Giao Hòa là công việc cao cả đến từ Thiên Chúa. Do đó, các linh mục giải tội buộc phải có thái độ tế nhị và tôn trọng đối với người xưng tội. Ấn tín tòa giải tội buộc các linh mục giải tội phải tuyệt đối giữ kín những gì biết được trong quá trình nghe các hối nhân xưng thú.

Lời kết
 
Trong mối quan hệ giữa Thiên Chúa và loài người, có hai điểm nổi bật : Thiên Chúa luôn luôn là Đấng tín trung và giàu lòng từ bi thương xót và con người với bản chất yếu đuối, tội lỗi và bất trung. Thiên Chúa đã tìm cách xóa đi khoảng cách biệt ấy để kết thân với loài người. Sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho con người không hề có giới hạn. Ngài sẵn sàng dang tay đón nhận những ai lầm đường lạc lối ăn năn thống hối quyết tâm trở về. Với tư cách là tội nhân luôn được Chúa tha thứ và yêu thương, người tín hữu được mời gọi ca ngợi tình thương của Thiên Chúa và phản chiếu lại lòng nhân từ của Chúa cho anh chị em của mình. Tác giả Thánh Vịnh cho chúng ta những tâm tình chân thành để sống một cách tràn đầy bí tích Giao Hòa :
 
« Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ,
người có tội mà được khoan dung.

Hạnh phúc thay, người CHÚA không hạch tội,
và lòng trí chẳng chút gian tà.

Bao lâu con lặng thinh không thú lỗi,
thì gân cốt rã rời, cả ngày con gào thét.

Vì ngày đêm con bị tay Ngài đè nặng,
nên sức lực hao mòn, như bị nắng mùa hè thiêu đốt.

Bởi thế, con đã xưng tội ra với Ngài,
chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con.

Con tự nhủ : “Nào ta đi thú tội với Chúa,”
và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con » (Tv 32, 1-5).

Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng

– See more at: http://gpbuichu.org/news/Giao-Ly-Duc-tin/Bi-tich-Giao-Hoa-bi-tich-tinh-yeu-va-tha-thu-735.html#sthash.ZWOmY0fW.dpuf